Sài Gòn năm 1975 khác với Kabul năm 2021 như thế nào?
Nayan Chanda
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn: Nayan Chanda, “Saigon forged a new future; Kabul revives a dark past”, Asia Times, 31/08/2021.
Việt Nam vừa đón phó tổng thống Hoa Kỳ. Còn Taliban liệu có bao giờ đón nhận một nhà máy của Mỹ ở Afghanistan?
Khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, các bình luận trên truyền hình liên tục đưa ra những so sánh với sự thất thủ của Sài Gòn. Những bức ảnh về những đoàn người tuyệt vọng chờ lên trực thăng Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, và trực thăng Chinook bay lượn trên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul vào tháng 8 năm 2021, thực sự tạo ra ấn tượng về một sự giống nhau rất đáng chú ý. Nhưng sự tương đồng chỉ gói gọn trong những hình ảnh đó, và nỗi đau khổ của con người mà họ đại diện.
So sánh nông cạn này là một tiền đề sai lầm nếu muốn từ đó rút ra các kết luận chính trị. Những người tìm cách chạy trốn khỏi Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi một tương lai chính trị chuyên chế, trong khi người Afghanistan lo sợ phải quay trở lại một quá khứ đen tối. Kế hoạch hiện đại hóa của chính phủ cộng sản Việt Nam cuối cùng bao gồm một vai trò lớn của Hoa Kỳ; nhưng đối với ý định của các nhà thần học trung cổ của Taliban, thì không phải vậy.
Chắc chắn, người Sài Gòn ban đầu lo sợ rằng các nhà cầm quyền cộng sản bảo thủ sẽ áp đặt một nền văn hóa khắc nghiệt. Quần bà ba đen sẽ thay thế quần bò được yêu thích; sơn móng tay và son môi, cùng những thứ tương tự, sẽ biến mất. Nhưng ngay sau đó, người Sài Gòn đã chế nhạo những người lính mà họ coi là “nhà quê”. Họ nhận ra rằng những người cộng sản Bắc Việt ghen tị với lối sống của miền Nam, và cũng muốn có một cuộc sống như vậy.
Sau chiến tranh, kế hoạch hiện đại hóa của Việt Nam mong chờ vào số lượng lớn viện trợ của Mỹ, và một nền kinh tế dựa trên công nghệ hiện đại. Thật vậy, trong ba năm đầu tiên sau chiến thắng, Hà Nội đã ráo riết tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Dù các chiến lược gia Việt Nam vui mừng về chiến thắng lịch sử trước Mỹ, họ hiểu rằng mối đe dọa thực sự lâu dài đối với an ninh của họ lại đến từ Trung Quốc, phía bên kia biên giới.
Họ nắm rõ lịch sử của mình. Trung Quốc đã cai trị Việt Nam trong gần suốt thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Một nghìn năm tiếp theo được đánh dấu bởi những nỗ lực lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm thiết lập lại quyền kiểm soát đối với đất nước này. Các nhà lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng Washington sẽ vượt qua nỗi nhục của sự thất bại, và đánh giá đúng vai trò truyền thống của Việt Nam, nước mà Richard Nixon từng gọi là “nút chai trong cái lọ của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc”.
Nhưng bị quyến rũ bởi ý tưởng về một Trung Quốc hiện đại hóa, Jimmy Carter và cố vấn an ninh quốc gia của ông, Zbigniew Brzezinski, đã coi Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình như một đối trọng với Liên Xô. Không có gì ngạc nhiên khi Hà Nội sau đó quay sang Moskva do phải đối mặt với mối đe dọa nhãn tiền, gây ra bởi một Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia, dẫn đến một thập niên xung đột kéo dài giữa hai quốc gia Đông Dương này.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm thay đổi các tính toán lợi ích của Mỹ. Bây giờ, Mỹ cần một đối tác chiến lược để ứng phó với Trung Quốc, và giá trị của Việt Nam đã trở nên rõ ràng.
