Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Người sang đâu hết?

 

Người sang đâu hết?

Dạ Ngân

“Sâu xa, sự đạp đổ văn hóa ngàn đời của dân tộc để làm “con người mới xã hội mới” đã tàn phá văn hóa và từ đó, văn hóa bị đứt gãy không sao liền lại được. Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh và, yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình... Kinh tế mở, đời sống bật. Thấy có người giàu chứ không có người sang. Bạn sẽ hỏi, định nghĩa người sang cho tôi nghe đi? Vâng, giàu dễ hơn sang. Muốn sang phải nhiều đời sạch. Học vấn sạch, đồng tiền sạch, nếp sống sạch, từ đó sẽ cốt cách sạch tâm hồn sạch, và rồi sẽ có hành vi sạch” (DN).

KD: Người sang đâu cả rồi? Dạ thưa nhà văn Dạ Ngân, họ tuyệt diệt rùi. Chỉ còn những kẻ hạ tiện, tham lam, ăn cắp tiền của nhân dân nhưng miệng rao giảng đạo đức, chỉ còn những kẻ trí thức "như cục phân" (lời của Mao) bằng cấp đầy mình nhưng giá áo túi cơm, chả làm gì nên hồn, đến sáng chế cũng nhường cho mấy bác Hai Lúa, nhưng cứ ai nói đụng đến thì làm như chỉ ta duy nhất đúng. Những kẻ đó nhan nhản trong cái XH "đứt gãy văn hóa" từ mấy chục năm nay, rút cục, lúc nào cũng như một cái Làng - không hơn không kém!

Kim Dung Phạm

Thế hệ có học thời xưa, rất nhiều người sang. Học và đọc, tự nghiệm và tự luận, viết hay nói hay. Nhìn dáng họ, cách họ nghĩ và lời họ nói, cả đến khóe cười của họ cũng tao nhã, mực thước. Tây học mà. Văn hóa Pháp thời ấy, đầy sức quyến rũ. Không dưng mà họ rùng rùng đi theo Việt Minh. Bây giờ nhiều người cho rằng do họ cả tin, ngây ngô. Thiển nghĩ, nói vậy là nói lấy được, thời vận, vận nước và vận hội, số ít thì ta còn có thể nghĩ thế nọ thế kia, khi đa số nhập cuộc, quả nhiên có cả một lớp người dấn thân sang trọng.

Cha con nhà ngôn ngữ học GS. Hoàng Tuệ (1922-1999) và nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: TL

Thế hệ con cái họ, sinh trưởng trong chiến tranh nối tiếp chiến tranh, bộ gien của những ông bố giàu học thức có thể chỉ đủ làm xương làm cốt. Những đứa con ấy cũng phải thừa nhận rằng họ không thể nào như cha ông được. Bảo Ninh không dám so mình với cha, nhà ngôn ngữ Hoàng Tuệ. Giáo sư Nguyễn Văn Huy rợp mát bởi cái bóng cả của bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Ai, ai là con cháu của Tạ Quang Bửu có thể vượt được ông? Nguyễn Kiến Giang bị oan khiên tù án, cách ông ngồi nghiệm suy giống một bức tượng điêu khắc. Nguyễn Khắc Viện thì viết lách nghĩ ngợi cho đến cuối đời và rồi đi nhẹ như một ngọn bấc. Còn rất nhiều đơn cử khác, trăn trở, khắc khoải mà vẫn không đánh mất niềm kiêu hãnh lẫm liệt của người sang.

Chúng ta không chỉ không bằng họ mà chúng ta còn phải luôn tự vấn vì sao chúng ta không dám so với họ. Chiến tranh liên miên, bao cấp sai lầm, hậu chiến đói kém, học hành lôm côm, người đông của khó…vân vân và vân vân. Còn những gì để đổ thừa nữa không? Vô vàn nguyên do. 

Sâu xa, sự đạp đổ văn hóa ngàn đời của dân tộc để làm “con người mới xã hội mới” đã tàn phá văn hóa và từ đó, văn hóa bị đứt gãy không sao liền lại được. Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh và, yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình.

Ở miền Nam sau năm 1975, tôi tìm thấy thế hệ hậu sinh từ một số thầy giáo dạy cấp ba bổ túc văn hóa cho tôi. (Chiến tranh khiến tôi chỉ học hết cấp II rồi vào Cứ). Họ là sản phẩm của nền giáo dục khai phóng và nghiêm cẩn. Nhanh chóng, giữa họ và tôi không có khoảng cách giữa “bên thắng cuộc” và những người từng phải đi trừ bị Thủ Đức rồi buông súng giải giáp.

