Lan man lắm chuyện (Phần 2)
n quan tâm chi nữa cha nội. Nhưng mà tui cũng nêu quan điểm riêng của tui trong chuyện này. Đây có lẽ là lần đầu tiên, chuyện như thế này được công khai trên báo, trên đài cho công chúng xem. Từ khi có Đảng đến nay mới có chuyện đem cái chuyện không hay chút nào của tổ chức ta bày ra cho toàn dân hiểu.Cũng như chuyện mấy ông lãnh đạo Sài Gòn livestream đối thoại, trả lời thắc mắc của dân vậy. Chuyện của Sài Gòn thì đúng là những ông cán bộ lãnh đạo mới nhậm chức có bản lãnh đấy. Trả lời không có dàn cảnh, sắp xếp, không chọn câu hỏi trước chứng tỏ các ông ấy phải có tự tin, nắm được tình hình, sâu sát với thực tế mới dám ngồi trực diện như thế. Buồn thay, hai ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang và Bí thư Kiên Giang lại thiếu những khả năng đấy.
Ông Chính hỏi Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh là: “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”? Ông Vĩnh lại trả lời: “Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”. He…he Thủ tướng hỏi chuyện triển khai trạm y tế lưu động, anh Vĩnh Chủ tịch lại trả lời điều trị F0 tại nhà. Chắc ông Thủ tướng bực lắm mới bảo rằng: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau”.
Đến ông Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, khi ông Chính hỏi về con số nhiễm dịch ở Kiên Giang, Bí thư bí, lục tìm trong đống giấy tờ tìm câu trả lời mà không thấy, có một người nhắc tuồng phía đằng sau khiến Thủ tướng đành nói thẳng: “Ông nào cứ nói ở trong phòng ra. Ông nào nắm được thì ra nói đi. Việc gì cứ phải nhắc”. Kkk quê thiệt chớ! Phen này các bố này chắc cũng teo bu gi lắm đấy. Sau đó, các anh ấy lên báo phân bua là có ghi các biện pháp, chiến lược bằng văn bản đầy đủ đấy chứ, nhưng Thủ tướng hỏi chi tiết con số thì đúng là khó nhớ thiệt.
Cái này cũng xin nói thật lòng, Thủ tướng bất chợt hỏi thêm nhiều người lãnh đạo các tỉnh thành khác nữa, tui tin cũng sẽ giống như học trò không thuộc bài như hai người này thôi. Qua đó mới thấy khả năng và tầm của một số không nhỏ lãnh đạo địa phương của xứ ta có vấn đề. Làm người lãnh đạo cao nhất trong việc phòng chống dịch, tình hình dịch đang căng thẳng, bản đồ tình hình dịch màu đỏ như máu thế mà chẳng nắm được gì, hỏi thì cứ loay hoay, ấp úng thì làm sao mà điều hành, làm sao mà chỉ đạo, làm sao mà tìm biện pháp để đối phó với dịch? Và từ đó, ta phải xem lại cách đề bạt và tổ chức cán bộ của ta.
Trong biến cố mới lộ tài năng hay hạn chế của mỗi người. Tình hình của mỗi địa phương mỗi khác cho nên mới cần có cái đầu để suy nghĩ, có khả năng để tư duy đưa ra những biện pháp cụ thể và hiệu quả. Chỉ ngồi đấy họp nhiều rồi đưa ra nghị quyết với hô hào thì hỏng. Khả năng của người lãnh đạo là trong khó khăn phải tìm ra cách để ló cái khôn chứ cái khó bó cái khôn để thành kẻ bất tài, người dở. Những mô hình xé rào của Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin hay ông Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái ở thành phố đã cho thấy những lãnh đạo không ngồi chờ chỉ thị, biết nghĩ phương cách để làm việc, có trách nhiệm với dân và có cái đầu tư duy một chút là giải quyết được bao nhiêu chuyện.
Chuyện tổ chức và đề bạt, xử lý cán bộ của chế độ ta hiện nay còn nhiều bất cập khiến người có tài, có tâm khó được sử dụng. Lại thêm khi vi phạm lỗi lầm muốn kỷ luật, thôi việc hay chuyển nhiệm sở cũng phải qua biết bao thủ tục nhiêu khê. Nhớ ngày trước, chuyện lột lon, bãi chức nhiều khi chỉ trong tích tắc. Ông nào ký bổ nhiệm thì ông ấy có quyền ký giấy về vườn cán bộ của mình rời ghế trong một nốt nhạc. Quân đội cũng thế, lột lon ngay. Tui còn nhớ là một ông hiệu trưởng bị sếp của mình khi đi thanh tra đã ký ngay giấy bãi chức và Hiệu phó tạm thời lên thay làm quyền Hiệu trưởng chẳng qua họp hành gì ráo trọi. Cứ làm không được việc thì về vườn đuổi gà cho vợ.
