Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Hậu quả của Quốc hội “Yếu nghề” khi thông qua các luật chuyên ngành!

 

Hậu quả của Quốc hội “Yếu nghề” khi thông qua các luật chuyên ngành!

Ngày xưa, tôi được nhiều lần đi tường thuật các kỳ họp Quốc hội (QH), nên tôi biết rất nhiều đại biểu thiếu kiến thức chuyên môn khi thảo luận và thông qua các luật chuyên ngành do Chính phủ (CP) trình. Trong các luật đã thông qua, có nhiều điều khoản QH giao cho CP quy định. Sau đó, CP ra nghị định hướng dẫn lại giao cho bộ chuyên ngành quy định! Thành ra các bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” tha hồ tham nhũng!

Thí dụ, năm 2016, QH thông qua Luật Dược nhưng có điều khoản liên quan đến sinh mạng con người “hạn dùng còn lại của thuốc nhập khẩu tại thời điểm thông quan” thì lại giao cho CP quy định!

Hoặc, có điều 6 “lưỡng tính” vừa đánh vừa xoa: “Nghiêm cấm thay đổi, sửa chữa hạn dùng của thuốc, trừ trường hợp thay đổi hạn dùng của thuốc quy định tại Khoản 3 Điều 61 của Luật này”. Mà, Khoản 3 Điều 6 đếch có căn cứ y học gì cả: “Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc thay đổi hạn dùng của thuốc đã ghi trên nhãn thuốc trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa”.

QH giao thẳng cho Bộ Y tế, nên tên Trương Quốc Cường ký Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định tại điều 30 rằng: “Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc thay đổi hạn dùng của thuốc đã ghi trên nhãn thuốc.”

Với “thượng phương bảo kiếm” đó, Trương Quốc Cường dùng ngân sách nhập hai lô vaccine Pfizer ngày hết hạn 18/12/2021, về VN chỉ còn hai tuần là hết date, Bộ Y tế gia hạn dùng hai lô Pfizer thêm ba tháng (18/3/2022) cùng lúc tên Cường phải tra tay vào còng số 8!

Tương tự, ngày 12/9/2007, Thủ tướng ban hành Quyết định 151/2007/QĐ-TTg quy định “về việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại VN”. Điều 12 giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại VN.

Tuy nhiên, phải đợi đến ba năm sau, Thứ trưởng Cao Minh Quang mới ký Thông tư 47/2010/TT-BYT, tuy căn cứ Quyết định 151/2007/QĐ-TTg, nhưng Quang không đưa điều 5: “Thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào VN phải là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tại VN do Bộ Y tế cấp” vào Thông tư 47.

Cao Minh Quang bỏ điều 5 của QĐ 151, khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động ở VN – kể cả doanh nghiệp ma như Helix, vẫn được cấp số đăng ký, cấp phép nhập thuốc vào VN!

Ngày 11/2/2022, trong bài “Phải mất 30 năm Bộ Công an mới sờ gáy Bộ Y tế về tội cho nhập thuốc giả“, tôi đã tha thiết xin QH: “Cám ơn VKSND tối cao và Bộ Công an sau 30 năm chống nhập thuốc giả thành công. Việc còn lại là 500 đại biểu QH phải sửa các lỗ hổng trong Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn!”.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra: Bộ Y tế buông lỏng công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao (TTBYT, VTYTTH), chưa tham mưu xây dựng được luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về TTBYT và VTTH, các quy định nhằm quản lý nói chung và trong mua sắm nói riêng về TTBYT, VTTH.

Ngoài các sai phạm nêu trên, việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Điển hình như Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.

Bộ Y tế ban hành một số văn bản hướng dẫn tạm thời việc gia hạn số đăng ký và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký lại cho thuốc, là những văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa nội dung quy phạm pháp luật là vi phạm về những hành vi bị cấm”.

Nếu Quốc hội không sửa từ gốc là luật pháp, thì các bộ vẫn diễn tuồng “dưới hai màu áo”, vừa làm “đúng quy trình” vừa bị bắt vì “cố ý làm trái” (thật ra là tham nhũng)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.