Bài học từ cái chết của nền dân chủ Hong Kong
M.V.P.
Các nhà đấu tranh dân chủ Hong Kong điều trần trước Quốc Hội Mỹ ngày 17 Tháng Chín, 2019. (Ảnh: Kalynh Ngo)
Kể từ khi Vương quốc Anh trao trả lại Hong Kong cho Bắc Kinh năm 1997, người Hong Kong đã phải đối mặt với rất nhiều trấn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tiêu diệt dân chủ. Vô số các cuộc biểu tình có tổ chức chặt chẽ, với sự tham gia đông đảo của người dân: từ Phong trào Dù vàng gây chấn động thế giới năm 2014, đến các cuộc xuống đường rầm rồ phản đối dự luật An ninh Quốc gia năm 2019. Có thể nói, nhiều đoàn thể đấu tranh dân chủ ở các quốc gia độc tài toàn trị xem phong trào dân chủ Hong Kong là tấm gương tiêu biểu trong văn hoá tổ chức chính trị. Tuy nhiên, những ngày mà Hong Kong được đánh giá là pháo đài Dân Chủ Tự Do đã và đang dần phai mờ trong ký ức.
Trung Quốc đã giết chết dân chủ Hong Kong ra sao?
Kể từ cuối năm 2019 tới giữa năm 2020, thế giới thường xuyên chứng kiến phong trào dân chủ Hong Kong liên tục biểu tình phản đối luật An ninh Quốc gia. Theo bản báo cáo của khoa Luật, Đại học GeorgeTown, đạo luật này tạo ra “những mối nguy nghiêm trọng nhất với nhân quyền và pháp trị của Hong Kong kể từ khi được Anh quốc trao trả lại cho Trung Quốc”. Bất chấp làn sóng phản đối dữ dội của người Hong Kong, đạo luật mơ hồ và rừng rú này vẫn được Quốc hội thông qua vào ngày 30 Tháng Sáu, 2020.
Joshua Wong, Dennis Ho, Sunny Chueng tại buổi điều trần về dân chủ Hong Kong trước Quốc Hội Mỹ ngày 17 Tháng Chín, 2019. Ảnh: Kalynh. Ngo.
Kể từ thời điểm đó, nền dân chủ của Hong Kong cũng bị phá huỷ. Hàng ngàn người biểu tình và hơn một trăm nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ, trong số đó là các nhà báo, giáo sư, luật sư, nhà hoạt động, và sinh viên, đã bị chính quyền Hong Kong bắt giữ và khởi tố tội phản động. Tháng Ba, 2021, chính quyền Hong Kong giới thiệu dự luật yêu cầu bất kỳ ai tranh cử vào các chức vụ địa phương sẽ phải là một “người yêu nước” – nghĩa là họ phải thề trung thành không chỉ với các cử tri, mà còn với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hàng trăm thành viên hội đồng quận của Hong Kong đã từ chức hoặc bị cách chức. Ngay cả những người tuyên thệ sẽ trung thành cũng bị loại bỏ nếu nhà chức trách nghi ngờ những lời cam kết của họ.
Các phương tiện truyền thông độc lập của Hong Kong đóng vai trò thiết yếu đối với quyền tự do và dân chủ của thành phố tự trị này. Tuy nhiên, họ đã bị chính quyền đàn áp dữ dội. Tuần giữa Tháng Sáu, 2021, khoảng 500 cảnh sát đã đột kích các văn phòng của tờ báo ủng hộ dân chủ nổi tiếng, Apple Daily, và ngay sau đó, tờ báo này cũng tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động.
Vào tuần cuối cùng của Tháng Mười Hai, 2021, Stand News, một trang web độc lập ủng hộ dân chủ, đã bị hàng trăm cảnh sát đột kích, bảy biên tập viên, thành viên hội đồng quản trị, và một nhà báo đã bị bắt. Tổ chức này cho biết trang web sẽ bị gỡ xuống. Vài ngày sau đó, ngày 3 Tháng Giêng, 2022, Citizen News, một trang web tin tức trực tuyến nhỏ ở Hong Kong được biết đến với thông tin chuyên sâu về các tòa án và chính trị địa phương, cho biết họ sẽ ngừng xuất bản. Tháng Chín, 2021, Citizen News là tờ báo đầu tiên loan báo rằng, các công tố viên sẽ khởi tố tội lật đổ chính quyền đối với nhóm tổ chức lễ đốt nến tưởng niệm hàng năm cho các nạn nhân của cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Sự đàn áp thô bạo của chính quyền thân Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về cái chết được báo trước của truyền thông độc lập Hong Kong.
Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền Hong Kong còn mạnh tay đàn áp các tổ chức dân sự và chính đảng đối lập, là những tổ chức đóng vai trò tối quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì dân chủ. Các tổ chức ủng hộ dân chủ và công đoàn đã bị giải thể, bao gồm công đoàn giáo viên và công đoàn thương mại lớn nhất Hong Kong. Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front) là nhóm lãnh đạo đã tổ chức một số cuộc biểu tình lớn nhất trong năm 2019 cũng đã bị giải thể.
