Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Những thách thức năm Nhâm Dần

 

Những thách thức năm Nhâm Dần

Viet-studies

Nguyễn Quang Dy

11-2-2022

Tết Canh Tý 2020, trời đột nhiên có sấm chớp mưa rào và mưa đá ngay trước giao thừa như báo hiệu điềm dữ: dịch sắp đến. Tết Nhâm Dần 2022, thời tiết thuận hòa như báo hiệu điềm lành: dịch sắp hết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu bất thường (La Nina), tuy người ta hy vọng vào điềm lành (thiên thời), nhưng vẫn cảnh giác với điềm dữ, như nguy cơ tại Biển Đông (địa không lợi) và các vụ bê bối làm lòng người bất an (nhân không hòa).

Thế giới vẫn bất ổn

Có thể nói trong thế kỷ 20, hầu hết loài người “sống trong sợ hãi” (Living in Fear) hoặc “sống trong những năm tháng nguy hiểm” (the Year of Living Dangerously), như đầu đề một bộ phim do Mel Gibson thủ vai chính. Nhưng trong hai năm đầu của thập niên thứ hai của thế kỷ 21, thế giới vẫn bất ổn. “Kỷ nguyên Bất ổn” (the Age of Uncertainty) như đang lặp lại. Nói cách khác, “trật tự thế giới đang bị đảo lộn” (the world order in disorder).

Theo nhà sử học Yuval Harari, đó là thời kỳ “hậu sự thật” (post-truth). Truyền thông mạng (fringe media) lấn sân báo chí truyền thống (mainstream media) và tin vịt (fake news) lấn át sự thật, làm nhiều người ngộ nhận. Bước sang năm Nhâm Dần 2022, dù muốn hay không, loài người phải làm quen với phương thức làm việc online của “thời đại công nghệ số” (the age of digital technology), và phải “sống chung” với dịch Corona.

Tổng thống Biden đã quyết đinh rút quân vội vã khỏi Afghanistan (31/8/2021) với hệ quả không lường trước là chính quyền Kabul sụp đổ nhanh như “lâu đài xây bằng cát” và Taliban thắng “như chẻ tre”. Tuy quyết định rút khỏi Afghanistan là đoạn cuối của chủ trương “xoay trục sang Châu Á”, nhưng Mỹ phải trả giá đắt. Trong khi Washington mất mặt thì ông Biden mất điểm. Có người ví thảm họa tại Kabul (8/2021) với Sài Gòn (4/1975).

Sau Afghanistan, ông Biden đứng trước ba thách thức lớn là Ukraine, Đài Loan và Biển Đông. Đó là mấy “thùng thuốc súng” hay “bom nổ chậm”. Tuy Ukraine không ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng về địa chính trị, nó quan trọng không chỉ với Nga và NATO tại Đông Âu mà còn với Mỹ và Trung Quốc ở Đông Á. Chắc ông Tập Cận Bình hy vọng Mỹ và Nga sẽ sa lầy tại Ukraine để Trung Quốc làm “ngư ông đắc lợi” tại Đông Á.

Cuối cùng, Mỹ đã rút khỏi Afghanistan để tập trung đối phó với Trung Quốc tại Châu Á, đặc biệt là Đài Loan và Biển Đông. Nhưng khủng hoảng Ukraine như cái bẫy “bên miệng hố chiến tranh” mà Putin chủ động dồn Mỹ và NATO vào thế bí. Những gì đang diễn ra tại bàn cờ  Ukraine không chỉ gây bất ổn cho Đông Âu mà còn tác động mạnh tới diễn biến của bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nếu Nga xâm lược Ukraine thì sẽ trở thành đối thủ chính của Mỹ, tuy đó không phải là điều Putin muốn, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Dù Putin nắm được chủ bài trong ván cờ này, nhưng sự ủng hộ về ngoại giao của Trung Quốc không làm thay đổi tính toán chiến lược của các bên. Trung Quốc chỉ có thể đóng vai “người quan sát” (onlooker) theo dõi khủng hoảng Ukraine, mà ông Tập Cận Bình đặt cược vào chính sách ngoại giao cứng rắn của Putin.(How China views the Ukraine crisis, Minxin Pei, Asialink, 1 Feb 2022).

Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asia

Nếu gác sự bất trắc về chiến lược sang một bên, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng công khai ủng hộ Putin lúc này sẽ chọc tức EU, hiện là bạn hàng lớn thứ hai của Trung Quốc. Theo tính toán của Bắc Kinh, điều cấp thiết là phải ngăn cản Mỹ lôi kéo EU vào liên minh chống Trung Quốc. Lợi dụng lo ngại của Biden không muốn bị xô đẩy vào xung đột với Nga tại Ukraine để đạt một thỏa thuận về an ninh tuy có mạo hiểm nhưng là khôn ngoan.

