Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 61)
Hồ Bạch Thảo
21-8-2021
Tiếp theo phần 1-60
61. Minh Thái Tông hỏi tội 6 điều, mượn cớ xâm lăng An Nam (tiếp theo)
Về điều thứ 6 liên quan đến việc Tôn thất nhà Trần là Trần Thiên Bình được Tuyên ủy sứ Lão Qua dẫn đến triều đình Trung Quốc, tố cáo với Minh Thái Tông họ Hồ cướp ngôi: “Ngày 28 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [2/10/1404], Quân dân Tuyên ủy sứ Lão Qua Đao Tuyến Ngạt sai sứ hộ tống cháu nội Vương An Nam cũ là Trần Thiên Bình đến triều; tâu rằng:
‘Thần Thiên Bình là cháu của cựu Vương An Nam Hoàn, con của Minh, em của Nhật Khuê. Nhật Khuê [vua Trần Dụ Tông] kính trọng Thiên triều, sai người đến qui thuận đầu tiên, được Thái tổ Cao Hoàng đế phong làm Vương An Nam. Nhật Khuê tại ngôi hai năm sau thì mất, em là Sưởng [vua Trần Duệ Tông] lập, chỉ được 2 năm thì con là Hiện [Đế Nghiễn] thay thế. Bấy giờ tặc thần Lê Quý Ly coi việc nước, tự ý ban uy phúc, Hiện muốn chống lại nên bị Quý Ly giết và lập con là Ngung [vua TrầnThuận đế]. Lúc này mọi quyền trong nước đều nằm trong tay Quý Ly và Thương, tả hữu xung quanh đều là đảng nghịch, Ngung chỉ biết khoanh tay mà nhìn. Chẳng bao lâu bèn giết Ngung, và lập con là Án [vua Trần Thiếu đế]; Án tuổi nhỏ, còn nằm trong tã lót. Cha con Quý Ly lại giết cả họ Trần cùng Án, rồi cướp ngôi đổi họ tên là Hồ Nhất Nguyên, con đổi là Hồ Đê, tự cho là con cháu Hồ Công Mãn đời Thuấn, cải quốc hiệu là Đại Ngu. Quý Lý tiếm hiệu là Thái thượng hoàng, con là Đê làm Hoàng đế Đại Ngu. Trước đó thần bị đuổi ra châu ngoài; khi cha con Quý Ly làm việc soán đọat, thần may ở xa nên sống sót. Các thuộc hạ của thần phấn khích vì trung nghĩa, suy tôn thần làm Chúa để dẹp giặc phục thù. Đang bàn việc chiêu tập quân sĩ, thì giặc đến bức bách, bèn hốt hoảng chạy trốn. Tả hữu tan rã, giặc truy kích đến cùng, chia binh bốn phía lục sóat; thần phải trốn trong hang, hái rau quả tự mưu sinh, đói khát khốn khổ, vạn lần chết một lần sống! Chờ lâu, xem tình hình bớt căng thẳng, bèn thận trọng ra đi, trải qua nhiều gian nan đến được nước Lão Qua.
Tuy nhiên lúc này Lão Qua có lắm việc, nên không rảnh để nhìn ngó đến thần. Hướng về triều đình [nhà Minh] thì đường xa cách vạn dặm, nên không có nơi để tố cáo; thất vọng nên có lúc muốn tự tử. Rồi thời gian trôi qua, cẩu thả sống qua ngày; nhân tình cờ đọc chiếu thư được biết Hoàng thượng mới chấp chính, thống nhất vĩ đại, thi hành chính sách cũ, trong lòng hoan hỉ vì đã có chỗ theo. Nhưng vì bị tật bệnh đã lâu, đến năm nay mới được tận mắt chiêm ngưỡng long nhan.