Thế thôi, không on đơ gì cả. Ngồi mãi ghế đó chỉ làm khổ và tốn tiền thuế của dân. Ngay trong thời phong kiến cũng thế thôi. Giờ muốn cho anh nào rớt chức thì phải họp chi bộ, gởi lên trên, trên xét rồi gởi lên trên nữa, mất một thời gian khá dài rồi mới quyết định. Suốt thời gian dài như thế, kẻ có tội có dư thời gian để chạy chọt, để tẩu tán bằng chứng, tẩu tán tài sản, sắp xếp quyền lợi cho phe nhóm, đàn em và có khi ký thêm nhiều giấy bổ nhiệm cho mấy thằng đệ lên ghế hay quyết định mấy dự án kiếm tiền bỏ túi trước khi về vườn. Mà thôi, chuyện thường ngày ở huyện thế rồi, tám chơi cho vui vậy thôi chứ dễ gì thay đổi, dân có bầu lãnh đạo đâu mà đòi có quyền chi.
Hôm nay báo có đăng một tin khiến nhiều người lo lắng và lãnh đạo thành phố cũng nên suy nghĩ. Đó là thông báo của thượng tá Lê Mạnh Hà – phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM – cho biết theo kết quả thống kê của Công an TP đến ngày 16-9, thông qua ứng dụng VN-EID đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, các trạm kiểm soát dịch trên đường.
Sau khi phát hiện cảnh báo, Công an TP đã xác minh và phát hiện 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại 102 trường hợp là F0.
Trong 102 trường hợp F0 (26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà) có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, lực lượng chức năng đã thu hồi 10 giấy và thông báo hủy giấy đối với 40 trường hợp.
Còn lại các trường hợp khác không thuộc diện được cấp giấy đi đường là những người đang đi cách ly, người đi tiêm ngừa, người đi khám bệnh về nhà… (Báo Tuổi trẻ online ngày 18.9.2021).
Kiểu F0 chạy lềnh khênh ra đường thế kia thì cách ly với giãn cách chẳng có tác dụng gì rồi. Thế thì làm ơn gỡ dây giăng, tháo dây kẽm, đập lô cốt lâu nay chặn khắp đường phố, ngõ xóm cho thông thoáng, cho không gian bớt căng thẳng, cho người dân khi cần có chỗ mà chạy. Bởi chúng có tác dụng gì nữa đâu, để mãi nhìn thấy ghê, nhìn dễ lên tăng xông bỏ mẹ. Còn chốt chặn, còn rào chắn là còn lắm kẻ lộng quyền, còn khó khăn trong chuyện lưu thông hàng hoá, một trong những nguyên nhân giá cả tăng cao chóng mặt.
Dân Sài Gòn khoái ăn bánh mì với cơm tấm. Đó là điểm đặc biệt của người dân thành phố này. Mấy hôm nay nhà nước cho phép bán online nhưng rồi dù lắm kẻ thèm nhưng chẳng dám mua ăn vì choáng với giá quá. Hơn nữa, bánh mì ngon là phải bánh dòn, có thể không còn nóng chứ bèo nhèo như vừa nhúng nước, ăn dai nhách thì còn gì là ngon. Pa tê, jambon, thịt nguội có ngon mấy mà bánh không còn ngon nữa thì cũng chẳng muốn ăn. Bánh mì đem về nhà mà phải đút vô lò nướng lại thì hỏng mất tiêu rồi. Chưa kể ruột bánh nhão nhẹt vì thấm sauce.
Dĩa cơm tấm cũng thế, miếng sườn cũng phải nóng, còn thơm mùi thịt nướng vừa rời giàn than thì mới ngon, về đến nhà lạnh tanh, hạt cơm nguội ngắt, còn ngon chi? Bát phở, tô mì, dĩa bánh cuốn cũng thế thôi, nguội là dở rồi. Thôi thì đành nhịn tiếp, chờ mở cửa rộng ra rồi ăn cho nó đúng vị, đúng kiểu.