Theo nhà báo Richard Heydarian, “nếu Nga chiếm Ukraine và Trung Quốc chiếm Đài Loan thì đó là ác mộng”. Chuyên gia phân tích của RAND là Derek Grossman cho rằng “sau mấy thập kỷ Mỹ tập trung vào Trung Đông và Afghanistan, nay các đồng minh/ đối tác của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có lý do để lo ngại”. Theo sử gia Niall Ferguson, “điểm yếu nhất của Washington là Mỹ “thiếu hụt sự quan tâm” (attention deficit). (Faraway war drums still send tremors in SE Asia, David Hutt, Asia Times, 3 February 2022).

Sau khi chính quyền Biden “trở lại Châu Á” năm 2021, với các chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng (tháng 7) và phó Tổng thống (tháng 8), Mỹ lại chuyển chú ý sang Ukraine khi Biden tuyên bố sẽ điều 3000 quân tới Đông Âu. Tuy các đồng minh/đối tác ở khu vực đã quen với trò chơi này, nhưng họ không muốn thấy kế hoạch “xoay trục” của Mỹ thất bại một lần nữa. Theo Derek Grossman, các đối thủ của Mỹ ở Châu Á (như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên) chắc chắn sẽ lợi dụng cơ hội này khi Washington bị phân tâm.

Theo báo chí, ông Biden đang bị mắc kẹt vào thế “tiến thoái lưỡng nan” (dilemma), buộc phải tập trung chính sách và nguồn lực vào Đông Âu. Tuy đã hứa sẽ “xoay trục sang Châu Á” như hai chính quyền trước, nhưng vẫn bị phá sản vì những vấn đề không lường trước. Các quan chức cao cấp của Mỹ đang phải làm việc ngày đêm chỉ vì vấn đề Ukraine, với mục tiêu duy nhất là tìm đồng thuận để có thái độ cứng rắn đối với Putin. (Putin is threatening to wreck Biden’s Asia strategy, Josh Rogin, Washington Post, January 27, 2022).

Team Biden biết rằng Châu Á đang theo dõi chặt chẽ tình hình Ukraine, nhưng vừa xử lý khủng hoảng Ukraine, vừa xoa dịu Châu Á đang lo lắng bị bỏ rơi là điều nói thì dễ nhưng làm rất khó. Dù Mỹ phản ứng một cách thụ động để cho Putin dễ dàng thoát tội, hay bị phân tâm coi nhẹ, đều có thể làm mất lòng tin và quyết tâm của đồng minh. Nếu Putin tăng cường sức ép với Ukraine để buộc thế giới phải quan tâm đến Nga, thì ông đã thành công nhưng chỉ có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, Team Biden càng phải tăng cường các hoạt động ngoại giao và kinh tế tại Châu Á để khôi phục lòng tin vào cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN (vào đầu năm 2022), nhưng sự kiên này vẫn chưa diễn ra. Theo các nguồn tin chính thức, Tổng thống Biden dự kiến sẽ đi thăm châu Á lần đầu tiên (vào 5/2022) để củng cố đồng minh/đối tác khu vực đối phó với Trung Quốc. Ông có thể thăm Hàn Quốc là điểm dừng chân đầu tiên, và có thể ghé thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ “đối tác chiến lược”.

Trung Quốc và Nga cũng bất ổn

Tại Hội nghị Trung ương 6 (11/2021) Tập Cận Bình thề sẽ “đập tan những kẻ trong đảng bị cuốn vào các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, và tầng lớp đặc quyền”. Trên thực tế, bài phát biểu đó của Tập là “một lời tuyên chiến”. Theo các nguồn thạo tin về chính trường Trung Quốc, các nhóm lợi ích mà Tập nhắm tới gồm các đại gia công nghệ (Ant Group, Alibaba Group), và các đại gia bất động sản (Evergrande Group, Fantasia Holdings).

Các tập đoàn này là sân sau của các chính trị gia vờ phục tùng Tập, nhưng âm thầm chống đối. Họ hỗ trợ tài chính cho các thế lực chính trị như “phe Thượng Hải”, đứng đầu là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (cựu phó chủ tịch nước). Bài báo “Vòng tròn nhỏ phá vỡ quy tắc lớn” đăng trên “Thời báo Học tập” của Trường Đảng viết: “Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn những kẻ tham vọng và những kẻ âm mưu đánh cắp quyền lực”.

