Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Quyền lực và nguy cơ khủng hoảng Hiến pháp


Quyền lực và nguy cơ khủng hoảng Hiến pháp






Luật Khoa tạp chí lược dịch từ bài viết Xi Jinping Is About to Face a Constitutional Crisis của tác giả Thomas Kellogg được đăng trên Tạp chí Foreign Policy ngày 7/9/2017.
***
Ở Trung Quốc, những tuần đầu tháng 9 thường là những ngày yên ả trước khi bão lớn kéo đến. Cộng hòa Nhân dân tại đây đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm của niên lịch chính trị.
Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản – một trong những buổi họp năm năm một lần mang tính quyết định đối với quyền lãnh đạo quốc gia – đã được bố trí để diễn ra vào ngày 18/10/2017. Tuy nhiên, thông tin về nó thì vẫn như mọi khi, cố tình bị giữ bí mật đến phút chót.
Đó sẽ là khi Đại hội đảng công bố nhân sự của Ban Thường vụ Bộ Chính trị (Politburo Standing Committee), một nhóm nhỏ những nhà lãnh đạo nắm trong tay quyền kiểm soát cả quốc gia.
Đã có nhiều suy đoán về vai trò của “hoàng đế chống tham nhũng” Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn), một đồng minh thân cận của đương kim Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Xi Jinping (Tập Cận Bình).
Liệu ông Wang có tiếp tục đứng trong danh sách Ban Thường vụ, bất chấp là ông đã 69 và quá tuổi bắt buộc phải nghỉ hưu – 68 – dành cho các uỷ viên BCT hay không? Bên cạnh đó, sự kiện này còn có tính thử thách gay go hơn cho người lãnh đạo đảng Cộng sản, chứ không chỉ đơn giản là việc tổ chức nhân sự cho một chức vụ lãnh đạo cao cấp.

Xi Jinping và Wang Qishan là những đồng minh thân cận với nhau. Ảnh: Getty Images.
Lần đối đầu trực diện giữa Xi Jinping và bản Hiến pháp Trung Quốc hiện hành.
Nếu Wang sẽ tiếp tục tại vị ở BTC – và ngày càng có thêm nhiều bằng chứng khẳng định điều này – thì việc tái bổ nhiệm Wang sẽ đổ thêm dầu vào những phỏng đoán là Xi Jinping sẽ tiếp tục giữ vững chiếc ghế Tổng bí thư sau kỳ Đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022.
Điều đó đồng nghĩa với việc Xi Jinping sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, mặc kệ điều lệ giới hạn nhiệm kỳ 10 năm bắt buộc Xi phải lui xuống.
Có lý lẽ gì nếu Wang có thể bỏ mặc quy định về tuổi nghỉ hưu để tiếp tục tham gia BCT mà Xi Jinping, người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc – và là lãnh đạo cường mạnh nhất từ thời Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) đến giờ – lại không thể làm một điều tương tự như thế đối với quy định về nhiệm kỳ?
Hơn thế, Xi đang phá vỡ một thông lệ quan trọng trước đây: Mặc dù đã trải qua năm năm của nhiệm kỳ 10 năm, ông ta vẫn chưa đề cử bất kỳ người kế nhiệm nào cho chức vụ của mình. Mà đáng lý ra, quy định mãn nhiệm sẽ bắt buộc ông phải nhường ghế vào năm 2022.
Trái ngược với những gì đang xảy ra, lịch sử đảng cho thấy, chính bản thân Xi đã từng được nhanh chóng ghi nhận sẽ trở thành người lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc từ tháng 10/2007 ngay sau khi trở thành Ủy viên BCT tại kỳ Đại hội lần thứ 17.
Sáu tháng sau, vào tháng 3/2008, việc Xi Jinping trở thành Phó Chủ tịch nước đã càng giúp khẳng định ngôi vị lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc trong tương lai của Xi.
