Lư hương Đức Thánh Trần: Liệu chính quyền có đủ khôn ngoan?
Hoàng Thành
7-2-2022
Một tuần nữa là đến Rằm tháng Giêng, mười ngày nữa là đến 17 tháng Hai. Ý đồ của Trung Quốc rất thâm thúy và nguy hiểm. Chính quyền nên biết nghĩ xa hơn. Ai trong số Chính phủ hay Bộ chính trị hiện nay muốn đóng đinh tên tuổi mình và dòng tộc của mình vào lịch sử như là “những thằng phá đàn Nam Giao”?* Nhân ngày Rằm, nhân ngày 17/2, hãy trả lại lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ngay vào đúng vị trí ban đầu!
Hãy đừng để cho các bộ phận thờ địch, thân địch kết hợp được với địch để chống lại “các thế lực thù địch”. “Các thế lực thù địch” ở đây, trong con mắt của những kẻ “thờ địch” và “thân địch”, chính là nhân dân. Trong tâm khảm dân đen Việt, Trần Hưng Đạo là bậc thánh, không chỉ vì chiến công ba lần chỉ huy đánh thắng quân Nguyên, mà còn vì hàm ơn chủ trương “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Xúc phạm Đức Thánh Trần, là xúc phạm Lịch sử, xúc phạm Văn hóa, đi ngược với Lòng Dân, với Lẽ Trời. Con cháu đời sau, chỉ có những kẻ trí ngắn lòng nông, ỷ vào chức quan, mới dám ngông cuồng làm những chuyện bạo thiên nghịch địa như thế. Nhưng đời quan ngắn ngủi lắm. Mà bia miệng thì ngàn năm.
Đã 3 năm lư hương bị di dời
17 tháng Hai năm nay vừa đúng ba năm chính quyền Tp. HCM cho cẩu lư hương đặt trước tượng Trần Hưng Đạo mang đi nơi khác, với lý do rất ất ơ, đó là để ngăn cản người dân thành phố tụ tập đông người! Ba năm qua, không biết bao nhiều bài viết, phân tích và góp ý với chính quyền về quyết định sai lầm và có thể nói thẳng là rất thất nhân tâm ấy.
Tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh do họa sĩ Phạm Thông (1943 – 2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966 – 1967. Đây chính là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước. Bức tượng cao 6 mét, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông, nêu lời thề đanh thép: “Đánh trận lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa!”
Thần thái của bức tượng thể hiện dáng uy vũ của một anh hùng và qua đó là khí phách của cả một dân tộc. Hình ảnh bức tượng oai phong đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ và có nhiều phiên bản được dựng lại nhiều nơi trong và ngoài nước.
Trước đây mấy tháng, hôm 26/9/2021, ngày Giỗ Đức Thánh Trần là một “cơ hội vàng” để chính quyền thành phố làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an. Nhưng dịp ấy đã qua đi trong sự phớt lờ của chính quyền.
Tục ngữ có câu “Tháng tám giỗ Cha” để nhắc nhớ ngày giỗ Anh hùng Trần Hưng Đạo (20/8 Âm lịch), người được coi không những là Cha mà còn là Đức Thánh và được nhân dân thờ phụng từ nhiều thế kỷ. Ấy vậy mà, theo giới phân tích, chỉ vì Tp. HCM lỡ hứa với Trung ương sẽ không để xảy ra bất cứ cuộc biểu tình nào, nên chính quyền di dời lư hương vào ngày 17/2/2019.
Như thế là Tp. HCM đã đánh đồng việc một số nhân sĩ trí thức nhân những ngày tưởng niệm các biến cố của Việt Nam đối với Trung Quốc như 17/2, 19/1, 14/3… đến đốt nhang là biểu tình. Do đó cho cẩu lư hương đi.
Rất tiếc, chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị dời đi một cách bất kính, cách đây ba năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Lư hương bị cẩu đi vào dịp CLB Lê Hiếu Đằng và các trí thức yêu nước chuẩn bị tưởng niệm các liệt sĩ và đồng bào hy sinh trong cuộc chiến chống TQ xâm lược biên giới (17/2/1979 – 2019).