Họ trao cho tôi tầm mức văn hóa và tôi đón nhận họ với sự cầu thị văn hóa. Sách để đọc, những câu chuyện trải nghiệm để buồn cùng nhau và rồi có “người đi ừ nhỉ người đi thật”, nhưng cũng có người làm hiệu trưởng trường phổ thông bằng sự tận tâm không chê vào đâu được.

Ở trường cấp I thời con gái tôi học (cuối thập kỷ tám mươi), có một thầy giám thị đứng tuổi, nho nhã, áo luôn trắng, giày luôn chuẩn, dáng đứng bao quát thẳng thớm không ai có thể thay thế ông. Một hôm, khi ấy con gái tôi đang lớp 5, vừa về đến nhà nó òa khóc nức nở (thời đó trẻ con tự đi, gia đình không phải đưa đón): “Mẹ ơi, mấy bữa nữa thầy giám thị đi theo gia đình sang Pháp luôn rồi mẹ”.

Những năm cấp II nó khóc mấy lần nữa, khi thì cô giáo Văn của con vừa vượt biên đó mẹ, khi thì cô dạy Toán đi HO theo chồng sang Mỹ đó mẹ. Phải thừa nhận, một tổn thất ghê gớm cho miền Nam chỉ nói riêng ngành giáo dục.

Kinh tế mở, đời sống bật. Thấy có người giàu chứ không có người sang. Bạn sẽ hỏi, định nghĩa người sang cho tôi nghe đi? Vâng, giàu dễ hơn sang. Muốn sang phải nhiều đời sạch. Học vấn sạch, đồng tiền sạch, nếp sống sạch, từ đó sẽ cốt cách sạch tâm hồn sạch, và rồi sẽ có hành vi sạch.

Cha truyền và con nối, đứa con được hít thở, học hành, đọc sách và nghĩ ngợi trong môi trường sạch ấy. Nhiều gia đình sạch, sẽ có một thế hệ cao sang, lành mạnh và rồi, những hạt nhân ấy sẽ lan tỏa như ánh sáng như nước nguồn, xã hội sẽ được nhấc lên.

Nhìn vào hệ thống giáo dục bị cho là nát bét hiện nay, chúng ta hy vọng gì. Nhìn vào phụ huynh ưa kèn cựa hạng điểm, ưa chạy trường, ưa khoe con, cũng không dám nghĩ nhà trường sẽ hoàn toàn tự quyết. Và rồi, như một kiểu đồng dao, kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, mớ bòng bong ấy: Bộ và Sở - Nhà trường và Phụ huynh - Thầy cô và Học sinh, nếu có giũ ra làm lại hết thì cũng ý thức ấy, tầm văn hóa ấy, những con người ấy, liệu có tốt lên chăng?

Riêng chuyện khai giảng sao cho dung dị mà thiết thực chúng ta còn chưa làm được. Riêng chuyện sách giáo khoa sao cho đơn giản và tiết kiệm mà chúng ta cũng chưa làm được. Riêng chuyện không để trẻ phải sợ sự bẩn thỉu của khu vệ sinh trong trường, chúng ta còn chưa làm được.

Vậy đó, bày vẽ, phô phang, tốn kém, trục lợi thì sẽ có “nền giáo dục hư học” (lời giáo sư Hoàng Tụy) thì làm sao có được người sang mà dùng?


Giáo sư triết học Trần Đức Thảo

Bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội

Hai cha con học giả Nguyễn Kiến Giang - Nguyễn Quốc Tuấn

D.N.

Nguồn: nguoidothi.net.vn

Ta Ngoc Vinh

Tôi đánh giá cao những bài bàn về/đề cập đến văn hóa. Bài này cũng vậy. Nhưng tôi cho rằng tác giả đã không đề cập đến được lý do Người Sang Đâu Hết. Và tại sao "cho rằng trí thức thời Pháp là thế hệ vàng" như một bạn trên đây đề cập? Có đơn giản "Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh và, yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình" hay không?

