Mạn đàm về Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long
bauxitevn7:58 AM
Tô Văn Trường
Thông tin Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (26 - 27-9-2017 tại Cần Thơ) được nhiều nhà quản lí, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực và người dân quan tâm vì thể hiện tầm nhìn xa và hành động của Chính phủ đối với mảnh đất phương Nam nhiều tiềm năng và thách thức trên con đường phát triển.
Chúng ta đều rõ ĐBSCL là cuối nguồn của lưu vực sông Mekong trải dài trên lãnh thổ của 6 quốc gia, đổ ra biển tạo thành một vùng châu thổ trù phú là nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Qua nhiều ngàn năm bồi đắp của con sông với những mùa nước nổi, nước kiệt, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa, nguồn lợi rất lớn về tôm, cá, với các miệt vườn hoa quả nhiệt đới cung cấp sinh kế không chỉ cho người dân địa phương mà cả trên khắp Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Đã từ bao đời nay, toàn bộ sinh kế và các hoạt động đời sống xã hội không chỉ của người dân ĐBSCL Việt Nam, mà còn của các cộng đồng ven sông trong lưu vực sông Mekong quốc tế tại Campuchia, Lào, Thái Lan đều dựa trên dòng nước Mekong do thiên nhiên ban tặng (chưa kể 2 nước thượng nguồn nằm ngoài Ủy hội sông Mekong (MRC) là Trung Quốc và Myanmar).
Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt liên quan việc khai thác, sử dụng của con người đối nguồn tài nguyên nước đang dẫn tới những biến đổi và tác động chưa thể lường trước hết đối với dòng sông Mekong và khả năng duy trì sinh kế, phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư dọc theo mạch sống của con sông quốc tế này. Thực tế này đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong điều kiện của biến đổi khí hậu toàn cầu, với những biểu hiện và tác động hiện hữu, cực đoan về hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún trong vài năm gần đây tại vùng ĐBSCL.
Vấn đề bảo vệ môi trường, khai thác hợp lí và phát triển kinh tế lưu vực sông Mekong không chỉ được các nước trong vùng mà còn được nhiều Chính phủ của các nền kinh tế phát triển quan tâm. Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký Ý định thư ngày 10-7-2017, khẳng định chủ trương hợp tác giữa hai Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL. Đây là bước chiến lược tiếp theo trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan nhằm thực hiện các thỏa thuận đối tác chiến lược đã kí giữa hai Chính phủ: về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lí nước (kí ngày 4-10-2010) và về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (kí ngày 16-6-2014). Trên cơ sở Ý định thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị do Thủ tướng chủ trì để xác định các giải pháp chuyển đổi có quy mô lớn, mang tính định hình chiến lược, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trong các năm gần đây (2015 và 2016), Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long với mục đích trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển về nhu cầu hỗ trợ phát triển cho ĐBSCL.
Sự quan tâm, hỗ trợ quốc tế rất quan trọng nhưng để giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đòi hỏi chính phủ mỗi nước trong lưu vực sông Mekong cần có những chương trình hành động tích cực, bảo đảm tính khoa học và phát triển bền vững trong tương lai.
Khái niệm "bền vững" áp dụng cho vùng ĐBSCL
Trước hết là bền vững về sinh kế của 18 triệu người dân nơi đây. Sinh kế không bền vững sẽ dẫn đến bất an. Sự bất an sẽ dẫn đến "làm bừa", "làm liều" và không loại trừ "phá hoại" (huỷ hoại môi trường, kìm hãm phát triển kinh tế, gây mất an sinh xã hội, xuống cấp đạo đức...). Do đó, phát triển bền vững phải xuất phát từ quy hoạch đúng, trúng trên cơ sở điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá sở tại cộng với ứng dụng khoa học kĩ thuật.
Xin nhắc lại khái niệm phát triển bền vững chính là sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, con người) phục vụ đối tượng cao nhất là con người và bảo vệ môi trường sinh thái. Để phát triển bền vững, không thể không xem xét vai trò liên kết các tiểu vùng trong ĐBSCL cũng như giữa ĐBSCL với các vùng miền trong nước. Vai trò liên kết ở đây có thể hiểu: 1) Về kinh tế, nó phải là một mắt xích trong chuỗi sản phầm, giá trị chung theo nghĩa cung - cầu; 2) Về xã hội, nó phải phù hợp trào lưu chung (tính cộng đồng).