Gần đây, nội bộ Trung Quốc bộc lộ nhiều bất đồng trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ 20. Thôi Thiên Khải (cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ) chỉ trích gay gắt “ngoại giao chiến lang” và cảnh báo về vị thế toàn cầu của Bắc Kinh đang bị xói mòn và khả năng Mỹ ngày càng gia tăng các biện pháp để hạn chế tham vọng của Trung Quốc. “Mỗi đồng lợi nhuận mà dân tộc chúng ta kiếm được đều hết sức khó khăn, và chúng ta không được để chúng bị cướp đoạt bởi bất kỳ ai hoặc bị tổn thất do sự bất cẩn, lười biếng và kém cỏi của chúng ta”. (Xi Jinping Is Watching His Back, Craig Singleton, Foreign Policy, 28 January 2021).

Theo một khảo sát gần đây của Pew Research, 9 trong 10 người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa (threat) hoặc đối thủ (competitor). Trong cuốn, “The World According to China”, chuyên gia về Trung Quốc Elizabeth Economy đã lý giải những động lực thúc đẩy tham vọng của lãnh đạo Trung Quốc. Theo họ, có ba loại quyền lực: “quyền lực cứng” (hard power), “quyền lực mềm” (soft power), và “quyền lực sắc bén” (sharp power).

Theo Economy, chiến lược “tham dự” (engagement) đã lỗi thời, và động lực đang thúc đẩy tham vọng của Tập Cận Bình chính là bản chất của quyền lực. Trong đó có mục tiêu thúc đẩy công nghệ Trung Quốc để thống trị thị trường quốc tế, và nâng cao tiêu chí công nghệ Trung Quốc để cuối cùng thay thế vai trò của Mỹ (như 5G). (Chinas true ambitions and what they mean for the U.S, Dexter Roberts, Washington Post. January 28, 2022).

Các chính quyền Mỹ thường dựa vào chính sách “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity) mà lâu nay Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Đó là chính sách ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan và thuyết phục Đài Loan không được đơn phương hành động nhằm đảo ngược nguyên trạng (status quo). Tuy bản thân cam kết mơ hồ của Mỹ nhằm bảo vệ Đài Loan có thể không đủ răn đe Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, nhưng ít nhất nó có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh xảy ra do Trung Quốc tính nhầm.

Là trụ cột của công nghệ sản xuất bán dẫn, Đài Loan có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế số toàn cầu. Ngày nay, chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất đang điều khiển hàng chục triệu thiết bị dân dụng, xe cộ và các hệ thống vũ khí hiện đại trên toàn cầu. Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ mới nổi này của Đài Loan. Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, họ sẽ kiểm soát được gần 80% sản xuất bán dẫn. Nếu không bảo vệ được Đài Loan, Mỹ sẽ mất một đồng minh quan trọng ở Châu Á, đe dọa lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chính vì vậy mà một số chuyên gia lập luận rằng nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan chủ yếu là vì muốn độc chiếm nguồn cung cấp bán dẫn quan trọng đó. Vì vậy muốn răn đe Trung Quốc hiệu quả, phải gửi một thông điệp rõ ràng là nếu Trung Quốc quyết chiếm bằng được Đài Loan, thì Đài Loan sẽ phá hủy hết các cơ sở sản xuất bán dẫn để Trung Quốc trắng tay dù có chiếm được Đài Loan. Nói cách khác, đó là biện pháp răn đe bằng “cùng hủy diệt” (mutual destruction) như “tiêu thổ kháng chiến”.

Nhìn bề ngoài thì Putin và Tập đang hợp tác như đồng minh để phân chia lại thế giới thông qua khủng hoảng Ukraine và Đài Loan. Nhưng về thực chất thì hai cường quốc này khó gắn kết với nhau về lâu dài, mà chỉ có thể lợi dụng lẫn nhau trong ngắn hạn vì mục tiêu quốc gia (nhằm chia rẽ Mỹ và NATO) và mục đích chính trị nội bộ (để củng cố quyền lực). Đó là một liên minh tạm thời trên thế yếu chứ, không phải thế mạnh. GDP của Nga là 1.400tỷ USD, thấp hơn GDP của bang California (1.500 tỷ USD) và tỉnh Quảng Đông (1.700tỷ USD). Ngân sách quốc phòng của Nga là 70 tỷ USD, trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ là 770 tỷ USD (năm 2021). Nếu chạy đua vũ trang hay bị trừng phạt thì Nga sớm bị kiệt quệ.

