Tập đoàn TKV và những việc nói dối để tiêu tiền dân – Làm thuê hay là làm con ngựa thành Troie cho Trung Quốc?
bauxitevn8:16 AM
Từ tháng 5-2009, mấy anh em chúng tôi, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng, được hàng nghìn trí thức và dân chúng sát cánh, đã lên tiếng kiến nghị đình chỉ ngay dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.
Nhưng chúng tôi đã bị một sức cản ghê gớm từ kẻ cầm quyền tối cao là ĐCS, vì không may, ông Nông Đức Mạnh Tổng bí thư Đảng thuở ấy đã trót tự tiện ký với hai lão nhà thầu xảo quyệt Tàu Cộng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào bắt phải khai thác bauxite bằng mọi giá, cốt làm cho đất nước này vừa rơi vào vòng xoáy triền miên thua lỗ, vừa tan nát về môi trường, vừa đứng trước những nguy cơ khó lường về an ninh…
Và… kẻ đứng ra làm lá chắn cho cái lực cản vô minh kia chính là Tập đoàn TKV, với một viên Chủ tịch tân cử là Lê Dương Quang, được ông nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thuở ấy ngấm ngầm ủng hộ, đã ra giữa hội trường QH, giở giọng mồm loa mép giải vu khống trí thức đủ mọi điều, coi tiếng nói phản biện chân chính của trí thức là “giọng lưỡi thù địch”, khiến y bị khắp nơi phản ứng, nhiếc móc, chỉ đích danh là tên lính xung kích cho một âm mưu nguy hiểm.
Thế nhưng, mặc cho bao nhiêu lời cảnh báo nghiêm túc, kể cả 3 lá thư tâm huyết của ông Võ Nguyên Giáp, bọn họ cứ moi được tiền công quỹ đổ ra phá nát đất rừng Tây Nguyên, dựng lên 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ.
Từ đó đến nay, kể đã 8 năm. Quyết định theo đuôi Tàu Cộng của Đảng CS là đúng, hay nỗi lo về hậu quả của một việc làm phiêu lưu mắc bẫy kẻ thù phương Bắc của những người năm bảy phen cấp báo bằng kiến nghị (và đã phải gánh chịu không ít hệ lụy vì sự tiên báo của mình) là đúng? Hành động “thực hiện nghị quyết Trung ương” bằng mọi giá của Tập đoàn TKV là một hành vi sáng suốt đầy tính đảng, hay đó là một việc làm ngu muội, “làm đầy tớ không công” cho Tàu, hoặc giả còn hơn thế nữa, làm một trong những “con ngựa thành Troie” đưa đất nước xuống vực, và giờ đây vẫn đang tiếp tục giở trò lừa bịp bằng những lời nói dối leo lẻo để xoay thêm tiền ném vào cái miệng không đáy của những nhà máy thua lỗ hàng nghìn tỷ đã trót dựng lên ở Tân Rai và Nhân Cơ?
Tiếc rằng Lê Dương Quang đã lủi mất tăm. Thôi thì xin mời bà con hãy nghe tiếng nói của hai nhà kỹ thuật vốn xuất thân từ trong ngành – TS Nguyễn Thành Sơn và TS Nguyễn Văn Ban – lên tiếng về việc làm của cái tập đoàn đã nổi danh là chơi trò bịt mắt bắt dê kia. Là những người trong cuộc, hiểu thấu ngọn ngành công việc chuyên môn cũng như thấm thía cái giá phải trả ghê gớm như thế nào cho những sai lầm lú lẫn, hẳn không phải vì muốn lấy lòng ai đó mà hai ông nói ra những lời nghe qua cũng biết là gan ruột.
Nguyễn Huệ Chi
|
1. TS Nguyễn Thành Sơn: TKV muốn mở rộng nhà máy nhôm Lâm Đồng – Rất vô lý
Hoài An
(Doanh nghiệp) - Tôi tin ai cũng muốn biết TKV có phép thuật gì để năm trước lỗ 3.700 tỷ nhưng năm sau đã báo lãi tới 50 tỷ?