Quy hoạch đúng, trúng cho toàn vùng ĐBSCL không phải dễ nhưng cũng không phải không làm được, chỉ có điều với thể chế hiện tại, phải làm sao liên kết được các địa phương, các ngành, căn cứ thực tế hiện tại và xu thế diễn biến tương lai của cả điều kiện tự nhiên và sự vận động của xã hội (xã hội mở rộng: khu vực, thế giới).
Cần thay đổi về tư duy quản trị và phát triển
Cần nhìn nhận một cách khách quan rằng chúng ta đang phải đối mặt những tác động của sự thay đổi "nhân tạo" trên suốt dòng chính sông Mekong từ thượng nguồn mà không có cách nào "gỡ" được. Các nước (Lào, và đương nhiên cả Trung Quốc) có quyền chặn dòng, xả nước tuỳ theo nhu cầu phát triển kinh tế mà Việt Nam đã nhiều lần phản đối (nhưng Hiệp định MRC 1995 không có quyền phủ quyết) nên "kêu chán thì thôi", thực tế họ vẫn đang xây dựng như Xayabury, Don Sahong… Nên chăng có giải pháp "win-win" là yêu cầu các nước thượng lưu từ khâu thiết kế đến quản lí vận hành nhà máy thủy điện cần phải xem xét hạn chế tối đa các mặt tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL. Việt Nam cũng cần tính đến phương án mua điện của Lào để giảm bớt nhà máy nhiệt điện than ở phía Nam.
Về chiến lược phát triển, Việt Nam cần đẩy mạnh việc thiết lập cơ sở pháp lí và xây dựng hậu thuẫn quốc tế trên các diễn đàn nước ở các mặt: (1) Xây dựng cơ sở pháp lí của hợp tác quốc tế trong việc khai thác, sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; (2) Theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam; (3) Quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.
Theo dõi quan trắc cả về số lượng và chất lượng nước thường xuyên trong khuôn khổ các chương trình, dự án của MRC, đồng thời thu thập các nguồn số liệu cơ bản của các dự án trong nước, đặc biệt vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia để làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá.
Hiện nay, để đánh giá tác động của các phương án phát triển ở thượng lưu đến dòng chảy sông Mekong, người ta vẫn phải dựa vào công cụ là mô hình vì vừa rẻ tiền vừa cho kết quả nhanh nhất. Tuy nhiên, để xây dựng được một mô hình tin cậy, ngoài việc có chương trình nguồn tốt còn đòi hỏi có các số liệu cơ bản để kiểm nghiệm, đánh giá và người sử dụng mô hình phải có năng lực và kinh nghiệm. Đúng như người đời thường nói "thực tiễn là chân lí", cho nên các dự án đo đạc về thủy văn, địa hình, chất lượng nước phục vụ cho bài toán mô phỏng là rất quan trọng.
Theo tôi biết hiện nay, nguồn nước của sông Mekong chưa được sử dụng hết kể cả về mùa mưa và mùa khô. Do đó, việc đánh giá khả năng tác động của các nước ở thượng lưu đến ĐBSCL cần đặt ra các kịch bản phát triển cho các giai đoạn khác nhau theo cả 2 chiều.
Xưa nay, ngành nông nghiệp thương đưa ra dự kiến kế hoạch sản xuất diện tích, sản lượng rồi yêu cầu ngành thủy lợi làm các công trình đáp ứng. Cần thay đổi tư duy từ 1 chiều thành 2 chiều, nghĩa là làm ngược lại, dựa trên bài toán cân bằng nước (khả năng cung cấp cả về số lượng và chất lượng nước) để điều chỉnh cơ cấu canh tác thời vụ cho phù hợp nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và các tác động của nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Mekong.
Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi chế độ hoàn lưu, dòng chảy biển, chế độ sóng...và do đó, khả năng sạt lở bờ biển, bờ sông còn diễn biến phức tạp. Sụt lún nền đất ĐBSCL ước tính gấp 10 lần mức độ dâng của mực nước biển (trung bình toàn khu vực khoảng 2,0 - 2,8 cm/năm, riêng TP HCM khoảng trên dưới 4,0 cm/năm - quá kinh khủng). Sụt lún cộng với mức nước biển dâng kết hợp sự biến động bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, hạn hán.
