Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Chân lý là cụ thể (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 13)

Chân lý là cụ thể (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 13)

bauxitevnMon 7:29 AM

Tương Lai
Đặt tay trên bàn phím nhằm cân nhắc để viết bài mênh mông thế sự sau bài Thế sự du du, thì cũng chỉ là để gió cuốn đi thôi, ấy vậy mà chen vào những vấn đề định viết bỗng thức dậy mênh mang những hoài niệm. Hay là dừng lại một kỷ niệm, mượn nỗi u hoài thấm đẫm trong ấy mà nói về vấn đề định viết vậy? Cũng là thay chút khẩu vị chứ cũng chẳng có gì mới.
Xin nói đôi điều về kỷ niệm giữa tôi và Cao Xuân Hạo, bạn tôi.
Chén trà bốc khói Hạo pha đặt trước mặt đã nguội dần mà cả chủ lẫn khách đều mãi thả hồn trong câu chuyện, không buồn nhấp môi. “Mình kể cho ông nghe, vì ông là một đảng viên mà tôi nghĩ có thể kể chuyện này vì tin rằng ông có thể hiểu được, đúng hơn, có thể suy ngẫm”. Cao Xuân Hạo trầm giọng. Cố kìm xúc động, tôi khẽ cười: “Chuyện chi mà nghiêm trọng thế ông?”“Cũng chẳng có chi”, Hạo nhỏ nhẹ, “nhưng nó để lại trong tôi một ấn tượng rất đậm về một nhân cách, mà vấn đề nhân cách lại gắn liền tới câu chuyện chính trị mà mình muốn lảng tránh. Đúng hơn là vấn đề ý thức hệ mà người chỉ dồn hết năng lượng trí tuệ cho chuyên môn thôi, cái mà có thể ông cũng gọi là “chuyên môn thuần túy” ấy, không muốn động tới!”

Rồi Hạo kể: “Một buổi chiều buồn, bụng đói meo nằm dài bên mép nước sông Ô Lâu trong vắt nơi vùng đất Quảng Trị hay Thừa Thiên cũng chẳng nhớ nữa, mình và anh BT nhấm nháp củ sắn lùi được lôi ra từ đống tro nóng của mấy cành củi đã cháy rụi. Vừa nhóp nhép nhai sắn vừa cười, anh BT hỏi: “Sao đã thấm mệt và ngán thói giang hồ vặt chưa? Thử ngồi dậy, chơi một bài ghi ta vui vui chút coi”.
Tôi vẫn nằm nhai sắn vừa thủng thẳng trả lời: “Ngán thì chưa, nhưng ngẫm suy thì có. Sao đang yên lành sống ở khu IV “vùng tự do” anh lại quyết vào đây và rủ tôi đi cùng? Mà là chuyện nghiêm túc chứ đâu phải chỉ là nổi máu nghệ sĩ để đi “giang hồ vặt”. Tôi biết anh có một nỗi day dứt sâu thẳm, và tôi thì cũng mang máng hiểu ra một phần trong suy tư của anh mà tôi coi là người bạn lớn của tôi, đi với anh vào “Bình Trị Thiên khói lửa” cũng là một cách tự giải tỏa những mắc míu trong đầu óc tôi”. Ngừng lại nhấp chén trà đã nguội, Hạo rót thêm nước sôi vào ấm, pha thêm vào chén, trầm ngâm.
Để làm loãng bớt đi không khí có phần nặng nề, tôi đế vào mấy câu: “Chắc không là “giang hồ mê chơi quên quê hương” của Tản Đà, mà cũng chẳng phải “giày cỏ gươm cùn ta đi đây. Ta đi nhưng biết về đâu chứ. Đã dấy phong yên lặng bốn trời” như lời tự chế của Nguyễn Bính chứ?”. Hạo khẽ cười, lắc đầu: “Không câu chuyện rất nghiêm túc. Hôm ấy anh BT rành rẽ từng câu với tôi: “Mình biết cậu cũng ngán cái cảnh sống nhạt nhòa nơi “an toàn” Khu IV. Chúng mình muốn thật sự dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Tây, giành độc lập và tự do. Vì vậy phải vào nơi súng nổ bom rơi này để thật sự cảm nhận cuộc chiến đấu, thật sự trực tiếp đánh Tây, và rồi có thể được thì viết được một cái gì đó nếu còn sống. Nhưng viết được không dễ đâu, càng không dễ được chấp nhận đâu! Không dễ vì tài năng chưa đủ, nhưng không dễ chính vì cái đầu này này”. Anh ấy lấy tay chỉ vào đầu tôi, ánh mắt bỗng trở nên xa ngái.
