Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Có quá rẻ – Cái giá của sự đánh đổi?


Có quá rẻ – Cái giá của sự đánh đổi?

29-1-2018
Như một người Việt Nam có lương tri – tôi không bao giờ tán thành việc sử dụng các sự kiện có tính chất lịch sử hoặc có ý nghĩa tâm lý đối với xã hội, hoặc tên tuổi những người anh hùng, để quảng bá cho thương hiệu của cá nhân hoặc công ty nào đó. Chỉ riêng cái việc họ bỏ tiền giúp đỡ, tài trợ…, là đủ để xã hội và người được giúp đỡ ghi nhận rồi. Nhưng nếu cố dấn lên để bắt người nhận phải cầm bảng hiệu tên công ty toe toét chụp ảnh đưa lên báo chí – sẽ biến sự kiện tài trợ thành sự đánh đổi thô bạo, hoặc đúng hơn là sự cưỡng duyên một cách lố bịch.
Một hãng hàng không tài trợ chuyến bay đưa các cầu thủ về sau khi làm nên những kỳ tích bóng đá vẻ vang cho nước nhà, nên được nhìn nhận kỹ về các khía cạnh:
1. Nếu đoàn chưa có vé và thiếu tiền mua vé: thì đó là hành động cần thiết và đúng lúc. Nhưng vì đoàn đã có vé, đã cam kết dịch vụ trên một hãng khác, với kế hoạch chặng về đã có trước đến hàng tháng – thì theo quan điểm cá nhân tôi – đó là hành động “chơi xấu” mà giới kinh doanh tử tế, có đạo đức ít khi dám làm. Anh ỉ anh có tiền hoặc có quan hệ dựa trên tiền, chơi tay trên, giật hợp đồng để dùng đó làm phương tiện PR cho công ty – khi nhìn sâu vào bản chất là gì chắc ai cũng hiểu, tôi khỏi cần nói ra thêm.
2. Là dân hàng không cũ, tôi hiểu giá cả của một chuyến bay. Thời tôi còn làm việc, giá thuê khô một giờ bay quãng hơn 2,000 USD (nếu tôi nhớ không nhầm về con số chi tiết). Thuê khô, nghĩa là chỉ thuê máy bay, chưa có tổ lái, tiếp viên và nguyên liệu. Nhưng vì các hãng hàng không hay có xu hướng thừa máy bay, kiểu gì chẳng “xô dịch” lịch bay để bố trí được thêm một chuyến bay mới nếu được báo trước trong chỉ vài giờ? Vì vậy, một chuyến bay có thể là lớn đối với dân ngoài ngành. Chứ với dân trong ngành thì thực sự là “của nhà trồng được”, nghĩa là nếu anh bố trí thêm một chuyến bay với mục đích gì đó, thì cái máy bay lù lù ra đó rồi, anh chỉ phải chịu thêm chi phí nhiên liệu, phi công, tiếp viên, suất ăn, tiền hạ cất cánh và bay qua nơi nào đó (nếu có). Công ty nào chi tiết hơn thì bổ cho mấy giờ bay đó một ít chi phí khấu hao tiền mua hoặc thuê máy bay (vì nếu là máy bay thuê theo tháng, đằng nào anh cũng phải trả cho vài trăm giờ bay là ít nhất, bay thiếu giờ anh vẫn phải trả đủ). Điều này dẫn đến ý thứ 3 dưới đây của tôi:
3. Chắc ai đó ở liên đoàn bóng đá, khi đi mặc cả cho việc đánh đổi để người ta “được quyền” ăn theo tên tuổi đang được cả gần 100 triệu người dân ngưỡng mộ – chắc chắn phải hiểu rõ cái lợi thế của mình để mặc cả sao cho có lợi nhất cho các cầu thủ, cũng như liên đoàn. Bóng đá Việt Nam hay thế giới, là cái nghề sống cực kỳ nhiều bằng việc tài trợ, đánh đổi hình ảnh cho các công ty quảng cáo. Nhiều hãng hàng không mua đứt quyền quảng cáo cho một CLB bóng đá, và “độc chiếm” luôn màu cờ sắc áo của CLB đó. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là:
3.1. Ai, vị nào ở liên đoàn bóng đá đem tên tuổi của U23 ra đánh đổi với cái giá “rẻ mạt” là chỉ một chuyến bay? Nếu tôi là người thay mặt đội tuyển đi đàm phán: thì để được quyền chở các cầu thủ về, muốn tôi “lật cờ” để trả vé cho hãng khác, tôi phải đòi được cho đội tuyển ít nhất dăm bảy triệu USD là cái chắc. Ai có đầu óc tính toán một chút sẽ ra ngay được con tính trước mắt và con tính lâu dài của pha “tài trợ” ngoạn mục với cái giá quá bèo này:
– Được toàn thể các công cụ báo chí, truyền hình, mạng xã hội chia sẻ ảnh, nói đến trong hàng tuần, anh cần bỏ bao nhiêu tiền trả cho quảng cáo nhỉ? Vài triệu USD có đủ không? Chưa kể là quảng cáo thì chẳng ai xem mấy, còn lần này anh có đủ hơn 90 triệu đôi mắt dán lên màn hình TV hoặc điện thoại thông minh hàng giờ, hàng ngày.
– Về lâu dài: anh được có quan hệ với liên đoàn bóng đá, anh có”cái cớ” để kể công là đã tài trợ, cái cơ hội liên đoàn sẽ chọn hãng của anh khi các cầu thủ cần phải di chuyển là rất lớn. Mà chuyến bay chở các cầu thủ nổi tiếng tiếp thoe lại là những cơ hội PR lớn trong tương lai.
– Liên đoàn phải được quyền đặt ra các yêu cầu đặc biệt về dịch vụ, cũng như quy định về việc hãng đó được sử dụng những hình ảnh gì để quảng bá tên tuổi. Cái việc định biến U23 thành các playboy cùng “gái” trên máy bay phải bị cấm đầu tiên. Cái gì sẽ diễn ra nếu các “gái” này dụ được cầu thủ nào đó dại dột có hành động không hay, thì tên tuổi đội tuyển sẽ ra sao?

