Lan man lắm chuyện (Phần 3)
19-9-2021
Nửa đêm hôm qua, Sài Gòn mưa lớn, sấm sét nổ như đạn pháo kích. Không ngủ được đành nằm nghe mưa. Mưa buồn như Sài Gòn đang buồn trong mùa dịch. Mấy tháng rồi nằm nhà, căn phòng im thật im, không còn tiếng xe, không còn tiếng người cười nói dưới phố, ngoài ngõ, không còn những sinh hoạt bình thường. Nhiều lúc cứ ngỡ thế giới đang đứng lại, cuộc sống đang ngừng lại.
Thật ra nó vẫn trôi. Nhìn hai chiếc kim đồng hồ trên tường vẫn nhích và hiểu rằng mình đang bị đánh cắp mất một quãng thời gian của cuộc đời. Một đoạn đời lặng lẽ với nhiều lo âu và buồn chán. Lắm lúc cố tạo cho mình chút lạc quan, cố nghĩ mình còn được hạnh phúc hơn bao nhiêu người. Còn được ở trong căn phòng của mình, còn được lên xuống trong căn nhà của mình, còn được hàng ngày mấy bữa cơm, dù không có những món mình thích, dù không đúng khẩu vị của mình nhưng còn hơn biết bao người ngoài kia đang thiếu ăn, đang cần một hơi thở để thoát lằn ranh sinh tử.
Đã có gần 13.000 người tử vong vì dịch ở thành phố này, hơn quân số của một sư đoàn. Chỉ hơn 4 tháng, số người chết còn nhiều hơn thời chiến tranh. Bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu chia ly, bao nhiêu oan khuất. Nhiều khi tự hỏi sao Sài Gòn số người chết nhiều đến thế. Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 175.963 ca mắc virus Vũ Hán và có 1.616 bệnh nhân tử vong. Trong lúc đó thành phố HCM có số người nhiễm là 331.032 người và có gần 13.000 ca tử vong.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Bình Dương có số người nhiễm bệnh bằng một nửa của Sài Gòn mà con số tử vong chỉ là 1/9 của thành phố. Lại thêm, cùng trong thành phố nhưng quận 6 và huyện Củ Chi dưới sự chỉ đạo dám nghĩ dám làm của Chủ tịch Thanh Hiền và Bí thư Hơ Rin, con số tử vong rất thấp hoặc không có. Nguyên nhân từ đâu? Khi số tử vong vì dịch toàn quốc hơn 16.000 người, Sài Gòn chết đến 13.000. Chiếm hơn 80%. Tại sao chết nhiều thế? Bệnh viện quá tải chăng?
Ở Bình Dương có nơi như Thới Hoà nhét đến gần 15.000 người, cũng quá tải chứ! Thiếu thiết bị y tế à? Ở đâu cũng thiếu thế thôi, như nhau cả. Hay là đội ngũ cán bộ y tế ở các nơi giỏi hơn thành phố này? Cũng không phải nốt. Có người cho rằng do cách điều trị, cũng có ý khác là ở thành phố người bệnh đa số là người già và có bệnh nền, lại béo phì hơn ở Bình Dương. Thế Củ Chi, Quận 6 thì sao, cũng trong thành phố cả mà! Hiện tượng này phải để cho các nhà chuyên môn giải thích. Chắc chắn là có lý do nào đó đưa con số tử vong ở thành phố lên cao đến thế. Và rõ ràng những người ấy đáng lẽ không phải chết, họ chết oan.
Sáng nay, báo đưa tin Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đã đưa ra kết luận vaccine Nano Covax có tác dụng với chủng Delta, Alpha. Trong thông cáo vừa được Bộ Y tế phát đi về phiên họp chiều 18.9 của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia, Nano Covax đảm bảo tính an toàn, sinh miễn dịch, ước tính hiệu quả bảo vệ đủ căn cứ chuyển hồ sơ đề nghị xem xét cấp phép.