Kính nghĩ tổ tiên thần xưa chịu mệnh Thái tổ Cao Hoàng đế, đời đời giữ nước An Nam, cung kính làm tròn chức cống. Há phải như tên giặc này gây tội ác đầy trời, ngỗ ngược với Thánh triều, bỏ cả lễ pháp, mấy lần giết vua rồi mưu thoán đoạt, họ hàng nhà Trần cùng thuộc hạ đều bị giết, còn sót lại chỉ một mình thần mà thôi! Thần với bọn giặc này thề không đội trời chung, xin thánh Thiên tử ra ơn thương xót; cúi đầu rơi nước mắt mà tâu rằng tên tặc thần Lê Quý Ly đã già, quỷ kế nghịch mưu phần lớn do tên Lê Thương, như đánh phá Chiêm Thành bắt phải nội thuộc, xâm lược phủ Tư Minh để cướp đất đai, bản tâm muốn tranh hoành với thượng quốc, hiếu chiến và ưa thu vét, thi hành pháp luật tàn khốc; trăm họ sầu oán như đạp vào nước lửa. Trước kia tông tộc nhà thần đời đời khoan hậu, nay người trong nước ấm ức nhớ lại ơn xưa! Bệ hạ đức sánh với trời đất, lòng nhân rộng đến bốn biển, thấy một vật không yên chỗ trong bụng không đành. Nay đánh kẻ có tội để cứu dân, nối lại dòng họ bị tuyệt, đó là nguyện vọng của dân di địch mà cũng là lòng mong mỏi của Thần vậy’.
Thiên tử thương và chấp thuận, mệnh quan ty chịu trách nhiệm cấp nhà cửa cùng thực phẩm tiêu dùng”. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 0594-0596; Thái Tông q. 33, tr. 11a-11b)
Vua Minh Thái Tông cảm thấy lời tố cáo của Trần Thiên Bình là vũ khí lợi hại có thể dùng để đánh bại triều đại nhà Hồ nước An Nam, nên rất trọng thị. Nhằm phơi bày lời khai gian dối của Hồ Hán Thương [Hồ Đê], vua Thái Tông cho Sứ thần An Nam tiếp xúc với Trần Thiên Bình:
“Ngày 25 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [25/1/1405], Sứ giả An Nam đến mừng Nguyên Đán. Thiên tử ra lệnh bộ Lễ đưa Trần Thiên Bình ra cho gặp. Sứ giả nhận ra cháu Vương cũ, nên kinh ngạc sụp xuống vái và khóc. Bùi Bá Kỳ lên tiếng trách vì đại nghĩa, Sứ giả kinh hoảng không đáp được. Thiên tử nghe tin bèn bảo các quan hầu cận rằng:
“Hồ Đê nước An Nam trước kia tấu rằng họ Trần đã tuyệt tự, y là cháu ngoại quyền quản lý việc nước, xin được phong Vương. Trẫm vốn nghi, nên cho người hỏi Bồi thần và kỳ lão đều bảo rằng đúng như vậy. Trẫm nghĩ rằng họ Trần trước kia làm rể [Trần Thái Tông làm rể nhà Lý] mà được nước, nay Đê là cháu ngoại kế nghiệp cũng hợp lý, bèn xuống chiếu phong chức. Ai ngờ chính y giết chúa soán ngôi, tiếm xưng danh hiệu, thay đổi triều đại, bạo ngược với người trong nước, đánh chiếm đất đai lân quốc, việc làm quỉ thần cũng không dung, thần dân đều bị lừa phỉnh. Đây là tội nhân của một nước, làm sao mà dung thứ được!” (Minh Thực Lục v. 10, tr. 0635-0636)
Hơn một tháng sau, nhà Minh sai bọn Ngự sử Lý Kỳ đến An Nam cật vấn về những điều Trần Thiên Bình tố cáo:
“Ngày 17 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 3 [16/2/1405], sai Giám sát Ngự sử Lý Kỳ, Hành nhân Vương Khu mang sắc đến dụ Hồ Đê nước An Nam rằng:
‘Trẫm lâm ngự vạn phương, lấy dạ chí thành để đối xử. Trước kia ngươi, Đê, tâu rằng Vương họ Trần không có con cháu nối dõi; ngươi là cháu ngọai nên được dân chúng suy tôn lên quyền quản lý quốc sự, chủ việc tế cáo; cầu xin được tập ấm ban tước. Trẫm vốn nghi ngờ nên ban sắc hỏi các Bồi thần và kỳ lão trong nước ngươi, tất cả đều xưng là thực tình; nên đã hạ chiếu phong ngươi làm An Nam Quốc vương. Năm ngoái nước Lão Qua đưa một người cháu dòng dõi họ Trần tên là Thiên Bình đến; khai rằng ngươi vốn họ Lê, cha là Nhất Nguyên Quý Ly, ngươi tên thật là Thương; âm mưu ba lần giết quốc chúa. Bọn ngươi soán vị đổi tên họ, tự cho là hậu duệ vua Thuấn, quốc hiệu Đại Ngu; cha ngươi tiếm xưng là Thái Thượng hoàng, ngươi là Hoàng đế nước Đại Ngu, lại đổi kỷ nguyên mới. Lời khai thật đầy đủ! Trẫm lúc đầu chưa tin, đến lúc ngươi sai Sứ đến, bèn cho Thiên Bình gặp, bọn Sứ thần đều kinh ngạc sụp lạy cảm động mà khóc, vậy cái tội bất đạo của ngươi đã quá rõ ràng! Họ Trần tại nước An Nam nhận mệnh đức Thái Tổ Hoàng đế, nối đời chăm việc triều cống, ngươi là Bồi thần lại làm việc soán thí đoạt ngôi, tội ác tầy trời không kể xiết, còn việc chiếm các đất như Lộc Châu chỉ là việc nhỏ mà thôi. Sắc đến, ngươi phải trình bày ta nghe đầu đuôi việc soán đoạt!” (Minh Thực Lục v. 10, tr. 644-645; Thái Tông q. 38, tr. 3b-4a).
Mấy tháng sau, Hồ Hán Thương sai Bồi thần Nguyễn Cảnh Chân sang triều Minh xin lỗi; hứa đem Trần Thiên Bình về nước để lên làm Vua, và trả lại các đất Lộc Châu, Mãnh Mạn:
“Ngày 26 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [22/7/1405], Hồ Đê nước An Nam sai sứ là bọn Nguyễn Cảnh Chân theo Giám Sát Ngự sử Lý Kỳ vào triều tạ tội Thiên tử, và tâu:
‘Cha con thần là Đê, quả thực là Bồi thần lại kết liên hôn nhân, trước đây tận tâm thờ tiên Vương, đâu dám làm điều soán thí để phạm đại tội. Vì họ Trần gặp nhiều nạn con cháu chết hết, Thần là cháu ngoại được quần chúng cử lên nắm quyền coi việc quốc sự, lo việc cúng tế; lại được Thánh triều ban tước, chỉ mong cẩn thận sợ bị sai lầm. Là nước nhỏ bé ở nơi cùng tịch hoang vu, đâu dám thay triều đại, dối trời, phạm thượng. Thiên Bình vốn người họ Trần, bị đuổi ra ngoài từ lâu, không ngờ còn sống; tin tức này đến nên được Thiên tử rộng ơn cho người đến hỏi. Thần xin đón Thiên Bình về thờ làm vua; các xứ Lộc Châu, các trại Mãnh Mạn cũng ra lệnh trả lại, đã sai người đến các xứ đó để giao cắt đất đai. Cúi đầu xin Hoàng thượng như trời đất cha mẹ, tha cho Thần sự ngu dại, tội đáng chết. Thần sợ hãi khôn cùng, hết sức trông mong. Thiên tử vui lòng chấp nhận”. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 687-688; Thái Tông q. 43, tr. 4a-4b)
Vua Minh chấp nhận ngay, bèn sai Hành nhân Niếp Thông sang An Nam dụ Hồ Đê rằng, nếu bằng lòng đưa Thiên Bình lên làm vua, sẽ ban cho Đê làm Thượng công và được phong một quận lớn:
“Ngày 11 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [5/8/1405], sai bọn Hành nhân Niếp Thông mang sắc đến dụ Hồ Đê nước An Nam rằng:
‘Nguyễn Cảnh Chân đến đây đã tâu đầy đủ; Trẫm nghĩ rằng trời đất lấy lòng thành sinh ra vạn vật, Thánh nhân cũng lấy lòng thành làm căn bản để thay trời cai trị vạn vật, kẻ dưới cũng phải lấy lòng thành để ứng xử. Trẫm dùng đạo này để cai trị vạn nước, suy bụng mình đãi người, không phân biệt xa gần. Tuy nhiên suy nghĩ về sự biến trá của ngươi, có thể nói chưa tận lòng thành; nên sai người đến dụ ngươi rằng nếu ngươi thành tâm, trừ bỏ sai trái cũ, đưa Thiên Bình về tôn lên làm vua, Trẫm sẽ đặt ngươi làm Thượng công, phong cho quận lớn, mãi mãi nối truyền con cháu. Lời nói của Trẫm thông đến trời, chờ biểu chương ngươi gửi sang, sẽ ban ân mệnh vinh hiển. Nay sai bọn Cảnh Chân cùng Niếp Thông khởi hành”. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 0693; Thái tông q. 44, tr. 3a)
Mấy tháng sau, Bồi thần Nguyễn Cảnh Chân lại tháp tùng Hành nhân Niếp Thông sang nghênh đón Trần Thiên Bình trở về:
“Ngày 15 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [5/1/1406], Hồ Đê nước An Nam lại sai bọn Nguyễn Cảnh Chân theo Hành nhân Niếp Thông đến triều đình chuyển lời tâu rằng:
‘Nhận được chỉ dụ của Hoàng đế phải dốc tận lòng thành, thần đối với trời đất Việt không dám hai lòng, nếu có sự phản bội nguyện thần minh tru diệt. Nay sai Bồi thần Nguyễn Cảnh Chân đến chúc mừng năm mới, và xin nghênh đón Thiên Bình trở về. Thần sẽ đưa người trong nước đến đón tiếp tại biên cảnh.’
Bọn Hành nhân Niếp Thông lại khẩn khoản nói thêm rằng Đê thành tâm phục mệnh. Thiên tử bèn chấp thuận”. (Minh Thực Lục v. 10, tr.740; Thái Tông q. 49, tr. 2b)
Mấy ngày sau Vua Minh Thái Tông đích thân ban sắc dụ cho Trần Thiên Bình, báo tin sẽ sai Tổng binh Quảng Tây Hoàng Trung mang 5.000 quân đưa Thiên Bình về nước:
“Ngày 18 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 3[8/1/1406], sắc dụ Trần Thiên Bình cháu Vương An Nam rằng:
‘Mới đây Hồ Đê tâu rằng nặng lòng hối cải, xin nghênh đón ngươi về nước để tôn làm Quốc quân. Ta cho rằng một nước không thể có hai chúa, sợ Đê không thực tình nên sai sứ hỏi lại, hứa sẽ ban tước Thượng công và phong cho một quận lớn. Nay Đê lại tâu thề không hai lòng và sai Nguyễn Cảnh Chân đến đón ngươi, riêng Đê sẽ đích thân nghênh đón tại biên cảnh. Trẫm nghĩ rằng đạo xử sự hay nhất là trung dung, lễ quí ở chỗ thích nghi, nên sai Tổng binh Đô đốc Quảng Tây là bọn Hoàng Trung lãnh 5000 quân đưa ngươi về nước, chiếu theo nhiệm vụ thi hành”. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 740-741; Thái Tông q. 49, tr. 2b-3a)
Rồi cùng ngày, lại ban chỉ dụ cho Tổng binh Quảng Tây Chinh Nam Đô đốc Đồng tri Hàn Quan, Tả Phó Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Hoàng Trung, Hữu Phó Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị vạch kế hoạch đem 5000 quân hộ tống Thiên Bình về nước:
“Ngày 18 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [8/1/1406], sắc cho quan Tổng binh Quảng Tây Chinh Nam Đô đốc Đồng tri Hàn Quan, Tả Phó Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Hoàng Trung, Hữu Phó Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị:
‘Nay Hồ Đê nước An Nam sai sứ đến nghênh đón cháu Tiền Quốc vương là Trần Thiên Bình trở về nước để tôn làm Quốc quân. Trẫm suy lòng thành mà đối đãi, đặc cách sai các ngươi đưa trở về. Bọn ngươi tuyển binh 5000 tên, sai Hoàng Trung, Lữ Nghị đem đi; đợi Thiên Bình tới, hộ tống về nước. Càng nên tính toán cơ sự liệu sự tiến thoái, không được sơ suất khinh hốt”. (Minh Thực Lục v. 10, t. 741; Thái Tông q. 49, t. 3a).