Vậy mà mấy ông nhà báo Doanh nghiệp và Tiếp thị chạy tít: Người Sài Gòn “rần rần” đặt đồ ăn online: Quán xá chuẩn bị hàng trăm đơn, shipper hoạt động hết công suất mới kịp giao cho khách”. He…he ở đâu ra mấy cha nội, cứ tưởng thiệt không à! Chỉ có thấy ở tiệm Như Lan người ta chen nhau mua bánh Trung thu thì có thật. Mà tui không hiểu sao lại phải chen lấn nhau, đợi cả hai tiếng đồng hồ để mua được mấy cái bánh vậy nhỉ? Con virus biến chủng Delta này chỉ cần lướt qua là dính thế mà chỉ vì mấy cái bánh mà xem thường sinh mạng quá! Nhiều lúc muốn hiểu mà nghĩ không ra.
Một tin nữa trên báo Thanh niên cũng làm cho người đọc nổi giận, đó là tin: “Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân”. Nội dung bài báo viết rằng người dân ở P.2, Q.8 phản ánh về việc chi tiền hỗ trợ của phường này quá bất cập, đáng ngờ, khiến họ đi tới đi lui và về tay không. Thậm chí, có trường hợp đã qua đời do nhiễm dịch nhưng vẫn cùng nhiều người trong gia đình có tên trong danh sách nhận tiền, nhưng chính quyền địa phương chỉ giải quyết cho 1 trường hợp. Có người ghi thông tin, đăng ký với tổ trưởng tổ dân phố để nhận tiền trợ cấp.
Đến nay đã thấy chi tiền hỗ trợ đợt 2 xong, vẫn chưa nhận được thông báo có được xét duyệt hay không. Qua xác minh người này được xét duyệt nhận tiền trong đợt 2 này, nhưng lại không được lãnh. Không những thế, tên của người đấy có tới 2 lần được ghi trong danh sách nhận tiền với tổng số tiền 3 triệu đồng. Đây là điểm bất thường khiến ai cũng khó hiểu. Có người khi ký nhận tiền thì phát hiện có tên giống hệt mình trong danh sách được duyệt nhận tiền. Nhìn qua mục số điện thoại, chính là số điện thoại của người thân nhưng đã có người ký lãnh mất tiêu rồi. Ở mục địa chỉ cũng có số nhà trùng nhau, chỉ khác tên đường. Nhận thấy có bất thường, hỏi cán bộ phường thì vị cán bộ này nhanh tay gạch tên trường hợp đáng ngờ này mà không giải thích lý do tại sao.
Câu hỏi đặt ra là số tiền nhập nhèm đó đi đâu? Ai lãnh? Có người hỏi các trường hợp được xét duyệt, nhưng không được nhận thì số tiền này có bị thất thoát? Ông Tăng Xuân Phong, Chủ tịch UBND P.2, Q.8 cho hay số tiền này sẽ được chính quyền địa phương nộp lại cho ngân sách nhà nước. Ô hô! Tiền đã vào tay quan mà nói sẽ nộp lại, nghe như chuyện hài.
Nó sẽ vào túi ai đó chứ làm gì có chuyện quay trở về ngân sách nhà nước. Được vậy thì đất nước này đâu đến nỗi thiếu tiền trong ngân sách như ông Bộ trưởng Phớc mới tuyên bố hôm qua. Mà đó chỉ mới là một phường đấy nhé. Thành phố này còn biết bao nhiêu là phường, cũng có rất nhiều phường làm rất tốt nhưng cũng không thiếu nơi ăn chận chẳng khác gì phường 2, Quận 8. Bởi vậy cho nên từ ngày 17.8 đến 15.9, ở thành phố đã có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, theo báo cáo của Công an thành phố.
Đúng là cái gì cũng ăn được. Miếng cơm của người nghèo mà cũng tìm cách ăn chặn, cướp trên tay dân cùng tận đói nghèo thì chẳng còn chi để nói. Chuyện chưa biết rồi sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng là đâu đó vẫn có những cán bộ táng tận lương tâm, ăn tạp, chẳng còn chi chút đạo đức làm người.
Lan man lắm chuyện hôm nay tạm ngừng ở đây, nói riết chẳng thấy chi vui. Hi vọng mốt mai có nhiều chuyện vui lại tám tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.