Rồi trầm giọng, anh nói tiếp: “Sau ngày kháng chiến thành công, trong ánh hào quang thắng lợi, cậu và mình rồi sẽ là những ánh sao lạc lõng, cô đơn. Hệ thống chuyên chính vô sản không dung nạp được mình đâu và có thể cả cậu nữa!”.
Tôi vặn lại: “Thế sao anh vẫn tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến này, chẳng những thế, lại dấn thân hết mình. “Vì để cứu nước, để đánh Tây giành độc lập”. Anh BT dằn giọng trả lời: “Chỉ có Đảng Cộng sảnmới làm được chuyện này. Những bọn khác chỉ là những “chính khách salon”, tụi này thì núp bóng Pháp, tụi kia thì bám gót Nhật, tụi khác thì xách “bàn đèn” theo chân bọn “Tàu phù” tràn vào kiếm chác trong buổi hỗn quân hỗn quan, lợi dụng sự rối ren của thời cuộc để mong tậu được chút vốn liếng chính trị dắt lưng. Mình quá hiểu vì thế mà khinh bọn này. Càng khinh bọn này càng phục mấy ông lãnh tụ cộng sản, càng thấy muốn đánh Tây, cứu nước, giành độc lập thì phải đi với Đảng Cộng sản. Thì cứ đi xem sao, đánh Tây xong rồi sẽ liệu, nhưng chắc là khó đấy, cứ nghĩ dần đi…”.
Cả hai chúng tôi ngồi trầm ngâm bên chén trà. Tôi nói với Hạo, quãng cưối năm 60 của thế kỷ trước, tôi có được xem một vở kịch của anh BT về thân phận của một nhà trí thức vượt qua những trở ngại để thực hiện hoài bão của mình. Vở kịch được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cao Xuân Hạo hoạt bát trở lại: “Đó là một trong số hơn một trăm vở anh BT đã viết. Để được công diễn ở Nhà hát Lớn, vở kịch này của anh ấy cũng phải trải qua nhiều gian truân vì những “nỗi niềm” của anh đã dồn vào nhân vật “giáo sư” ấy, tuy cũng chỉ nói được phần nào. Hơn trăm vở kịch anh ấy viết từ những ngày tôi vừa kể, cho đến khi anh ấy mất lúc 74 tuổi ở Hà Nội, quãng năm 91, 92 gì đó tôi không nhớ rõ, chỉ xuất bản, được nhiều người đọc và được công diễn đâu chỉ hơn mười vở”. Thế cũng là nhiều rồi, cứ tưởng là không được như vậy”. Hạo với tay lấy phích nước, đổ thêm vào ấm, lại trầm ngâm.
Tôi đoán anh đang nghĩ về thân phận của chính anh, một tài năng xuất chúng bẩm sinh. Thật ra, nói bẩm sinh cũng chỉ là một cách nói. Anh thừa hưởng và phát huy mạnh mẽ được cái “gien” của một gia đình khoa bảng lừng danh, đặc biệt của cụ thân sinh Cao Xuân Huy, một nhà đạo học, người am hiểu cao sâu học thuyết Lão Trang, thông tỏ triết học phương Đông của Việt Nam và thế giới. Là một nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam, Cao Xuân Hạo đã chỉ ra được “cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại” như một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết.
