Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Cây "cầu anh Hưng" và "sợi dây thần kinh xấu hổ"

Cây "cầu anh Hưng" và "sợi dây thần kinh xấu hổ"

bauxitevnSun 8:44 AM

Bùi Hoàng Tám
Những ngày qua, nhiều tấm gương sáng ngời lòng nhân ái đã đốt lên trong tâm hồn mỗi người Việt một niềm tin yêu và hi vọng. Đó là chuyện một doanh nhân bỏ hàng chục tỉ đồng để xây kí túc xá cho các sinh viên nghèo hiếu học ở TP Hồ Chí Minh. Đó là một em học sinh từ chối chiếc xe đạp của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trao vì một lí do đơn giản: em đã được nhận xe đạp một lần cách đây mấy năm và giờ vẫn còn dùng tốt, xin nhường bạn khác. Đó là chuyện một tài xế đã góp phần cứu giúp hơn 30 người trong chuyến xe mất phanh khi đổ đèo…
Và gần đây, dư luận lại một lần nữa xúc động với việc anh Phan Văn Hưng (43 tuổi, trú tại thôn Bản Châu - xã Tân Tiến - huyện Tràng Định - tỉnh Lạng Sơn) đã bỏ ra 45 triệu đồng và vay ngân hàng 30 triệu đồng xây cầu bê-tông cho dân bản.
Báo Lao động cho biết, xóm nhỏ nơi gia đình anh Hưng sinh sống gồm có 6 hộ gia đình, khoảng hơn 20 người, bị ngăn cách với trung tâm xã Tân Tiến bởi sông Bắc Khê. Năm 2005, gia đình anh Hưng ra ở riêng và xây nhà bên sông, khi đó muốn sang bờ bên kia phải qua một chiếc cầu tre nên mọi vật liệu dùng để xây nhà đều gánh lên vai vì xe máy không thể chở qua cầu được, khó khăn vất vả lắm mà không biết phải làm sao. Đã vậy, mỗi mùa nước lũ, chiếc cầu tre nhỏ lại bị lũ cuốn trôi, người dân phải dùng bè mảng để qua sông, lũ to quá không đi được bằng bè, cả xóm bị cô lập vì không còn con đường nào khác để đi. Mùa mưa lũ, các cháu nhỏ phải nghỉ học, mọi công việc của người dân bị gián đoạn, không đi làm ruộng nương được. Nhiều khi lũ kéo dài cả 2-3 tuần, người dân không thể sang sông gặt hái hoa màu, khiến cho thóc lúa và ngô mọc mầm hết, bao công sức cả một vụ coi như mất trắng.

Năm 2008, một người em họ nhà anh Hưng qua chơi đúng mùa nước lên, cầu tre đã cũ nên khi đi qua cầu, cả người và xe máy của em họ anh đã rơi xuống sông. Em họ anh may mắn bơi được vào bờ nên không sao còn xe bị lũ cuốn trôi xa gần 1 km, phải nhờ người dân đến giúp vớt lên và xe khi đó đã hư hỏng nặng. 
Từ đó, hằng đêm anh trằn trọc suy nghĩ làm cách nào để thuận tiện cho mình và người dân đi lại mà không phải lo ngày mưa lũ, không phải hằng năm chặt tre làm cầu nữa, vì tre rừng chặt mãi cũng hết. Và thế là anh gom góp tiền của mình và vay thêm từ ngân hàng, cây cầu bê-tông dùng cáp treo dài 40 m, rộng 1,8 m, cao hơn so với mặt sông Bắc Khê khoảng 8 m, gồm 4 trụ chính và 2 trụ phụ đã được khánh thành trong niềm vui vỡ òa của bà con dân bản. 
Ghi nhận công lao của anh, bà con thôn Bản Châu đặt tên cho cây cầu là "cầu anh Hưng". Nhắc đến "cầu anh Hưng" người dân trong xã Tân Tiến không ai là không biết…
Đọc bài báo, chợt nhớ câu chuyện mình đọc từ thưở ấu thơ. Thời gian đã quá lâu, mình không còn nhớ chi tiết, chỉ nhớ đó là một truyện ngắn nước ngoài kể về một nhóm các em nhỏ trên đường đi học nói về mơ ước mai sau của mình. Em thì muốn làm bác sĩ, em thì mong ước được làm thày giáo, có em mong ước trở thành thi sĩ và có em mong trở thành nhà du hành vũ trụ… Chỉ có một em không nói năng gì. Khi đi ngang con suối, cả bọn phải cởi giày, đeo túi lên vai, lội qua trong nước giá. Mấy hôm sau, người ta thấy cậu bé im lặng kia ngày ngày ra bờ suối đốn một cây thông lớn. Khi cây thông đổ, vắt ngang thành cây cầu nho nhỏ bắc qua con suối. Từ hôm đó, đám học sinh không còn phải lội suối để đến trường nữa. Dân làng đã lấy tên em đặt cho tên cầu. Giờ đây, con đường nhỏ năm xưa đã trở thành một đại lộ nối hai thành phố lớn. Thay vào cây cầu gỗ thông nhỏ năm nào là một cây cầu hiện đại nhưng tên cây cầu thì không thay đổi. Vâng, từ đó nói như một thi sĩ: "tên em đã thành tên đất nước".
Trở lại với cây cầu của anh Hưng, trong khi không ít người có quyền có chức, có ăn có học tham lam vô độ, vơ vét tiền nước tiền dân, những công trình bị rút ruột, những dự án ma hàng chục, hàng trăm tỉ đồng hay những vụ thất thoát có khi lên đến hàng ngàn tỉ đồng thì ở nơi biên ải xa xôi, có một người nông dân ít chữ đã vay tiền ngân hàng về xây cầu cho mình và dân bản. Giờ đây, cây cầu mang tên "cầu anh Hưng" cũng có nghĩa là tên anh đã thành địa danh đất nước như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm - Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi - Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha".
Không biết những kẻ tha hóa, tham nhũng tiền nước, tiền dân có đọc bài báo này không và cũng không biết nếu đọc, trong trái tim họ họ có còn hai từ "xấu hổ"?
B.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.