Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Trường Thiếu Sinh Quân FPT (cho trẻ mồ côi) và nguyên tắc quản trị quốc tế

 

Trường Thiếu Sinh Quân FPT (cho trẻ mồ côi) và nguyên tắc quản trị quốc tế

Chắc là tôi sẽ bị nhận gạch đá – khi “ngứa mồm” viết post này. Phải khẳng định trước là tôi hoàn toàn ủng hộ anh Trương Gia Bình ở góc độ đóng góp xã hội. Với tư cách là một doanh nhân, tôi luôn làm các trách nhiệm xã hội mà mỗi doanh nghiệp và doanh nhân cần làm và muốn làm.

Tôi cũng luôn thần tượng anh Bình và các chị, các anh ở FPT vì đã xây được một công ty có uy tín và văn hoá rất tốt. Tôi luôn mong ước và học hỏi để công ty mình sẽ có được văn hoá gần giống như FPT (bình đẳng, dân chủ, cởi mở. Rất nhiều cộng sự của tôi cũng từ FPT ra đều biết rõ điều này).

Hôm vừa rồi, trả lời phỏng vấn báo chí, anh Bình có nói, ý tưởng thành lập ngôi trường thiếu sinh quân dạy trẻ mồ côi của FPT được hình thành chỉ 24 giờ trước đó. Đó là một câu chuyện truyền cảm hứng tuyệt vời, là một nỗ lực tốt đẹp của anh Trương Gia Bình (và FPT). Chỉ cần hình dung 1000 trẻ mồ côi không may mắn mất gia đình trong đại dịch sẽ được nhận một cam kết lâu dài từ một tập đoàn lớn cũng đủ làm lòng người ấm áp.

Nhưng cũng không phải là không có điểm khiến tôi lấn cấn. Cái tôi trăn trở là lại là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Vì ở góc độ chuẩn mực quốc tế, quyết định của anh Trương Gia Bình về mặt quản trị chưa thực sự đã ổn.

Cần phải xác định hai điều:

– Điều thứ nhất, FPT là một doanh nghiệp.

– Điều thứ hai, FPT là một doanh nghiệp đại chúng với nhiều cổ đông, bao gồm cả các tổ chức đầu tư nước ngoài, chứ không phải công ty gia đình hay công ty một thành viên.

Anh Trương Gia Bình là người sáng lập của FPT (founder), nhưng hiện giờ chỉ sở hữu 6,11% cổ phần của FPT (theo CafeF).

Mục tiêu tối thượng của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận chứ không phải làm từ thiện, đặc biệt là đối với công ty niêm yết đại chúng.

Nên khi một doanh nghiệp đại chúng muốn làm từ thiện thì họ phải lập ra một quỹ/ ngân sách từ thiện riêng. Mọi hoạt động và ngân sách của quỹ này cần được sự phê chuẩn của Đại hội Cổ đông và/hoặc HĐQT. Vì mỗi đồng tiền mà doanh nghiệp tiêu vào hoạt động từ thiện đều là lấy từ lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.

Tính một cách rất thô thiển, định giá của FPT thời điểm này được tính bằng lợi nhuận hàng năm nhân với 22,16 lần (theo CafeF). Nếu đúng như anh Bình ước tính, kinh phí mỗi năm để nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi là 80 tỷ đồng, thì nghĩa là mỗi năm, quyết định của anh Bình đã khiến FPT, một công ty đại chúng, mất đi 1772,8 tỷ đồng về mặt giá trị. Hiện giờ giá cổ phiếu chưa thể hiện việc này, nhưng năm sau khi thị trường quên đi câu chuyện từ thiện này, trên bảng báo cáo lãi lỗ sẽ hụt đi 80 tỷ đồng. (Thực ra thì từ lúc tuyên bố đến giờ, cổ phiếu FPT đã giảm, từ ngày 17/9/2021 lên được 1 ngày, còn sau đó là giảm. Tất nhiên có lẽ chưa liên quan nhiều đến quyết định này).

Nếu việc này đã được HĐQT của FPT phê chuẩn thì quá tốt, đó sẽ là một việc vô cùng tốt không chỉ cho 1.000 trẻ mồ côi được họ bảo trợ, mà còn tốt cho xã hội nữa.

Nhưng tôi không dám tin rằng trong 24 giờ từ lúc nảy ra ý tưởng đến lúc tuyên bố với báo chí, anh Trương Gia Bình đã kịp triệu tập một cuộc họp HĐQT và nhận được sự phê chuẩn của HĐQT cho quyết định này, trừ khi HĐQT FPT đã có sẵn một ngân sách cho việc đó gọi là quỹ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nếu đây là một quyết định đường đột, chưa thông qua HĐQT thì sẽ dễ tạo một hình ảnh không tốt về câu chuyện quản trị của FPT.