Vào đầu năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1406] Trần Thiên Bình đến sân rồng từ giã, được Vua Thái Tông ân cần đưa lời khuyên phải hết sức cẩn thận vì không có nội ứng trong nước:
“Ngày 7 tháng 1 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [26/1/1406], cháu Vương An Nam xưa là Trần Thiên Bình từ giả trước bệ rồng, tâu rằng:
‘Thần bị mất nước bởi nghịch tặc, may nhờ đức lớn của Bệ ha nuôi dưỡng tác thành được trở về nước mong khôi phục dòng họ bị tuyệt, lấy ngôi vị đã mất, để vong hồn sống lại, xương nát biến thêm thịt; thần tuy ngu muội nguyện báo đền. Ước mong Bệ hạ như trời đất cha mẹ ra ơn bao bọc những năm còn lại, Thần nguyện lúc sống liều mình, lúc chết kết cỏ (1) báo ơn’.
Thiên tử nói rằng: ‘Từ xưa những vị vua mất nước phải chạy ra ngoài như Tê Hoàn Công, Tấn Văn Công đều có người bên trong làm nội ứng, nên lúc trở về thì mọi việc yên; nay ngươikhông có thực lực bên trong, chỉ dựa vào Trẫm bên ngoài, tình hình như vậy nên Trẫm phải để tâm nhiều. Riêng ngươi đầu óc phải sáng như đuốc, dùng trí để đề phòng hoạn nạn, dùng nhân vỗ về kẻ dưới, dùng khoan hòa để dung nạp; như vậy mới khỏi có mối lo về sau. Nay ban cho y phục bằng ỷ, lụa, sa, mỗi thứ hai bộ; tiền giấy một vạn quan. Mệnh Tham chính Quảng Tây Vương Lân hộ tống. Sắc phong Hồ Đê Quận công Thuận Hóa, ăn lộc tất cả các châu huyện trực thuộc, cho bọn Sứ thần Nguyễn Cảnh Chân cùng trở về”. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 0747-0748; Thái Tông q. 50, tr. 2a-2b)
Hai tháng sau, Minh Thái Tông sai bọn Hoàng Trung hộ tống Trần Thiên Bình về nước, bị quân nhà Hồ phục kích, giết tại Cần Trạm:
“Ngày 16 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [4/4/1406], vào ngày này, Hồ Đê cướp và giết cháu của Quốc vương họ Trần tên là Thiên Bình. Lúc này bọn trấn thủ Quảng Tây Đô đốc Thiêm sự Hoàng Trung dùng 5000 binh hộ tống Thiên Bình đến Khâu Ôn. Đê sai bọn Bồi thần là Hoàng Hối Khanh mang lương thực đón tiếp, cùng rượu bò khao quân. Hối Khanh cùng tùy tùng gặp Thiên Bình đều sụp đầu bái lạy; Trung hỏi Hối Khanh:
– ‘Tại sao Đê không đến?’
Bèn trả lời:
– ‘Đâu dám không đến! Vì vướng phải chút bệnh nhỏ nên không tới kịp, nhưng đã hẹn tại Gia Lâm là sẽ đến đón’.