Tượng đài trơ trọi nhưng vẫn nổi bật tấm phù điêu khắc họa hình ảnh một đỉnh đốt trầm và một cây gươm, đi cùng một cuộn văn bản xưa đang tung mở. Chỉ vậy thôi, không cần ghi lời mà người xem có thể liên tưởng ngay đến Hịch Tướng Sĩ – áng hùng văn đã đi vào tâm khảm của dân tộc. Đấy là nỗi thao thức của một hào kiệt trước vận mệnh đất nước: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”
Những lời cảnh báo nói trên trên thực tế có giá trị cho muôn đời trước họa xâm lăng rình rập: Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc…
Nhân dịp ấy, tác giả Phúc Tiến từng có bài “Nhân giỗ Đức thánh Trần: Cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” được đăng trên báo “Người Đô Thị” hôm 17/9, cho rằng, việc di dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đền Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu ở Quận 1, là vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ. Nhưng rồi bài báo đó đã bị gỡ bỏ cũng như bao góp ý xung quanh chuyện lư hương Đức Thánh Trần đều bị chính quyền làm ngơ.
Nhâm Dần này là một năm đặc biệt
Nhưng Nhâm Dần năm nay là một năm đặc biệt. Thậm chí có thể nói là “đặc biệt của đặc biệt”. Từ trước Tết Nguyên đán cả tuần lễ, ngày 26/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về Quảng Ninh dự lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 17/2/1979. Có lẽ chưa có đời Thủ tướng nào dự lễ dâng hương ngày 17/02. Năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Pò Hèn ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Tại nơi đây, ngày 17/2/1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, các thành viên trong Đoàn công tác và nhân dân xã Hải Sơn đã ôn lại truyền thống anh dũng, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trước đấy không lâu, một nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam cũng tưởng niệm các liệt sỹ trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở một tỉnh biên giới. Ngày 8/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước khi tham dự buổi Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang, đã làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên. Báo chí trong nước cho hay Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và đoàn của ông đã “mặc niệm tưởng nhớ anh linh” của hơn 1.700 anh hùng liệt sĩ an nghỉ tại nghĩa trang. Họ là những người thuộc 32 tỉnh thành của Việt Nam đã ngã xuống “trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc”, theo ngôn ngữ tường thuật trên báo chí chính thống của Việt Nam.
Năm 2011, khi Hà Giang kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh thì người cao nhất trong Đảng và Nhà nước tham dự lễ là Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Năm 2016, khi Hà Giang kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh nhà thì người cao nhất tham dự buổi lễ này là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, cả bà Ngân lẫn ông Bình đều không hề thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Cách sám hối tốt nhất
Nghe đồn rằng từ ngày di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần, dân Sài Gòn gặp nhiều hoạn nạn, mà khủng khiếp nhất là nạn đại dịch Covid-19. Thế là một số đồn đãi cho rằng đấy là nghiệp lực luân báo, mà cụ thể là Thánh trả thù dân Sài Gòn. Nói như thế là không hiểu về nghiệp lực! Nó là tự động, như định luật 3 của Newton, có lực là có phản lực, tạo nghiệp thì phải trả nghiệp mà không cần người ra tay. Thậm chí, nói như thế là hạ thấp Đức Thánh. Đối với Ngài, việc làm của chính quyền Tp. HCM và đồng đảng của họ chỉ là trò trẻ con, Ngài đâu thèm chấp, Ngài lại càng không báo thù dân lành. Thế thì tại sao dân Sài Gòn gặp nạn lớn như thế? Có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, di dời lư hương làm nhiều người lo lắng, bất an, những người này lại truyền sợ hãi bất an sang người khác… cứ thế lan rộng mãi ra. Mà lo lắng bất an thì dễ bị tai nạn, dễ mắc bệnh hơn người hạnh phúc, có thân tâm an lạc. Các nhà tâm lý học và các bác sĩ đều biết rõ điều này.
Thứ hai, Một số kẻ làm điều thất đức như đánh người, trộm cướp… vốn chẳng kiêng nể gì, nay thấy chính quyền làm chuyên vô đạo như thế càng không tin gì vào Thánh Thần, nghiệp báo nữa, lại càng được thể làm càn. Đấy chính là nghiệp lực luân báo, hoàn toàn tự động.
Muốn an lòng dân thì phải mang ngay lư hương trả về chỗ cũ. Chính Đức Thánh Trần và các bậc tổ tiên, anh hùng, liệt sĩ đã và đang góp nhiều sức mạnh tinh thần quý báu cho cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 hiện tại và phòng chống kẻ địch bên ngoài xâm lược.
