Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Bộ Ngoại giao cần cải cách mạnh công tác Lãnh sự

 

Bộ Ngoại giao cần cải cách mạnh công tác Lãnh sự

Lê Hồng Hiệp

29-1-2022

Dân cư mạng đang rần rần về vụ 4 cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố. Từng làm trong Bộ một thời gian, mình cũng thấy có chút liên quan, xin được chia sẻ một vài quan sát bên lề thế này:

– Cán bộ ngoại giao đa phần có trình độ, học thức, biết đối nhân xử thế, nhưng môi trường công tác đôi khi làm họ bị ảnh hưởng. Trong Bộ, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Cục Lãnh sự và các bộ phận lãnh sự ở các đại sứ quán ở nước ngoài. Đây là bộ phận có “quyền lực” khi là nơi tiếp xúc trực tiếp nhiều với người dân, đồng thời tạo ra nhiều thu nhập nhất cho Bộ. Trước đây (giờ nghe bảo không còn?), ngoài lương chính thức thì cán bộ, nhân viên trong nước của Bộ mỗi tháng được hưởng một khoản thu nhập từ quỹ phúc lợi mà theo mình hiểu là được trích từ các khoản thu lãnh sự (như phí visa ở các đại sứ quán) mà Bộ được giữ lại một phần. Cũng chính vì thế, ở trong Bộ, Cục Lãnh sự là bộ phận “hot”, không dễ để xin vào.

– Vì liên quan nhiều lợi ích nên bộ phận lãnh sự trong nước cũng như ở các đại sứ quán thường là nơi mang lại nhiều tiếng xấu nhất cho Bộ Ngoại giao. Lên mạng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bao nhiêu phàn nàn, lên án, tố cáo… của cư dân mạng, nhất là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nói về việc họ bị gây khó dễ, ăn chặn, lạm thu… bởi cán bộ lãnh sự ở các đại sứ quán của Việt Nam như thế nào.

– Ngay từ cách đây gần 20 năm, khi mình mới chân ướt chân ráo vào Bộ, mình đã đọc được trên mạng các tố cáo như vậy. Đây cũng là một phần lý do mình cảm thấy thất vọng và quyết định rời Bộ. Điều đáng nói là tình trạng này phổ biến đến nỗi có hẳn những diễn đàn để thu thập thông tin, lên án các hành vi sai trái của cán bộ lãnh sự, như phong trào “Tôi và sứ quán”, vốn tồn tại từ hồi đó đến tận bây giờ.

Ảnh: toivasuquan.org

– Điều mình ngạc nhiên là sau gần mấy chục năm, mọi thứ vẫn như vậy, và không thấy có những nỗ lực đáng kể nào từ Bộ Ngoại giao trong việc khắc phục tình trạng này để giữ uy tín, hình ảnh cho Bộ. Ngoài tình trạng nhũng nhiễu, lạm thu tiếp tục kéo dài, thì mình quan sát thấy dù bộ phận lãnh sự là nơi tiếp xúc nhiều với dân, cả người Việt Nam lẫn nước ngoài, là “bộ mặt quốc gia”, nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất rất xập xệ, tồi tàn, quy trình làm việc thì thiếu minh bạch, rối rắm, thủ công…, khiến người đến làm thủ tục lãnh sự không thể không thấy bức xúc, thất vọng.

– Nói đi cũng phải nói lại, cán bộ lãnh sự cũng chịu áp lực vì là những người lo thu nhập cho cả sứ quán lẫn những đồng nghiệp trong nước. Các khoản thu sai, nếu có, cũng có thể bị tư túi một phần, nhưng theo mình hiểu phần lớn là đưa vào quỹ chung để trang trải thu nhập cho những người khác nữa.

– Mình cũng ngạc nhiên là sau mấy chục năm, thu nhập chính thức của cán bộ ngoại giao (và có lẽ là của công chức Việt Nam nói chung), hầu như không tăng lên là bao. Giờ cán bộ mới vào ngành lương cứng cũng chỉ tầm ba triệu. Như mình, nếu ở lại Bộ, sau gần 20 năm, thì bây giờ lương chắc cũng chỉ tầm 6-7 triệu đồng/tháng. Thu nhập như vậy trong thời buổi bây giờ thì chắc hẳn không đủ sống, càng khiến họ sa vào cám dỗ. Tất nhiên, thu nhập cao cũng không đảm bảo người ta không tham nhũng (các vụ đại án vừa qua đều liên quan những quan chức, tướng lĩnh đã có những khối tài sản khổng lồ), nhưng chắc hẳn nếu thu nhập tăng lên đủ sống, cộng với các biện pháp chế tài khác, thì tình trạng tham nhũng này sẽ được kiềm chế phần nào.

– Bộ Ngoại giao nên nhân cú sốc này để thúc đẩy cải cách và lấy lại hình ảnh cho Bộ. Cải cách đặc biệt nên tập trung vào việc cải thiện sự minh bạch, hiệu quả làm việc và hình ảnh của bộ phận lãnh sự ở trong nước cũng như ở các đại sứ quán ở nước ngoài. Biện pháp quan trọng là cần số hóa các quy trình làm việc để giảm tiếp xúc giữa cán bộ lãnh sự với người dân, việc thu phí phải tiến hành qua các kênh trực tuyến, không thu tiền mặt. Mọi thông tin, quy trình làm việc cần được minh bạch hóa, có cơ chế để người dân có thể phản ánh các sai phạm trực tiếp lên các cơ quan giám sát. Cơ sở vật chất cho các bộ phận lãnh sự nói riêng và các đại sứ quán nói chung cũng cần được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch vụ cần được cải thiện hơn nữa. Về lâu dài, các cải cách nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ, cộng với các chính sách luân chuyển minh bạch, công bằng cũng cần được thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Đã từng làm trong Bộ và giờ vẫn giữ quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũ, mình cũng có chút e ngại khi chia sẻ những nhận xét này, vì có thể làm một số bạn bè, đồng nghiệp cũ không hài lòng. Tuy nhiên, mình tin là nếu có những thảo luận công khai để thúc đẩy cải cách, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, dần dần mọi người có thể sống một cách thoải mái hơn với nghề của mình mà không phải đối diện những cám dỗ, sai trái. Đó sẽ là một điều tốt, cho họ cũng như những cán bộ ngoại giao tương lai, bởi chắc chắn không ai muốn phải đối diện với lựa chọn hoặc bỏ nghề, hoặc phải “bán linh hồn cho quỷ” chỉ để tiếp tục công việc của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.