Trung bảo Hối Khanh trở về đốc thúc; lại sai kỵ binh qua lại dò xét vẫn không thấy, nhưng bọn tùy tùng nghênh tiếp vật thực như hồ tương, thì vẫn tiếp tục trên đường. Trung cho là thực tình nên ra lệnh tiếp tục đi qua Ải Lưu, Kê Lăng(2). Lúc gần tới Cần Trạm [Lạng Sơn] thì đường núi hiểm dốc, cây cối rậm rạp, quân đi không theo hàng được, đường lại ngập nước lụt; đột nhiên quân mai phục hô lên:
– ‘Cướp cho được Thiên Bình!’.
Tiếp tục xa gần hô theo, động cả núi rừng, giặc có trên chục vạn tên. Trung vội lo toan chỉnh binh để đánh, thì giặc đã phá cầu nên không thể tiến được. Rồi tướng giặc đằng xa vái, và nói:
– ‘Tiểu Di không dám chống nước lớn, phạm đến Vương sư. Nguyên do Thiên Bình thực là tên tiểu nhân sơ viễn, không phải là thân thuộc nhà Trần lại dám buông lời xảo ngụy để lừa Thánh thượng nhọc quân lính; thực chết còn chưa hết tội. Nay may bắt được, đem giết đi để tạ Thiên tử; Vương nước tôi sẽ dâng biểu chịu tội, Thiên binh từ xa đến tiểu quốc, nhưng vì nước nghèo không đủ để cung phụng lâu!’
Trung tiến không được bèn mang quân trở về. Bấy giờ có Tiết Nham giữ chức Tự khanh đất Đại Lý, bị biếm trích tại Quảng Tây; Trung cử đi theo để phụ tá cho Thiên Bình cũng bị bắt. Nham ở tại đó rồi bị giết. Nham người đất Thiểm Châu, Văn Hương; khẳng khái mang chí lớn, có tài chính trị, từng giữ chức quan tại Trấn Giang, Tri phủ và dân chúng đều ca tụng. (Minh Thực Lục v. 10, tr. 781-783; Thái Tông q. 52, tr. 6a-7a)
Riêng sử nước ta, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, trình bày về trận phục kích giết Trần Thiên Bình đại để tương đồng với Minh Thực Lục, duy có mấy điểm khác biệt như sau:
– Minh Thực Lục chép Trần Thiên Bình, Cương Mục chép Trần Thiêm Bình.
– Minh Thực Lục ghi cuộc phục kích xảy ra vào ngày 16 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [4/4/1406]; Cương Mục chép vào tháng 4, Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4 [5/1406].
– Cương Mục chép Hoàng Trung đem quân đánh vào cửa ải Linh Kênh; quân nhà Hồ bị thua, đại tướng Phạm Nguyên Côi và tướng quân Chu Bỉnh Trung đều tử trận; riêng Minh Thực Lục không ghi sự kiện trên. Cương Mụcchép như sau:
“Tháng 4, Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4[1406]. Nhà Minh sai đốc tướng là bọn Hàn Quan và Hoàng Trung đem quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước ta; Hán Thương sai người đón đường giết đi.
Trước đây, Thiêm Bình nói dối vua nhà Minh rằng: ‘Dòng dõi họ Trần chỉ còn một mình tôi, tôi cùng giặc nhà Hồ không đội trời chung được, dám xin nhà vua xuất phát ngay 6 quân(3) đánh kẻ có tội để tỏ rõ oai trời’.
Sau khi Lý Kỳ trở về Trung Quốc, Hán Thương liền sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu tạ tội và xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm chúa. Vua nhà Minh sai hành nhân là Niếp Thông đem tờ sắc sang dụ Hán Thương:
‘Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm chúa, thì sẽ ban cho khanh tước thượng công và phong cho một quận lớn’.
Hán Thương lại sai Cảnh Chân theo Niếp Thông sang báo cáo về việc đón Thiêm Bình.