Đối với nhiều người, thiếu vắng bóng dáng của một người lãnh đạo cách mạng kế nhiệm cho thấy là rất rõ ràng, Xi Jinping không có kế hoạch nào để rời bỏ vị trí của mình sau khi nhiệm kỳ hai kết thúc vào tháng 10/2022.
Việc giới hạn nhiệm kỳ của chức vụ Tổng bí thư không được quá 10 năm đã được áp dụng tại Trung Quốc trên dưới 20 năm vừa qua, và nó được xem là cải cách chính trị quan trọng nhất của thời Hậu Mao. Thế nhưng, quy định này chẳng được ghi nhận bằng văn bản ở bất kỳ nơi nào.
Hiến pháp Trung Quốc có quy định khá chặt chẽ đối với nhiệm kỳ chủ tịch nước
Điều 79 của Hiến pháp Trung Quốc 1982 đã ghi rõ, chức vụ chủ tịch nước – người đứng đầu chính phủ Trung Quốc – sẽ được giới hạn trong hai nhiệm kỳ, mỗi kỳ năm năm.
Xi Jipining được đề cử làm chủ tịch nước vào tháng 3/2013, sáu tháng sau khi ông ta trở thành người lãnh đạo đảng Cộng sản. Điều này có nghĩa là, dựa theo văn bản pháp luật cao nhất hiện nay ở Trung Quốc, Xi phải rời chức vụ chủ tịch nước vào tháng 3/2023.
Vì điều khoản này được ghi rõ trong Hiến pháp, cho nên sẽ rất khó trốn tránh việc áp dụng nó. Nếu Xi Jinping muốn thay đổi Hiến pháp, thì ông ta phải chấp nhận rủi ro chính trị và đối đầu với nó một cách trực diện.

Xi Jinping tại một buổi họp UN tháng 1/2017. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse
Đương nhiên, Hiến pháp Trung Quốc từ trước đến giờ vốn hứa hẹn nhiều thứ mà không thực thi. Nói về mặt pháp lý, bản hiến pháp này có rất ít trọng lượng – những quy tắc chính của nó thường xuyên bị vi phạm, mà phần lớn là vì, vốn chẳng có một cơ chế thực thi nào để giải quyết những vi phạm đó.
Thế nhưng, bản hiến pháp vẫn có giá trị như là một văn bản chính trị; đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn rêu rao nó khắp nơi để đẩy mạnh tính chính danh của mình. Những kẻ khác cũng tham gia cùng một trò chơi: các đảng viên, học giả, và cả công chúng nữa, mọi người thường choàng cho mình tấm áo bào Hiến pháp khi cần thúc đẩy những mưu cầu chính trị mà bản thân ưu ái.
Riêng đối với giới học giả Luật Hiến pháp Trung Quốc, Điều 79 rất có giá trị đối với họ. Đó là một trong số những điều khoản hiếm hoi mà giới học giả có thể chỉ ra – ít nhất là trên giấy – rằng nó đã luôn được thực thi kể từ khi Hiến pháp được thông qua.
Một số học giả Trung Quốc đã luôn sử dụng Điều 79 Hiến pháp để làm bằng chứng rằng, đất nước này đang có những tiến bộ thật sự trong việc xây dựng hiến pháp.
Một số họ còn lạc quan là, chính đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang cố gắng biến hiến pháp trở thành một văn bản pháp lý mang tính bắt buộc ở cấp quốc gia. Nhưng trước tiên, Điều 79 và những điều khoản quan trọng của Hiến pháp sẽ mang tính chủ đạo, và những điều khoản khác – bao gồm những quy định về bảo vệ các quyền con người căn bản như quyền tự do biểu đạt, lập hội, và biểu tình, thì cứ … từ từ rồi hẵng tính.
Xi Jinping sẽ giải bài toán Hiến pháp như thế nào?
