Trong mơ, tôi đã gặp anh
Nguyễn Đình Cống
19-9-2021
Đó là anh Nguyễn Phú Trọng. Trong những bài viết trước đây tôi gọi GS Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN (TBT) là ông, nhưng hôm nay tôi gọi là anh theo đề nghị của GS khi tiếp chuyện trong mơ.
Chiều ngày 15 tháng 9, tôi ngồi xem VTV1, thấy TBT phát biểu tại Hội nghị Nội chính. Vừa nghe vừa xem, nhưng xem là chính. Xem phong cách và thần sắc của TBT, xem thái độ và sắc mặt của những người trong hội trường, nghe âm sắc giọng nói của TBT. Xem và nghe như vậy để cảm nhận những điều không có trong nội dung bài phát biểu.
Tôi không chú ý nhiều đến nội dung vì đoán là trên 95% những điều TBT nói thì mọi người và tôi đã biết. Đúng là tôi đã biết, vì rằng TBT chủ yếu nhìn vào giấy được ai đó viết sẵn và đọc những câu về nguyên lý chung chung đã trở nên cũ rích, nhàm chán. Xem những người trong hội trường, thấy rằng, chẳng có ai chăm chú nghe TBT, họ ngồi đó, im lặng với bộ mặt vô cảm. Còn nếu muốn quan tâm đến điểm nào đặc biệt của nội dung thì tôi sẽ tìm đọc trên mạng.
Hôm sau tôi nhận được điện thoại của người bạn nói về bài phát biểu và đặt ra vài câu hỏi. Tôi đã tìm đọc bài đó đã được đăng toàn văn. Và rồi gần như cả buổi chiều tôi cứ nghĩ loanh quanh về các câu hỏi của bạn. Buổi tối, chỉ ngồi lướt web một lúc rồi đi ngủ sớm. Và nhanh chóng ngủ say. Bỗng có người đến mời tôi đi tiếp chuyện TBT. Đến nơi thấy TBT đã đợi sẵn ở cửa, chỉ vào tôi mà nói rằng: Xin chào, đây có đúng là giáo sư Nguyễn Đình Cống, người đã vài lần viết bài góp ý cho tôi và gần đây viết bài khá dài, phản biện bài báo của tôi về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội?
Tôi chắp tay trước ngực, nhìn vào mắt TBT và nói: Thưa ông, tôi đúng là người ông đang nói tới. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với ông, không biết ông có sẵn lòng nghe không ạ. Tôi có thể nói chỉ một câu trong vòng nửa phút đến nhiều vấn đề lớn, trong thời gian vài chục giờ. Xin ông nêu vấn đề, đặt câu hỏi và hạn chế thời gian để tôi được trình bày.
Ông Trọng: Hai chúng ta đều là giáo sư, tuy địa vị có khác nhau nhưng học hàm, học vị ngang nhau và tuổi tác chênh nhau chút ít, cũng đều đã quá “thất thập cổ lai hy”. Tôi đề nghị gọi nhau bằng anh và xưng tôi cho thân mật, gọi là ông nghe khách sáo thế nào ấy. Gọi nhau bằng đồng chí e không hợp.
Tôi: Vâng, gọi anh và xưng tôi cũng được. Bài của anh về xây dựng chủ nghĩa xã hội dài trên tám ngàn chữ, còn bài phản biện của tôi trên mười hai ngàn. Người ta đọc bài của anh thì càng đọc càng chán, còn bài của tôi thì càng đọc càng gây kích thích. Với những người xu nịnh anh thì hết sức tức tối, mặc dầu phải ngấm ngầm công nhận tôi viết đúng. Với những người có lương tri, trọng lẽ phải thì càng đọc càng thích thú, vì tôi viết ra đúng những điều họ muốn nghe. Nhưng trước hết xin cho biết, anh cho gọi tôi đến đây là để trao đổi về bài phản biện hay còn có vấn đề gì nữa không?
Anh Trọng: Tôi cho mời anh đến chứ không gọi. Bài phản biện của anh có bảy mục. Sáu mục đầu có gây cho tôi một vài cảm giác khó chịu, nhưng để bàn sau. Mục bảy anh viết riêng về cá nhân tôi. Viết khá hay, tạo cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi nhớ có ai đó nói câu của Quản Trọng, rằng sinh ra ta là cha mẹ ta, nhưng hiểu ta có lẽ chỉ Bão Thúc Nha. Tôi cứ băn khoăn, phải chăng hiểu tôi chỉ có giáo sư Nguyễn Đình Cống. Nhưng tạm gác lại bài phản biện, có dịp sẽ trở lại sau. Tôi muốn hỏi xem, anh có theo dõi bài tôi vừa phát biểu ở hội nghị về nội chính hôm 15 tháng 9 không, nếu anh có nghe thì xin cho vài nhận xét.