Nhìn bề ngoài thì khủng hoảng Ukraine như sắp bùng nổ thành chiến tranh vì Putin đã tập trung lực lượng hùng mạnh gần biên giới. Nhưng thực chất thì Putin là một con cáo già KGB sùng bái bạo lực đang ngồi trên ngai vàng của Nga hoàng, muốn chơi một canh bạc lớn, dùng sức mạnh cứng hù dọa Mỹ và NATO phải nhân nhượng các yêu sách của Nga. Nếu Putin muốn chiếm Ukraine thì phải tấn công bất ngờ để “đánh nhanh thắng nhanh” như khi chiếm Crimea, chứ không diễu võ dương oai như “bên miếng hố chiến tranh”.

Nếu chiến tranh nổ ra sẽ leo thang thành cuộc chiến khu vực, chứ không dừng lại ở Ukraine. Đó là điều mà cả hai bên đều không muốn, nhất là Putin vì sẽ “mất nhiều hơn là được”. Tập Cận Bình chắc biết rõ điều này, nên “tọa sơn quan hổ đấu”. Đài Loan cũng tương tự như vậy. Nếu Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan thì phải tấn công bất ngờ chứ không diễu võ dương oai như “bên miệng hố chiến tranh”. Chắc Tập không muốn một cuộc chiến khu vực mà Trung Quốc sẽ “mất nhiều hơn là được”, vì Nhật sẽ không ngồi yên, và các phe phái (như phe Thượng Hải) sẽ không ngồi yên trước thời cơ mới do xung đột đem lại.

Mỹ không thể đến rồi đi

Tuy chưa biết ông Biden có bị phân tâm hay sa lầy vào khủng hoảng Ukraine hay không, nhưng chuyến thăm Châu Á sắp tới là dấu hiệu chứng tỏ Mỹ vẫn ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (trong đó có Biển Đông), và chứng tỏ Mỹ tự tin sẽ kiểm soát được tình hình. Còn quá sớm để biết liệu chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp có đạt được thỏa thuận nào để Putin xuống thang hay không. Đối với ASEAN, yêu cầu về ổn định khu vực hầu như là một “bệnh lý” (pathological) chưa chắc được Mỹ đáp ứng năm 2022.

Ông Lý Quang Diệu đã từng nói nếu Mỹ muốn tác động đến bàn cờ chiến lược Châu Á thì không thể “đến rồi đi” (come and go). Chính quyền Trump đã bỏ rơi các đối tác thân Mỹ nhất, làm họ mất lòng tin vào Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy. Khi Trung Quốc định lập lại trật tự khu vực, Mỹ đã khởi động lại trò chơi củng cố đồng minh. Tuy giành được vài thành công ban đầu, nhưng “chỉ khởi động lại là chưa đủ”. (Can America Rebuild Its Power in Asia? Michael Green and Evan Medeiros, Foreign Affairs, 31/01/2022).

Ông Biden không chỉ cần duy trì để phát triển mà phải tăng cường hành động ngay cả trong khủng hoảng Ukraine. Mỹ phải làm nhiều hơn để điều hành kinh tế và răn đe quân sự, khi các chính sách kinh tế của Mỹ cần được mở rộng khuôn khổ. Ông Biden phải tìm cách hạn chế việc “chuyển giao công nghệ nhạy cảm có giới hạn” cho Trung Quốc như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, để duy trì lợi thế quân sự của Mỹ và để gia nhập CPTPP.

Điều quan trọng là Chính quyền Biden cần làm rõ chính sách với Trung Quốc (một việc đến nay vẫn chưa làm) để duy trì sự ủng hộ trong nước và ngoài nước. Chính quyền chưa chia sẻ cách đánh giá mối đe dọa của Trung Quốc. Chưa rõ chính quyền có chủ trương và kế hoạch gì chưa, hay chỉ đơn thuần “cạnh tranh chiến lược” với Bắc Kinh, như Nhà Trắng đang xúc tiến chiến lược “cùng tồn tại qua cạnh tranh” (competitive coexistence) .

Để vô hiệu hóa lợi thế kinh tế của Trung Quốc, Mỹ cần khuyến khích Seoul tham gia khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đàm phán một hiệp định thương mại số, và thúc đẩy việc gia nhập CPTPP. Đã chín muồi để Hàn Quốc hợp tác với “QUAD” và AUKUS, chuẩn bị cho quan hệ hữu hảo với Nhật và một giai đoạn mới cho “hợp tác ba bên”. Bầu cử tổng thống Hàn Quốc (3/2022) là cơ hội tốt để thúc đẩy xu hướng này.

