American War trong The Vietnam War
bauxitevnMon 8:17 PM
Tối Chủ nhật Mỹ, tức là 8 giờ sáng thứ Hai, 18-9-2017, PBS sẽ khởi chiếu bộ phim tài liệu 10 tập “The Vietnam War”. Tôi không thể viết về bộ phim này hay như Lê Hồng Lâm, Mạnh Kim, Nguyễn Quang Lập... và đặc biệt là Hồng Ánh. Với tư cách là người Việt Nam đầu tiên được coi trọn bộ 10 tập, bản nháp, và sau khi coi lại vài lần bản hoàn chỉnh, tôi chỉ xin “gạch vài đầu dòng” nhận xét cá nhân.
Năm 1983, qua màn hình 17 inch, đen trắng, của trường sỹ quan Hóa Học, chúng tôi được coi bộ phim “Vietnam: A Television History”. Có thể nói, những thước phim tư liệu lúc đó đã ám ảnh những người lính sắp đeo quân hàm trung úy và sắp được gửi đi chiến trường Campuchia hoặc Biên giới phía Bắc (dù phần lớn trong chúng tôi đã trải nghiệm hai chiến trường đó trước khi về trường).
So với “Vietnam: A Television History”, “The Vietnam War” của Ken Burns & Lynn Novick “bạo lực” hơn rất nhiều. Không chỉ vì tài năng của các đạo diễn, độ lùi gần 40 năm với công cuộc 10 năm lùng sục các kho lưu trữ trên thế giới và khả năng “tiêu hóa” một khối lượng tư liệu khổng lồ, đã giúp “The Vietnam War” đóng một cột mốc, trước cũng như sau này, khó có ai chinh phục.
Tháng 10-2014, khi lần đầu tiên coi 10 tập của bộ phim tại “tổng hành dinh” của Burns ở Wapole, New Hampshire, tôi nói ngắn gọn với ông, “Extremely powerful”. Giờ đây, The Hollywood Reporter còn sử dụng nhiều tính từ hơn khi chạy tít: “Ken Burns and Lynn Novick's latest PBS opus is exhausting, powerful, brutal, emotional and occasionally infuriating”(Hào hùng, bi tráng, vắt kiệt từng cung bậc cảm xúc của người xem qua các phân cảnh tàn bạo đến trần trụi, khốc liệt đến phẫn nộ).
Bộ phim, theo tôi, đã cáo buộc gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao (các quân nhân) Hà Nội và coi thường (lãnh đạo) Việt Nam Cộng hòa, nhưng sẽ không làm cho bên nào hài lòng: Washington có thể sẽ không để ý; các cựu quân nhân VNCH có thể có người phẫn nộ; báo Nhà nước có thể sẽ có bài phản bác, bảo vệ “tính chính nghĩa” của cuộc chiến.
Cho dù phim đã dẫn những phát biểu khá cảm tính để đánh giá cuộc chiến - “Cuộc tổng tuyển cử (theo Hiệp định Geneva) mà ai cũng biết là Hồ Chí Minh sẽ thắng”; “Nếu Mỹ không sang thì chúng tôi vô Sài Gòn từ 1965 rồi...”, và cho hẳn một cựu binh Mỹ nói, “Chúng ta chọn nhầm đồng minh, tôi sẽ rất tự hào nếu được chiến đấu với những người lính Bắc Việt” - tôi nghĩ, Hà Nội vẫn sẽ không muốn phổ biến bộ phim này.
Không chỉ những người đang cầm quyền, phần lớn những ai “lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” từ cả Bắc lẫn Nam (sau 1975) đều không dễ tiếp nhận các thông tin khác với những gì họ được dạy để định danh cuộc chiến.