Không thể có hình ảnh nào minh họa cho điều đó tốt hơn chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam ngay sau khi sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Afghanistan sụp đổ. Khi có mặt ở Hà Nội, bà kêu gọi Việt Nam, đất nước đã đánh bật Mỹ 46 năm trước, hãy thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Trong khi Taliban đưa ra hạn chót cho sự ra đi của người Mỹ, người Việt Nam lúc đầu cảm thấy vui mừng khi người Mỹ rời đi, nhưng sau đó lại mong muốn chào đón người Mỹ trở lại với tư cách là các đối tác kinh tế và đối tác liên chính phủ.
Trong năm nay, Intel đã tăng mức vốn đầu tư vào Việt Nam thêm nửa tỷ đô la, bổ sung cho số vốn đầu tư ban đầu là 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2006. Coca-Cola bắt đầu đầu tư vào Việt Nam vào năm 1994, và ngày nay các sản phẩm của họ đã có mặt ở khắp mọi nơi trên cả nước. Và vào ngày 25 tháng 8, Harris đã khai trương tại Hà Nội văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Trong khi Taliban tiếp tục chính sách tàn bạo của họ – và sẽ là viễn vông nếu hình dung một thực tế khác – tôi chợt nhớ về một trải nghiệm rất khác ở Sài Gòn vào năm 1975, nơi tôi từng là phóng viên của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông.
Vào ngày 1 tháng 5 năm đó, tôi đang chuẩn bị ăn sáng sau chuỗi những đêm mất ngủ và những ngày đưa tin căng thẳng. Bản tin của tôi ngày hôm trước là bản tin cuối cùng của một phóng viên nước ngoài phát đi từ Sài Gòn, trước khi Bắc Việt cắt đứt đường dây điện tín nối với thế giới bên ngoài. Có tiếng gõ cửa. Bên ngoài căn hộ của tôi là một người lính Việt Nam mặc quân phục xanh, thường được gọi là bộ đội, mang theo một khẩu súng lục lớn.
Giật mình, tôi mời anh ta vào nhà để anh ta kiểm tra xem tôi có chứa chấp người lính chế độ cũ nào không. Anh ta rõ ràng là thất vọng và xấu hổ vì không tìm thấy ai. Nhưng tôi không thể không chú ý đến ánh mắt thèm thuồng của anh ta khi trông thấy những quả trứng và bánh mì trên quầy bếp của tôi.
Anh ta đồng ý nhận lời mời ở lại ăn sáng với tôi. Trong khi vị khách bất ngờ của tôi, một người lính Việt Cộng thường khiến người ta sợ hãi, bỏ súng xuống và ăn ngấu nghiến đĩa trứng tráng ngon lành, tôi đưa cho anh ta xem số tạp chí mới nhất của tôi mà tôi mới nhận được từ Hồng Kông.
May thay, ảnh bìa tạp chí có hình các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc trên nền một bức tranh lớn của Vladimir Lenin. Chàng thanh niên Việt Cộng không nhận ra Mao Trạch Đông hay Chu Ân Lai, nhưng đột nhiên phát hiện ra Lenin và hào hứng kêu lên: “Lenin, Lenin!”. Anh ta siết chặt hai tay tôi cảm ơn trước khi rời đi. Ngay trong sào huyệt của kẻ thù là Sài Gòn, anh ta nghĩ rằng mình đã tìm được một đồng chí.
Tôi nhớ lại câu chuyện này khi đọc tin về việc Taliban khám xét từng nhà để lùng sục những kẻ ngoại đạo. Không gì có thể cho thấy sự khác biệt giữa những kẻ thù mà Hoa Kỳ phải đối mặt ở Afghanistan và Việt Nam rõ ràng hơn thái độ của cả ba đối với lịch sử tri thức.
Nước Mỹ đi theo ánh sáng của John Locke; Việt Nam, ít nhất là về mặt hình thức, đi theo tư tưởng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel thông qua Karl Marx; hai quốc gia có thể tranh cãi nhau về các đường hướng của tự do, nhưng cả hai đều muốn tận tâm mang đến cho người dân của mình một cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, Taliban muốn trở lại quá khứ Ả Rập từ 1.400 năm trước.
Những gì diễn ra sau chiến thắng của những người cộng sản ở Việt Nam, và những điều có thể xảy ra sau khi Taliban giành chiến thắng, đều bắt nguồn từ sự khác biệt cơ bản này.
N.C.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/09/01/sai-gon-nam-1975-khac-voi-kabul-nam-2021-nhu-the-nao/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.