May mắn cho ông Biden là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được cả hai đảng ủng hộ. Tuy có tranh cãi căng thẳng về cách đối phó với đại dịch và với giáo dục, nhưng Quốc Hội Mỹ đã đồng thuận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các đồng minh Úc và Nhật đã lặng lẽ hứa không để Trung Quốc vào CPTPP và “giữ chỗ cho Mỹ”, nhưng các quan chức Canberra và Tokyo không thể hoãn binh với Trung Quốc thêm vài năm nữa.

Theo Đại sứ Úc John McCarthy, Nga muốn lợi dụng “chính trị Phương Tây đang bị rạn nứt” để đòi quyền lợi của Nga ở Ukraine, và lập luận “nếu Mỹ lùi bước thì các nước đồng minh Châu Âu sẽ bị áp đặt cái giá về chiến lược mà họ phải trả”. Một Trung Quốc cứng rắn hơn sẵn sàng đòi hỏi quyền lợi với Đài Loan, có lợi cho Trung Quốc. Cơ hội hiếm hoi của Biden là bỏ qua cho Nga để tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Ukraine crisis creates dilemmas close to home, John McCarthy, Asialink, 28 January 2022).

Nếu Mỹ bị thua trong tranh chấp với Nga, thì uy tín của Mỹ như một đối tác sẽ bị sói mòn, không chỉ ở Châu Âu mà trên toàn cầu, bao gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mô hình các nhóm nước có cùng chính sách như “Bộ Tứ” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (QUAD), “Bộ Tam” Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) và “Bộ Ngũ” (Five Eyes) cũng bị sói mòn. Tuy các nhóm nước này cùng chia sẻ gánh nặng chiến lược với Mỹ, nhưng trên thực tế phụ thuộc vào Mỹ.

Nếu phương Tây “đánh mất Ukraine” hoặc bị phân tâm, thì Trung Quốc có thể lợi dụng sự mềm yếu đó để gây sức ép tối đa với Đài Loan. Nếu Ukraine không được giải quyết thỏa đáng, thì mong muốn của Úc về sự tham gia lớn hơn của EU vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khó trở thành hiện thực. Úc cần quan tâm đến mấy hệ quả tiềm ẩn: Một là nguy cơ Mỹ và Phương Tây sẽ bị suy yếu; Hai là khả năng Trung Quốc sẽ mạnh lên; Ba là Nga sẽ bị suy yếu về kinh tế do các biện pháp trừng phạt nặng nề của Phương Tây.

Việt Nam phải làm gì

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Thành, Việt Nam đã thành công trong việc kiến tạo và duy trì đà phát triển tương đối nhanh trong khu vực, dần hình thành cho mình một “vị thế địa-chính trị-kinh tế trong khu vực”. Nhưng Việt Nam còn khá nhiều hạn chế như trình độ kỹ năng của lao động còn thấp, năng lực sản xuất phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa tự chủ công nghệ dù ở mức cơ bản. Thiết chế xã hội và hệ thống luật pháp còn chưa theo kịp phát triển kinh tế. Kết quả là cấu trúc nền kinh tế chưa vững chắc vì khu vực tư nhân còn yếu và dàn trải, mô hình tăng trưởng chất lượng thấp, nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ, dễ tổn thương trong môi trường thể chế và kinh tế vĩ mô bất trắc”.

Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với những lựa chọn to lớn có vai trò quyết định con đường phát triển và ổn định của đất nước trong dài hạn. Cần có tư duy mới về một tầm nhìn chiến lược cho Việt Nam trong thập kỷ tới, thông qua trao đổi về bối cảnh chiến lược trên thế giới và khu vực. Nhân tố quyết định bức tranh chiến lược toàn cầu và khu vực trong thập kỷ tới chủ yếu là quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt vì Trung Quốc trỗi dậy trở thành mối đe dọa với Mỹ và các đồng minh. Đây chính là thế “lưỡng nan về an ninh” (security dilemma) trong chính trị thế giới.

Trong khi Mỹ bằng mọi giá phải ngăn chặn Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng quyết liệt chống lại ý đồ của Mỹ, không chịu từ bỏ cơ hội của mình. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới tất yếu” đang leo thang giữa hai siêu cường, không chỉ vì quyền thống trị thế giới, mà còn vì sự tồn vong của họ. (Lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu mớiNguyễn Đức Thành, Viet-studies, 01/02/2022).

Theo ông Thành, Mỹ chia thế giới thành ba vùng địa chiến lược: “Vùng Một” ở vòng ngoài xa Trung Quốc, gồm những đồng minh truyền thống không thân thiện với Trung Quốc. “Vùng Hai” gồm khu vực tiếp giáp với Trung Quốc, bao gồm những nước có sẵn mâu thuẫn với Trung Quốc và có thể làm đồng minh với Mỹ. “Vùng Ba” cũng sát với Trung Quốc, nhưng gồm những nước đồng minh của Trung Quốc, thù địch hoặc kém thân thiện với Mỹ.

