Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

“Thiên tài” mùa dịch: Khó như làm sân bay mà anh bán sim cũng làm được!

 

“Thiên tài” mùa dịch: Khó như làm sân bay mà anh bán sim cũng làm được!

Mạnh Quân

6-9-2021

Cách đây chừng hơn 10 năm, mình có đọc một cái kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư, xây dựng mấy cái đường băng ở sân bay Nội Bài. Trong kết luận đó, nhớ rằng nó cũng nêu rõ có những chuyện thay đổi, làm không đúng thiết kế, thay đổi nguyên vật liệu… ảnh hưởng đến chất lượng đường băng.

Sai phạm đâu cũng hàng chục tỷ đồng, cũng không nhớ đơn vị nào thi công nhưng thời đó, mức độ sai phạm đó là cũng kinh khủng lắm. Đường băng, bình thường là nơi hàng trăm máy bay trọng tải rất lớn cất, hạ cánh hàng ngày. Nếu kết cấu, chất lượng của nó không đảm bảo sẽ là mối nguy rất lớn, đe dọa an toàn của nhiều chuyến bay với tính mạng của hàng trăm hành khách. Thế nhưng từ thời đó mà “chúng” đã dám “ăn” cả xi măng, vật liệu cho đường băng sân bay đã là chuyện động trời. Thế mà cuối cùng cũng chẳng có đại án quái nào ở đây cả.

Nhưng đến hôm vừa rồi, lại đọc cái văn bản của Bộ GTVT cảnh cáo một nhà thầu thi công dự án đường băng và đường lăn sân bay Nội Bài do thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm tiến độ là Công ty TNHH TM Khánh Thiện; một nhà thầu khác có liên quan là Công ty ADCC- là đơn vị tư vấn cũng bị cảnh cáo. Công ty Khánh Thiện thì được chỉ định thầu là đơn vị cung cấp hệ thống đèn tín hiệu cất hạ cánh sân bay còn ADCC là đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế tại dự án này.

Hai ông mãnh này, vốn liếng thì nhỏ thôi. Khánh Thiện có vốn chủ sở hữu chỉ 19 tỉ đồng, trong khi đang gánh khoản nợ phải trả là 170 tỉ. Còn ADCC có vốn chủ sở hữu 39,8 tỉ đồng, với khoản nợ phải trả là 146,7 tỉ đồng. Nhưng đáng chú ý đó lại là 2 cái tên thường xuyên trúng các gói thầu của Tổng công ty ACV – đang quản lý 22 sân bay trên cả nước.

Bộ GTVT hẳn có lý do nào đó rất đúng để cảnh cáo Khánh Thiện dù họ có kêu ca là do dịch giã nên việc sản xuất, vận chuyển thiết bị khó khăn của nhà cung ứng gây chậm trễ trong thi công, nghe có vẻ khánh quan. Nhưng thực tế, không phải thế. Với năng lực tài chính thế kia mà ôm dự án lớn thì làm chậm cũng dễ hiểu.

Nhưng cái bất ngờ nhất là Công ty Khánh Thiện có ngành nghề hoạt động chính là bán buôn sim thẻ điện thoại, nhưng đã trúng tới 13/14 gói thầu của ACV (1 gói chưa có kết quả). ADCC trúng 54/58 gói thầu của ACV (4 gói chưa có kết quả), trong khi tất cả các dự án của ACV đều là trọng yếu, không chỉ liên quan tới kinh tế mà còn cả an ninh quốc gia.

Dịch giã, mình cũng rất hạn chế viết chuyện xấu về doanh nghiệp. Nhưng quả thực, chuyện này cần phải nói. Bởi sân bay, là nơi cần đảm bảo nghiêm ngặt nhất về chất lượng, tiến độ mà để cho những ông kém cỏi như này làm thì quá tệ, khó thể chấp nhận. Có thể tạo điều kiện, gỡ khó cho các doanh nghiệp nhưng là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chứ mấy ông làm bậy thì cũng chẳng nên dung thứ làm gì. Có vẻ như câu chuyện “ăn” vào sân bay mà hơn 10 năm trước tôi biết, nó đã chẳng chấm dứt mà có thể còn tệ hơn. Chọn một ông nhà thầu vốn là “thằng bán sim” đi làm công trình sân bay thì hết chỗ nói rồi.

Hơn nữa, không chỉ một mà một loạt công trình ở các sân bay lại giao cho “cậu bán sim” như thế làm gì chẳng khiến các dự án cảng hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tiến độ, trong khi đáng lẽ ra, giai đoạn giãn cách, phong toả chính là thời điểm cần phải tranh thủ đẩy mạnh cường độ thi công các dự án hạ tầng, để tránh xáo trộn nhất có thể tới đời sống nhân dân khi cuộc sống trở lại bình thường.

Bao nhiêu ông làm bậy thời gian vừa rồi đã phải “nhập kho”, “vào lò”. Đây có vẻ là một thanh củi cũng đã no mỡ rồi đó, cho vào lò hẳn là đượm lửa lắm đấy nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.