Vè nói ngược
bauxitevnSun 8:20 AM
FB Vinhhuy Le
Trong kho tàng văn học dân gian nước ta có "vè nói ngược" là hiện tượng độc đáo. Đây là những bài đồng dao, trong đó miêu tả nghịch những thuộc tính của sự vật - hiện tượng.
Vè nói ngược soi tỏ nhiều mặt trong các sự vật - hiện tượng, nhào trộn các đặc điểm đó để bật ra những phát hiện mới mẻ mà vẫn giữ được nết chơn chất của ngôn ngữ bình dân. Vì vậy, những câu nôm na mách qué thoạt nghe tưởng cà rỡn mà chơi, nhưng ngẫm kĩ lại hàm chứa đa đoan tú hụ chằng gai nỗi niềm. Đồng dao vốn chỉ dùng để dạy trẻ nhận thức thế giới tự nhiên, không dè ông bà ta cũng gửi được ít nhiều tâm sự trong đó.
Tôi sưu tầm sơ sơ cũng được hơn chục bài vè nói ngược, xin trích ra ba bài tiêu biểu ở ba miền đất nước.
Miền Bắc:
Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong nong
Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu giữa đồng, vãi cải làm dưa
Đàn bò đi tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
Voi kia nằm ở gậm giường
Cóc kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
Chuồn chuồn thấy cám liền ăn
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống đuổi chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm
Miền Trung:
Ve vẻ vè ve
Cái vè nói ngược
Non cao đầy nước
Đáy biển đầy cây
Dưới đất lắm mây
Trên trời lắm cỏ
Người thì có mỏ
Chim thì có mồm
Thẳng như lưng tôm
Cong như cán cuốc
Thơm nhất là ruốc
Hôi nhất là hương
Đặc như ống bương
Rỗng như ruột gỗ
Chó thì hay mổ
Gà hay liếm la
Xù xì quả cà
Trơn như quả mít
Meo meo là vịt
Quạc quạc là mèo
Trâu thì hay trèo
Sóc thì lội nước
Rắn thì hay bước
Voi thì hay bò
Ngắn như cổ cò
Dài như cổ vịt
Đỏ như quả quít
Vàng như quả hồng
Miền Nam:
Ngồi buồn nói ngược mà chơi
Cua đinh nó liệng trên trời quá hay
Trưa trưa bắt chó ra cày
Trâu kia hực sủa, chuột dày ông voi
Một lũ thầy bói đi coi
Đương trưa đốt đuốc mà soi ếch bà
Con nít mà dắt bà già
Chân đi lỏng khỏng té mà xuống ao
Câu thì lấy đá làm phao
Lưới kia đem bủa ào ào ngọn cây
Con sấu bay liệng trên mây
Rồng vàng trói ké nằm ngay dưới bè
Thầy pháp tụng kinh rè rè
Thầy chùa bắt chó ra hè mà ram
Thầy tu mắng chửi làm xàm
Chằng tinh đọc sách tu hành siêng năng
Chuột xạ thấy thịt thì gầm
Hùm thì bươi rác xốc dằm trong da
Dưới sông tàu ngựa chuồng dê
Trên bờ lại thả câu rê lưới mành
Chẻ tre mà buộc manh manh
Xe sợi chỉ mành cột cổ con nai
Bùn kia đã cứng còn dai
Thịt gà cồ nọ chưa nhai đã mềm
Con vịt đá độ ăn tiền
Gà trống mẹ hiền lặn lội nuôi con
Đàn bà trang điểm kiếm chồng
Con gái ở vậy dốc lòng thuỷ chung
Bảy mươi bảy mốt còn son
Mười lăm mười sáu cháu con bộn bàng.
Lối nói ngược dạy trẻ tư duy tưởng chỉ có trong những bài đồng dao hồi xửa xưa từa lưa nghịch lí. Ai dè hiện tượng này nay bỗng phục sinh, không phải trong dân gian, cũng không phải ở tụi con nít thò lò mũi lõ, mà là ở cung cách làm luật của các ông bà cầm cân nảy mực.
Dẫn chứng: Chính phủ đang dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: http://plo.vn/…/vi-pham-trong-linh-vuc-ton-giao-se-bi-phat-…Đồng thời, Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Thông tư về quy tắc ứng xử của lực lượng Công an nhân dân: http://plo.vn/…/hang-loat-hanh-vi-bi-nghiem-cam-doi-voi-con…
Cớ chi có sự lạ lùng: các cơ sở chùa chiền thì bị khép vô kỉ cương pháp luật còn cán bộ chiến sĩ công an (công cụ thực thi pháp luật) lại được uốn nắn bằng quy chuẩn đạo đức. Nhà thờ nhà chùa nếu vi phạm thì sẽ có mức phạt tương ứng còn công an vi phạm quy tắc ứng xử lại chẳng có chế tài. Cán bộ chấp pháp thì được nhắc nhở khuyên lơn về đạo đức tác phong còn cơ sở tín ngưỡng lại được trừng trị bằng điều luật nghiêm minh.
Nghĩ sao vậy, thưa các ông bà làm luật? Nè, đừng có giỡn kiểu "Mèo tha miếng thẹp thì đòi / Cọp tha mả tổ lại ngồi trơ trơ" nha nha. Nhây mắc ớn hà, cười hổng nổi đâu, hứ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.