Đến nay, vua nhà Minh sai bọn Hàn Quan đem 5000 quân hộ tống Thiêm Bình về nước. Hàn Quan đóng ở lại địa đầu biên giới không tiến quân, chỉ một mình Hoàng Trung đem quân đánh vào cửa ải Linh Kênh (4). Quân nhà Hồ bị thua, đại tướng Phạm Nguyên Côi và tướng quân Chu Bỉnh Trung đều tử trận. Gặp lúc ấy viên tướng quản lĩnh quân Thánh Dực là Hồ Vấn từ Vũ Cao bất thình lình dẫn quân đến, thành ra quân nhà Minh bị thua to, nửa đêm bỏ trốn. Trước đấy viên tướng trong quân Thánh Dực là Hồ Xạ và Trần Đĩnh đã đem quân chặn cửa ải Chi Lăng, quân nhà Minh không sao tiến lên được. Hoàng Trung sai người thầy thuốc trong quân ngũ là Cao Cảnh Chiếu đưa thư và giải Thiêm Bình sang bên quân nhà Hồ. Trong thư nói: ‘Theo lời Thiêm Bình, hắn chính là con vua An Nam, nếu đưa hắn về nước, thì đi đến đâu không ai là không hưởng ứng. Thế mà từ khi đưa hắn về nước đến nay, trong nước không một người nào theo cả, như thế tỏ ra là gian dối. Nay đưa Thiêm Bình trả lại, xin để cho quân lính được ra khỏi quan ải’. Hồ Xạ nhận lời, bèn giải nộp Thiêm Bình để tâu công chiến thắng. Hán Thương sai chém Thiêm Bình, thưởng cho người có công đều được tước ba tư (5). Hồ Xạ vì cớ không bắt được Hoàng Trung nên chỉ được thưởng tước 2 tư. Các quan văn võ dâng biểu mừng, Hán Thương từ chối, không nhận”.
Sau khi giết Thiêm Bình, Hồ Hán Thương sai Sứ thần sang nhà Minh, nhưng bị triều Minh giữ lại, rồi chuẩn bị mang quân sang xâm lăng nước ta:
“Sau khi Hán Thương đã giết Thiêm Bình, liền dùng An phủ sứ ở Tam Giang là Trần Cung Túc làm chánh sứ và thông phán ở Ái Châu là Mai Tú Phu làm phó sứ, Thiêm phán là Tưởng Tư làm tòng sự, cùng đi sang nhà Minh biện bạch việc gian trá giả mạo của Thiêm Bình và xin được đi lại cống nạp như cũ. Nhà Minh giữ cả sứ giả lại, không cho về”. Cương Mục, Chính Biên q. 12.
________
Chú thích:
1. Kết cỏ: Tả truyện chép Ngụy Vũ Tử có người thiếp yêu, lúc về già dặn con là Ngụy Khỏa rằng, nếu chết, cho người thiếp lấy chồng; lúc bị bệnh nặng lại dặn đem người thiếp ấy chôn cùng. Lúc cha chết, Khỏa quyết định cho người thiếp lấy chồng, vì cho rằng đó là lời dặn lúc cha còn sáng suốt. Sau này Khỏa đi đánh giặc, gặp viên mãnh tướng xông vào, thì tự nhiên viên tướng này bị cỏ quấn ngã xuống, rồi bị Khỏa bắt. Đêm đó Khỏa nằm mộng thấy ông già cho biết, vì cảm ơn Khỏa cứu người con gái, nên trả ơn bằng cách quấn cỏ.
2. Nhật ký về chuyến đi sang nước ta của Thượng thư Hoàng Phúc thời nhà Minh, cho biết khoảng cách giữa các địa danh này như sau:
– Sáng sớm từ ải Pha Lũy [Nam Quan] tại biên giới đi ngựa đến giờ Ngọ, thì đến đồn Khâu Ôn.
– Ngày hôm sau khởi hành từ sáng tại Khâu Ôn đến giờ Ngọ thì đến Ải Lưu, tiếp tục đến chiều, thì đến đồn Kê Linh [Lăng]. Đi tiếp 2 ngày đến đồn Cần Trạm.
- Sáu quân: Theo binh chế ngày xưa, Thiên tử có 6 quân.
4. Lãnh Kinh: Theo Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, sông Lãnh Kinh thuộc tỉnh Thái Nguyên, nay chưa biết vị trí ở chỗ nào.
5. Tư: số lượng thành tích được thưởng, căn cứ theo đó để thăng chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.