Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Thư giãn Chủ nhật

Thư giãn Chủ nhật

bauxitevnSun 8:10 AM

Hủy-Tạo: Từ “giao hoan” và câu chuyện ngôn ngữ

Chu Mộng Long

Nhà nghiên cứu phê bình Đặng Tiến ở Pháp có thắc mắc: Tại sao các từ điển tiếng Việt hiện hành đều đồng loạt giải thích “giao hoan là cùng nhau vui vẻ”? Bác mỉa mai: “Tôi ngạc nhiên mà cũng có hoang tưởng lén lút”. Hoang tưởng lén lút cái gì? Hiển nhiên là nghĩ đến quan hệ tình dục. Cách giải thích của từ điển như vậy ắt người nước ngoài học tiếng Việt dễ nhầm tưởng nghĩa-đang-sử-dụng của giao hoan là cùng nhau vui vẻ, giống như “liên hoan”. Mà không chỉ người nước ngoài, nếu một thanh niên bản ngữ tưởng từ điển là chuẩn, rất dễ bị ăn tát khi nói với cô gái nào đó, rằng “anh muốn giao hoan với em”.

Một số học giả đặt hoài nghi, hay là tại thời điểm biên soạn từ điển, từ giao hoan không có nghĩa như hiện nay? Trong cảm thức của tôi, nghĩa gốc của giao hoan chỉ có thể là quan hệ xác thịt. Mà quan hệ xác thịt thì hiển nhiên là vui vẻ. Vui vẻ nhất trong mọi sự vui vẻ.

C.M.L.

Trong bài, tác giả có trích một đoạn ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi góp vào vấn đề này. Để bạn đọc hiểu đầy đủ những gì Nguyễn Huệ Chi đã góp, Bauxite Việt Nam xin dẫn lại dưới đây toàn bộ 2 đoạn góp ý đó trên FB:

Đoạn 1Lại Nguyên Ân, điều Ân nói (1) làm tôi rất băn khoăn, vì tôi vốn tin ở các học giả tiền bối, không dám phê phán họ một cách khinh suất, mặc dù tôi cũng như Tien Dang, Ân và mọi người đều hiểu "giao hoan" có cái hàm nghĩa "trần tục" nằm sâu trong đấy. Vì thế, tôi bèn đặt vấn đề: thử tra vào nguyên gốc từ "giao hoan" chữ Hán xem từ điển Trung Quốc giải nghĩa thế nào. Điều kiện hiện tại tôi chỉ có thể tra Wikipedia TQ là mạng baidu.com, thì từ "giao hoan" 交歡 có đến 4 nghĩa (đều có dẫn các câu văn cổ làm minh chứng), xếp theo thứ tự như sau: Nghĩa 1: 與人結交而取得對方的歡心 (dữ nhân kết giao nhi thủ đắc đối phương đích hoan tâm) = kết giao với người khác và nhận được tấm lòng hoan hỷ của đối phương. Nghĩa 2: 結好 (kết hiếu) = kết tình giao hảo; Nghĩa 3: 一齊歡樂 (nhất tề hoan lạc) = cùng nhau vui chơi [thỏa thích]; Nghĩa 4: 男女成婚或歡合 (nam nữ thành hôn hoặc hoan hợp) "Thành hôn" thì ai cũng hiểu rồi, còn chữ "hoan hợp"? Tra chữ “hoan hợp” thì có nghĩa: 因歡愛而結為夫妻 (Nhân hoan ái nhi kết vi phu thê) = nhân “hoan ái” mà kết làm vợ chồng. Lại tra chữ “hoan ái” thì có nghĩa: 男歡女愛 (nam hoan nữ ái) = trai gái yêu nhau. Từ điển này chú thích tiếng Anh là : Pleasure - Love / Male Joy, Female Love = vui - yêu / nam vui nữ yêu. Như vậy, tôi nghĩ, trong nghĩa gốc của từ điển mà các cụ ta tham khảo, chữ “giao hoan” ở 3 nghĩa đầu hoàn toàn không phải là "giao hợp" mà đúng như các cụ giải thích. Còn ở nghĩa cuối cùng tuy đã ít nhiều có nét gần với nghĩa đó nhưng cũng chỉ là bóng bẩy chứ chưa phải cụ thể như chữ “giao hợp” 交合 hay “giao cấu” 交媾. Chủ yếu là nói chuyện nam nữ yêu nhau, kết đôi vợ chồng. Chính đó là lý do vì sao các cụ (kể cả cụ Hoàng Phê khá gần chúng ta) giải nghĩa là "cùng nhau vui vẻ". Điều này cũng chứng tỏ từ khi du nhập vào Việt Nam, trải qua thời gian, nghĩa của từ Hán Việt đã có sự chuyển đổi / cải biến, trong đời sống giao tiếp, kể từ Cận đại đến nay chứ không lâu la gì.