Tôi cho rằng những vị học giả nói trên hoàn toàn sai lầm: Việc hầu như không có biến chuyển gì trong tiến độ xây dựng một cơ chế diễn giải hiến pháp cơ bản ở Trung Quốc là một ví dụ cho thấy, đảng Cộng sản không hề muốn các quyền tự do hoạt động của họ phải bị các thiết chế luật pháp bó buộc và giới hạn.
Tuy nói vậy, quan điểm của các học giả Luật Hiến pháp chính thống ở Trung Quốc – và, trong một mức độ nào đó, còn có cả các trí thức quan tâm đến chính trị tại đây – là một thực tế mà Xi bắt buộc phải tính toán để đối phó trong sự nghiệp chính trị của mình, dù muốn hay không.
Cũng như hầu hết mọi người, các vị học giả này sẽ không muốn thấy những bài viết mang đầy tính học thuật trước đây của bản thân, hoặc những tuyên bố ủng hộ đảng của họ bị sổ toẹt như thế. Quan điểm của họ ít ra phải có được chút ảnh hưởng nào chứ, và điều này có nghĩa là Xi Jinping bắt buộc phải cân nhắc đến những quan ngại của giới học giả khi tính toán kế hoạch của mình.
Đối với Xi, Điều 79 Hiến pháp về giới hạn nhiệm kỳ là một câu hỏi hóc búa. Vai trò của chủ tịch nước, tuy rằng đứng dưới chức vụ của người đứng đầu đảng cộng sản, nhưng vẫn có một trọng lượng chính trị nhất định. Đây chính là chức vụ cao nhất của nhánh Hành pháp ở Trung Quốc, và điều này có nghĩa là nó mang lại một số quyền lực cùng trách nhiệm.

Xi Jinping được xem là người có quyền lực nhất ở Trung Quốc hiện nay. Ảnh: smcp.com
Tuy các quyền lực chính trị của Xi bắt nguồn trước hết từ vị trí lãnh đạo đảng Cộng sản, nhưng ông ta cũng rất quan tâm đến giá trị biểu tượng mà chiếc ghế chủ tịch nước có thể mang đến cho các cơ hội chính trị của bản thân tại Trung Quốc và cả ở chính trường quốc tế.
Nếu ông ta chọn tuân thủ quy định về nhiệm kỳ mà hiến pháp đặt ra, thì không nghi ngờ gì là Xi đã tìm được một cách nào đó để bố trí bản thân vào các cuộc hội đàm quốc tế tầm cỡ trong tương lai, cũng như ông ta vẫn có thể tìm cách lọt vào những buổi họp quan trọng của quốc gia, mà thông thường vị Chủ tịch nước Trung Quốc phải chủ tọa.
Thế nhưng, đó là một việc khá khó khăn và sẽ có tiềm năng tạo ra một đối thủ chính trị từ người kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước.
Liệu Xi Jinping có sửa đổi Hiến pháp để kéo dài thời gian tại vị hay không?
Đúng là Xi Jinping có thể tìm cách sửa đổi Điều 79 và giải trừ mối mâu thuẫn tiềm năng. Có rất nhiều tiền lệ trên thế giới cho ông ta học hỏi.
Những nhà lãnh đạo toàn trị khác – bao gồm cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, và gần đây nhất là Tổng thống Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) Recep Tayyip Erdogan – đều đã đưa ra sức ép để hiến pháp phải được sửa đổi cho mục đích kéo dài thời gian tại vị, hoặc mở rộng phạm vi quyền lực của mình.
Xi Jinping có thể chọn phương pháp này vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng tỉa tót Điều 79 sẽ khiến cho hình ảnh của Xi kém hấp dẫn: Ông ta cũng sẽ như bao kẻ toàn trị khác, là một kẻ tham quyền cố vị chứ không phải là hình ảnh một nhà lãnh đạo muốn xây dựng khuôn khổ pháp luật và các thiết chế của nó để giúp Trung Quốc tiến xa hơn trong việc xây dựng một thể chế chính trị tiến bộ như Xi đã luôn hứa hẹn.