Trước kiến nghị muốn mở rộng, đầu tư sâu vào Nhà máy Nhôm thuộc Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng của TKV, TS Nguyễn Thành Sơn – nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đề nghị TKV nói rõ lý do.
TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định không thể đồng thuận với đề xuất của TKV
"Thứ nhất, tôi đề nghị TKV phải giải thích rõ lý do xin được đề xuất mở rộng, đầu thư thêm vào nhà máy này là gì?
Lý do xin mở rộng nhà máy chỉ có thể giải thích là họ đang làm ăn có lãi, vậy lại phải làm rõ số lãi TKV báo cáo thực chất như thế nào? Có đáng tin tưởng hay không?
Tôi xin nói rõ, đây là dự án chạy thử nghiệm, về nguyên tắc bắt buộc phải có báo cáo, đánh giá rất cẩn thận về mặt hiệu quả kinh tế. Theo nguyên tắc này, TKV phải công bố, công khai các báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của dự án trong suốt 4 năm hoạt động thử nghiệm.
Việc triển khai đồng loạt cả hai dự án nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đã là rất nóng vội rồi, bây giờ chưa có được đánh giá toàn diện đã lại xin mở rộng, đầu tư thêm là không ổn", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, phải làm rõ những vấn đề trên để tránh tình trạng "xin dự án ăn chia". Hơn nữa, càng minh bạch, công khai càng chứng minh sự đàng hoàng, minh bạch của TKV.
"Tôi tin ai cũng muốn biết TKV có phép thuật gì để năm trước lỗ 3.700 tỷ nhưng năm sau đã báo lãi tới 50 tỷ?
Tôi từng nghe có chuyện lập doanh nghiệp trung gian đứng ra mua đi bán lại các sản phẩm trong từng khâu sản xuất của nhà máy. Báo cáo lãi cũng chính là kết quả hoạt động của doanh nghiệp trung gian đó chứ không phải lãi của toàn dự án.
TKV có làm như vậy không? Nếu tách riêng một khâu rồi lấy thành quả của khâu đó để báo cáo cho toàn dự án thì không thể nói là khách quan được", ông Sơn nói thẳng.
Như làm thuê cho Trung Quốc?
Vấn đề thứ hai, TS Nguyễn Thành Sơn đặt ra có liên quan tới việc chỉ định nhà thầu Trung Quốc làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt hơn, việc dự án có liên quan tới yếu tố Trung Quốc khiến cho sản phẩm alumin của TKV càng thêm rủi ro.
"Tôi chỉ nói đơn giản thế này, TKV không có quyền quyết định giá bán sản phẩm, vì phải phụ thuộc vào giá alumi thế giới, trong đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: giá năng lượng, giá dầu, giá khí và phụ thuộc vào thị trường alumin đã được hình thành.
Nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới chỉ khoảng 50-60 triệu tấn/năm. Với máy móc, công nghệ lạc hậu, công suất kém, alumin Tân Rai rất khó cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng cũng như cơ hội chen chân được vào thị trường alumin thế giới.
Hiện nay gần như 100% alumi TKV sản xuất ra đều được bán sang thị trường Trung Quốc. Một số ít nói là xuất khẩu sang một số nước như Thụy Sĩ, đó cũng chỉ là những công ty thương mại của Thụy Sĩ, mà điểm cuối của các công ty thương mại này vẫn là thị trường Trung Quốc.
Như vậy cũng có nghĩa, sản phẩm alumin của TKV đang bị phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, phụ thuộc cả giá cả và sản lượng. Hay nói rõ hơn là, TKV chỉ giống như người đi làm thuê cho Trung Quốc", ông Sơn phân tích.