Từ 1945 đến những năm về sau, tận bây giờ chúng ta có hàng ngàn, vạn, triệu những sinh viên giỏi (và một số điều kiện khác) đi du học Đông Âu, rồi tây Âu, Mỹ, nhưng những lớp người ấy không hóa sang được, hóa tinh hoa được dù họ có quá đủ đk để "có thực học và thấm thía triết học văn minh". Vì sao? Tôi cho rằng họ khác với "thế hệ vàng" ở chỗ khi sang tây, họ không có một nền tảng căn bản văn hóa. Cái họ có là tinh hoa văn hóa công nông vội vàng, nền "văn hóa" được hình thành khi phá bỏ một cách không thương tiếc toàn bộ các giá trị của nền văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có Khổng Nho và các tôn giáo, càng không nói gì đến tiếp biến. (Nhưng nói vậy, cái đó đâu gọi là văn hóa và tinh hoa theo nghĩa đúng đắn của các khái niệm này). Ý tôi muốn nhấn mạnh, nền tảng văn hóa của thế hệ vàng này là nền tảng Nho giáo (dưới thời phong kiến). Tôi không muốn đi sâu vào nguồn gốc xuất thân của lớp người này để chứng minh vì khiến comment quá dài. Trên cái nền tảng ấy họ tiếp thu văn minh phương tây, mà ngọn cờ các giá trị văn hóa, khoa học, mỹ thuật và cả chính trị... của nó được giương cao bởi tầng lớp tinh hoa quý tộc. Ở họ là sự giao thoa của hai văn hóa ấy: Khổng Nho và tây học. Lớp tây du dưới thời DCCH và CHXHCN không thể nào có được, trừ khi chúng ta làm lại nền văn hóa này.

Các nhà sử học và ngoại giao phương tây hiện đại và hiện thời đánh giá rất cao các giá trị triết lý, văn hóa, đạo đức, xã hội... của Khổng Nho. Tôi cũng không thể khiến comment dài thêm với các dẫn chứng minh họa vì đây là một lĩnh vực rất rộng.

[Tôi cho rằng các đặc điểm giá trị văn hóa của Người Hà Nội mà chúng ta thương tiếc cũng nằm trong tầm ảnh hưởng này, nhưng mức độ và phạm vi có khác. Trong một comment hồi đã lâu ở Group Hà nội Tri thức tôi có đề nghị nhóm admin quan tâm đi sâu đề cập đến mặt bản chất này (để Group mang tính văn hóa giáo dục một chút) nhưng xem ra mấy Người Hà Nội cũng khá hời hợt. Sau rồi tôi leave nhóm này vì một lý do].

PS. Trong số các vị được dẫn ra trên đây, tôi có ý nghĩ khác về triết gia Trần Đức Thảo. Có thể do tôi không hiểu biết đủ. Một con người có trí thông minh trác tuyệt như vậy đặt niềm tin của mình vào triết học của Marx.

***

Phung Ngoc Khoa

Ta Ngoc Vinh, cụ vơ đũa cả nắm nên nhìn nhận rất sai.

Ngày xưa, người đi học học ít hơn bây giờ! Nếu chỉ nói về kiến thức không, rõ ràng là bây giờ có nhiều hơn hẳn. Ví dụ môn tin học thì ngày xưa lấy đâu ra! Chính vì vậy thế hệ trẻ phải học hơn rất nhiều thứ, mà thời gian lên tú tài và đại học thì không thay đổi. Vì vậy, phải nói rằng hiện tượng tăng "nồng độ" là toàn cầu, không chỉ ở VN. Chính vì hiện tượng này mà thời gian để có thêm "văn hóa" giảm đi. Điều lộ rõ nhất là con người đang giảm đọc sách!

Nói vậy để thấy rằng cũng không nên luôn luôn lôi quá khứ ra để làm gương! Việc đưa thêm Nho giáo khổng tử lại còn bơm thêm vào não lớp trẻ. Từng ấy chưa đủ sao?

Cái cần lên án là cái khác.

Cá nhân tôi sinh sau chiến tranh VN. Trong thập niên 198x, tôi đi học nửa buổi. Nửa buổi ở nhà có thời gian đi học piano và đọc sách. Con tôi trong thập niên 201x đi học từ sáng đến chiều, về cô giáo còn "bắt" đi học thêm! Nó còn chịu khó học đàn nhưng ít thời gian tập. VẬY CỤ GIẢI THÍCH CÁI LẠM PHÁT GIÁO DỤC NÀY Ở ĐÂU RA? CÓ PHẢI CHÍNH NÓ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ KÉM VĂN HÓA KHÔNG? Hay là vì không học Nho giáo của cụ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.