Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Tiểu thuyết liên tưởng hiện thực xã hội bị đình chỉ vì 'mô tả đen tối'

Tiểu thuyết liên tưởng hiện thực xã hội bị đình chỉ vì 'mô tả đen tối'

bauxitevnSun 8:12 AM

Vào báo điện tử Văn hiến Việt Nam, đọc được bài báo có tựa đề Đình chỉ việc phát hành tiểu thuyết "Mối chúa" của nhà văn Tạ Duy Anh (dẫn nguồn HNMO) giật cả mình khi biết "Mối chúa" của ông bạn nhà văn với bút danh Đãng Khấu bị đình chỉ. Liền viết cái commente như sau:
Ngạn ngữ có câu: "Của cấm là của quý". Biết đâu sau cái lệnh "đình chỉ phát hành", thì "Mối chúa" lại càng nổi tiếng hơn, và bọn nậu sách lại được phần béo bở như trường hợp "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn cuối thế kỷ XX với cả vạn bộ sách lậu (2 tập) được bán tràn lan với giá bán gấp 3 lần giá bìa, làm thiệt hại tác giả về bản quyền.

Thực ra "Mối chúa" là cuốn tiểu thuyết trong tiểu thuyết, phản ánh hiện thực xã hội với các "nhóm lợi ích" đang kết bè kéo cánh làm lụn bại đất nước. Với nhà văn thì sự hư cấu hay tính tưởng tượng là rất quan trọng, nhờ thế mà tính phê phán, cảnh báo hay khái quát của tác phẩm mới lớn. Văn chương không phải là báo chí. Nhưng cái tên sách "Mối chúa" dễ làm cho người chưa đọc sách hiểu nhầm và suy diễn nhầm. Lối suy diễn để "kết tội" là "tư duy tuyên huấn" ấu trĩ một thời. Thời nay, tư duy ấy đã thành lạc hậu rồi. Nếu cứ còn tư duy như thế thì sẽ chả bao giờ có văn chương đích thực. Kiểu tư duy này khiến nhiều ngòi bút hèn kém chùn bút, chỉ viết để "an phận thủ thường". Và hạn chế sự phát triển của văn học nước nhà.
Nếu anh tuyên huấn là một văn tài thì anh ta sẽ hiểu điều đó, và hãy để cho công chúng và thời gian phán xét. Nhưng những văn tài thì chả mấy ai làm tuyên huấn.
Vâng, "Của cấm là của quý". Hãy đợi mà xem..
Đình chỉ, thu hồi sách đã xuất bản: nghịch lý hay "tiến thoái lưỡng nan" của Cục Xuất bản 
Nhân vụ Cục Xuất bản lệnh "đình chỉ" tiểu thuyết "Mối chúa" của Đãng Khấu (tức Tạ Duy Anh), nhớ lại 2 việc:
1. Năm 2007, khi Cục XB ra lệnh cho NXB Hội Nhà văn "tự thu hồi" tiểu thuyết Cọng rêu dưới đáy aocủa Võ Văn Trực, tôi đã viết trên talawas về nghịch lý hay thế "tiến thoái lưỡng nan" này:
"Có điều, tôi thực sự không hiểu chiêu thức trên có lợi gì cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” một khi lệnh thu hồi chẳng bao giờ khả thi mà chỉ giúp cho các cuốn sách bị thu hồi được săn tìm và một số người in sách lậu vớ bở, còn nhà nước tiếp tục mang tiếng là hẹp hòi, thiếu dân chủ trong lĩnh vực văn hoá? Nó có gì khá giống cái dòng… (toà báo tự ý đục bỏ) nhan nhản trong báo chí chế độ Sài Gòn một thời tồn tại Nha Kiểm duyệt. 
Xem ra việc ép nhà xuất bản tự thu hồi sách là một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan của nhà quản lý văn hoá. Thoái thì sợ các nhà văn, các nhà xuất bản hiểu lầm là "đã cởi trói" và "làm tới"; tiến thì chẳng thể nào thẳng cánh như trước, mà lại hóa ra quảng cáo không công cho sách "có vấn đề". 
2. Đầu năm 2008, Cục XB lại ra lệnh "thu hồi" tập Trần Dần Thơ(NXB Đà Nẵng). Anh em chúng tôi (Dương Tường, Châu Diên, HH, Phạm X Nguyên, Nguyễn Huệ Chi,...) đã lập tức khởi xướng kiến nghị phản đối (bản kiến nghị online đầu tiên trong "lịch sử kiến nghị" của người Việt). Thu được ngay trăm mấy chục chữ ký, nhiều tên tuổi lớn trong-ngoài nước. Sau 3 ngày, Cục phải rút lệnh, thay bằng "phạt vạ" NXB vì lỗi... người cấp phép (nhà văn Đà Linh, Phó Giám đốc & Tổng biên tập) ko đủ thẩm quyền!!! An ninh gọi tôi "làm việc" 2 ngày liền! Kết luận, một thủ trưởng cấp hơi cao bực bội: "Thế là các anh thắng phải không?" Tôi cả cười: "Sao anh nói thế? Chúng ta đã thắng chứ! Chúng ta đã ngăn chặn được 1 việc làm xấu mặt Nhà nước!" (hihi...)
Mười năm sau, giờ vẫn cứ thế! Thậm chí gay gắt hơn, ko cần chiêu "tự thu hồi" nữa, mà thẳng thừng "đình chỉ" có văn bản phê phán hẳn hoi! Mà càng phê phán càng như "quảng cáo" cho sách. Và nhiều blogger, facebooker (trong đó có các nhà văn đang hành chức trong hệ thống) đã "sung sướng" trích lời "phê phán / quảng cáo", và dự báo việc in lậu sách nay mai!
Vậy là sao? Cục XB không biết hậu quả ngược của những lệnh này?
Tôi nghĩ: biết nhưng vẫn phải làm để "tròn trách nhiệm" với cấp trên và... đề phòng "nội bộ" (có kẻ moi sơ suất "lập trường" để hất cẳng, chiếm ghế?). 
Lời bình: "Yêu nhau (Đảng) như thế bằng mười hại nhau!" Hihi...
clip_image002
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dantri.com.vn) 