Tại “Vùng Một” và “Vùng Hai”, Mỹ mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, nếu cần thì liên minh quân sự, điển hình là thành lập liên minh quân sự Úc-Mỹ-Anh (AUKUS). Để làm xương sống cho “Vùng Hai”, ngoài hệ thống chuỗi đảo thứ nhất trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã hình thành “Bộ tứ” gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (QUAD) và “Bộ tứ mở rộng” (QUAD+), có thể được bổ sung một số nước bậc trung trong khu vực như Hàn Quốc và Indonesia. Nói cách khác, QUAD+ có vai trò chính trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc muốn bá chủ lục địa Á-Âu. Đối với “Vùng Ba”, Mỹ sẽ thu hẹp hợp tác kinh tế, thương mại, và có thể áp đặt lệnh trừng phạt hoặc bao vây kinh tế, nhằm làm suy yếu các nước đó.

Khi xung đột leo thang, Mỹ và đồng minh sẽ tìm cách loại Trung Quốc khỏi các thị trường quan trọng, làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gốc sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn. Cục diện và trật tự thế giới được định hình bởi các siêu cường đã chi phối đáng kể số phận các nước nhỏ. Một số nước đã đánh mất cơ hội phát triển hoặc trở thành nạn nhân trong Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, Việt Nam cần tìm kiếm và phát huy những cơ hội giúp đất nước tiếp tục phát triển, thậm chí phát triển nhảy vọt trong thập kỷ này và xa hơn.

Việt Nam có vị trí địa chính trị trong cả “Vùng Hai” và “Vùng Ba” (theo quan điểm của Mỹ) và tọa lạc ngay cửa ngõ của Trung Quốc đi xuống phía Nam. Đến nay, Hà Nội chọn giải pháp trung dung như “vùng xám” giữa hai vùng trên, nhằm tránh bị lôi kéo về một vùng cụ thể, để khai thác lợi thế hợp tác với cả hai siêu cường. Nhìn vào mục tiêu phát triển dài hạn, điều kiện tiên quyết đối với Việt Nam là “phải đảm bảo an ninh cả đối nội và đối ngoại”. Vì vậy, Việt Nam không muốn chọn làm một nước thuộc “Vùng Ba”. Khác với Campuchia hoặc Bắc Triều Tiên, Việt Nam hiểu rằng thị trường Trung Quốc không đủ cho tiềm năng phát triển của đất nước. Do đó, Việt Nam đã và sẽ theo đuổi chiến lược mở cửa để hợp tác.

Tuy Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên “đối tác chiến lược”, nhưng các chuyên gia nghiên cứu chiến lược cho rằng “thực chất hợp tác chiến lược quan trọng hơn danh nghĩa”. Nếu Mỹ và Việt Nam trở thành “đối tác chiến lược” thì Trung Quốc có lý do để trả đũa Việt Nam,   và thách thức Mỹ. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ ở “thế lưỡng nan” (dilemma). Nếu can thiệp để bảo vệ Việt Nam sẽ tốn kém mà không có lợi ích tương xứng. Nếu không can thiệp sẽ mất thể diện vì vô hình trung phát đi tín hiệu sai lầm về sự bất lực của Mỹ và thừa nhận vị thế bá chủ khu vực của Trung Quốc. Ưu tiên chiến lược của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc cưỡng chiếm Đài Loan, chứ không phải bảo vệ Việt Nam chống Trung Quốc.

Đến nay, Việt Nam có một không gian lựa chọn linh hoạt, và sức ép phải chọn phe không quá lớn, ngay cả khi tranh chấp Mỹ-Trung leo thang. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể duy trì được vị trí trung dung của mình một cách khôn ngoan, để vừa hợp tác được với hai siêu cường, vừa duy trì an ninh cho mình. Về đối ngoại, có thể nói Việt Nam áp dụng phương châm cổ truyền là “ngoại Nho nội Pháp” (bên ngoài mềm dẻo linh hoạt, bên trong cứng rắn có nguyên tắc). Nói cách khác, đó là thái độ “do dự chiến lược” (NĐT).