Tôi: Viết về anh là dựa vào một vài biểu hiện của anh, kết hợp sự cảm nhận của tôi. Tôi không dám nhận là đã hiểu anh, một con người tuy kiến thức không cao nhưng thâm thúy, có nhiều mưu lược. Về bài phát biểu của anh tại hội nghị nội chính vừa qua, tôi có nghe trên VTV1, hôm sau được người bạn hỏi về Bao Công nên tôi đã tìm bài đăng trên mạng và xem kỹ.
Chắc rằng đã có một số người ca ngợi bài phát biểu của anh và còn nhiều người tiếp tục ca ngợi, như thế đã đủ lắm rồi, có lẽ anh không cần thêm lời tâng bốc nào nữa. Riêng tôi không thể nào khen ngợi bài phát biểu đó. Nếu anh muốn nghe những lời góp ý chân thành, có tính phản biện thì để tôi trình bày, còn không thì tôi xin từ chối trả lời.
Anh Trọng: Tôi biết giáo sư Cống từng viết sách “Học làm phản biện”. Vậy xin anh cứ nói đúng những nhận xét, những phản biện của anh. Kể từ khi tôi làm bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và Tổng bí thư đảng cho đến bây giờ, trên hai chục năm, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi mới được nghe lời phản biện trực tiếp. Trong các cuộc họp, cũng như trong đời sống hàng ngày, tôi chưa được nghe một lời phản biện nào cả.
Tôi: Thế thì trước hết tôi đề nghị anh có hình phạt thích đáng đối với cô/cậu thư ký nào đã soạn cho anh bài phát biểu gồm 8932 chữ đó.
Anh Trọng: Sao thế? Bài quá dài à?
Tôi: Đúng là quá dài nhưng không phải nó có gần chín ngàn chữ mà ở chỗ nó rỗng tuếch, không có thông tin gì mới, đáng quan tâm. Với bài trên mười vạn chữ mà đầy ắp thông tin mới lạ, người ta rất thích nghe thì vẫn là ngắn, còn một bài chỉ vài trăm chữ mà không có thông tin mới thì vẫn quá dài. Rất nhiều điều trong bài phát biểu của anh được ghép vào loại kiến thức phổ thông mà những người ngồi trong hội trường để nghe anh đều đã nắm vững từ trước. Viết cho anh một bài như thế, thư ký đã làm cho anh bị mất uy tín rất lớn trước con mắt của những người có hiểu biết và trung thực.
Anh tưởng những lời rao giảng “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ, còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”…; không có cái kiểu “nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” v.v… là lời dạy bảo chí tình à. Nếu chúng ta ai cũng biết thì cần nói ra làm gì.
Xin hỏi, câu sau nhằm mục đích gì: “Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính”. Phải chăng định giảng dạy cho nhiều người điều mà người ta đã thừa biết?
Rồi năm việc mà cơ quan nội chính đã làm được, những hạn chế và khuyết điểm mắc phải, năm bài học kinh nghiệm, bảy vấn đề cần lưu ý, đều là những việc mà nhiều người gần như không lạ lùng gì. Rồi rất nhiều khẩu hiệu nghe rất kêu, đặc biệt có những lúc anh ngừng nhìn vào giấy để đọc và ngẩng mặt lên, nhấn mạnh vào một vài từ đặc biệt. Thực ra năm việc, bảy vấn đề cũng cần nói, nếu không, biết nói về chuyện gì. Nhưng phải chọn lựa rất kỹ để nói thật súc tích. Với nội dung bài mà anh đã phát biểu, nếu là tôi, tôi sẽ vứt đi khoảng ba phần tư những thứ rơm rác trong đó.
Tôi nhận xét, bài phát biểu của anh, khi tách riêng từng câu ngắn thì câu nào cũng đúng, cũng hay, nhưng không mới. Khi ghép các câu thành đoạn thì thấy rõ sự chắp vá và toàn bài là một đống ngôn từ sáo rỗng.
Nhưng nếu tôi ở cương vị anh, tôi sẽ không phát biểu những nội dung như thế mà sẽ trình bày một vài vấn đề thực tế gay cấn, gây nên bất đồng trong dư luận xã hội, ví dụ vụ án xã Đồng Tâm, vụ oan sai của Hồ Duy Hải, các vụ của bí thư và chủ tịch Hà Nội v.v… Hãy lựa chọn những thông tin mà người ta cần nghe chứ không phải nhắc lại những thông tin người ta đã biết. Anh hãy giao cho thư ký chuẩn bị một bài phát biểu theo phong cách “Lã Thị Xuân Thu”, nghĩa là rất súc tích, không thể thêm hoặc bớt chữ nào. Giao nhiệm vụ như thế xem họ có làm được không.
