Quan hệ Việt – Mỹ vẫn cần sự đột phá
Hoàng Trường Sa
27-1-2022
Quả bóng “đột phá” phải chăng hiện đang ở trên sân Việt Nam và các nước “nòng cốt” của ASEAN. Hãy chờ xem, phản ứng của 6 nước “nòng cốt” trong tháng Hai tới đây, dưới “ngọn cờ Băng-đung” mới do Indonesia dẫn dắt, sẽ phản ứng tích cực đến mức nào về Báo cáo mới đây của Mỹ về tình hình khu vực và Biển Đông. Trong bối cảnh ấy, bước đi của VN sẽ được Mỹ soi rất kỹ.
Ngày 20/01, bài phóng sự từ đặc phái viên La Croix (Pháp) – “Ngày kỷ niệm đầu tiên ảm đạm của Biden” – cho thấy, sau khi bước vào phòng Bầu dục một năm, Tổng thống Biden đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Đại dịch và giá cả sinh hoạt tăng đang tác động đến tinh thần người Mỹ và ông Joe Biden dường như bất lực. Uy tín của Tổng thống xuống thấp, trong lúc năm nay là năm quan trọng, vì tháng 11/2022 sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ hai viện Quốc hội. Nếu tình hình tiếp tục xấu như hiện nay, cán cân quyền lực của Biden có thể bị đe dọa. Cũng có hy vọng ông Biden thường có những cú đột phá ngoạn mục ào phút chót. Năm 2020, ai ngờ từ vị trí ban đầu đứng cuối nhóm đua tranh trong đảng Dân Chủ, Biden đắc cử Tổng thống. Nhưng để có được đột phá trong năm 2022 này, ông Biden phải tìm được bàn đạp. Liệu quan hệ Mỹ – Việt có thể là một bàn đạp như thế?
Biden với VN: Mềm dẻo và linh hoạt hơn
Qua chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris năm ngoái tại VN, Hoa Kỳ đã mang đến hai thông điệp rất rõ ràng. Thứ nhất, muốn thúc giục VN, cùng với Mỹ năng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước lên quan hệ “đối tác chiến lược”. Thứ hai, công bố Kế hoạch hành động (một dạng Lộ trình chi tiết) để thúc đẩy tiến trình này. Sự cộng hưởng chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam có thời gian tính.
Bà Harris nói với báo giới: “Tôi tin rằng chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. Vì vậy, thời gian để đẩy mạnh “chương tiếp theo”, thực hiện “Kế hoạch hành động” nói trên không phải là kéo dài vô hạn. Vì vậy, cả VN và Mỹ phải hết sức tranh thủ thời cơ có một không hai. Việt Nam phải tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội do tập hợp lực lượng mới trong không gian Indo-Pacific tạo ra để có thể đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai, trên mọi lĩnh vực.
Mới đây nhất, ngày 25/01/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman vừa có cuộc gặp trực tuyến với Đại sứ Việt Nam tại Washington sắp mãn nhiệm là ông Hà Kim Ngọc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bà Thứ trưởng Sherman đã chúc mừng ông Hà Kim Ngọc kết thúc thành công nhiệm kỳ và những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” Việt Nam – Hoa Kỳ.
Hai bên cũng đã thảo luận về những nỗ lực chung nhằm khôi phục trở lại tốt hơn từ đại dịch COVID-19, những diễn biến ở Biển Đông và tiểu vùng sông Mekong và tầm quan trọng của nhân quyền. Trước đó vào ngày 20/1, Cố vấn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Derek Chollet cũng đã có cuộc điện đàm với Đại sứ Hà Kim Ngọc nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ “đối tác toàn diện” Mỹ – Việt đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mekong.