Việt Nam cần cải cách thể chế, củng cố luật pháp và môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các FTA. Mỹ có thể quay lại CPTPP trước khi Trung Quốc gia nhập hiệp định quan trọng này. Trong trường hợp Mỹ gặp nhiều ràng buộc trong nước cản trở việc sớm trở lại CPTPP, Việt Nam có thể thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Việt Nam cần mở rộng và thắt chặt hợp tác kinh tế với các nước thuộc “Vùng Một” và “Vùng Hai” như “vùng đệm” trong quan hệ chiến lược với Mỹ. Bên cạnh các đối tác gắn bó với Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ là một đối tác lớn tiềm năng.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần phát triển công nghiệp quốc phòng, gắn với khu vực tư nhân trong nước nhằm tăng cường tính cạnh tranh, đồng thời kiến tạo năng lực kỹ thuật và tiềm lực sản xuất dài hạn cho các tổ hợp tư nhân. Bên cạnh đó, một Biển Đông tấp nập hơn có thể đem lại cho Việt Nam cơ hội mới trong lĩnh vực hậu cần cảng biển cho cả quân sự và dân sự. Khi các cường quốc can dự nhiều hơn vào Biển Đông, Việt Nam cần chủ động phát huy lợi thế địa chính trị để củng cố lợi ích kinh tế và an ninh cho chính mình. (NĐT).

An ninh kinh tế

Theo giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và 70% giá trị xuất khẩu. Trong nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy cần thu hút FDI để phát triển nhanh nhưng đến lúc phải chọn lọc kỹ, chỉ chấp nhận những dự án thật sự cần thiết để giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và giảm vốn FDI vào những lĩnh vực trong nước có thể cạnh tranh. (An ninh kinh tế cho Việt Nam, Trần Văn Thọ, the Leader, 02/02/2022).

Gần đây, doanh nghiệp nước ngoài tích cực mua bán và sáp nhập (M&A). Tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A đã tăng từ 6,2 tỷ USD (2017) lên 9,9 tỷ USD (2018) và 15,5 tỷ USD (2019). Tính chung mỗi năm tăng 50%. Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, sẵn sàng bán rẻ, trong khi nhiều công ty nước ngoài lợi dụng tình trạng này để mua và sáp nhập với giá rẻ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức này tăng từ 6,2 tỷ USD (2017) lên 9,9 tỷ USD (2018) và 15,5 tỷ USD (2019).

Các công ty Trung Quốc trở thành đa quốc gia rất nhanh, xâm nhập vào kinh tế, chính trị các nước. Đầu tư FDI của Trung Quốc chỉ có 5 tỷ USD (2004), đã tăng lên 100 tỷ USD (2013), trở thành quốc gia có FDI lớn nhất thế giới (2020). Trung Quốc muốn qua M&A để xâm nhập thị trường các nước. Theo “Luật Tình báo Quốc gia” (6/2017), các doanh nghiệp Trung Quốc có bổn phận cung cấp mọi thông tin mà chính phủ yêu cầu. Họ thường nhờ người Việt đứng tên để lách luật mua đất ở những nơi nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Tính theo lũy kế FDI thì đến tháng 10/2021, Trung Quốc xếp thứ 7, nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 4 trong 10 tháng đầu 2021. Nếu kể cả Hồng Kông thì Trung Quốc xếp thứ 2 theo kim ngạch 10 tháng năm 2021. Tỷ lệ thắng thầu của các doanh nghiệp Trung Quốc rất cao. Nếu Việt Nam để nước ngoài tự do sáp nhập và thâu tóm, thì tương lai kinh tế Việt Nam sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối.

Tháng 11/2019, Nhật đã ban hành Luật Ngoại hối Sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 5/2020, nhằm tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các lãnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhật đã công bố danh sách 518 công ty thuộc những ngành cốt lõi trong 12 lãnh vực, trong đó có hàng không, vũ trụ, nguyên tử lực, điện lực, gas, an ninh mạng. Theo Luật mới sửa đổi, trong các giao dịch chứng khoán, khi nước ngoài chiếm trên 1% giá trị cổ phần của các công ty trong nước thì phải báo cáo với nhà nước (trước sửa đổi là 10%).

Từ tháng 8/2021, Nhật bắt đầu ngăn cấm nước ngoài mua lại hoặc thuê đất ở những vùng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ngay khi vừa mới nhậm chức (04/10/2021) thủ tướng Kishida Fumio đã lập Bộ An ninh Kinh tế do một bộ trưởng phụ trách. Không chỉ có Nhật, mà các nước khác như Mỹ và Úc cũng có các đối sách cụ thể để bảo vệ an ninh kinh tế trước tình hình thế giới ngày càng phức tạp, nhất là trong thời đại kỹ thuật số.