Đối với điều kiện xã hội, nguồn lao động trình độ cao ở ĐBSCL còn thiếu hụt. Cái gọi là "quy hoạch cán bộ" thực chất còn nhiều bất cập trong thực tế, chưa có vai trò tạo ra sản phẩm cho xã hội nên các nhà lãnh đạo ở trung ương và địa phương cần quan tâm giải quyết vấn đề làm thế nào để "phát triển bền vững" trong bối cảnh lòng người còn bất an?
Kịch bản biến đổi khí hậu
Việt Nam đã được cảnh báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Do đó, xây dựng kịch bản BĐKH là việc làm vô cùng hệ trọng, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư thích đáng, tiến hành một cách công phu, nghiêm túc nhất. Đây là việc làm mang tính khoa học rất cao, rất khó cho nên cần huy động tối đa tiềm lực các nhà khoa học của đất nước.
Việt Nam đã 3 lần xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu vào các năm 2009, 2011 và 2016. Trong cụm từ "kịch bản BĐKH" có hai khái niệm "kịch bản" và "biến đổi". Cả hai khái niệm này đều đòi hỏi tư duy biện chứng khi nghiên cứu giải quyết vấn đề. Đã là kịch bản thì chỉ là dự kiến, dự báo nên không thể có những phương án khuôn mẫu và hoàn hảo ngay. Hơn nữa, không chỉ khí hậu mà các yếu tố về kinh tế, chính trị xã hội cũng liên tục "biến đổi". Chương trình, kế hoạch, dự án đối phó biến đổi khí hậu rất tốn kém, lại phải căn cứ các kịch bản. Sai một li đi một dặm, bởi vậy kịch bản cần được bổ sung hoàn chỉnh kịp thời trên cơ sở những phân tích, dự báo đúng đắn nhất.
Kịch bản BĐKH lần 1 (2009) ra đời trong bối cảnh "đẻ non", vội vàng chạy đua theo thành tích và đã để lại những bất cập khó sửa chữa. Các địa phương hầu như không biết nó là cái gì nên khi xây dựng kế hoạch ứng phó với chỉ thị, nghị quyết và kinh phí "bổ đều" từ Chương trình NTP (Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu 2011-2015), họ lại đi "thuê" người khác "biết hơn một chút" nhưng vẫn ở dạng "thầy bói xem voi". Hệ quả là đã tiêu tốn một khoản tiền Nhà nước để thu được một mớ giấy lộn, không để làm gì cả.
Kịch bản BĐKH lần 2 (2012) về cơ bản không khác gì lần 1 về nội dung, con số tính toán, chỉ "cập nhật một chút" nhưng phải bám sát lần 1 vì sợ sự sai lệch gây hoang mang công luận. Sợ cũng đúng, vì bản thân những người sử dụng kịch bản chưa hiểu được bản chất của cái gọi là "kịch bản". Kịch bản có thể thay đổi, thậm chí về lí thuyết có thể bị lật ngược 180 độ. Kịch bản không phải là dự báo (forecast/prediction) mà là dự tính (projection). Dự báo thì căn cứ điều kiện thực hiện tại (điều kiện ban đầu) còn dự tính lại dựa vào giả định (bức tranh tưởng tượng), nó có thể xảy ra hoặc không. Ví dụ "tôi đang có 10 tỉ đồng, tôi sẽ làm…" khác với "nếu tôi trúng xổ số 10 tỉ đồng, tôi sẽ…". Như vậy, dự báo đã mang tính bất định (uncertainty), dự tính còn bất định gấp nhiều lần. Đó cũng là lí do khi xây dựng kịch bản, cần sử dụng kết quả dự tính từ nhiều mô hình (càng nhiều càng tốt) mới có thể đưa ra được độ tin cậy cao (confidence).
Cả hai phiên bản 2009 và 2012 đều không có một thông tin nào về độ tin cậy và tính bất định (trước đây, tôi đã có bài viết "mổ xẻ" về các bất cập của 2 kịch bản BĐKH nói trên).
Sự tiến bộ của kịch bản BĐKH lần 3, năm 2016 là đã sử dụng nhiều mô hình nhưng trong quá trình xử lí lại áp đặt ý chủ quan của người làm kịch bản. Đó là, đối với kịch bản về mưa, một số mô hình đã bị loại bỏ, không được xem xét. Mặc dù vậy, có thể xem đây là một bước tiến quan trọng trong nhận thức mà đóng góp quan trọng là dự án hợp tác giữa IMHEN, Trường ĐH KHTN Hà Nội và CSIRO từ nguồn kinh phí AuAID (2012-2013).