Đoạn 2Chu Mộng Long, việc bạn giải cấu trúc là việc cần làm của nhà ngôn ngữ học và trước nhất là văn hóa học. Nhưng việc tôi làm cũng cần, để biết các nhà từ điển học tiền bối chúng ta đã xuất phát từ đâu mà giải thích nghĩa của từ "giao hoan" không có nghĩa “làm tình” như Tien Dang và Lại Nguyên Ân đã tìm ra trong các bộ từ điển, từ Huỳnh Tịnh Của đến ĐDA, đến cả Hoàng Phê. Kết quả tôi tìm thấy là các cụ đã rất trung thành với từ điển gốc. Và khi trong các bộ từ điển Trung Quốc, "giao hoan" không có nghĩa cụ thể của "giao hợp" thì không thể bắt các cụ làm chuyện gọi là “giải cấu trúc” để bổ sung nghĩa cho "giao hoan" như Long làm. 

Vấn đề có thể và nên đặt ra là: khi giải thích từ "giao hoan" thì trong đời sống thực tế của VN, từ này đã có cái nghĩa xác thịt chưa. Theo tôi, đó mới là điều mà nhà ngôn ngữ học cầu thị cần xem xét (ngôn ngữ học lịch sử). Trường hợp cụ Đào Duy Anh, tôi nghĩ cụ không thể làm khác được, vì từ điển của cụ là "Hán Việt", cụ phải bám từ điển chữ Hán, không thể đi xa nghĩa gốc trong từ điển Hán. Còn với các cụ khác, là từ điển "quốc âm", từ điển "tiếng Việt", nên nếu đã có nghĩa "làm tình" trong đời sống thực tế mà không đem vào thì các cụ có lỗi. Tôi hơi ngờ điều ấy. Cho nên có thể nghĩ, ở thời điểm các cụ, từ "giao hoan" trong tiếng Việt chưa có nghĩa cụ thể làm tình chăng? Hoặc giả các cụ cũng như chúng ta ngày nay – ở một số trường hợp từ Hán Việt bị dùng sai đã lật trở lại nghĩa gốc và phản ứng với những cách dùng tùy tiện trên báo chí –, các cụ tuy thấy từ "giao hoan" được dùng theo nghĩa làm tình, nhưng tra từ điển TQ lại không có nghĩa ấy, bèn quyết "sửa sai", chỉ giải nghĩa mà từ điển TQ định nghĩa (và thành ra thiếu sót so với thực tế?). Trường hợp cụ Hoàng Phê thì có phần chắc là vậy. Cụ ở gần nhà tôi, chơi với tôi khá thân tình, nhiều trường hợp cụ băn khoăn cụ bèn sang tận nhà nhờ tôi tra cứu lại đủ các loại từ điển để xem cụ tra có sai sót chỗ nào không, rồi mới dám hạ bút. Đó là những người làm việc không hề thiếu cẩn trọng. 