Hồ sơ đối ngoại của Biden đối với châu Á nói chung còn “khiêm tốn” trong năm đầu tiên. Câu hỏi đặt ra cho năm thứ hai này của Tổng thống Biden đó là “cạnh tranh song song với các hàng rào bảo vệ” có ý nghĩa như thế nào với Trung Quốc, những cam kết với đồng minh và đối tác mới nổi, trong đó có VN, có thể mang lại gì? Nhất là khi đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn đáng báo động từ Trung Quốc liên quan đến Đài Loan và những xáo trộn trên Biển Đông.
Mỹ và Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ mang tính chiến lược, đặc biệt là an ninh biển. Mỹ đã tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải. Tháng sáu năm ngoái, Mỹ đã chuyển cho Việt Nam tàu cảnh sát biển 8021, đây là tàu tuần duyên lớn thứ hai mà Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Điều này là một ví dụ mới cho thấy tầm quan trọng của hợp tác an ninh biển trong quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên có chung các mối lo ngại về an ninh trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông.
Từ giữa năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo kết luận là Việt Nam không thao túng tiền tệ và như vậy, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia mà chính quyền Donald Trump cho là đã thao túng tỷ giá hối đoái để làm lợi cho các hoạt động thương mại. Điều này cũng cho thấy là dưới thời tổng thống Biden, Mỹ áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn với các đối tác, trong đó có Việt Nam, so với chính quyền Trump.
Một điểm son trong bang giao song phương để thấy sự quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam, đó là việc Mỹ viện trợ vac-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn cho Việt Nam. Cho tới nay, Mỹ là nước viện trợ vac-xin nhiều nhất cho Việt Nam, với hơn 20 triệu liều. Đó là sự hỗ trợ rất kịp thời, giúp Việt Nam có được tốc độ phủ vac-xin nhanh hơn, đối phó tốt hơn với đại dịch này.
Có lẽ nhờ sự điều chỉnh như vậy và nhờ áp lực trong quan hệ song phương không còn lớn như trước, Việt Nam hiện nay tiếp tục có mức xuất siêu lớn sang Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính là 95,6 tỷ đôla. Quan hệ kinh tế, thương mại, tiếp tục có những bước phát triển vững chắc. Cuộc hội thảo trực tuyến gần đây nhất xoay quanh tiến trình khắc phục hậu quả chất da cam dioxin cho thấy, Việt Nam và Mỹ đang triển khai những hướng đi chung nhằm thực hiện chương trình trong năm 2022 này.
Năm nay Mỹ – Việt đều có tân Đại sứ
Việc thay đổi Trưởng Cơ quan đại diện (Đại sứ) chỉ là một thủ tục “đến hẹn lại lên”, ít khi là dấu mốc của thay đổi chính sách. Tuy nhiên, việc nay mai hai ông, Marc Knapper sẽ sang Việt Nam và Nguyễn Quốc Dũng sẽ sang Hoa Kỳ để bắt đầu nhiệm kỳ của mình, dấy lên một số hy vọng.
Hôm 21/01 vừa qua, Đại sứ Knapper đã đưa ra lời chúc Tết trong một buổi gặp trực tuyến do đương kim Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tổ chức quy tụ nhiều người Việt tại Mỹ và những người bạn Mỹ của Việt Nam.
Hôm 13/7 năm ngoái, trong phiền điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam, Marc Knapper hứa sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Đại sứ Knapper đã từng là Tham tán Chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam từ năm 2004 đến năm 2007.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Quan chức cao cấp (SOM ASEAN) của Việt Nam, đã nhận Quyết định bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 20/01/2022. Mới đây, ông Dũng làm trưởng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc tại Nghệ An và các tỉnh. Trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã chúc mừng ông Nguyễn Quốc Dũng được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 2022 – 2024.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trên cương vị mới, với trọng trách mới sẽ quan tâm kết nối để Nghệ An có cuộc làm việc chính thức với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam, qua đó xúc tiến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ vào Nghệ An.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ năm ngoái, Knapper nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của mình khi được phê chuẩn làm đại sứ tại Việt Nam là thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, trong đó cam kết hàng đầu là hợp tác an ninh song phương. Ông đánh giá cao quan hệ hai nước chuyển biến sâu sắc, từ quá khứ xung đột sang bình thường hóa ngoại giao và trở thành đối tác toàn diện như hiện nay.