Với những lý do trên, TS Nguyễn Thành Sơn thẳng thắn nói rằng, đề xuất của TKV là khó có thể chấp nhận được.
Ông Sơn nhấn mạnh thêm, công nghệ TKV đang sử dụng rất lạc hậu, hiệu quả thấp. Tất cả những yếu tố trên khiến cho bauxite Tân Rai đi vào hoạt động chỉ trong 3 năm đã phải chịu lãi ròng, lên tới 3.696 tỷ đồng. Nếu tính toán đầy đủ, số lỗ trên có thể còn cao hơn nữa". Do đó, TS Nguyễn Thành Sơn tái khẳng định: "Không có lý do gì để đầu tư, mở rộng thêm dự án này", ông Sơn nhấn mạnh.
H.A.
Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tkv-muon-mo-rong-nha-may-nhom-lam-dong-rat-vo-ly-3343733/
2. TS Nguyễn Văn Ban: TKV muốn mở rộng nhôm Lâm Đồng – Không thể tin nổi
Hoài An
(Doanh nghiệp) - Tôi rất quan ngại vì dự án này có quá nhiều rủi ro. Giờ liên tục thua lỗ, TKV còn muốn mở rộng làm gì?
TS Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban bôxít - nhôm Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) lo ngại trước kiến nghị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Hình ảnh tại Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng
Theo kiến nghị của tập đoàn này, họ muốn mở rộng, đầu tư sâu vào Nhà máy Nhôm thuộc Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng để nhà máy "xứng tầm thế giới".
Về kiến nghị trên, trước tiên ông Ban muốn TKV làm rõ ý đồ của mình khi đưa ra đề xuất trên. "Cụ thể ở đây là TKV muốn mở rộng nhà máy điện phân nhôm hay TKV muốn mở rộng quy mô hoạt động của nhà máy alumin Tân Rai. Vì hiện nay Lâm Đồng chưa có nhà máy nhôm", ông Ban đề nghị.
Phân tích cụ thể hơn, vị TS cho rằng trước khi khẳng định nên hay không nên ủng hộ đề xuất của TKV thì cần phải có nhìn nhận và đánh giá toàn diện về nhà máy này.
Theo kết quả của đoàn thanh tra Bộ Tài chính trước đó, tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, bauxite Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).
Dù đang trong tình trạng lỗ nặng như vậy nhưng thật bất ngờ đầu năm 2017, báo cáo của TKV về dự án Nhà máy alumin Tân Rai, lại cho biết trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Nhà máy đã ước đạt trên 60 tỷ đồng.
TS Nguyễn Văn Ban thẳng thắn, một nhà máy bị chậm mất 4 năm, được điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỷ đồng (tương đương 805 triệu USD), gần gấp 2 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu.
Đặc biệt, nhà máy ở rất xa, chi phí vận chuyển và các yếu tố khác rất đắt nên rủi ro càng cao, chỉ nói tới khả năng tránh lỗ cũng đã rất khó.
"Với số lỗ như thế, điều kiện sản xuất khó khăn như vậy mà năm trước báo lỗ, năm sau đã báo lãi cả mấy chục tỷ quả là "siêu phàm", không thể tin tưởng được.
Tôi cho rằng cần thận trọng trước các con số mà TKV đưa ra bởi đã nhiều lần họ đưa ra các con số khác nhau. Chỉ tính riêng việc cắt được lỗ cho nhà máy này, duy trì hoạt động để có tiền trả nợ lỗ của mấy năm trước cũng đã rất khó khăn rồi.
Lưu ý rằng trước đó TKV đánh giá bauxite Tân Rai hiệu quả thế nào nhưng khi Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc thì mới biết 3 năm Tân Rai đã lỗ tới gần 3.700 tỷ đồng.