(1) Lại Nguyên Ân viết comment như sau: “Hóa ra các từ điển đều chưa ghi hàm nghĩa mà người ta vẫn dùng ở từ "giao hoan". H.T.Paulus Của (Đại nam quấc âm tự vị, 1895-96) ở "giao" có các thứ: giao kết, - ước, - hòa, - ngôn, - lân, - hảo, v.v., nhưng không có "giao hoan"; ở mục từ "hoan"(ghi nghĩa: vui vẻ) có: - hỉ, - lạc, - tình, rồi: hỉ -, hán-, chí - , không có "giao hoan". Đào Duy Anh (Hán-Việt từ điển) muc từ "Giao" có ghi "giao hoan" với nghĩa là: cùng vui với nhau. Chỉ có từ "giao hợp" mới ghi nghĩa là: trai gái làm tính giao với nhau (relations sexuells, copulation). Cho nên Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (2006) cũng chỉ ghi: "giao hoan: cùng vui với nhau", lại chú là: vch, id (văn chương, ít dùng). Đành nhận xét rằng giới từ điển chuyên nghiệp cũng có chỗ lạc hậu so với thực tiễn sử dụng tiếng Việt” (trong bài của Chu Mộng long: Giao hoan là cùng nhau vui vẻ).
clip_image001
Trong một sổ tay lưu lạc của Albert Einstein có ghi lại hai điều đáng lưu ý:
– “Mọi thứ trong Vũ trụ thật sự rất đơn giản. Nếu như nó có phức tạp chút nào, thì đó là do chúng ta không suy nghĩ đúng chỗ”.
– “… đừng tin những câu trả lời thông dụng hay điều mà những người khác đã nói (thậm chí nếu người đó tên là Isaac Newton)”.
Albert nói cho vật lý học nhưng cũng cho tất cả.
Quả thật, mọi thứ chúng ta nhìn thấy rất đơn giản. Chúng ta vẫn thấy mặt trời mọc hàng ngày, hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, vẫn thấy mọi người yêu nhau và đánh nhau…
Nhưng thấy là vậy mà biết về những cái ấy, điều ấy thì lại vô cùng phức tạp. Chính Albert diễn giải học thuyết của mình mấy trăm trang cũng không ai hiểu gì cả. Không phải Albert phức tạp điều dễ hiểu thành lý thuyết mà bởi người ta quá tin vào những điều người đi trước đã nói. Té ra không phải do cái gọi là lý thuyết mà do ta cả tin, tức bị trượt vào tín điều mà không chịu động não. Hãy đặt suy nghĩ đúng chỗ là thông điệp của Albert Einstein. Mọi sự thật đơn giản, như chính cuộc sống, nhưng các học giả đã làm cho nó phức tạp.
GS. Nguyễn Huệ Chi tra vào tận gốc từ điển Trung Quốc và xác nhận:
“Từ “giao hoan” 交歡 có 4 nghĩa (đều có dẫn các câu văn cổ làm minh chứng), xếp theo thứ tự như sau: Nghĩa 1: 與人結交而取得對方的歡心 (dữ nhân kết giao nhi thủ đắc đối phương đích hoan tâm) = kết giao với người khác và nhận được tấm lòng hoan hỷ của đối phương. Nghĩa 2: 結好 (kết hiếu) = kết tình giao hảo; Nghĩa 3: 一齊歡樂 (nhất tề hoan lạc) = cùng nhau vui chơi [thỏa thích]; Nghĩa 4: 男女成婚或歡合 (nam nữ thành hôn hoặc hoan hợp) “Thành hôn” thì ai cũng hiểu rồi, còn chữ “hoan hợp”? Tra chữ “hoan hợp” thì có nghĩa: 因歡愛而結為夫妻 (Nhân hoan ái nhi kết vi phu thê) = nhân “hoan ái” mà kết làm vợ chồng. Lại tra chữ “hoan ái” thì có nghĩa: 男歡女愛 (nam hoan nữ ái) = trai gái yêu nhau”.