Xin hỏi, anh có hiểu điều sau đây không, rằng cậy vào quyền thế của mình để buộc người khác nghe những lời mà họ đã biết rõ là phạm vào một trong hai tội. Một là quá kém trí tuệ để không nhận ra rằng người ta đã biết, bắt người ta nghe làm cho họ vừa mất thời gian vừa phải chấp nhận một trạng thái tâm lý khó chịu. Hai là coi thường người nghe khi cho rằng họ không biết những điều tầm thường anh định giảng cho họ như thầy giáo dạy học trò, như cha mẹ dạy con trẻ.
Tôi theo dõi người trong hội trường và thấy toàn bộ ngồi im, ra dáng chăm chú nhưng không phải để lắng nghe mà đang lơ đãng hoặc đăm chiêu nghĩ chuyện riêng. Chắc có một số người rủa thầm “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Bạn tôi hỏi, liệu tôi có đoán ra tại sao trong bài phát biểu lại nhắc đến Bao Công, một nhân vật của Tàu mà phần lớn được hư cấu, tại sao không nêu ra được nhân vật có thực của Viêt Nam?
Tôi đọc kỹ bài phát biểu và tìm ra câu đó: “Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo… thực sự công tâm, khách quan phụng công thủ pháp, chí công vô tư; phải là những ‘bao công’ trong thời đại mới”.
Tôi trả lời anh bạn là “Tử phi ngư”, có ý là chúng ta không phải TBT nên không thể biết được tại sao như thế, chúng ta chỉ có thể đoán… mò. Phải chăng suốt ngày nghĩ đến “Bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” mà bị ám ảnh?
Anh Trọng ạ! Anh đã vui lòng nghe tôi phản biện thì nên bố trí vài buổi, tôi sẽ nói đến những bất đồng giữa anh và một số trí thức như tôi mà bị anh cho là “tự chuyển hóa”, là thuộc “thế lực thù địch”. Hơn hai chục năm anh đã tự lập ra những bức tường vô hình ngăn cản với xã hội sống động. Những người thân cận đã tìm cách để anh chỉ nghe được những điều muốn nghe, thấy được những điều muốn thấy. Những thứ đó có trong thực tế, nhưng chỉ mới là một phần của sự thật, phần làm cho anh cảm thấy tự hào.
Chắc anh chưa biết chuyện ông Trường Chinh đã ngộ ra chân lý như thế nào sau khi nghe một thư ký đã liều mình nói cho biết phần tiếp theo của sự thật, phần thực chất đã bị các cấp dưới và tuyên huấn ra sức che giấu. Đó mới là khởi đầu của đổi mới ở Đại hội VI.
Anh tự hào về các đức tính tốt như tự tin, kiên trì. Nhưng khi quá tự tin vào ảo tưởng, quá kiên trì đường lối sai (mà tự mình không biết) thì vô cùng tai hại. Sống làm người vô minh, chết làm ma u tối. Mà sự vô minh, u tối ấy không chỉ làm hại riêng anh, nó làm hại cả dân tộc.
Anh Trọng ạ! Anh có hay xem lại hình ảnh anh trên diễn đàn hay không? Anh rất bằng lòng hay thấy ngượng khi phần lớn thời gian nhìn vào giấy và đọc với một giọng thiếu sức sống, tuy rằng thỉnh thoảng anh có ngước mặt lên nhấn nhá vào vài chữ mà anh tâm đắc. Liệu anh có biết mức độ lối cuốn, hấp dẫn của một bài diễn thuyết thì gần 70% thuộc về phong cách trình bày, chỉ khoảng 30% thuộc nội dung. Mà cả nội dung và cách trình bày của anh đều quá kém.
Hay anh nghĩ rằng anh không cần diễn thuyết, anh huấn thị, mà sức nặng của huấn thị không nằm ở nội dung và cách diễn đạt, nó nằm ở chức vụ, vị trí người ra huấn thị. Nếu nghĩ thế thì cũng bị nhầm vì với người huấn thị thì uy tín có giá trị hơn chức vụ.
Anh Trọng ạ! Nếu anh tự tin rằng Trời phú cho anh tài năng nghĩ gì cũng hay, nói gì cũng đúng, thì công khai điều đó cho toàn dân biết để khỏi phải có những lời phản biện. Còn nếu anh cho rằng mình cũng là người, tuy có giỏi giang phần nào nhưng còn biết bao người tài giỏi hơn, thì tại sao anh không chịu nghe lời phản biện của những người bất đồng quan điểm mà chỉ chăm chăm nghe những lời khen ngợi, tâng bốc.
***
Tôi đang hăng hái, tưởng đã gặp dịp thổ lộ tâm can, nhưng nhìn lại không thấy TBT đâu cả. Một phút im lặng đến rợn người. Rồi một tiếng sét nổ vang kèm tia chớp ngoằn ngoèo đưa tôi về thực tại. Tự dưng tôi nhớ lại bài “Mơ ngủ” (hoặc Ngủ trưa) trong tập thơ Nhật ký trong tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.