Khúc mắc chính trị này lại càng nổi bật hơn, vì sẽ rất khó mà không nhắc lại các lần Xi thường xuyên sử dụng những lời hùng biện của chủ nghĩa hợp hiến. Ví dụ như vào năm 2012, trong một bài diễn văn kỷ niệm 30 năm bản Hiến pháp 1982 được thông qua, Xi đã kêu gọi các đồng chí của mình phải tuân thủ hiến pháp và củng cố việc thực thi văn bản pháp luật này.
“Chúng ta phải nghiêm túc thiết lập trong khắp xã hội quyền lực của hiến pháp và pháp luật để cho một bộ phận lớn dân chúng có niềm tin trọn vẹn vào luật pháp”, Xi đã phát biểu như thế.
Cũng chính ông ta là người đã tuyên bố ngày 4/12 hằng năm là Ngày Hiến pháp trên toàn quốc, cũng như đã cho ban hành những lời kêu gọi thường niên, cổ súy người dân học hỏi và góp phần vào việc thực thi hiến pháp.
Nếu bây giờ Xi Jinping, vì muốn tiếp tục bám lấy chức chủ tịch nước sau năm 2023, mà lại tìm cách sửa đổi hiến pháp, thì điều này sẽ khiến cho chính bản thân Xi gặp khó khăn nếu muốn tiếp tục sử dụng các lý tưởng của chủ nghĩa hợp hiến và nhà nước pháp quyền để tô vẽ cho tính chính danh của chính quyền Beijing.

Liệu Xi Jinping có trở thành một biểu tượng quyền lực lớn hơn cả Mao và Deng ở TQ? Ảnh: The Newyorker
Xi Jinping sẽ học hỏi Mao Zedong hay Deng Xiaoping?
Xi Jinping có thể giải quyết được toàn bộ nan đề này bằng cách trao chức chủ tịch nước cho một cấp dưới đáng tin cậy (người này hiện vẫn còn là một ẩn số). Như vậy, Xi có thể điều hành Trung Quốc an toàn từ vị trí Tổng bí thư.
Hoặc, ông ta có thể thoái lui ở cả hai vị trí chủ tịch nước và tổng bí thư, giữ gìn các quy tắc về nhiệm kỳ của cả điều lệ đảng lẫn của hiến pháp, và cai trị đất nước mà không thông qua bất kỳ vị trí lãnh đạo cấp cao nào cả. (Một vài chuyên gia đã suy đoán, đây có thể chính là nước cờ mà Xi sẽ chốt hạ).
Đã có những tiền lệ cho cả hai phương án nói trên.
Phương án 1: Mao Zedong (Mao Trạch Đông) – Người Thuyền trưởng vĩ đại – đã không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ từ năm 1959.
Phương án 2: Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), nhà lãnh đạo đã đưa Trung Quốc đi vào thời kỳ cải cách, vốn không giữ bất kỳ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước hay trong đảng vào bảy năm cuối đời.
Tuy nói là thế, Xi Jinping vẫn phải suy nghĩ rất kỹ trước khi chấp nhận các mối phong hiểm tiềm ẩn trong mỗi phương án.
Trước hết, Xi cần phải cân nhắc, liệu giai cấp lãnh đạo đảng Cộng sản và các ban bệ của nó có chịu chấp nhận một nước cờ, mà rõ ràng sẽ là một bước thụt lùi cho nền chính trị Trung Quốc hay không?
Rất nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hiện nay của đảng Cộng sản – kể cảXi Jinping – đều đã trải qua những năm tháng hỗn loạn dưới thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Và vì vậy, trong họ pha trộn những cảm xúc trái ngược nhau về thành tựu của Mao.
Ngoài ra, càng có nhiều người trong con số 85 triệu đảng viên có thể sẽ phản đối bất kỳ nước cờ nào được xem là bày tỏ một thái độ ủng hộ quá đáng cho sự trở lại của một nền chính trị đầy tính sùng bái cá nhân chủ nghĩa như thời kỳ của Mao.