Như vậy, sau thời gian dài chờ đợi, vaccine đầu tiên của Việt Nam sản xuất đã được cấp phép lưu hành. Hi vọng người Việt sẽ không lo thiếu vaccine và mong loại vaccine này có hiệu quả thiết thực giúp ra phòng chống dịch tốt hơn. Chấm dứt những chuyến ngoại giao vaccine của các lãnh đạo ta, thấy tội quá!
Thêm tin vui về vaccine, Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã kí Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 17/9/2021 về kinh phí mua bổ sung vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Cụ thể, quyết định nêu rõ sẽ sử dụng hơn 2.652 tỉ đồng từ nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer. Đồng thời số tiền này còn được chi để thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16/9/2021.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xuất quỹ theo quy định. Bộ Y tế sẽ kết hợp với Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán số kinh phí nêu trên phải thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Hiện Việt Nam đã có hợp đồng mua hơn 51 triệu liều vaccine Pfizer ngừa Covid-19. Lô hàng Pfizer đầu tiên về nước ta vào đầu tháng 7 và đến nay đã nhận được hơn 1,2 triệu liều (Tin báo).
Có chuyện buồn cười nhất về vaccine Nano Covax là việc ông thầy tu Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ và nhiều chùa khác vào tối 17.9 đã cùng Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ tổ chức lễ cầu nguyện cho vaccine Nanocovax sớm được cấp giấy phép khẩn cấp. Trên mạng cũng có một clip ghi lại cảnh Thích Nhật Từ đến tận công ty sản xuất ra vaccine lập đàn trai làm lễ cầu nguyện. Trong lễ cũng ê a xướng tên vợ chồng lãnh đạo công ty và cầu nguyện mong nhà nước sớm duyệt để vaccine sớm được công nhận. Buổi cầu nguyện diễn ra trước khi Hội đồng đạo đức xét duyệt lần cuối.
Ông này là thầy chùa mà sao mê tín dị đoan đến thế. Nếu vaccine này đủ điều kiện thì duyệt, đây là vấn đề khoa học, chẳng phải chuyên hên xui, siêu hình, tâm linh thế hà cớ chi phải cầu nguyện nhỉ? Giờ vaccine này đã được thông qua, chắc ông Thích Nhật Từ dám cho rằng nhờ bản thân mình và tăng đoàn Giác Ngộ cầu nguyện nên mới có kết quả khả quan thế đấy. Lại có thêm phong bao, phong bì cúng dường.
Còn nhớ cách đây mấy năm, trong mùa thi của học sinh, ông thầy này cũng tổ chức dán bùa và tặng bút đã làm phép cho cả mấy trăm thí sinh ở Hà Tĩnh để thi đậu tốt nghiệp và Đại học. Không biết ông này theo Phật giáo hay Đạo Lão nữa? Mà cũng không biết ông ấy là thầy chùa hay là đạo sĩ?
Năm trước, khi dịch virus Vũ Hán bắt đầu tấn công, ông sư Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng tái xuất giang hồ bày cách hoá giải virus bằng nghi thức tụng niệm trong chương trình gọi là Hồi hướng Hoá giải nạn dịch Virus Corona. He… he nếu tụng kinh mà diệt được con virus thì tui cũng sẵn sàng tụng rớt răng để chấm dứt đại dịch cho nhân loại.
Một ông cũng thầy tu ở chùa gì quên mất tên ở Đồng Nai cũng đăng đàn thuyết pháp và hùng hồn tuyên bố rằng chỉ cần 4 ngày, ông ta chữa dứt bệnh dịch.
Việt Nam ta lắm người tài thật!
Đúng là cái thời đại gì mà lộn tùng phèo cả lên. Thầy chùa, Thầy Cô giáo làm nhiều chuyện khó chấp nhận được.