Điều quan trọng khác của thông tin từ kịch bản là:
1) Những kịch bản có độ tin cậy cao có thể được sử dụng trong quy hoạch dài năm (kịch bản trung bình).
2) Những kịch bản xấu (có khả năng xảy ra với tính chất cực đoan) mặc dù độ tin cậy thấp nhưng đó lại là thông tin để xây dựng phương án quản lí rủi ro…
Về tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
1) Sự biến đổi của hoàn lưu gió mùa (gió mùa đông bắc vào mùa đông, gió mùa tây nam vào mùa hè) có thể:
- Cộng hưởng với triều cường gây nên các đợt ngập mặn vào sâu nội địa, gây nhiễm mặn cho các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc gây ngập lụt sâu, rộng cho các khu đô thị ven biển.
- Kết hợp sự thiếu hụt phù sa bồi đắp làm thay đổi chế độ sóng, chế độ dòng chảy, gây xói lở bờ biển và bờ sông.
2) Sự dịch chuyển vùng hoạt động của bão/xoáy thuận nhiệt đới về phía nam làm gia tăng khả năng xuất hiện bão/xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực mà trước nay vốn rất hiếm khi có.
3) Nước biển dâng cộng với sụt lún làm gia tăng nguy cơ mất đất, nhất là đất ở, có thể dẫn đến sự di cư cơ học, xáo trộn sinh kế.
4) Biến đổi trong chế độ mưa và hạn hán cộng với gia tăng khai thác nước ngầm có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nước, nhất là vào mùa khô.
5) Có dấu hiệu của sự gia tăng các sự kiện mưa trái mùa và mưa lớn gây ảnh hưởng đến nhiều mặt sản xuất và đời sống như hiện tượng mưa trái mùa khiến tôm ốm hàng loạt, phải thu hoạch sớm, làm giảm năng suất và chất lượng…
Hội nghị là rất cần thiết nhưng chưa đủ cơ sở để gọi là Diên Hồng
Tổ chức hội nghị lần này về phát triển bền vững ĐBSCL là rất cần thiết nhưng cũng cần nâng cao chất lượng khoa học và thực tiễn, cần thấy trước một số khó khăn, như cơ sở kĩ thuật chưa có gì chắc chắn ngoài những nghiên cứu trước đây, có thể đã lạc hậu so với thực tế. Do đó, cần làm rõ khả năng định hướng của "Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH" hơn là chỉ thấy khả năng định hướng cho nghiên cứu "mô hình phát triển bền vững" ĐBSCL. Phải nói cho đúng tên là "Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH", và riêng cái tiêu đề này cũng phải làm rõ: "chuyển đổi" nghĩa là đổi từ mô hình phát triển bền vững hiện nay (đã có) sang một mô hình khác? Vậy "định hình chuyển đổi" thì cần hiểu nghĩa là thế nào? Bởi vì đến nay, tôi chưa thấy có hội nghị nào để "định hình chuyển đổi" cả.
Nếu coi đây là "hội nghị Diên Hồng" cho ĐBSCL nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100 thì có lẽ mở rộng nội dung, chỉ có thể thấy trong một hội nghị "Brain-storming".
Xin nhắc lại, tôi thấy so sánh với hội nghị Diên Hồng có điều chưa ổn. Ở Diên Hồng, vấn đề rất rõ rang - đánh hay hàng, khi biết rõ địch ta. Còn với các vấn đề của ĐBSCL thì mọi chuyện khá mù mờ, ai cũng thấy cấp bách nhưng cơ sở dữ liệu về đánh giá tình hình hiện trạng (kể cả quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng lưu) còn rất thiế, nên dự báo quy luật với các chu kì ngắn và dài hạn chưa có độ tin cậy cao, do đó việc đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp đều khác nhau rất xa. Đó là chưa kể tình hình sử dụng khai thác tài nguyên nước ở các nước đầu nguồn không được kiểm soát công khai và thiếu dữ liệu trong khu vực cho đánh giá chi tiết tác động BĐKH toàn cầu.
