Nghị viện châu Âu cần ép Hà Nội những điều kiện nhân quyền nào?
bauxitevnMon 8:19 PM
Thiền Lâm
(Cali Today)
Việt Nam - Cali Today News - Một tháng rưỡi sau vụ Chính phủ Đức cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin và khiến nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, Liên minh châu Âu (EU) vừa có cơ hội để đặt lại những điều kiện nhân quyền thiết yếu đối với chính quyền Việt Nam.
Đến làm việc tại Hà Nội vào tháng 9/2017 là ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu - một nhân vật có thể là quan trọng đối với chính quyền Việt Nam.
Nghị sĩ Bernd Lange (phải) trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 15/9/2017 - Ảnh: Quỳnh Trung
Vào nửa cuối năm 2016 và trong nửa đầu năm 2017, đã có một số nghị sĩ của EU đến Hà Nội làm việc về Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA) nhưng đều nhận được kết quả “rà soát” rất sơ sài từ phía các cơ quan Việt Nam. Đặc biệt, chủ đề nhân quyền - một trọng tâm của EVFTA theo quan điểm của EU, đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến 21 người bất đồng chính kiến trong 8 tháng đầu năm 2017 - một “thành tích” tương đương với thời kỳ “khủng bố trắng” từ năm 2008 đến năm 2012.
Còn lần này thì sao?
“Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU” - ông Bernd Lange nói với các nhà báo vào ngày 15 tháng Chín, tại Hà Nội.
Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.
Tuổi Trẻ - một tờ báo nhà nước hiếm hoi đưa tin tương đối đầy đủ và khách quan về nội dung trả lời báo chí của ông Lange, tường thuật rằng ông Lange cho biết bên Việt Nam vẫn chưa thông qua 3/8 công ước quốc tế, trong đó có các công ước quy định quyền tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nếu Việt Nam thông qua các công ước này, theo ông Lange, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nghị viện châu Âu xem xét đồng thuận phê chuẩn EVFTA.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), quá trình xem xét các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA sẽ trải qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, Ủy ban thương mại quốc tế của chủ tịch Bernd Lange sẽ rà soát toàn diện hiệp định nhằm đảm bảo thông tin, tình trạng pháp lý đầy đủ.
Giai đoạn 2, Ủy ban thương mại quốc tế sẽ trình lên Nghị viện châu Âu để thông qua.
“Nếu đạt được sự đồng thuận đa số ở Nghị viện châu Âu thì EVFTA được thông qua vào mùa hè 2018. Việc thông qua hay không đòi hỏi nhiều nỗ lực từ hai phía” - ông Bernd Lange giải thích.
Theo đài RFA Việt ngữ, đa số báo chí Việt Nam không đề cập gì đến quan ngại về nhân quyền mà người đại diện của EU nêu ra tại Hà Nội, nhưng lại đưa tin về chuyến thăm Thụy sĩ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo thông tin từ trang web của chính phủ Việt Nam, các quan chức Việt Nam và Thụy sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten.
Rất dễ để hình dung rằng sau cú đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam choáng váng, EVFTA là niềm hy vọng cuối cùng để Việt Nam duy trì được số xuất siêu hơn hai chục tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, cũng như cứu vãn nền kinh tế Việt nam và do đó cả chân đứng thể chế chính trị vốn đang tích tụ rất nhiều dấu hiệu của suy thoái và khủng hoảng.
Trước chuyến đi châu Âu của Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị Việt Nam cũng đã cử hai phái đoàn đi “dân vận” ở châu Âu: đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và đoàn của ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng. Tuy nhiên, cả hai đoàn này đều chỉ có được kết quả hết sức mờ nhạt.
Với vị thế không quá khiêm nhường của mình, vào lúc này EU hoàn toàn có thể cứng rắn để đàm phán về EVFTA và đưa ra những điều kiện nhân quyền đối với chính quyền Việt Nam như [Đoạn Mao Tôn Cương của báo Cali?]
- Quốc hội Việt Nam phải ban hành Luật Biểu tình và Luật Lập hội ngay trong năm 2017 với những nội dung thuận lợi cho tự do biểu tình và lập hội chứ không phải thiên về quản lý và áp đặt các điều kiện siết bức các quyền tự do.
- Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải công nhận xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt công nhận quyền tự do báo chí với tổ chức đại diện cho quyền này là Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
- Công an Việt Nam phải chấm dứt ngay lập tức các hành vi theo dõi, triệu tập trái phép, bắt cóc, đánh đập, bắt giam người hoạt động nhân quyền và người hoạt động tôn giáo.
- Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho 30% số tù nhân chính trị (tức khoảng 30 người trong tổng số khoảng 100 tù nhân chính trị hiện nay). Những tù nhân chính trị còn lại sẽ phải được trả tự do trong hai năm sau đó (2018 - 2019).
- Năm 2017, việc tài trợ của EU cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam sẽ không phải hỏi ý kiến của chính quyền Việt Nam. Một phần đáng kể của tài trợ dự án từ EU sẽ được hỗ trợ cho xã hội dân sự độc lập để có được những kết quả thực tế về dân quyền, thay vì chỉ đổ vào khối hội đoàn nhà nước vừa kết quả thấp vừa quá dễ bị tham nhũng.
- Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam phải ban hành Luật Tự do Báo chí và Luật Xã hội Dân sự.
- Chính quyền Việt Nam phải xây dựng ngay lộ trình thực hiện các điều kiện nhân quyền trong năm 2017 và trong ít nhất hai năm sau đó (2018 - 2019) song song với lộ trình triển khai EVFTA với EU và nhận viện trợ từ EU.
- Từ năm 2018 trở đi, chính quyền Việt Nam phải cam kết sẽ cải cách thể chế theo hướng tam quyền phân lập.
T.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.