Sự phức tạp nằm ở đó. Vậy là Giáo sư tỏ ra “rất băn khoăn, vì mình vốn tin ở các học giả tiền bối, không dám phê phán họ một cách khinh suất”.
Các cụ gốc nho nhã, các cụ chỉ tin vào câu chữ của văn chương, không nhìn thấy ẩn bên trong cái từ ấy là gì cũng phải. Không khinh suất là đúng, vì nhà Nho chỉ nhìn thấy cái quần, nhưng giới bình dân thì quá quen với cái trong quần. Đơn giản cái trong quần là sự sống, niềm vui và hạnh phúc của họ. Không ngẫu nhiên mà từ giao hoan khi được Việt hóa lại mang nghĩa trần tục là chuyện quan hệ xác thịt. Không khinh suất các cụ Nho học nhưng cũng không thể coi thường giới bình dân, mặc dù giới bình dân không cần biết mặt chữ là gì. Trong trường hợp này F. Saussure đúng khi nói “người bản ngữ luôn luôn đúng”.
Tra cứu từ điển, dù có tra đến từ nguyên cũng chỉ là trên bề mặt. Trích dẫn văn chương thì càng không thể tìm ra, vì văn chương ít khi dùng nghĩa tục. Phải tra đến Kim Bình Mai thì may ra mới có thể lộ diện cảnh trai gái lõa thể với cuộc ái ân đầy xác thịt đến không muốn rời ra: “Nhị nhân tựu tại viện nội đắng thượng xích thân lộ thể, tịch chẩm giao hoan, bất thăng khiển quyển” 二人就在院內凳上赤身露體, 席枕交歡, 不勝繾綣 (Đệ bát thập nhị hồi). Kim Bình Mai nổi tiếng dâm thư, cho nên mới hé lộ cách dùng từ ở nghĩa nguyên thủy mà chính một nhóm người có học đã cố tình làm lệch lạc, sai nghĩa hoặc mất nghĩa.
Đến đây thì chỉ có thể khảo cổ văn hóa mới thấy phần nào chiều sâu cái nghĩa bị đè lấp bởi lớp vỏ của từ. Ngôn ngữ là sản phẩm của văn hóa. Mà văn hóa thì có đến tầng tầng lớp che đậy lên sự thực.
Hoan là vui vẻ, không tra cứu cũng biết là niềm vui tinh thần. Nhưng chữ Giao, từ tố đóng vai trò chính để ghép thành giao hoan thì đáng nghi lắm khi dám bảo nó không mang nghĩa xác thịt. Chẳng lẽ nó cũng chỉ mang nghĩa tinh thần? Nếu bổ sung cho từ điển hiện nay, từ nghĩa gốc: vui vẻ với nhau, đến thêm nghĩa phái sinh: quan hệ xác thịt thì thậm vô lý. Không có chuyện ngược đời đó, cho nên các cụ gốc Nho hoặc ảnh hưởng Nho lúng túng, không đưa vào từ điển cũng phải.
Muốn biết gốc thì phải truy tự hình, đến tận giáp cốt văn, triện văn, kim văn và xa hơn cả món giáp cốt văn vốn là tự hình nguyên thủy kia, tức hủy hoàn toàn cái cấu trúc bền vững đang-sử-dụng của giới Nho học còn sót lại: “giao hoan” là “cùng nhau vui vẻ”. Chỉ có làm như thế thì may ra mới thấy cái gì đang bị giấu kín hoặc bị xóa mờ đi bởi cái gọi là văn hóa mà đại diện của nó là các Cấm kỵ (Taboo) đã từng chuyển nhân loại từ tự nhiên hoang dã sang văn hóa văn minh.
Trong các từ điển Hán đều ghi nhận chữ Giao交 có tự hình giáp cốt văn, triện văn, kim văn như sau:
clip_image002
Nó giống cái gì vậy? Giống một người dạng háng ra và một “vật lạ” có khấc chọt vào. Điều này làm ta liên tưởng đến hình ảnh phồn thực nguyên thủy trong đền cổ của  Ấn Độ giáo:
clip_image004
Linga-Yoni, từ tả thực đến biểu trưng
Đây là hình ảnh tả thực để sau này thành cặp Linga-Yoni. Ấn Độ giáo đã biến cái này thành các vị thần sinh diệt: Shiva, Vishnu, Brahma. Chân dung thần Shiva nguyên thủy được ghi nhận như là cái Linga.
