Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Lại bàn về báo chí độc lập

 

Lại bàn về báo chí độc lập

Thới Bình

VNTB – Lại bàn về báo chí độc lập

(VNTB) – Đến năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo đề án còn 01 cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Các cơ quan báo chí ở TP.HCM có chủ quản là Thành ủy TP.HCM, hiện gồm các tờ: Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Phụ nữ TP.HCM, Cựu chiến binh TP.HCM.

Gặp gỡ báo chí trước thềm xuân Nhâm Dần, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặt ra yêu cầu báo chí phải có tính độc lập trong phản ánh và phản biện, nghĩa là đối kháng với 4 đặc điểm: bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại và đổ lỗi.

Ông Nên cũng kêu gọi ngành báo chí, xuất bản tiếp tục dấn thân, thực hiện tốt sứ mệnh truyền thông, đồng hành và phản biện, chuyển tải cho được tinh thần khát khao vươn lên của TP.HCM, tiếp tục đi đầu và đi trước trên mặt trận truyền thông an dân, nâng cao hơn nữa nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phòng, chống dịch theo phương châm: “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

‘Báo chí độc lập’ sẽ như thế nào trong năm nay đối với bốn tờ báo: Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Phụ nữ TP.HCM, Cựu chiến binh TP.HCM, là điều mà nhiều tòa soạn báo khác đang chờ đợi về các quyết sách cụ thể của ông Nguyễn Văn Nên trên cương vị là cơ quan chủ quản của cả 4 tờ báo đó.

Trước mắt có thể thấy so làng báo chung cả nước thì ở TP.HCM đang ‘xé rào’ về chuyện quy hoạch báo chí.

Ngày 22-5-2020, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.

Sau khi sắp xếp, thành phố còn 19 cơ quan báo chí gồm 07 báo in với 02 báo thuộc tổ chức tôn giáo, 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình, 10 tạp chí. Các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử, tạp chí in và tạp chí điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.

Theo đề án, số lượng cơ quan báo chí TP.HCM thực hiện sắp xếp là 27/28 (báo Công an thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an) với lộ trình gồm 02 giai đoạn.

Giai đoạn 1: từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020. Ở giai đoạn này, có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp; trong đó, giữ ổn định 01 cơ quan là báo Sài Gòn Giải Phóng; chuyển cơ quan chủ quản 06 cơ quan báo chí; chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quản 08 cơ quan báo chí; sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản 06 cơ quan báo chí.

Giai đoạn 2: từ năm 2021 đến hết năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan báo chí nhanh chóng ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới. Đồng thời tiếp tục triển khai Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Bên cạnh đó, báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm; đối với phát thanh truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả; đối với báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội…

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo đề án còn 01 cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Thực tế thì tính đến hạ tuần tháng 1-2022, báo Tuổi Trẻ vẫn không có gì thay đổi, vẫn là cơ quan của Thành Đoàn TP.HCM, thay vì đúng theo quy hoạch thì nay đã có chủ quản mới là Thành ủy TP.HCM.

Tương tự, mặc dù cũng nằm trong diện quy hoạch, nhưng báo Thanh Niên hiện tại vẫn thuộc chủ quản Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Và nếu đã kêu gọi báo chí độc lập, thì dù hiểu cách nào đi nữa cũng không thể đưa đến chuyện ở năm 2025 tới đây, TP.HCM chỉ còn duy nhất 01 cơ quan truyền thông đa phương tiện theo như yêu cầu ở nhiệm kỳ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

T.B.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.