Năm 1985 Cao Xuân Hạo công bố tại Paris toàn bộ lí thuyết ngữ âm của mình trong Phonologie et linéarité(Âm vị học và tuyến tính) gây tiếng vang rất lớn, mà thực ra bản thảo cuốn sách này đã được anh viết xong năm 1979. Anh cũng là nhà dịch thuật hàng đầu của Việt Nam do không chỉ sự am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa của tác phẩm được dịch mà còn chủ yếu là do am hiểu sâu sắc ngôn ngữ và văn hóa Việt để chuyển tải một cách tài hoa, không chỉ chuẩn xác cái nghĩa mà còn là cái hồn của tác phẩm để truyền sức sống nội dung tác phẩm vào tâm hồn người đọc Việt. Những cuốn sách Cao Xuân Hạo tặng tôi như “Chiến tranh và Hòa bình”, “Núi đồi và Thảo nguyên”, “Truyện ngắn Puskin”, “Macxim Goorki”, “Papillon, Người tù khổ sai”… rồi “Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa”, “Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt”… tôi trân trọng đặt trên giá sách như những báu vật. Ấy mà trong một thời gian dài, bạn tôi bị “treo bút” vì tội “tán thành Nhân văn-Giai phẩm”. Gợi lên dài dòng câu chuyện trên trong những ngày trĩu nặng suy tư này cũng chỉ nhằm vơi bớt đi nỗi buồn thế sự đang giằng xé tâm hồn không còn mấy trẻ trung nữa ở tuổi ngoài 80 của tôi. Bỗng da diết nhớ bạn tôi, Cao Xuân Hạo.
Một hôm ngồi bên giường bệnh trong bệnh viện Thống Nhất tâm sự cùng anh vào những ngày cuối cùng của bạn tôi, Hạo khẽ hỏi tôi: “Ông có kể chuyện tôi nói về anh BT khi bọn mình nằm dài bên mép sông Ô Lâu với ông Sáu Dân đấy à? Cũng hay! Là để ông ấy hiểu hơn về những người như bọn mình, hiểu hơn về nhân cách và bản lĩnh của người trí thức, người nghệ sĩ như anh BT”. Tôi gật đầu trả lời: “Chính vì chuyện ấy đấy, là tôi đoán thế. Buổi sáng, nhân trao đổi với ông ấy về việc chỗ ở chật chội của giáo sư Hoàng Như Mai và một số trí thức Hà Nội đang sống ở Sài Gòn, vui chuyện, tôi đã kể cho ông Sáu những điều anh đã kể với tôi hôm ở nhà anh. Tôi thấy ông có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi khẽ khàng nói với tôi, giọng ông ấy trùng xuống: “Có quá nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra, chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm trong đường lối, trong ứng xử với trí thức, những gì đã qua thì đành vậy, nhưng sắp tới đây thì phải sửa, quyết liệt sửa, nếu không, tan nát hết”.
Thế rồi ngay chiều hôm đó, ông ấy đến thăm anh. Tôi nhớ là quãng sau 1 giờ, tôi đang lơ mơ trong giấc ngủ trưa thì cậu Trang cảnh vệ gọi điện thoại: “Chú chỉ cụ thể cho con cách vào nhà ông giáo sư Hạo, ở đây cháu hỏi mãi không ai biết nhà ông giáo sư cả. Chú Sáu Dân đang đợi trong xe”. Tôi không nghĩ là ông ấy vội đến thế cũng như nhiều chuyện “vội” khác mà kể ra thì quá dài. Sau đó thì chắc anh nhớ, ông ấy yêu cầu tôi mời các anh trong nhóm ngôn ngữ học đến 33 Tú Xương mà nội dung thì vẫn còn dở dang thì anh lại nằm đây!
Để rồi hôm đám tang Cao Xuân Hạo, ông Sáu Dân đến rất sớm, đúng 6g ông xuống xe ngay trước thềm nhà lễ tang ở phố Phạm Ngũ Lão. Sau khi thắp hương, chia buồn với gia quyến ông ngồi ghi vào sổ tang người đã khuất. Tiễn ông ra xe, ông khẽ hỏi tôi: “Liệu anh có phải ở đây tiếp tục lo tang lễ giáo sư Cao Xuân Hạo không? Nếu không, anh đi với tôi bàn chút việc”.Thì ra ông muốn tôi đi mời giáo sư Hoàng Như Mai đến dùng bữa cơm thân mật với ông.