Kể cả Phật giáo sau đó cũng mượn lại và biến thành A Di Đà, đẩy sự sung sướng trần tục về Tây Phương Cực Lạc:
clip_image006
A Di Đà, từ nguyên thủy đến hiện tại
Dù đã cố tình cắt xén, biên tập, kiểm duyệt khắt khe, cố tình xóa đi dấu vết trần tục trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng vẫn còn đó, dù mờ nhạt dần, cái dấu vết mang hình hài nguyên thủy của chuyện xác thịt mà loài người đã từng tín ngưỡng. Rõ ràng cái Thiêng ban đầu là cái Tục, hay nói cách khác, cái Tục đã sinh ra cái Thiêng. Sự đối lập giữa Tục và Thiêng là sản phẩm của tư duy nhị nguyên, trong khi khởi thủy hoàn toàn nhất nguyên: Tục cũng là Thiêng và Thiêng cũng là Tục. Chính con người sau các cấm kị đã có xu hướng từ giã trần tục để tìm đến thiên đàng rồi trôi dần vào hoang tưởng.
Quay lại chữ Giao, từ tố chính của từ giao hoanGiao ban đầu chỉ có thể là quan hệ xác thịt. Không phải không có, chính Từ điển phổ thông ghi nhận, nhưng lại xếp vào nghĩa thứ 4 sau các nghĩa tinh thần: ④ (Động) Giống đực và giống cái dâm dục. ◎Như: “giao hợp” , “giao cấu” . Từ điển Thiều Chửu xếp đến nghĩa cuối cùng, nghĩa thứ 8: ⑧ Dâm dục, giống đực giống cái dâm dục với nhau gọi là giao hợp , là giao cấu , v.v. Từ điển Trần Văn Chánh xếp đến thứ 9: ⑨ Sự giao hợp, sự giao phối (giữa nam nữ, đực và cái về mặt sinh dục):  Giao cấu; Loài hổ bắt đầu giao phối (từ tháng thứ hai cuối mùa đông) (Hoài Nam tử).
Sự thực, chữ Giao khi được cải biến thành các dạng khác mới chuyển nghĩa tinh thần. Kết hợp với bộ nữ thành , nghĩa là đẹp, quyến rũ. Kết hợp với bộ nhânthành  mang nghĩa bạn bè, bằng hữu. Kết hợp với bộ khẩu thành  tiếng chim kêu gọi bạn. Kết hợp với bộ nguyệt thành  keo sơn, kết dính.
Việc chuyển nghĩa trong giao du   đi lại chơi bời với nhau (Thiều Chửu), chẳng khác gì tiếng Việt ta dùng từ “chơi” thay cho hoạt động giao hoan ở nghĩa xác thịt!