Khi thế giới chuẩn bị chào đón năm 2022, thì nền dân chủ Hong Kong lại bị Trung Quốc giáng thêm “đòn tử”. Cột Trụ Tủi Nhục (Pillar of Shame), một tác phẩm nghệ thuật tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu, 1989, đã bị dỡ bỏ sau hơn hai thập kỷ. Trụ cột cao tám mét đặt tại trường Đại học Hong Kong, được thực hiện bởi nhà điêu khắc người Đan Mạch Jens Galschioet, thể hiện nỗi đau và sự tuyệt vọng cho những gì đã xảy ra. Mỗi năm vào ngày 4 Tháng Sáu, các sinh viên sẽ lau rửa tượng đài để tưởng nhớ gần chục ngàn nạn nhân của vụ thảm sát do nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc gây ra.
Biểu tượng phong trào Dù Vàng 2014 của người dân Hong Kong. Ảnh: ALEX OGLE/AFP via Getty Images
Trong tác phẩm nổi tiếng, nhà văn người Pháp, gốc Tiệp Khắc (Czech Republic), đã viết về quá trình bôi trắng lịch sử có chủ đích của cộng sản Liên Xô, sau khi Liên Xô xâm chiếm quê hương của ông vào năm 1948: “Bước đầu tiên trong việc tiêu diệt một dân tộc là xóa sạch ký ức. Phá hủy sách, văn hóa, lịch sử của dân tộc đó. Sau đó, nhờ một ai viết sách mới, sản xuất một nền văn hóa mới, phát minh ra một lịch sử mới. Chẳng bao lâu nữa dân tộc đó sẽ quên quá khứ và hiện tại của mình. Thế giới thậm chí sẽ còn quên nhanh hơn nữa.”
Lịch sử đã ghi nhận, Cột Trụ Tủi Nhục là biểu tượng của khát vọng dân chủ, nhưng cũng là vết nhơ tủi nhục của cộng sản Bắc Kinh. Bởi thế, chúng xoá sạch lịch sử để người Hong Kong, Trung Quốc, và thế giới quên đi Thiên An Môn.
Bức tượng “Pillar Of Shame” trước khi bị phá bỏ. (Ảnh: Louise Delmotte/Getty Images)
Sự đàn áp độc ác của chính quyền phò Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hai đầu tàu dân chủ này dường như “lực bất tòng tâm” trong nỗ lực cứu nền dân chủ Hong Kong, ngoài việc tiếp tục liên minh với các nước dân chủ để tạo sức ép ngoại giao và kinh tế. Ngay tại Hoa Kỳ, nền dân chủ cũng đương đầu với vô vàn cam go. Năm 2021, dân chủ Hoa Kỳ đã rớt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay trong bảng xếp hạng dân chủ toàn cầu của Freedom House.
Chứng kiến nền dân chủ bị bóp chết trong sự bất lực, hơn 65 ngàn người Hong Kong đã xin visa định cư tại Anh chỉ trong vòng 5 tháng. Theo ước tính của chính phủ Anh, sẽ có khoảng 475 ngàn người Hong Kong đến định cư tại quốc gia này trong vài năm tới.
Bài học ‘xương máu’
Một bài học “xương máu” từ cái chết của dân chủ Hong Kong đó là sự mong manh, dễ vỡ của thể chế dân chủ, bởi nó bị tấn công liên tục bởi các nhà độc tài, là những kẻ xem trọng quyền lực và tư lợi hơn mọi thứ. Thực vậy, dân chủ khắp nơi đang suy yếu nghiêm trọng, đánh dấu năm thứ 15 liên tiếp về sự suy yếu dân chủ toàn cầu, và khoảng 75% dân số ở khắp nơi trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng kém dân chủ.
Cần phải minh định rằng thể chế dân chủ không thể tự bảo vệ được nó, mà đòi hỏi nỗ lực tham gia chính trị liên tục của những cử tri có hiểu biết, và tinh thần liên đới của các cử tri và đoàn thể.
Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ – Jimmy Carter. Ảnh: Scott Cunningham/Getty Images
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Jimmy Carter, đã viết một bài xã luận nhân ngày tưởng niệm Điện Capitol bị tấn công do cựu Tổng thống Donald Trump kích động, kêu gọi cử tri hãy quan tâm nhiều hơn nữa tới nền dân chủ nước nhà trước khi quá muộn. Ông thiết tha nhắn nhủ cử tri Mỹ rằng: “Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá muộn”.
Một nền dân chủ khỏe mạnh cách mấy cũng có thể bị bóp nghẹt đến chết. Nếu dân chủ của quốc gia bạn còn nhiều khiếm khuyết, thì chắc chắn bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn để trợ giúp các dân tộc bị độc tài áp bức. Nếu bạn may mắn sống trong một quốc gia dân chủ thực sự, hãy nỗ lực hết mình bằng con đường tri thức, để vun đắp và bảo vệ nó. Có dân chủ, thì có tự do, nhân quyền, và hạnh phúc. Như Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có chung niềm tin vào nền dân chủ, thì bất cứ điều gì cũng có thể – bất kỳ điều gì”.
M.V.P.
Nguồn: saigonnnhonews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.