Công văn xin huỷ vé của Vietnam Airlines từ (Thường Châu – Hà Nội) để nhận tài trợ của Vietjet. Ảnh: internet

4. Vì vậy: tôi đề nghị làm rõ xem có gì mập mờ đứng phía sau cái hợp đồng tài trợ này không? Liên đoàn bóng đá có làm việc trước với hãng đã chuyên chở chặng đi, để đặt ra yêu cầu cho nguyên chuyến về thay vì đi chuyến bay thường lệ, để đạt được điều tương tự, trước khi nhảy vào một cái hợp đồng tài trợ mà theo tôi là chẳng lợi lộc gì cho phía được hưởng tài trợ là liên đoàn bóng đá và các cầu thủ, mà chỉ có lợi cho phía nhà tài trợ mà thôi? Có ai đút túi bất cứ khoản tiền riêng nào từ nhà tài trợ hay không?
5. Về cái màn “biểu diễn giá rẻ” trên máy bay, tôi không thèm xem và không thèm có ý kiến, vì trên mạng mọi người nói đến quá nhiều rồi. So với các màn biểu diễn ở cái xứ sở du lịch “sex” nổi tiếng là Thái lan, thì quả thật nó rẻ hơn theo chiều hướng “mạt hạng”, xem thấy lợm cổ họng, chỉ sợ nôn không kịp nén thì hỏng mất cái mobile đang cầm trên tay.
6. Điều làm tôi lo sợ đến ớn lạnh, là nếu những màn này không bị chặn ngay, cái hãng kia được mua quyền quảng cáo độc quyền của thương hiệu U23, thì họ sẽ biến các chàng trai U 23 thành playboy để quảng cáo “sex” mất. Muốn vậy, trước tiên nhà nước phải thay đổi ngay chính sách thu hút du lịch, bắt chước Thái lan mấy chục năm trước – để thu hút khách đến Việt nam vì sex, chứ không phải vì tour. Cũng phải cấp tập mà cấp giấy phép cho nhiều công ty mở ngay vài cái phố đèn đỏ để kinh doanh cho kịp thời đại. Khiếp quá thôi. Họ còn dám biểu diễn sex trên một chuyến bay gọi là “chuyên cơ” để đón cầu thủ – những người đã đem lại niềm tự hào cho toàn dân trong mấy tuần qua, là sự kết nối trái tim và khối óc của hàng trăm triệu con người Việt nam và châu Á. Vậy thì chắc họ đâu có ngại ngần để đem màn sex biểu diễn ở phố đèn đỏ?
7. Phải làm rõ, làm THẬT RÕ trách nhiệm cá nhân của những người có liên quan trong vụ này, để nếu không đưa được ra tòa án về tội tham nhũng, thì cũng để dân ta được đưa họ ra tòa án lương tâm, xử họ cái tội “quảng bá và tuyên truyền văn hóa đồi trụy” trong một sự kiện lịch sử, và lan truyền một cách công khai, để sau này đừng ai, không công ty nào còn dám vì quyền lợi thiển cận, mà đạp lên mọi giá trị đạo đức dân tộc.
Thêm vài lời khuyên cho hãng tài trợ: nếu tôi là người tổ chức chuyến bay, thì cái cơ hội ngàn vàng để PR tên tuổi công ty sẽ là: tiếp viên với áo dài đỏ và sao vàng trên ngực. Một bữa ăn ngon mang đậm tính dân tộc ngay lập tức sau khi máy bay ổn định độ cao. Một không khí yên lặng với nhạc ru con hoặc nhạc nhẹ ngay sau bữa ăn để các cầu thủ nghỉ ngơi. Cấm ai được xông ra đòi chụp ảnh với các cầu thủ để PR tên tuổi cá nhân, kể cả các tiếp viên phục vụ. Các cô tiếp viên đi lại chăm sóc cầu thủ, đắp lại cái chăn bị lệch, kê lại cái gối bị xô nghiêng – những cánh én đưa các cầu thủ về với mùa xuân đất mẹ. Chẳng ai cấm việc hãng đó thuê người quay phim chụp ảnh chuyên nghiệp để quay những cảnh đó, rồi phát ngay lập tức khi máy bay vừa hạ cánh. Đó là hình ảnh, những hình ảnh đẹp sẽ mãi mãi đi vào lòng người, và những hình ảnh đẹp sẽ khiến mọi người quên đi rằng đang được họ đưa vào một chiến dịch PR quảng bá hình ảnh.
Tôi không copy bất cứ cái ảnh nào cả, vì không muốn sau này bị phán xử là đồng lõa trong việc quảng bá văn hóa sex. Tôi muốn có trong tay cái hợp đồng tài trợ được LĐBĐ ký với hãng tài trợ, nhưng tìm mãi trên mạng mà không có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.