Các nghĩa khác mang tính tinh thần của từ giao như giao thiệp, giao cảm, giao tế, giao tiếpvà giao hoan dù đã xa sang địa hạt tinh thần vẫn không thoát ly khỏi cái nghĩa gốc của giao là quan hệ xác thịt. Không ngẫu nhiên mà nó tạo ra cả hệ thống: giao cấu, giao hợp, giao hoan… trong cùng một trường nghĩa. Bởi vì, theo Phân tâm học cổ mẫu, con người đã trải nghiệm thân xác và tư duy từ xác thịt của mình trước khi tư duy về vũ trụ. Chỉ vì sau đó tôn giáo ra đời mới có chuyện nói ngược, rằng Trần tục do Thiên đường sinh ra. Người ta diễn nghĩa Kinh Dịch, dù có nói đến quan hệ Trời Đất mênh mông cũng không thể quên quan hệ Nam Nữ: Thiên địa giao vạn vật hóa sinh, Nam nữ cấu tinh vạn vật hóa thuần, Thượng hạ giao nhi kì chí đồng dã…
Có thể kết luận, từ giao hoan mang nghĩa gốc phải là quan hệ xác thịt, sau được chuyển sang nghĩa tinh thần: cùng nhau vui vẻ. Nếu cập nhật vào từ điển xem nghĩa trần tục với quan hệ xác thịt kia là nghĩa phái sinh thì không thể được, vì cách làm đó chỉ có thể là nói ngược. Như vậy, chính quá trình Việt hóa chữ Hán, một cách vô thức, người Việt đã làm sống lại nghĩa tưởng chừng đã chết bởi sự cấm kỵ, đè lấp của văn hóa Nho giáo. Giao hoan chỉ quan hệ tình dục là nghĩa trường tồn, cổ sơ và cũng hiện đại, trừ phi kẻ có học cố tình che giấu hay đánh mất.
Không chỉ từ giao hoan mà điều này có thể diễn ra ở nhiều từ khác. Từ sự cấm kị, các từ dịch chuyển bằng hình thức kiểm duyệt, biên tập, cắt xén làm thay đổi hình thức lẫn nội dung. Nguyên lí dịch chuyểncủa S. Freud đúng cho cả ngôn ngữ như một hiện tượng tâm lý và văn hóa. Chữ ghi hình đi qua một quy trình từ tả thực rồi dịch chuyển sang biểu trưng thông qua thao tác cắt xén, biên tập, giản lược hóa, thẩm mỹ hóa, trừu tượng hóa. Nhớ có một lần, TS. Nguyễn Xuân Diện chia sẻ: chữ Tổ  mang nghĩa là kẻ đầu tiên sinh ra con người lại có tự hình là cái dương vật, phản ánh sâu sắc chủ nghĩa duy dương vật (Phallogocentrism) và ý thức phụ quyền. Chữ Nữ 女 có tự hình nguyên thủy là cái âm vật, khi chế biến sang chữ Nôm, các cụ ta đã điểm thêm vào lỗ trống dấu chấm đọc là chữ Đĩ, phục sinh đầy đủ nghĩa trần tục của nó. Điều này không khác người bình dân gọi tên con trai, con gái bằng chính bộ phận sinh dục của chúng vì đời sống ngôn ngữ của họ nằm ngoài hàng rào cấm kỵ. Đó không phải là chuyện đùa mà là sự thật nghiêm túc.
clip_image007
Tự hình chữ Tổ và chữ Đĩ
Cấu trúc luận chủ trương nghĩa-đang-sử-dụng, bất chấp lịch sử của từ. Bởi họ quan niệm nét nghĩa đã mờ hoặc đã chết không còn giá trị. Đó là một sai lầm. Phân tâm học và Giải cấu trúc xem cái đã mờ, thậm chí tưởng chừng đã chết lại không bao giờ chết. Nó sẽ tồn tại bên dưới ngôn từ, J. Lacan gọi là phần Thực luôn bị che giấu, vắng mặt và không thể diễn tả bởi Cấm kỵ. Ngôn ngữ hình thành từ cái Thực (Real) theo thị giác, kích thích Tưởng tượng (Image) và cuối cùng kết tinh ở dạng Biểu trưng (Symbolic). Có nghĩa là ngôn-ngữ-đang-sử-dụng là dạng Biểu trưng do cả một quá trình kiến tạo dưới áp lực của Cấm kị (Taboo) bằng hình thức cắt xén, biên tập, kiểm duyệt. Nghĩa do đó thường bị trượt (glissement) trên các Biểu trưng và Chuỗi biểu đạt. Nhưng theo Lacan, trong khi Biểu trưng thuộc quyền lực kìm nén dục vọng, đẩy cái Thực xuống tầng sâu, thì cái Thực vẫn luôn có xu hướng trồi lên và sẽ được đánh thức, đồng thời gia tăng theo tưởng tượng trong vô thức. Ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm của ý thức như cấu trúc luận quan niệm mà còn là vô thức. Derrida gọi các dấu hiệu chìm lấp ấy là các “vết mờ”, tức không bao giờ mất đi và luôn mang tính dự phòng cho nhiều cách diễn giải. Với người sử dụng bình thường, có thể họ chỉ biết nghĩa-đang-sử-dụng, nhưng nhà nghiên cứu thì phải biết cả lịch sử của từ, làm hiện các vết mờ để gia tăng về nghĩa. Thực chất, ngay cả người bình thường, ngôn ngữ trong cảm thức của họ cũng luôn có tính dự phòng trong vô thức, trong một tình huống nào đó phần vết mờ sẽ hiện ra đầy đủ. Các trường hợp lấy cái bị giấu kín để đặt tên con, gọi cái bị giấu kín ra để chửi, để văng tục, nói nhịu đều thuộc hiện tượng đó.
