Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Sài Gòn mưa đá, cầu vồng và một tháng “giãn cách nghiêm” (23/9/2021 — 23/9/2021)

 

Sài Gòn mưa đá, cầu vồng và một tháng “giãn cách nghiêm” (23/9/2021 — 23/9/2021)

Ảnh: Trần Việt Đức

Gần hết một tháng “giãn cách nghiêm” (chính quyền không dùng “thiết quân luật” vì thực tế chính quyền dân sự vẫn nắm quyền, dù có curfew – giới nghiêm, một biện pháp thường kèm theo thiết quân luật), bầu trời Sài Gòn chiều 21-9 xuất hiện cầu vồng đôi. Dân mạng lại một lần bàn tán, hy vọng vì cầu vồng đôi thường mang lại “điềm lành”.

Sau một tháng “giãn cách nghiêm”, thực tế số ca nhiễm mỗi ngày ở TP.HCM vẫn cao. Ngày 22-8, số ca nhiễm trên dưới 200.000 ca thì đến tối 22-9, số ca nhiễm ở TP.HCM là 353.655 ca, tăng hơn 150.000 ca. Tuy nhiên, ngay từ đầu trên trang nhà của mình, tôi đã mạn phép nhấn mạnh về y tế điều trị, về số ca tử vong hơn là số ca nhiễm. Bịnh gì thì bịnh, lây hay không lây, sống chết mới là quan trọng. Thì tuần cuối của một tháng qua, số tử vong vì Covid liên tục dưới 200 ca/ngày. Ít nhất, một hình ảnh ám ảnh, run sợ mọi người về dãy dài xe chở thi thể nạn nhân Covid chờ trước nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa sẽ bớt dần.

Sáng qua 22-9, ở Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TPHCM sáng 22-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Tới thời điểm này chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống!”.

Tôi cũng như nhiều anh em, bạn bè khác cũng hy vọng vậy. Về chủ quan cá nhân, tôi không lạ lắm chuyện này vì trên trang này đã mạo muội dự toán chính xác về hệ số x2 sau 1 tuần, sang 2 tuần, sang 4 tuần, 5 tuần…

Dự báo của tôi thật ra cũng không mới, nó nằm trong các biện pháp chống dịch có hợp lý, hiệu quả hay không và quy luật hình sin của mọi dịch. Vấn đề là cố tìm ra nhịp hệ số.

Trong cao trào, người ta dễ có tâm lý hoảng sợ, ngỡ nó lên mãi và quan trọng hơn, hiện vẫn áp dụng “giãn cách” diện rộng, tổn hại nặng nề nền kinh tế và an sinh người dân mà hình ảnh sờ sờ ai cũng thấy là mấy chục ngàn rào chắn, chốt chặn vẫn giăng đầy đường đi, ngõ hẻm. Trong nắng, trong mưa Sài Gòn – suốt từ 22-8 tới nay, hầu như ngày nào Sài Gòn cũng mưa. Kể cũng ngạc nhiên.

Tôi xin nhắc lại một dòng ở stt trước: Chuyện mở cửa kinh tế, tháo dỡ rào chắn đang là thúc bách từng ngày. Tôi nghĩ sẽ là trách nhiệm với dân, với nước, với nền kinh tế, với lịch sử nếu điều đó nhân danh an toàn người dân là trên hết.

Quận 7 “vùng xanh” TP.HCM ngỡ dân trong quận dễ thở hơn, ai dè còn nghiệt hơn các quận khác với đủ mọi cách làm hành chính, từ bảng hiệu “cửa hàng xanh” cho đến phiếu đi chợ, phiếu công viên…

Thông tin Covid vẫn lòng vòng, tôi xin mạn phép nói thẳng: Chỉ mất thì giờ chuyện xanh đỏ vàng cam vì màu gì thì cũng “ai ở nhà nấy”, cũng rào chắn, thiếu thốn hàng hóa… như nhau. Có lẽ vì vậy Hà Nội đã bỏ phân vùng rồi. Còn cái chuyện Shipper… mới đủ chuyện, lúc này lúc khác, tới giờ vẫn “loạn cào cào”.

Mô hình “đi chợ hộ” duy ý chí rõ ràng đang “chết lâm sàng”, giờ hiếm ai nhờ. Tổ trưởng giờ cũng phải lo miếng ăn của họ, gia đình họ thời khó khăn; “vác tù và hàng tổng” vài ngày thôi, cả tháng ai chịu nổi.

Rồi xe lưu động bán hàng, rồi chợ lưu động tại vùng xanh trên đường Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5… Với tôi, đó là “giật gấu vá vai”, sáng kiến gì cái này vì có khác gì chợ bình thường đâu, vậy thì mở luôn chợ bình thường cho rồi – tất nhiên trong yêu cầu kiểm soát độ giãn cách và phòng chống. Như cách làm của chợ bên Myanmar mà nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi đương chức chủ tịch đã có lần gợi ý. Nói chi xa, mấy tỉnh bạn cũng đã làm rồi, còn kỹ hơn Myanmar…

Nhiều cách làm hiện nay, theo tôi, không mang nhiều hiệu quả thực chất trong phòng chống Covid. Nhân danh an toàn nhưng mang tính hình thức, hành chính hơn; ngược với chủ trương sống chung của Chính phủ. Hàng hóa cơ bản vẫn kẹt. Giá vẫn cao từ trên dưới 30-50% trở lên, trong khi thu nhập hầu hết giảm nặng nề, mấy triệu người thu nhập là zero (0).