(Mà thực ra, đây nên là quyết định của Tổng Giám Đốc (CEO), thay vì là quyết định của Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, HĐQT có thể uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết việc này, nếu có. Còn không, nó lại là một chuyện lạm quyền nhân danh người sáng lập. Xin lỗi anh Bình)

Nên dù quyết định này của anh Trương Gia Bình có ý nghĩa với xã hội thế nào đi nữa, dù hình ảnh của FPT có tích cực bao nhiêu đi chăng nữa nhờ quyết định này, thì nó vẫn có một sự bất ổn, khi nguyên tắc quản trị hiện đại quốc tế không được tôn trọng ở đây.

Nghĩ đến việc đó, rồi lại nghĩ thêm ở Việt Nam, có không ít TGĐ và Chủ tịch sáng lập hành động như vậy. Đó quả không phải một tiền lệ tốt cho thị trường tài chính Việt Nam, cũng không phải một thói quen tốt mà một doanh nghiệp lớn nên có, vì về nguyên tắc, các cổ đông có thể yêu cầu Chủ tịch HĐQT giải trình về quyết định này, thậm chí có thể khiếu kiện, trong trường hợp họ cho rằng việc này làm thất thoát tài sản công ty.

Nên ở góc độ quản trị doanh nghiệp, quyết định của anh Trương Gia Bình có lẽ không phải là một quyết định sáng suốt.

Các tỷ phú thế giới làm từ thiện rất nhiều, nhưng họ chủ yếu làm từ thiện với tư cách cá nhân chứ không làm từ thiện dưới danh nghĩa công ty mà họ sáng lập ra, điều đó rất rành mạch. Nếu công ty của họ có các hoạt động từ thiện, thì tôi tin rằng các hoạt động đó đều đã được HĐQT cho phép, còn khi làm từ thiện với tư cách cá nhân, họ có thể dùng cổ phiếu mà họ sở hữu để quyên góp.

Tỷ phú Bill Gates đã dùng tài sản cá nhân để lập quỹ Bill & Melinda. Cụ Warren Buffett đã đóng góp cho các tổ chức từ thiện 2,9 tỷ USD bằng chính cổ phiếu của Berkshire mà cá nhân ông sở hữu trong năm 2020. Tỷ phú Ấn Độ Azim Premji vào năm 2019 đã cam kết chuyển 7,5 tỷ USD cổ phiếu mà ông sở hữu cho quỹ mà ông sáng lập.

Tôi không hề nghi ngờ thiện tâm của anh Trương Gia Bình – người thầy, người anh và là thần tượng của bao lãnh đạo trẻ doanh nghiệp Việt Nam, người sáng lập và lãnh đạo FPT suốt 33 năm qua. Nhưng nếu anh Bình học cách mà các tỷ phú trên thế giới đã và đang làm thì chính là toàn vẹn nhất.

Với 55 triệu cổ phiếu của FPT, anh Bình hiện nắm giữ khối tài sản khoảng hơn 5.100 tỷ. Anh Bình có thể bán đi một phần cổ phiếu mình đang sở hữu, đồng thời kêu gọi các cổ đông khác, hoặc nhân viên của FPT cùng làm việc đó, rồi đưa vào một quỹ tín thác để dành cho việc chăm sóc 1.000 trẻ mồ côi kia. Nếu thực hiện theo cách này, thì chắc chắn không ai bắt bẻ được gì.

Còn nếu đã đại diện cho FPT, thì việc chậm lại một thời gian để được HĐQT phê duyệt là điều cần làm để thể hiện sự tôn trọng với cổ đông và các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp toàn cầu.

Cách làm này không chỉ minh bạch, mà còn tránh việc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dùng tiền công để giải quyết những cam kết từ thiện hoặc những phút “bốc đồng” của mình.

Tôi chia sẻ điều này không phải để chê thần tượng của mình, mà để góp một góc nhìn khác về quản trị và điều hành. Và đặc biệt cảnh tỉnh các lãnh đạo tránh việc làm từ thiện, tuyên bố các hoạt động “phi lợi nhuận” nhân danh công ty, việc đang xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp đại chúng ở Việt Nam.

Đồ thị vẽ và thông tin chỉ số P/E của FPT, tỷ lệ sở hữu của ông Trương Gia Bình. Ảnh: CafeF

PS: Quyết định từ thiện này chưa được Công bố thông tin (CBTT) theo yêu cầu CBTT của công ty đại chúng nên có thể giả định là HĐQT chưa duyệt hoặc không cần duyệt, hoặc không biết duyệt thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.