Hệ luận mà Derrida đã chỉ ra, do chữ viết ghi âm đã đánh lừa chúng ta, bản thân chữ viết là không võ đoán, rõ nhất là trong chữ ghi hình. Với lối ghi hình theo thị giác, ngôn ngữ cổ sơ của loài người gần với tự nhiên và từng là ngôn ngữ chung của nhân loại, không phân biệt khu vực, địa cư và chủng tộc. Có lẽ vì thế mà,  nếu nhìn dưới góc nhìn giải huyền thoại, ta dễ nhận ra một sự thật trong câu chuyện về tháp Babel trong Sáng thế ký. Chuyện kể rằng,  sau Đại hồng thủy, một nhóm người và các thế hệ tiếp theo nói cùng một thứ ngôn ngữ và di trú từ phía đông, đã tham gia vào việc xây dựng tháp Babel với tham vọng xây nên một tòa tháp thật to lớn đến mức đỉnh của nó chạm đến Thiên đường. Sự thống nhất ngôn ngữ mang lại sức mạnh cho con người đến mức có thể cạnh tranh với sự vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng điều gì đã xảy ra? Kinh Thánh ghi: Vì sự kiêu ngạo này, Thiên Chúa ngăn chặn việc xây dựng tháp một cách không đổ máu bằng cách gây ra một sự xáo trộn và bất đồng của tiếng nói, và do khó khăn về giao tiếp không thể vượt qua, những người xây dựng đã từ bỏ dự án và tản ra trên khắp trái đất. (Gen 11,7,8 EU). Hậu quả sự ngăn chặn của Thiên Chúa trong câu chuyện phản ánh hậu quả tất yếu của Cấm kỵ và biện chứng hai mặt về sự tha hóa và phát triển của ngôn ngữ: càng đa dạng càng phức tạp dễ gây chia rẽ và rối loạn, nhưng cũng là động lực của sự thay đổi và tiến bộ. Nó cũng phản ánh sâu sắc sự vận động tất yếu từ nhất nguyên đến đa nguyên của ngôn ngữ và cuộc sống. Sự chia rẽ và rối loạn đó chỉ có thể là bởi sự đánh mất chữ viết ghi hình và sự biến động của ngôn ngữ dưới dạng âm thanh, mà kết quả là chữ viết ghi âm ra đời với những ưu điểm về sự ghi lại âm thanh, giản lược cùng khả năng trừu tượng hóa tư tưởng, nhưng lại mang nhược điểm về sự võ đoán và mất hẳn chức năng giao tiếp phổ quát toàn cầu.
Đến đây có thể kết luận điều mà tôi từng xác quyết: Tự hình không phải độc quyền của người Hán. Nó là ngôn ngữ nguyên thủy của loài người trước khi bị người Hán độc chiếm với hoang tưởng là của riêng và đẩy các dân tộc xung quanh rơi vào mặc cảm bị nô dịch.
Quy Nhơn 20/9/2017
C.M.L.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.