Sài Gòn, Hà Nội: Cái gì nắm, cái gì buông
22-9-2021
Hình ảnh “đêm Trung Thu” ở Hà Nội cho thấy ý thức của dân chúng cũng rất là vấn đề. Tuy nhiên, điều này không chỉ lỗi ở dân chúng mà còn vì thông điệp mà Chính quyền cả Hà Nội và Sài Gòn gửi đi mấy tháng qua đã làm cho cách hiểu của người dân trở nên méo mó.
Nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vì với họ, ngồi nhà mấy tuần qua, chủ yếu vì bị cấm, vì phố phường bị rào chắn chứ không phải vì ý thức phòng chống dịch.
Thay vì lô cốt hóa phố phường, rào đường, lập chốt, khóa cổng… Chính quyền đưa ra các khuyến vào và biển báo để người dân biết: Bạn sắp đi tới vùng dịch: Rẽ phải (trái) là vùng dịch… Thì, rất ít ai liều lĩnh.
Nhiều người dân Hà Nội “đọc” hành động bỏ chốt, gỡ rào… mấy hôm vừa qua là “hết dịch” thay vì hiểu chính quyền đã rút lại những biện pháp không cần thiết.
Sài Gòn có khác hơn, phần lớn những người dân ngồi nhà từ tháng 5 là vì họ ý thức được mối đe dọa của Covid chứ không phải hoàn toàn vì Chính quyền rào đường lập chốt. Trong khi, việc rào đường lập chốt, lại chỉ ngăn chặn những người cần phải ra đường. Thậm chí, ra đường để đi viện, mua thuốc chữa bệnh cũng không được vì thiếu giấy tờ và chốt chặn.
Quận 7 được nói là chống dịch khá thành công. Việc mở cho dân ra khỏi nhà là đúng. Tuy nhiên, “mở” bằng cách cấp phiếu tập thể dục thì thật là máy móc. Điều Chính quyền cần đảm bảo là ra đường cũng phải “giãn cách” chứ không phải là phân phối tiêu chuẩn ra đường. Vì thế, trên các vỉa hè, hành lang, lối đi trong công viên… chỉ cần cho giăng dây để đảm bảo người đi bộ phải đi một chiều. Thỉnh thoảng tung ra một vài cảnh sát tuần tra, phát hiện ai đứng gần nhau dưới 3 mét (trừ người đang sinh sống cùng nhà) thì phạt nặng.
Ở nhiều quốc gia khác, như Pháp hay Singapore… trong thời gian lockdown, chính quyền vẫn khuyến khích dân chúng ra ngoài chạy bộ hay thể dục (miễn là tuân thủ 5k). Tụm nhau trong nhà, trong hẻm kín thì nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn lấy xe hơi, một mình chạy một vòng xả xì trét rồi về lại nơi xuất phát.
CDC Mỹ vừa cho biết, đại dịch đã làm 42% người Mỹ tăng trọng 15 pounds và đối diện với nỗi lo béo phì – căn bệnh làm chết một năm khoảng 300 nghìn người Mỹ. Chúng ta, chắc ít ai, kể cả Chính quyền và Bộ Y tế, quan tâm đến các thứ bệnh như thế, nói chi đến những hội chứng tâm thần do stress bởi ngồi nhà đếm kiến tháng này qua tháng khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.