Thực tế trong dân đã vận hành cách của mình. Không phải hàng ngàn mà hàng vạn cửa hàng, cửa tiệm, sạp vỉa hè… đã tự mở khắp nơi, gì cũng có, từ bún riêu, canh bún, thịt cá… đến sửa xe, tiệm bán đồ điện. Tôi mới mua một cánh quạt điện và hai bóng đèn hôm qua. Danh nghĩa là lén lút, nhưng thực tế là công khai. Địa phương nơi gắt thì bắt, nhưng đa số là lờ, hoặc đuổi cho có.

Xu thế sống chung với Covid ngày càng rõ trong thực tế lẫn chính sách. Dù rằng vẫn còn một số lo ngại, “dọa dẫm” này nọ của ai đó rằng chích ngừa chưa đủ có thể gây bùng phát dịch trở lại. Họ đòi chích cho đủ, truy cho cùng, bóc tách đến con virus cuối cùng… Họ không sai, nhưng nếu sự lây nhiễm trong hoàn cảnh mới mà không gây hại nhiều thì tập trung điều trị và xin mạnh dạn mở cửa.

Không nên lấy cái sợ hãi của mình để ép buộc, ngăn cấm người khác. Không chịu sống chung mà còn tiền thì cứ ở nhà, đóng cửa ngăn Covid, ship hàng, xin nghỉ việc, không ai cấm. Nói thêm nha: shipper cũng không phải không có F0 đâu.

Xin nói thêm: TP.HCM đang tính mua 10 triệu liều xét nghiệm nhanh; khoảng 250.000đ/liều = 2.500 tỉ (PCR thì 700.000đ/liều). Tìm ra bao nhiêu F0? Giá phải trả cho mỗi F0? Để tiền đó cho điều trị 5.000 – 6.000 ca nặng? Mới rồi, Hà Nội xét nghiệm hơn 4 triệu dân, tìm ra 18 F0. Giàu cỡ Mỹ cũng không dám “đốt tiền” như vậy.

99% các nước hiện nay tập trung vào y tế điều trị để giảm tử vong. Nên Thái Lan ca nhiễm gấp rưỡi Việt Nam mà tử vong bằng một nửa. TP.HCM tỉ lệ chết/ca nhiễm thuộc hàng cao nhất thế giới, 4%. Do rải quân, cứ phong tỏa, cách ly, truy vết, rào chắn, xét nghiệm tràn lan… ? Cực kỳ hao tổn nhân lực, tốn kém bạc tiền. Nếu thay đổi chiến lược sớm, tỉ lệ chết = thế giới 2,1% thì bớt năm bảy ngàn người chết rồi.

Chính sách đã, đang và sẽ thay đổi. Việc đổ lỗi cơ sở sẽ xuất hiện nhiều hơn? Phải thấy rằng cấp trên nói không rõ ràng, thậm chí hiểu sao cũng được thế nào để cấp dưới hiểu nhầm là lỗi của cấp trên.

TP.HCM vẫn còn rào chốt khắp nơi. Như hồi bao cấp, ai nói khác, “chống phá” cách làm “ngăn sông cấm chợ”, phản đối mô hình hợp tác xã… là mệt. Dân đã tự xé rào. Hàng quán mở khắp nơi, nhiều gấp mấy “vùng xanh” quận 7. Một vựa cá miền Tây mở ngờ ngờ trên đường Trần Não (quận 2 cũ), bảng giá chành bành: một kg tôm thẻ nhảy xoi xói 230K, 1 kg cá lóc gãy đành đạch 100K… Gần đó là cửa tiệm thịt quay 350K/kg… Giá cao 30-40% so với trước dịch, nhưng nó nhanh hơn, tiện hơn, rẻ hơn… siêu thị, ship hàng – trong khi vẫn đảm bảo độ giãn cách: khách và chủ đứng xa vài mét. 5K ngon lành. NÊN TIN DÂN.

Mai kia vựa cá này, tiệm thịt quay kia như hàng vạn cửa tiệm mở he hé, sạp hàng vỉa hè ở quận 6, Bình Tân, Hóc Môn… sẽ được ca ngợi là mạnh dạn đổi mới, xé rào…?

Trở lại chuyện mưa đá, cầu vồng đầu bài, nói gì thì nói, nó ít nhiều nói lên sự hoang mang, lung lay niềm tin vào thực tại nên có người đã bắt đầu nghĩ quẩn quanh về các hiện tượng tự nhiên, vận vào thực tại. Chính các nhà lý luận Marxist cho đó là “sự bất lực của trí óc con người trong việc xử lý những sự kiện nó không hiểu được”.

Thực tế dịch Covid–19 ở ta, ở TP.HCM quả là ít nhiều có “sự bất lực của trí óc con người” đó. Cụ thể còn một tuần nữa hết tháng 9, đố ai biết sau đó, từ 1-10, chính sách mới thế nào, dân Sài Gòn đi lại, sinh sống ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.