Trung Quốc bị cáo buộc bắt cóc công dân trên lãnh thổ nước ngoài. Việt Nam nằm trong số đó
Aerolyne Reed
Tổ chức Safeguard Defenders phơi bày những hoạt động phi pháp của các điệp viên Trung Quốc tại nước ngoài.
Minh họa: Luật Khoa. Nguồn: Sarah Grillo/ Axios, Safeguard Defenders.
Một báo cáo vừa được công bố của tổ chức Safeguard Defenders đã chỉ ra các biện pháp đáng nghi ngại, và trong nhiều trường hợp là phi pháp, mà Trung Quốc đã tiến hành trên các lãnh thổ nước ngoài để truy bắt công dân của mình [1]. Việt Nam nằm trong số các quốc gia được báo cáo đề cập.
Bối cảnh
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây dựng và củng cố vị thế bằng chiến dịch rầm rộ có tên gọi “đả hổ diệt ruồi”, với danh nghĩa diệt trừ tham nhũng [2]. Hàng triệu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị kỷ luật [3]. Hàng chục ngàn người khác chạy trốn ra nước ngoài, theo số liệu của chính quyền nước này [4]
Để bắt giữ những người chạy trốn, Trung Quốc tiến hành chiến dịch “lưới trời” (sky net), trong đó có các hoạt động “săn cáo” (fox hunt).
Những chiến dịch này không chỉ nhắm đến các đối tượng bị xem là tham nhũng mà còn nhằm vào những người đã chạy trốn khỏi chế độ độc tài của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết dù có hiệp định dẫn độ với nhiều quốc gia, Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc truy bắt công dân của nước mình chạy trốn ra nước ngoài. Điều này diễn ra từ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Chính quyền nước này vì thế đã dùng đến các biện pháp bí mật để lách khỏi những ràng buộc pháp lý.
Trung Quốc hợp pháp hóa việc bắt cóc ở nước ngoài
Báo cáo chỉ ra Điều 52 trong Luật Giám sát (Supervision Law) của Trung Quốc ghi rõ các biện pháp “phi chính thống” có thể dùng để truy bắt người đào tẩu ra nước ngoài là “bắt cóc” và “đặt bẫy dụ dỗ”.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng hai hình thức bắt cóc. Một là các điệp viên Trung Quốc trực tiếp tham gia bắt cóc mục tiêu. Hai là mục tiêu bị chính quyền của nước sở tại bắt cóc và trao cho phía Trung Quốc.
Những người bị bắt cóc đều không được chính quyền nước sở tại ghi nhận chính thức đã rời khỏi quốc gia đó. Họ chỉ được biết đến khi xuất hiện trở lại trên truyền hình Trung Quốc.
Tổ chức bắt cóc tại Việt Nam
Báo cáo liệt kê 18 trường hợp bắt cóc thành công, trong đó có ba trường hợp ở Việt Nam.
Các trường hợp săn lùng công dân bất hợp pháp được nêu trong báo cáo. Đồ họa: Safeguard Defenders.
Vào tháng 6/2002, Vương Bỉnh Chương (王炳章), một nhà hoạt động dân chủ có tiếng của Trung Quốc sống lưu vong tại Mỹ, cùng bạn gái Trương Kỳ (张琦) và một người bạn của họ là Nhạc Vũ (岳武) có mặt ở Việt Nam để gặp gỡ các nhà hoạt động Trung Quốc. Cả ba bị bắt cóc và đưa về Trung Quốc.
Báo cáo cho biết Trương Kỳ và Nhạc Vũ sau đó được thả, còn Vương Bỉnh Chương bị xét xử với tội “bán bí mật nhà nước và hỗ trợ cho hoạt động khủng bố bằng việc bắt cóc và dùng chất nổ”. Năm 2003, Vương bị kết án chung thân, trở thành người đầu tiên bị chính quyền Trung Quốc kết tội dưới bộ luật mới về gián điệp và khủng bố.
Chính quyền Việt Nam không những để mặc cho việc tổ chức bắt cóc này diễn ra trên đất mình, họ còn tuyên bố “không có hồ sơ nào cho thấy những người này (Vương Bỉnh Chương, Trương Kỳ và Nhạc Vũ) từng vào Việt Nam”.
Ngoài việc tổ chức bắt cóc, chính quyền Trung Quốc còn dùng hai hình thức khác để truy bắt công dân của mình ở nước ngoài là gây áp lực lên gia đình và sử dụng các điệp viên hoạt động ngầm.