Gần đây, trước những thay đổi lớn về đối ngoại ở Trung Quốc và sự xâm nhập ngày càng mạnh của doanh nghiệp Trung Quốc, Quốc hội Mỹ đã soạn thảo nhiều luật liên quan đến đầu tư nước ngoài nhằm thẩm tra kỹ các dự án để bảo vệ bí quyết công nghệ hoặc thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, những nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Úc phải tìm cách bảo vệ công nghệ và các doanh nghiệp quan trọng trong nước.

Vì vậy, Việt Nam càng phải tăng cường hơn nữa các biện pháp về an ninh kinh tế như rà soát lại các chính sách kinh tế đối ngoại nhằm thu hút vốn FDI, các quy định về đấu thầu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Phải nhanh chóng soạn thảo luật an ninh kinh tế để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, ban hành các luật mới hoặc bổ sung luật cũ bằng các điều lệ và quyết định mới nhằm ngăn chặn các dự án FDI phương hại đến an ninh quốc gia và thẩm định kỹ các vụ đấu thầu có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế hay chính trị.

Thay lời kết

Cuối năm ngoái, dư luận bức xúc vì lãnh đạo Việt Á và đồng bọn đã lừa đảo về đề án “nghiên cứu và sản xuất” test kits, nhưng lại mua của Trung Quốc 3 triệu bộ (21.000đ/kit) để nâng giá (470.000 đ/kit) bán cho 52 tỉnh/thành trục lợi. Trước Tết, dư luận càng bức xúc vì Cục Lãnh Sự trục lợi qua hàng trăm “chuyến bay giải cứu”. Đó không chỉ là những vụ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, mà còn thao túng chính sách và “lũng đoạn nhà nước”.

Muốn hóa giải nguồn gốc dẫn đến tai họa đó để “cùng tắc biến”, Việt Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, trong đó chủ yếu là thể chế chính trị. Đó là quá trình phá bỏ cơ chế lạc hậu để kiến tạo một cơ chế hiện đại hơn nhằm tháo gỡ “nút thắt cổ chai” (bottleneck) để giải phóng tiềm năng cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Nói cách khác, đó là quá trình “đả phá sáng tạo” (creative destruction), mà giáo sư Trần Văn Thọ khuyến nghị. (Đả phá sáng tạo để doanh nghiệp phát triển, Trần Văn Thọ, Doanh nhân Sài Gòn, 5/2/2022). 

Mỗi lần Tết đến, người ta lại hối hả đổ ra đường sắm Tết như “hội chứng lên đồng tập thể”. Tuy đến cuối năm ngoái, Sài Gòn đã bị “toang” khi dẫn đầu cả nước với số ca lây nhiễm cao nhất, nhưng sau đó lại đến lượt Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước với số ca lây nhiễm cao nhất. Sau Tết Nguyên đán, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước với gần 3.000 ca lây nhiễm, trong khi cả nước có gần 24.000 ca (ngày 9/2/2022). Tuy đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại và Tết là dịp tăng mạnh, nhưng người Việt dường như không còn sợ “sống chung với dịch”.

Hy vọng theo quy luật “cùng tắc biến”, khi con người bị dồn đến chân tường sẽ biết cách “biến nguy thành cơ”. Cái gì xấu quá sẽ đến lúc tốt lên, như một quả bóng rơi tự do đến lúc chạm sàn sẽ bật ngược lại. Đại dịch trong hai năm qua là một thử thách chưa hề có với Việt Nam cũng như loài người. Đó là một cuộc chiến “không cân xứng” (Asymmetric) với một kẻ thù vô hình, biến hóa khôn lường, làm cho loài người hầu như bất lực. Muốn thắng virus Corona, Việt Nam phải đổi mới thể chế và cộng tác với nhau một cách khôn ngoan hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Putin is threatening to wreck Biden’s Asia strategy, Josh Rogin, WP, 27 January 2022.
  2. Chinas true ambitions and what they mean for the U.S., Dexter Roberts, WP, 28 January 2022
  3. Xi Jinping Is Watching His Back, Craig Singleton, Foreign Policy, 28 January 2021
  4. Ukraine crisis creates dilemmas close to home, John McCarthy, Asislink, 28 January 2022
  5. Can America Rebuild Its Power in Asia? Michael Green, Foreign Affairs, 31 January 2022
  6. How China views the Ukraine crisis, Minxin Pei, Asialink, 1 February 2022
  7. Faraway war drums still send tremors in SE Asia, David Hutt, Asia Times, 3 February 2022
  8. Đả phá sáng tạo để doanh nghiệp phát triển, Trần Văn Thọ, Doanh nhân Sài Gòn, 5/2/2022 
  9. Lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu mới, Nguyễn Đức Thành, Viet-studies, 1/2/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.