Ông muốn nghe một cách tường tận cảm nghĩ và nhận xét của một trí thức ngoài đảng đã đi trọn con đường gian truân cùng với Đảng Cộng sản qua Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, từng trải qua Cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm.
Xin gợi lại câu chuyện cảm động trong bữa cơm ông Sáu Dân mời giáo sư Hoàng Như Mai, thầy học cũ của tôi những năm 50 cũng tại 33 Tú Xương.
Hôm ấy chỉ có ông Sáu, hai thầy trò chúng tôi. Vẫn giọng nói khúc chiết, trầm ấm như ngày nào thầy giảng bài cho chúng tôi, giáo sư Hoàng Như Mai đã từ tốn, mạch lạc nói những điều gan ruột mà tôi đoán là có lẽ trước đây ông chưa nói kỹ với ai như vậy. Ông Sáu ngồi im lặng nghe không bỏ sót một câu. Có lẽ câu ngắt lời duy nhất là: “Thôi, ta chuyển sang ngồi bên kia uống nước để anh ngồi ngả lưng cho đỡ mỏi rồi vừa uống trà, vừa trao đổi tiếp”. Nói là trao đổi, nhưng ông Sáu chỉ nghe để rồi cuối cùng nói lời cám ơn: “Anh đã cho tôi những cảm nhận cụ thể và trực tiếp về những điều tôi cũng đã hiểu được phần nào và cũng cố gắng góp phần khắc phục những sai lầm, và còn phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa”. Giáo sư Hoàng Như Mai chớp chớp mắt, xúc động. Tiễn ông ra về, ngồi bên ông trên xe, thầy Mai im lặng nắm chặt tay tôi, không một lời cho đến khi xuống xe. Và rồi thầy cũng đã là người thiên cổ như ông Sáu! Bụi thời gian rồi cũng sẽ phủ kín lên những mẩu chuyện vụn vặt tôi vừa gợi lại. Thời gian đã tích tụ những mảnh vụn đáng nhớ, ghép nối thành những mảng sống động để góp lại thành lịch sử. Đó là những mảnh vụn của ký ức về niềm tin, về ý chí của con người trong những thời điểm lịch sử-cụ thể.
Chính thời gian làm nảy sinh những niềm tin, làm cho nó lớn lên rồi tàn lụi đi. Nhưng cũng tựa vào thời gian mà những niềm tin đạt được sức mạnh kỳ lạ của nó, rồi cũng bằng vào thời gian, những niềm tin mất đi sức mạnh của chính nó. Chỉ có thể nhận ra điều ấy khi nhìn nhận các sự kiện đã từng diễn ra trong tính lịch sử-cụ thểcủa nó. Tách rời tính lịch sử-cụ thể của sự kiện xảy ra trong môt không gian và thời gian cụ thể, chỉ bằng vào cảm tính yêu ghét chủ quan của mỗi cá nhân thì không sao tránh khỏi những ngộ nhận, những võ đoán tùy tiện. Vì chân lý là cụ thể. Sự thật có thể có nhiều, nhưng chân lý thì chỉ có một, hình như nhà tư tưởng Ấn Độ Rabindranath Tagore có nói vậy. Nhưng dù đó không là lời của nhà tư tưởng lớn thì dù chỉ là lời của một người nào đó, một số ít người nói đi chăng nữa, thì chân lý vẫn là chân lý. Khi đã không tin chính mình thì còn biết tin vào chân lý nào được? Cho nên, xin lấy câu thơ của Cao Xuân Hạo, bạn tôi, dịch thơ Nazim Hikmet, làm định hướng sống cho mình:
Nếu tôi không cháy lên,
Nếu anh không cháy lên,
Nếu chúng ta không cháy lên,
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?
Ngày 17.9.2017
T. L.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.