Thảo luận rộng mấy nhưng không đủ cơ sở dữ liệu cần thiết để thấy đặc thù của ĐBSCL thì mọi kết quả tính toán, đánh giá, dự báo vẫn chỉ là dự đoán mù mờ. ĐBSCL có điều kiện tự nhiên rất khác biệt ngay đối với các vùng thượng lưu của sông Mekong: là một đồng bằng mở, sông rạch liên kết chằng chịt. Ngành nào làm gì cũng không thoát ra khỏi sự chi phối của nước/sông chằng chịt và thế đất bằng phẳng và ảnh hưởng triều.
Sự quản lí chồng chéo dẫn đến nhiều bất cập và kém hiệu quả. Nhà nước đã phân công Bộ TNMT quản lí sông và lưu vực còn Bộ NN&PTNT thì quản lí công trình tưới tiêu. Ở ĐBSCL, trừ hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu ra, liệu ai có thể nào phân biệt được dòng chảy nào là sông, dòng chảy nào là kênh dẫn, cấp tiêu thoát nước ở ĐBSCL? Có phân biệt được vùng đất nào gọi là hệ thống công trình thủy lợi để Bộ NN&PTNT quản lí, vùng đất nào gọi là lưu vực sông để Bộ TN&MT quản lí?
Đồng bằng sông Hồng và các nơi khác, mà tách riêng chức năng nhiệm vụ của 2 bộ thì còn làm việc được (vấn đề về tổ chức ngành nước không nói ở đây), vì các hệ thống thủy lợi là khép kín, lưu vực rạch ròi. Ở ĐBSCL phải thống nhất ở cấp lưu vực sông. Lấy nước và đất làm cơ sở, rồi từ đó xét các vấn đề hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Còn cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng.
Quản lí lưu vực sông là phù hợp quy luật tự nhiên, nước chảy chỗ trũng, con đường duy nhất, nhưng ở ta không chịu hiểu, cứ quản lí theo ngành và hành chính. Thể chế nhà nước thì cứng ngắc, giao lưu vực sông cho bộ nào, khi lập ra RBO liên ngành vượt ra khỏi một bộ thì thể chế lại chưa có. Do đó, các đại biểu tham dự hội nghị cần suy nghĩ rộng hơn nữa khuôn khổ của vấn đề nước ("out of the water box") cho phát triển bền vững ĐBSCL. Qua đó, có thể tìm ra những định hướng mới dựa trên kinh nghiệm và đặc thù của ĐBSCL (Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần nông nghiệp và tài nguyên nước ở phần dưới của nội dung bản góp ý này).
Nhớ lại, trong khi thực hiện Delta Master Plan 1992, Ban thư kí Mekong (MRC) có tổ chức một workshop về "Strategic Planning" cho ĐBSCL, qua đó có một số ý tưởng dựa trên kinh nghiệm của thế giới như "Agropolis" (cho Việt Nam hay South East Asia), Network of River Highways, etc. Những ý tưởng này lúc đó chưa thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, nhưng đối với hiện nay, có thể thực hiện, nhất là nhờ dựa trên kinh nghiệm của Úc (Agropolis của South Australia), River Highways của Hà Lan…
Các nội dung của hội nghị lần này rất phong phú, liên quan tất cả các bộ ngành như tiêu đề các báo cáo dưới đây:
- Đánh giá tổng quan về các thách thức mà ĐBSCL;
- Định hướng xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL;
- Định hướng về các giải pháp chuyển đổi sinh kế và sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL;
- Định hướng về giải pháp hạ tầng thủy lợi ĐBSCL;
- Định hướng về giải pháp phát triển hạ tầng đô thị tại ĐBSCL;
- Định hướng về giải pháp phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại ĐBSCL;
- Tổng quan về nhu cầu nguồn lực cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi quy mô lớn về phát triển bền vững ĐBSCL;
- Cơ chế điều phối xây dựng và thực hiện các giải pháp chuyển đổi có quy mô lớn tại ĐBSCL;
- Cơ chế điều phối về nguồn lực, huy động từ ngân sách trung ương và địa phương, hỗ trợ quốc tế và khối tư nhân;
- Khả năng hỗ trợ về nguồn lực và kĩ thuật, các ưu tiên về lĩnh vực hỗ trợ của các đối tác phát triển.
Tuy nhiên, mô hình phát triển bền vững là mô hình nào, cơ sở dữ liệu có đáp ứng thì không thấy thảo luận. Và định hướng của các ngành phải thay đổi thế nào để những kết quả của Hội nghị có tính định lượng cho hoạch định chính sách của Chính phủ.