Quấy rối, gây áp lực lên gia đình
Chính quyền “gây áp lực lên các thành viên gia đình ở trong nước nhằm thuyết phục mục tiêu trở về và đầu thú”, hay thuật ngữ được dùng là “khuyên phản” (劝返) – khuyên nhủ để trở về.
Nhiều trường hợp trong báo cáo cho thấy chính quyền áp dụng các biện pháp theo dõi, thẩm vấn, gây áp lực khiến mất việc, phong tỏa tài sản và chia tách trẻ em khỏi cha mẹ để buộc người nhà của mục tiêu phải hợp tác.
Nếu họ không chịu hợp tác, chính quyền sẵn sàng giam lỏng, ngăn cản việc đi lại hay trừng phạt gia đình thay cho mục tiêu ban đầu.
Dùng điệp viên hoạt động ngầm ở nước ngoài
Báo cáo dẫn thông tin từ CCDI – Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho biết chính quyền nước này đã gửi hơn 70 nhóm công tác đến hơn 90 quốc gia và bắt giữ 229 “kẻ đào tẩu”.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định những hoạt động này đều được các cơ quan chức năng nước sở tại hỗ trợ. Tuy nhiên, một số chính phủ phương Tây đã bày tỏ lo ngại việc các điệp viên Trung Quốc bỏ qua những quy tắc thông thường và không thông báo cho chính quyền địa phương về các hoạt động của họ. Ở những quốc gia có khuynh hướng độc tài như một số nước Đông Nam Á, các điệp viên Trung Quốc có xu hướng hoạt động công khai và nhận được sự hợp tác toàn diện từ lực lượng an ninh địa phương.
Các điệp viên này tìm kiếm bạn bè và người thân của mục tiêu ở nước sở tại, ép buộc họ cung cấp thông tin về mục tiêu.
Sau khi tiếp cận được mục tiêu, các điệp viên Trung Quốc áp dụng chiến thuật “củ cà rốt và cây gậy”; một mặt họ hứa trả tiền hoặc giảm nhẹ hình phạt nếu chịu vâng lời theo về, mặt khác họ đe dọa, quấy rối mục tiêu với các biện pháp như tác động đến chủ nhà khiến mục tiêu bị đuổi ra ngoài.
Những khuyến nghị
• Báo cáo kết luận những việc làm của chính quyền Trung Quốc “tạo ra mối đe dọa thường trực và rõ ràng đến những công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài”. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến chủ quyền của nước sở tại, xem nhẹ các giá trị pháp quyền và chuẩn mực quốc tế về hợp tác tư pháp.
• Tổ chức Safeguard Defenders kêu gọi các quốc gia xem xét lại việc hợp tác với Trung Quốc, gây áp lực buộc nước này từ bỏ các hoạt động phi pháp như tổ chức bắt cóc, đồng thời buộc chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các hoạt động phi pháp của điệp viên nước này trên lãnh thổ nước ngoài.
• Safeguard Defenders nhấn mạnh các hoạt động dẫn độ ngoại giao đều phải được tiến hành theo cách thức “công khai, minh bạch và được công luận giám sát”. Tổ chức này cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao các nước thường xuyên chia sẻ các báo cáo giám sát về Trung Quốc để các quốc gia có đầy đủ thông tin trước khi quyết định hợp tác với những yêu cầu dẫn độ từ nước này.
***
Bạn có thể tải báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh của tổ chức Safeguard Defenders tại đây.
***
Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng tải trên The Vietnamese vào ngày 18/1/2022.
Chú thích
1. Involuntary Returns – report exposes long-arm policing overseas. (2022, January 18). Safeguard Defenders. Retrieved 2022, from https://safeguarddefenders.com/en/blog/involuntary-returns-report-exposes-long-arm-policing-overseas
2. BBC News. (2021, May 12). Xi Jinping: From princeling to president. Retrieved 2022, from https://www.bbc.com/news/world-asia-pacific-11551399
3. Fatoumata Diallo. (2021, Apr 9). Xi Jinping’s Anti-Corruption Struggle: Eight Years On. Institute for Security & Development Policy. Retrieved 2022, from https://isdp.eu/content/uploads/2021/04/Xi-Jinpings-Anti-corruption-Struggle-IB-09.04.21.pdf
4. Xem [1]
A.R.
Nguồn: Luật Khoa Tạp chí
Link ảnh:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.