Chưa nói tới hiệu quả về tài chính, tức tiền để nuôi bộ máy, tiền chi phí cho bảo vệ môi trường... nếu tính toán đầy đủ thì chỉ riêng số tiền lỗ của 3 năm ấy cũng không biết bao năm mới bù lại được?".
TS Ban nói thẳng: "Một dự án đang lỗ bê bết như thế mà lại tính mở rộng tiếp thì TKV định mở rộng thế nào? Nhà máy sẽ hoạt động ra sao? Cần phải có một hội động chuyên môn đánh giá toàn diện, khách quan đối với dự án này, không thể tin tưởng TKV được".
Không có cửa chen chân vào thị trường thế giới
Một vấn đề nữa theo vị chuyên gia, nếu đặt đề xuất của TKV trong tương quan bối cảnh nguồn cung trên thế giới về alumin đã được an bài, khoảng 50-60 triệu tấn/năm. Các hộ tiêu thụ alumin cũng đã gắn với các nguồn cung đó, TKV có muốn chen chân vào thị trường alumin thế giới cũng khó làm được.
TS Nguyễn Văn Ban cho rằng, sự thật thì khó nghe nhưng với cơ sở sản xuất của TKV hiện nay rất khó để tạo ra được sản phẩm chất lượng tốt mà giá thành lại cạnh tranh.
"Tân Rai đang sử dụng nhiều công nghệ Trung Quốc, vừa lạc hậu, vận hành lại không đạt được hết công suất thiết kế trong khi đó tiêu hao điện, nước, kiềm, năng lượng thì quá lớn. Cộng thêm những chi phí vẩn chuyển không thuận lợi, tất cả những yếu tố trên đã tác động rất lớn tới chi phí sản xuất, làm đội giá thành sản phẩm.
Nếu bán rẻ, Tân Rai sẽ tiếp tục lỗ, nhưng để cứu lỗ cho nhà máy mà nâng giá bán sẽ không thể cạnh tranh được. Quá nhiều rủi ro", TS Ban nói.
Nguyên trưởng ban bôxít - nhôm Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam cho rằng, những tồn tại nêu trên chắc chắn ai cũng nhìn thấy vì vậy, đề xuất của TKV chỉ là đề xuất một phía, không dễ dàng ủng hộ được.
"Tôi cho rằng vẫn nên thận trọng với những dự án TKV đề xuất, không thể dễ dàng tin tưởng vào đề xuất của doanh nghiệp được.
Rất nhiều dự án được vẽ ra thì đẹp, thì hiệu quả nhưng khi đi vào hoạt động mới bộc lộ yếu kém, thua lỗ, hiệu quả không có. Do đó, cần phải thành lập hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá lại toàn diện cả về mặt kinh tế, xã hội cũng như những tác động tới môi trường về dự án, trước khi bàn tiếp có cho phép mở rộng hay không", ông Ban nhắc lại.
H.A.
Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tkv-muon-mo-rong-nhom-lam-dong-khong-the-tin-noi-3343517/
Tham khảo thêm:
1. TKV đề xuất đầu tư sâu nhà máy Nhôm Lâm Đồng để 'xứng tầm thế giới' (http://www.baomoi.com/tkv-de-xuat-dau-tu-sau-nha-may-nhom-lam-dong-de-xung-tam-the-gioi/c/23331005.epi)
2. Hai dự án bauxite lỗ, đội giá: Thử nghiệm là...làm thật?(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/hai-du-an-bauxite-lo-doi-gia-thu-nghiem-lalam-that-3331174/)
3. Sau ba năm lỗ, dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng báo lãi 50 tỉ (http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/sau-ba-nam-lo-du-an-bauxite-nhom-lam-dong-bao-lai-50-ti-65404.html)
4. Bauxit - Nhôm Lâm Đồng báo lãi sau 3 năm lỗ liên tiếp (http://bizlive.vn/doanh-nghiep/bauxit-nhom-lam-dong-bao-lai-sau-3-nam-lo-lien-tiep-2882676.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.