Đột phá chính để phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL trước đây là giáo dục, giao thông và thủy lợi, nay cần chủ động thích nghi với BĐKH, thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, chuyển đổi dần từ nền sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp canh tác hữu cơ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, đồng thời phải sử dụng hiệu quả tài nguyên nước vì nước là tài nguyên quý và có hạn, phải sử dụng nước có hiệu quả và tiết kiệm thông qua định giá sản phẩm hàng hóa nước hợp lí, khoa học và bảo vệ môi trường sinh thái.
Vấn đề cần phân tích rõ: Trên thế giới, người ta làm nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu với chăn nuôi bò, gà. ĐBSCL chỉ nên tập trung nông nghiệp công nghệ cao cho con tôm, không có khả năng làm cho cây lúa. Ở đây cần phân biệt rõ nông nghiệp công nghệ cao bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu suất kinh tế, năng suất lao động cao. Còn nông nghiệp hữu cơ là truyền thống đương nhiên là sản phẩm nông nghiệp xanh, vệ sinh an toàn nhưng chưa chắc năng suất lao động cao, sử dụng rộng rãi hợp lí nguồn lao động và đất canh tác ở mọi nơi. Ví dụ Campuchia thích hợp với sản xuất lúa hữu cơ hơn Việt Nam vì đất rộng, người thưa. Đối với nền nông nghiệp ĐBSCL, chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận và thu nhập tính trên ha hơn là tính trên đồng vốn và người lao động.
Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập trên nửa ti đô-la thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhiều nơi 1 vụ lúa đã xịt thuốc trừ sâu từ 6-9 lần, nguy hại đến an toàn sản phẩm. Bộ NN & PTNT đã biết nhiều loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật độc hại bị cấm sử dụng trên thế giới cho nông nghiệp như 2,4 D, Paraquat, Glyphosate nhưng vẫn cho tiếp tục sử dụng ở Việt Nam vì lí do lợi nhuận?
Xin lưu ý không thể đặt ra chiến lược phát triển kinh tế chung cho ĐBSCL hay theo đơn vị hành chính tỉnh mà trước hết nên căn cứ 5 tiểu vùng sinh thái để đặt ra kế hoạch phát triển ưu tiên thích hợp cho từng tiểu vùng và phối hợp liên kết vùng từ cơ chế chính sách, đầu tư sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm… Cần ưu tiên làm quy hoạch vùng/liên kết vùng. Vấn đề này Thủ tướng đã có Quyết định 953QĐ-TTg ngày 6-4-2016 về liên kết phát triển ĐBSCL. Mục tiêu là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ lại đi xúc tiến đầu tư cấp tỉnh là sai lầm về chiến lược phát triển bởi vì làm cho từng tỉnh vốn đã quá nhỏ bé, càng thêm cát cứ, giảm đi hiệu quả nguồn vốn.
Kết luận
Chính phủ cần thay đổi cách làm GDP (không làm riêng rẽ cho từng tỉnh) với các số liệu thiếu tin cậy như lâu nay. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL, đối tượng quan trọng nhất và duy nhất của mọi hoạt động phát triển là con người cho nên ngay cả cái gọi là "nông nghiệp công nghệ cao" ở ĐBSCL cũng phải xem xét đánh giá các tác động đến người nông dân để có cơ chế, chính sách thích hợp.
Muốn có ĐBSCL phát triển bền vững thì phải quy hoạch thống nhất, do một dạng tổ chức có năng lực và phương tiện kĩ thuật làm cơ sở, tồn tại thường trực để giám sát diễn biến nước do các ngành dùng nước gây ra hàng ngày, hàng năm. Quốc tế đều phải có luật riêng cho lưu vực sông. Bộ TNMT đã biết lắng nghe, đi đúng hướng cho nghiên cứu thống nhất lưu vực sông nội địa ĐBSCL và Việt Nam Mekong làm một.
Vì là chiến lược dài hạn, trong các thách thức, ngoài biến đổi khí hậu, nên chú trọng dự báo các thách thức từ chiến lược quốc gia của từng nước sử dụng lưu vực sông Mekong. Đồng thời, đề xuất được các giải pháp ứng phó của ta tương ứng mức độ ảnh hưởng tới hạ lưu mà ĐBSCL phải hứng chịu.