Câu chuyện ba năm trước được nhắc lại ở đây chỉ để khẳng định rằng, bài báo tha thiết kêu gọi trả lại lư hương của của Đức Thánh Trần tại tượng đài ở Bến Bạch Đằng mới đây, được đăng trên “Người Đô Thị”, không phải là tiếng kêu đơn lẻ. Đó là sự đau đớn của cả một dân tộc về sự báng bổ một hình tượng vĩ đại trong lịch sử người Việt. Đó là bài viết hiếm hoi đặt vấn đề về một giá trị dân tộc tổn thương từ sự cường quyền.
Với nhân dân, đó là sự phẫn nộ dù âm thầm hay dữ dội về một tượng đài lịch sử bị xúc phạm. Phải nói huỵch toẹt ra như thế này: Một số quan chức thành phố không muốn người dân tới trước tượng Trần Hưng Đạo để thắp hương nhân những ngày được cho là TQ gây hấn hoặc xâm lược VN, tại một địa điểm nhiều ý nghĩa và thu hút nhiều sự chú ý. Ngờ rằng họ sợ việc làm đó khuấy động tinh thần yêu nước, chống giặc Trung cộng, không loại trừ họ muốn lấy lòng Trung cộng!
Năm ngoái, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã đòi Chính quyền CSVN trả lại chiếc lư hương đúng nơi tượng Đức Thánh Trần. Nhâm Dần năm nay, tình thế quốc nội và quốc tế đang có những nét mới. Sự hiểm ác của Trung cộng đang trở thành Chinazi (ví với Đức quốc xã Hitler), bộc lộ chẳng thể nào cụ thể hơn. Sự ghét bỏ của phần lớn dân Việt Nam cũng như của đa phần loài người đối với những thảm họa Chinazi đã/ đang gây ra cho thế giới này không lời nào tả xiết được. Từ năm 2019, trong dân gian rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay muốn mượn việc thủ tiêu các tượng đài, miếu đền do Việt Nam Cộng Hòa dựng lên, để thực hiện việc chuyển dời lư hương, mưu toan xoá bỏ các chỉ dấu nhắc nhở nhân dân ghi nhớ những bước đường lịch sử đất nước đã trải qua!
Thử hỏi hành động chà đạp lịch sử như vậy là để thờ ai, phản ai? Thật khó tin chuyện có thật này lại xảy ra trong thời đại văn minh ngày nay. Quả bóng đang ở chân những người có trách nhiệm trong chính quyền. Phải đặt lại lư hương về chỗ cũ là việc không thể trốn tránh được! Dứt khoát những sai lầm hôm qua không có nghĩa mọi người hôm nay phải cùng nhau muối mặt chịu đựng!
Tổ quốc chỉ có một! Tổ tiên Việt Nam không bao giờ phân biệt đứa con nào thờ phụng mình. Trả lại lư hương về chỗ cũ là cách sám hối đối với những sai lầm mà chế độ này đã phạm phải. Không một quyền lực hay cá nhân nào dù là nhân danh cái gì được phép ngồi xổm lên danh dự của dân tộc và linh hồn tổ tiên! Sự táng tận lương tâm của quyền lực toàn trị nhất thời có thể làm điều ô nhục là bốc dời lư hương đi chỗ khác, để hòng mong xóa nhòa được ký ức của lịch sử. Nhưng lư hương thờ đức Thánh Trần trong lòng mỗi người con dân Việt là bất diệt, kẻ nào đụng vào sẽ không tránh khỏi bị hủy diệt!
_______
* Vụ phá đàn Nam Giao gây xôn xao dư luận, bởi lẽ đàn Nam Giao là chốn vẫn được dân chúng tôn thờ là linh thiêng nhất trong quần thể di tích của vương triều Nguyễn. Cái độc đáo vô song của đàn này – kể cả Thiên đàn Bắc Kinh cũng khó sánh nổi – chính là mấy phiến đá thanh cực kỳ đặc biệt đã bị hủy hoại hoặc bị khuân đi đâu chưa rõ khi người ta cạy sàn Viên Đàn để dựng lên đấy một khối “tân cổ cưỡng duyên” (chữ dùng của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn). Phiến đá kia độc đáo thế nào? Theo nhiều bậc bô lão ở Huế, nhờ xếp đặt theo một phương pháp “bí truyền”, đá ấy có tác dụng đặc biệt là khuếch đại âm thanh tương tự máy tăng âm hiện đại, do đó xưa kia nhiều người đứng xa vẫn nghe rõ mồn một tiếng nhà vua mỗi dịp tế Giao dù thời đó chẳng có micro và ampli.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.