Mấy hôm nay lại xôn xao mấy vụ thầy cô giáo dạy trực tuyến. Một cô dạy môn Văn được cho là có 26 năm trong nghề đã chửi học trò bằng những lời lẽ khó nghe. Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, trong clip 6 phút, cô Y. đã buông những lời chửi rủa như: “quái thai về thể xác, quái thai về tâm hồn, rác rưởi của xã hội, con chó, đồ mạt hạng, đồ tiểu nhân, đồ nít ranh, đồ nớ chết quách đi cho rồi, đồ điên, xưng mày – tao với học sinh, cha mẹ bất hạnh đẻ ra đứa con quái dị, đồ nớ trước sau chi cũng trở thành rác thải của xã hội thôi, đồ rác thải, chết rấp dưới bùn đen của xã hội, ra xã hội em sẽ bị tống tù…” .
Nghe như dân chợ búa, vỉa hè, xã hội đen nhỉ! Đây có phải là kiểu nói của người đứng trên bục giảng không?
Một ông thầy giáo khác ở Trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đuổi thẳng cổ một sinh viên đang học trực tuyến vì lý do sinh viên đề nghị thầy giảng lại vì mưa to quá không nghe rõ.
Một giảng viên cũng là MC của đài truyền hình trung ương thì đưa lên mạng châm biếm một sinh viên xin phép nghỉ học một hôm vì gia đình có việc.
Sáng nay lại có một tin khá khôi hài nữa cũng dính đến thầy cô giáo là chuyện Cô giáo tiêm 2 mũi vắc xin chỉ cách nhau 10 phút, còn muốn tiêm luôn 4 mũi. Mà chuyện chích một lần 2 mũi không phải là lầm lẫn như anh chàng ở Sài Gòn trước đây mà là bà cô này cố tình gian lận để chích liền 2 mũi vaccine. Không hiểu chị này suy nghĩ như thế nào về việc tiêm chủng nhỉ! Ngu hay tham? Thiếu kiến thức hay do lòng ích kỷ? Bó tay luôn. Lỡ có mệnh hệ nào về sức khoẻ thì đành chịu, chớ trách ai nhé bà cô.
Một bản tin trên báo VNExpress ngày 18,9 cho biết hiện còn hơn 500 hủ cốt vẫn đang được lực lượng quân đội bảo quản, chưa bàn giao được cho thân nhân vì nhiều lý do. Có thể vì chưa liên lạc được thân nhân, cũng có thể cả gia đình chẳng còn ai, cũng có thể trong quá trình ghi nhận có sự sai sót, nhầm lẫn khâu nào đấy. Nhưng chắc chắn, hiện giờ rất nhiều gia đình đang chờ được nhận tro cốt của người thân. Không biết bao giờ họ mới nhận được. Đau lòng quá.
Cũng còn hai ba hôm nữa là Tết Trung thu. Một Tết Trung thu buồn hiu. Sài Gòn không xuất hiện những dãy quầy bên khắp nẻo đường bán bánh. Phố lồng đèn ở Quận 5 cũng vắng hoe. Nhưng tiệm bánh Như Lan ở Sài Gòn cũng như mấy tiệm bánh ở Hà Nội lại đông nghẹt người. Có chỗ người mua xếp hàng, nhưng cũng lắm chỗ chen nhau để kiếm mua vài chiếc bánh. Sao khổ quá vậy trời! Chỉ vì mấy cái bánh lỡ như dính bệnh thì lúc đó ân hận cũng không kịp. Mà Trung thu không bánh cũng đâu có chết thằng Tây nào, sao mà nặng lòng thế? Đúng là khổ vì miếng ăn mà lắm khi chết cũng vì miếng ăn.
Chuyện tám cuối cùng hôm nay là chuyện ông Nguyễn Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng sao mấy loại thuốc chữa dịch virus Vũ Hán khi về Việt Nam có giá đắt thế? Ông cho biết giá bên này chỉ có 17 đô mà sao về đến ta lại có giá cao gấp 10 lần. Ông cũng bảo, nếu cần, ông có thể kết nối để mua được đúng giá. Ông Đại sứ ơi là ông Đại sứ, ông hồn nhiên hay là ông giả vờ không biết. Thông qua ông để mua thuốc thì người ta có lợi lộc chi nữa. Ai lại đi làm không công? Tỉnh lại đi ông ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.