Xác định sản phẩm chủ lực cho 5 tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL cũng cần đặt trong chuỗi hoàn chỉnh với từng phân khúc được tính toán ngược từ tiêu thụ sản phẩm trở về. Mỗi sản phẩm, liệu có thể có các mức khả thi để lựa chọn (theo nhu cầu thị trường, cân đối nguồn nước, khả năng đầu tư, so sánh hiệu quả,...). Việc tính toán như vậy đòi hỏi nguồn nhân lực cao cấp, tài liệu khá cụ thể và cần thời gian thích hợp.
Cần đặt ĐBSCL trong tổng thể lịch sử, địa lí, kinh tế, chính trị văn hóa vùng ngập lụt, mới khai khẩn nhưng đang bị biển xâm thực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, phải có tầm nhìn, xác định lại không gian nghiên cứu, xử lí thông tin, chủ trương, giải pháp, gắn với Sài Gòn - Gia Định và miền Đông Nam bộ vào kế hoạch phát triển của ĐBSCL.
Địa hình ĐBSCL theo "độ dốc mái nhà" từ Campuchia xuống hướng đông - nam, từ Sài Gòn và miền Đông qua hướng tây - nam. Như vậy, cặp rìa biên giới gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang sẽ cao hơn phần còn lại. Bốn tỉnh này có sản lượng lúa hàng năm hơn 1/2 toàn vùng ĐBSCL. Hai đặc điểm này rất quan trọng.
Về lâu dài, phải giữ diện tích đất lúa cho đủ sản lượng để nuôi cả vùng ĐBSCL + Đông Nam bộ + Tây Nguyên là yêu cầu bất biến. Sài Gòn + Đông Nam bộ và Tây Nguyên hỗ trợ ngược lại cho ĐBSCL.
Khai thác lợi thế của nước lợ, nước mặn làm nông nghiệp và xây dựng dân cư cho phù hợp "sống chung với lũ" lâu nay, tất phải biết "sống chung với mặn". Ngành thủy lợi từ làm đập ngăn mặn (phục vụ cho cây lúa) đã chuyển sang kiểm soát mặn, làm cống 2 chiều, coi mặn là tài nguyên (đặc biệt cho nuôi tôm vùng ven biển).
Phải cấm gây ô nhiễm công nghiệp cho toàn vùng ĐBSCL, hạn chế tối đa việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, dệt, nhuộm, giấy…
Nâng cao dân trí, dạy nghề phi nông nghiệp, phục vụ chuyển dịch lao động ra ngoài vùng, vừa giải quyết việc làm, vừa giảm mật độ dân cư. Đầu tư KHCN thiết thực, phục vụ cho yêu cầu thích ứng BĐKH. Đề nghị không nói "chống BĐKH" (vì không chống nổi) cũng như không nói "chống xâm nhập mặn". Vì nói như thế là lộn ngược chữ nghĩa Việt.
Thời gian không còn ủng hộ chúng ta. Khí hậu nóng lên, bão (cuồng phong) sẽ không lường, nước Mỹ bị 2 trận mới đây đã xơ xác. Việt Nam ta cũng không thoát khỏi thiên tai ngày càng nặng nề hơn, kể cả thời tiết, khí hậu cực đoan trong khi sức chịu đựng (kinh tế) lại tỉ lệ nghịch với sự ấm lên của trái đất. Chính phủ cần nhìn tổng thể, toàn cục để xử lí vấn đề, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, hiệu quả, đừng đầu tư mang tính chất cục bộ, địa phương, dàn trải, lãng phí.
Đúng là với tình huống hiện nay, sờ vào đâu cũng có "vấn đề". Do đó, nên đưa ra các bước ưu tiên, giải quyết từng bước một trên cơ sở nhìn nhận vấn đề có tính hệ thống và lô-gic khi "xâu chuỗi" lại, dựa vào cốt lõi, đặc thù của ĐBSCL, cả điều kiện tự nhiên lẫn con người nơi đây.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đang phải đối phó cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được: ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu. Nếu không có các chiến lược phát triển bền vững và các biện pháp đối phó thích hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì trong tương lai, câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây "Water, water everywhere, not a drop to drink" (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) sẽ trở thành hiện thực ở vùng châu thổ sông Mekong!
T.V.T
(Tác giả gửi BVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.