Một góc phố ở Thượng Hải với các ảnh cổ động cho Xi Jinping năm 2016. Ảnh: Aly Song/Reuters
Trung Quốc dĩ nhiên không phải là một thể chế tự do, nhưng Xi Jinping vẫn cần phải cân nhắc là liệu công chúng có cảm thấy phẫn nộ bởi quyết định cố bám trụ chức vụ của ông ta hay không? Nếu mất đi sự ủng hộ của công chúng, thì vị thế chính trị của chính bản thân Xi trong nội bộ Zhongnanhai (Trung Nam Hải – ND: Trụ sở đảng Cộng sản TQ) cũng sẽ bị suy yếu.
Ngoài ra, nếu ông ta chọn từ bỏ các chức vụ hiện nay, thì Xi Jinping lại phải tự hỏi bản thân xem ông ta có thể tin tưởng tuyệt đối những đồng chí mà ông tuyển chọn để kế nhiệm mình hay không? (Mà những người này, chắc chắn sẽ là các đồng chí nam vì các chức vụ nguyên thủ quốc gia hay tổng bí thư chưa bao giờ có phụ nữ đảm nhiệm).
Hiến pháp Trung Quốc không đủ sức để đối đầu với tham vọng của Xi
Các nhà lãnh đạo toàn trị luôn bị dằn vặt bởi nỗi lo lắng về những phụ tá hàng đầu của mình sẽ tìm cơ hội thăng tiến chính trị bằng cách phản bội lại chính những người đã từng đỡ đầu họ, và Xi Jinping cũng thế.
Điều 79 Hiến pháp khiến cho mọi việc càng không dễ dàng, nếu Xi muốn trốn tránh vấn đề này bằng cách từ chối nêu tên người kế nhiệm mình.
Đến cuối cùng, tôi cho rằng những giới hạn của Điều 79 sẽ không phải là yếu tố quyết định đối với Xi. (Và điều này nói lên được một thực tế rất rõ ràng, là chẳng có bất kỳ một nỗ lực xây dựng hiến pháp có ý nghĩa nào ở Trung Quốc trong vòng 35 năm qua).
Ngược lại, Xi sẽ làm ra những quyết định chính trị sau khi cân nhắc giải pháp nào là tốt nhất cho nhu cầu cấp bách hiện thời, cũng như đối với các chiến lược và mục tiêu dài hạn của bản thân.
Cách mà ông ta chọn để giải quyết nan đề của Điều 79 sẽ là một dự báo cho những kế hoạch chủ đạo sau năm 2022 của Xi.
Vậy Xi Jinping sẽ làm gì?
Cho đến thời điểm hiện tại, Xi luôn tỏ ra là một nhà lãnh đạo cứng rắn và quyết liệt trong việc điều hành cả đảng Cộng sản lẫn chính phủ.
Ông ta cũng thể hiện rõ là bản thân không muốn chia sẻ ánh hào quang với bất kỳ ai – chúng ta nhìn thấy điều này qua vai trò ngày càng mờ nhạt của Thủ tướng Li Keqiang (Lý Khắc Cường) trong những năm qua.
Nhìn vào sở thích ham muốn làm Anh Cả không có đối thủ của Xi Jinping, cũng như thói quen đè bẹp mấy chú em có ý muốn trèo lên, thì có lẽ ông ta sẽ tìm cách kéo dài thời gian nắm giữ quyền lực, rồi tiếp tục tại vị ở cả hai vị trí lãnh đạo đảng và nhà nước.
Thế nên, nếu Trung Quốc có ý định mang Hiến pháp ra để sửa đổi lần này (là lần thứ năm kể từ khi được thông qua vào năm 1982), thì có lẽ họ chỉ cần tập trung vào việc dỡ bỏ đi cái rào cản bằng văn bản đang chắn lối Xi Jinping tiếp tục cầm quyền – mặc dù bản thân quy định yếu kém ấy vốn chẳng có sức ảnh hưởng gì mấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.