Không phải ai cũng từng nghe nói, khi nửa triệu quân Mỹ tới miền Nam, có lúc, 320 nghìn quân Trung Cộng cũng đã có mặt trên miền Bắc. Không phải ai cũng sẵn sàng làm quen với sự thật về cuộc thảm sát ở Huế hay những chiến dịch hy sinh hàng vạn quân nhân và thường dân; Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận những bằng chứng cho thấy, bom B52 Giáng sinh 1972 đã buộc Lê Đức Thọ quay trở lại bàn đàm phán, ký vào những thỏa thuận chủ yếu đã có từ tháng 10-1972, chứ không phải “Điện Biên Phủ trên không” đã “buộc Mỹ ký Hiệp định Paris” như từng được nói (Bom B52 Giáng sinh 1972 đã cướp hơn 1.600 sinh mạng người dân chủ yếu là người dân Hà Nội).
Người Mỹ xuất hiện trong phim nói hay hơn người Việt Nam. Nhưng tôi rất ấn tượng với đóng góp của Bảo Ninh. Anh nói ít nhưng ý nghĩa. Theo Bảo Ninh, “Chỉ có những người không thật sự đánh nhau mới bàn chuyện ai thắng, ai thua; không thắng thua gì ở đây, chỉ có tan nát”. Đau đớn lắm khi nhìn thấy xác người Việt chồng lên người Việt và cay đắng lắm, năm 1965, khi tướng Westmoreland nói, “Tỷ lệ chết giữa lính Mỹ và VC là 1-10”, thượng nghị sỹ Ernest Hollings trả lời, “Chỉ con số 1 (lính Mỹ) là đáng nói, dân Mỹ không quan tâm con số 10 (Việt Cộng)”.
Nước Mỹ đếm từng xác lính của họ; người Việt Nam không bao giờ biết chính xác có bao nhiêu đồng bào mình đã chết bởi chiến tranh.
Sự thật thường là một khối đa diện, không ai có khả năng tiếp xúc với mọi tiết diện; trong bộ phim này, Ken Burns & Lynn Novick đã tiếp cận được nhiều tiết diện nhất. Chính điều đó sẽ làm cho ai vẫn khăng khăng với “single truth”(sự thật của mình) khó chịu.
Cho dù, các nhà sản xuất đã chi rất nhiều tiền để làm phụ đề tiếng Việt, Ken & Lynn thừa nhận với tôi rằng, công chúng Mỹ vẫn là quan trọng nhất. Các đạo diễn đã cố ý trung lập hóa các ý kiến khi gần như để tất cả người Việt chỉ xuất hiện trong phim với tư cách “North hay South Vietnam” chứ không phải là nhà văn, nhà báo, thiếu tướng hay trung tướng... [các nhân vật quan trọng khác trong cuộc chiến đều không được phỏng vấn, kể cả Kissinger].
Khi xem xong lần đầu bộ phim này, tôi nói với hai đạo diễn và nhóm “10 advisors” cho phim, “Đây vẫn là American War, hãy còn ‘một cuộc chiến khác’ chưa nói hết; Ken Burns và Lynn Novick đã đào xới tới tận cùng các nguyên nhân trong lòng nước Mỹ (dẫn đến cuộc chiến và thất bại) nhưng vẫn chỉ mới nêu được bề mặt từ phía Việt Nam, đặc biệt là từ phía Việt Nam cộng sản; hãy còn cơ hội cho một bộ phim khác, thực sự là Vietnam War”.
Ken Burns & Lynn Novick đã chỉ ra những tội ác và sai lầm của người Mỹ đặc biệt là sai lầm của chính phủ. Bao giờ người Việt Nam mới thẳng thắn mổ xẻ những bài học của mình, những bài học trả phí bằng hàng triệu người dân vô tội.
PS: Phim sẽ chính thức được phát sóng trên hệ thống truyền hình công PBS khắp nước Mỹ vào tối Chủ nhật, tức là lúc 7 giờ sáng thứ Hai ngày 18-9-2017 (giờ Việt Nam) và được truyền trực tuyến trên website của PBS tại địa chỉ pbs.org/vietnamwar. Phim có phụ đề tiếng Việt dành cho khán giả Việt Nam.
T.H.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.