Một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ các sự kiện nổi cộm trong đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian qua vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra lệnh đình chỉ phát hành vì mô tả hiện thực một cách “đen tối, u ám”.
Một nhà phê bình văn học từ Hà Nội nói với VOA rằng ông thấy những gì mà cuốn tiểu thuyết đó phản ánh là “bình thường” và lệnh cấm lưu hành chỉ có tác dụng ngược.
Tiểu thuyết “Mối chúa” của tác giả Tạ Duy Anh ký dưới bút danh Đãng Khấu, mô tả những hiện thực gợi nhớ đến những vụ việc như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nổ súng vào đoàn cưỡng chế đất, vụ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải, các đại án ngân hàng đang được xét xử...
Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì “Mối chúa” bị đình chỉ do “phần lớn các nhân vật đều thể hiện sự đen tối, vô vọng, đau đớn khi phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay” và bao phủ tác phẩm là “lòng tham và sự bất chấp pháp luật”.
Ngoài ra, giọng điệu chế giễu sâu cay cũng là một nguyên nhân khiến cho tác phẩm bị chặn lại. Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho rằng tiểu thuyết này “tô đậm” và “khái quát hóa” tiêu cực xã hội khiến cho “hiện thực trở nên đen tối, u ám”.
Do đó, cơ quan này đã yêu Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cơ quan liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản “Mối chúa”, đình chỉ phát hành “để thẩm định lại nội dung” cuốn tiểu thuyết.
Trao đổi với VOA, ông Phạm Xuân Nguyên, một nhà phê bình văn học ở Hà Nội, nói rằng nhiệm vụ của nhà văn “không phải là tô hồng, cũng không phải bôi đen” mà là “trình bày cảm nhận của mình về hiện thực xã hội”.
Còn nhận định rằng tác phẩm đen tối hay tươi sáng là tùy vào cảm nhận của từng người đọc, ông Nguyên nói. “Có người nói đó là đen tối nhưng tôi cảm nhận không có gì đen tối”.
Khi được hỏi những câu chuyện được tác giả kể lại trong tác phẩm có thể khiến người đọc liên tưởng đến những vụ việc ảnh hưởng xấu đến thanh danh của chính quyền trong thời gian qua, ông Nguyên cho rằng điều đó “pháp luật không cấm”.
“Vụ việc Formosa báo chí đã nói rồi, đã viết rất nhiều rồi, đã đưa công khai rõ ràng rồi. Vụ ông Đoàn Văn Vươn tòa cũng đã xử rồi, ông Vươn cũng đã thụ án xong và đã trở về địa phương lại rồi. Các đại án ngân hàng cũng đang được xét xử. Nhà văn cũng như mọi người khác tiếp nhận những thông tin đó, tổng hợp lại đưa vào tác phẩm của mình, phát triển thêm và xây dựng hình tượng nhân vật thì cũng chẳng sao cả”, ông Nguyên nói.
“Đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì độc giả có thể thấy trong tác phẩm những mảng hiện thực, những góc cạnh của đời sống, nhưng tác giả không phải là sao chép mà có sự sáng tạo của ông”.
“Nếu không đưa những cái này vào tác phẩm thì có thể bị phê phán là không bám sát hiện thực, không bám sát cuộc sống”, ông nói thêm.
Theo nhận định của nhà phê bình này thì “Mối chúa” cũng “thể hiện hiện thực tươi sáng” chứ không phải hoàn toàn là u tối.
Ông dẫn lại nhân vật cô gái trẻ xuất hiện ở phần sau của “Mối chúa” có vẻ đẹp trong trắng và luôn hướng về người khác. Nhân vật này khi lên thay người cha làm giám đốc các dự án kinh doanh, đã cho dừng các dự án sân golf khiến người dân mất đất chứ không như cha, chỉ tìm mọi cách để áp đặt dự án và đẩy người dân đến đường cùng.
“Đó là hiện thực tươi sáng chứ cái gì nữa”, ông Nguyên nhận xét.
Theo ông Nguyên thì về danh nghĩa ở Việt Nam không có cơ quan kiểm duyệt các tác phẩm văn chương trước khi xuất bản mà các nhà xuất bản chỉ biên tập và chịu trách nhiệm về sự biên tập của mình sau khi xuất bản.
Ông Nguyên cho rằng công việc biên tập này chỉ nên là để đảm bảo các tác phẩm không phạm vào những điều mà pháp luật cấm, nhưng cũng không tác giả nào “nhè vào chỗ cấm mà viết mà đem tác phẩm đến nhà xuất bản cả”.
“Làm biên tập mà cứ phải nghĩ đến ngăn ngừa cái này cái kia thì không phải là biên tập”, ông nói. “Nhà biên tập không phải là gác cổng, nếu không, chỉ làm nghèo văn chương”.
“Lệnh cấm chỉ phản tác dụng mà thôi. Nó làm giảm, thu hẹp tính đa chiều, đa nghĩa vốn là một đặc tính của văn chương. Nó chỉ càng làm cho người ta tò mò tìm đọc tác phẩm bị cấm, và nếu đó là tác phẩm xấu thật sự thì lệnh cấm chỉ góp phần tạo vinh quang giả tạo cho cái xấu”.
N.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.