Nghĩ về mấy chữ của ông Nên
Hôm qua, ông bí thư Sài thành Nguyễn Văn Nên đi viếng lăng Đức Tả quân -Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Tại đó, ông thực hiện nghi thức khai bút đầu năm với cặp chữ “Bình an – Phát triển”. Tính ra, cộng thêm phần “tặng chữ” của ông hôm 26 Tết tại bệnh viện Chợ Rẫy, coi như thành phố này tạm lận lưng ba món “Tri ân – Bình an – Phát triển”.
Lòng thành của ông bí thư, tôi tin. Hành động của ông bí thư, tôi thấy. Và tôi nhìn cả… phía sau ông.
Phía sau lưng ông hôm qua, tôi thấy có chủ tịch Thành phố, có hai phó bí thư, trong đó một chuyên trách công tác Đảng, phụ trách khối các cơ quan đảng đoàn thể chính trị – xã hội, một kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố.
Trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính ghi “Quan không được phép làm quan tại bản quán, và không được phép lấy vợ ở trong bản hạt, vì sợ có thân thuộc nhà quan ở lẫn với dân trong hạt, thì có khi dùng phép không được công minh”. Nay, cả hai ông bí thư, chủ tịch đều người nơi khác đến/về, mang theo cái khát vọng muốn góp phần xây dựng vùng đất này giàu hơn, mạnh thật thì đối với việc lẫn người, lấy công minh làm trọng, mong lắm thay!
Vả lại, nơi hai ông tới viếng, vị thượng đẳng thần mà hai ông thành kính lại là “con người vĩ đại này đã mang đến trong lòng tôi một sự hối tiếc vô cùng là tình huống đã không trao cây gậy trị vì của bán đảo tốt đẹp này vào tay ông, một người biết hơn nhiều làm sao mang nước này thành một nước vinh quang và hạnh phúc, hơn vị vua độc tài hiện nay, mà con tim ích kỷ chỉ đập để đáp ứng với cái đầu óc lạnh và dề sai trái, bao quanh bởi một mũ miện vương quyền” (trích nhận xét của John White về Tổng trấn Lê Văn Duyệt – Sài Gòn-Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 – Nguyễn Đức Hiệp – NXB Văn hóa văn nghệ).
Vị quan tổng trấn ấy đã dám tấu trình lên vua bản luận tội phó tổng trấn Hoàng Công Lý, cha của Huệ phi – một trong những bà vợ của vua Minh Mạng vì thói tham lam, tham ô, tham nhũng.
Lẽ nào, hậu bối nay không học theo tiền nhân mà tìm cách dẹp bớt loại nhũng nhiễu, tham ô, giả dối đang đội lốt, chui rúc, lúc nhúc?
Quý văn tự là ở cái hồn cốt chứ nào vẻ vỏ ngoài, người “cho chữ” – như Huấn Cao, mới nhìn ra cái vẻ đẹp thiên lương của vị quản ngục mà đề chữ. Chữ “Bình an” như ông bí thư viết, nó vốn là linh hồn của đại tế kỳ phúc, cầu cho dân được bình an. An dân, xét ra không ngoài mang lại cho dân no ấm, tự do, yên ổn mà đi tới sự “Phát triển”. Bộ máy kiến tạo, quản trị, thúc đẩy, giám sát để mang lại, giữ vững sự bình an, nằm hết ở các vị… phía sau ấy đấy!
Chỉ riêng cú “bỏ cọc” cuối năm và “màn nhảy múa” giá đất loanh quanh, thử hỏi ông phó thường trực ủy ban ngồi dự, trao hoa, trao kỳ vọng cho cuộc đấu giá có nhìn ra trước những “dị thường” sau những “quy trình” đúng, đủ để rồi lại phải “bỏ hết đi ta làm lại từ đầu”?
Hay để hiện thực hóa chữ “Tri ân”, những kiến nghị cụ thể (như tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm thì cần nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm) hay lộ trình thực hiện 3 chính sách lớn: giữ chân, tăng cường và thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại các tuyến y tế cơ sở, đang và sẽ chuyển động như thế nào – về phía sở và phó chủ tịch UB phụ trách lĩnh vực; có hay không chương trình giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố đối với những kế hoạch này hoặc hoạt động giám sát năm 2022 của cơ quan dân cử sẽ tập trung vào những đầu việc gì?
Một trong những vấn đề mà ông bí thư từng rút ra trong/sau đại dịch là “bộc lộ hạn chế, yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong bộ máy”, vậy với tư cách là phó bí thư, cả hai phó bí thư đều từng kinh qua trưởng ban tổ chức thành ủy; nay các vị “tạo dựng bộ mặt mới cho bộ máy cơ sở” đi cùng chuyên đề giám sát công tác tuyển chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ trong từng khối cơ quan đảng, nhà nước, hội đồng, mặt trận và các tổ chức thành viên ra sao?
Thảy đó là những điều dân cần, dân mong cậy.
Nhưng trước hết, dầu gì, tìm về cội nguồn, thành kính dâng lên tiên hiền liệt tổ lòng biết ơn và chí nguyện “xin hứa với đồng bào, với tất cả các bậc tiền nhân, chúng ta sẽ cố gắng hết sức đoàn kết, chung sức góp phần xây dựng thành phố chúng ta, xây dựng đất nước đàng hoàng…” đã là một suy nghĩ đẹp, một hành động quý, một phẩm cách lãnh đạo đáng được lưu truyền.
P/s: Chỉ hơi “nhức mắt” khi từ Lăng Ông nhìn sang, một khu vực “nhà văn hóa” khá nhếch nhác, ồn ào nằm cạnh. Giá như trên đường Lê Văn Duyệt, cạnh Lăng Đức Tả quân là một Nhà hát nghệ thuật hát bội – vốn được Đức Tả quân rất ưa chuộng, nay cất lên như một nhà từ đường nghệ thuật, lại tránh cảnh gá tạm của các nghệ sĩ, công nhân hát bội hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.