Tuy nhiên, Knapper tin rằng quan hệ Mỹ – Việt có thể tiến xa hơn nữa. Ông bày tỏ niềm tin vào những lợi ích lẫn quan ngại mà Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ trong các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, khẳng định Việt Nam là một trong những “đối tác mạnh mẽ” của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh an ninh, Knapper muốn nỗ lực đóng góp cho ba lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước gồm thương mại đầu tư, giải quyết di sản chiến tranh và ngoại giao nhân dân.
Sức ép từ sân khấu chính trị khu vực
Các Đại sứ là những “cần ăng-ten” của các Lãnh đạo từ mỗi nước, hẳn nhiên có vị trí đặc biệt. Để quan hệ Việt – Mỹ có được đột phá trong năm nay, Hoa Kỳ chắc chắn đã nghiên cứu kỹ các động hướng chiến lược của Lãnh đạo VN từ sau Đại hội 13 của ĐCSVN. Cho đến nay, VN chưa cử bất cứ đoàn cấp cao nào, từ Đảng và Nhà nước, sang TQ để “báo cáo” về kết quả Đại hội là một chỉ dấu quan trọng phản ánh đường lối phần nào còn giữ được tính độc lập, tự chủ trong bang giao với TQ.
Hẳn nhiên, bí mật công khai là, trong bất cứ tình huống nào, sức ép mọi mặt của Bắc Kinh đối với Hà Nội không bao giờ thuyên giảm. Đặc biệt, gần đây nhất, Trung Quốc kêu gọi VN sớm nâng cấp quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” lên quan hệ “đối tác cùng chung vận mệnh Việt – Trung” để bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới (?!). Mặc dầu vậy, trong lần tiếp xúc giữa hai Ngoại trưởng Trung – Việt gần đây nhất, phía VN vẫn “phớt lờ” đề nghị này của TQ.
Những ngày này, TQ không ngừng gia tăng các hoạt động “dằn mặt” VN ở đất liền và trên cả biển đảo. Trong bối cảnh ấy, phát biểu ngày 24/01/2022 của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Constance Arvis, đã giải thích cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc có ý nghĩa thời sự. Nghiên cứu Báo cáo vừa công bố của Mỹ là nền tảng quan trọng cho bạn bè và đồng minh có thể rút ra để phản đối các yêu sách của TQ.
Mỹ hy vọng rằng, đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của các quốc gia theo thông lệ quốc tế nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc. Bà Arvis cũng hấn mạnh, ngoài 10 thành viên ASEAN, báo cáo cũng giúp các nước khác có thể công khai chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.
Nước Mỹ không chỉ tuyên bố, nước Mỹ còn hành động trên thực địa. Hôm 25/01/2022, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã tiến vào khu vực Biển Đông để tập trận. Các tàu Hải quân Mỹ thường xuyên đi gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng như đi qua eo biển Đài Loan, trước sự giận dữ của Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hai Nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ, dẫn đầu là các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln, đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông vào Chủ nhật. Các nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ thực hiện các cuộc tập trận bao gồm hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến trên không và hoạt động ngăn chặn hàng hải để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Quả bóng “đột phá” phải chăng hiện đang ở trên sân Việt Nam và các nước “nòng cốt” của ASEAN. Hãy chờ xem, phản ứng của 6 nước “nòng cốt” trong tháng Hai tới đây, dưới “ngọn cờ Băng-đung” mới do Indonesia dẫn dắt, sẽ phản ứng tích cực đến mức nào Báo cáo mới đây của Mỹ về tình hình khu vực và Biển Đông. Trong bối cảnh ấy, bước đi của VN sẽ được Mỹ đánh giá rất kỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.