Tại sao tôi phản biện?
16-2-2022
Lý do chính khiến tôi hay phê phán chính quyền trong nước xuất phát từ việc không đồng ý với vô số các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc. Từ các chính sách ấy, toát lên một điều: Họ không biết cách lãnh đạo, không có khả năng lãnh đạo. Đó là điều mà rất nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới đều đồng ý: Đảng cộng sản chỉ biết cai trị chứ không biết lãnh đạo. Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ: Công an, quân đội và nhà tù. Để lãnh đạo, người ta cần cái đầu và con tim. Cái đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác, từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, lãnh đạo cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một văn hóa chính trị dân chủ lành mạnh.
Thiếu khả năng lãnh đạo, Đảng Cộng sản phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Đã có nhiều nhà kinh tế học vạch trần: Mảng kinh tế quốc doanh do nhà nước trực tiếp quản lý là mảng lỗ lã nhiều nhất, nợ nần nhiều nhất, và đặc biệt, thối nát nhất. Tất cả những thành tựu về kinh tế của Việt Nam đều đến từ những mảng tư nhân. Để phản ứng lại những sự phê phán của dân chúng trước các thất bại ấy, Đảng Cộng sản lại tăng cường vai trò cai trị bằng các biện pháp khủng bố tàn khốc.
Tuy nhiên, điều tôi phản đối nhất là tính chất độc tôn và độc tài của chế độ Cộng sản. Có nhiều lý do. Lý do đầu tiên, từ cái nhìn của một con người: Nó vô nhân đạo; từ cái nhìn của một công dân: Nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; từ cái nhìn của một trí thức: nó ngu dân hóa; từ cái nhìn của một người cầm bút: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá.
Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: Quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.