Covid: Bất chấp số ca nhiễm cao, Thái Lan nới lỏng hạn chế từ tháng 9
BBC tiếng Việt
Dù số ca nhiễm Covid có chiều hướng giảm nhưng xứ sở chùa Vàng này vẫn ghi nhận trung bình khoảng 15.000 ca/ngày. Tuy vậy, chính quyền Thái Lan vẫn quyết định dỡ bỏ những hạn chế từ tháng 9, cho phép các hình thức kinh doanh được coi là "rủi ro cao" được phép hoạt động trở lại.
Có 29 trong số 77 tỉnh ở Thái Lan, hiện đang chịu hạn chế nghiêm ngặt về việc kinh doanh cùng lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Các biện pháp này được áp dụng vào giữa tháng Bảy và được cho sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng Tám.
Quyết định nới lỏng được đưa ra sau hơn 2 tuần số ca nhiễm giảm dần từ mức đỉnh 23.418 ca ngày 13/8 xuống còn khoảng 17.000-19.000 ca/ngày.
Trung tâm Quản lý khủng hoảng Covid-19 của Thái Lan, hôm thứ Sáu đã quyết định dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa nhưng giữ nguyên một số quy định bao gồm cả lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.
Cụ thể, nhà hàng sẽ mở cửa phục vụ ăn uống trở lại, nhưng họ sẽ phải duy trì giới hạn ở mức 50% công suất hoạt động đối với các nhà hàng có máy lạnh. Các nhà hàng ngoài trời có thể phục vụ tới 75% chỗ ngồi. Các trung tâm mua sắm, tiệm làm tóc, tiệm mát-xa và phòng khám làm đẹp cũng sẽ được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cửa hàng tiện lợi sẽ phải đóng cửa lúc 20h hàng ngày và các nhà hàng không được phục vụ đồ uống có cồn.
Theo đó, các chuyến bay thương mại nội địa dự kiến được nối lại từ ngày 1/9 tới, người dân được phép tổ chức các cuộc gặp gỡ lên mức tối đa 25 người thay vì 5 người như hiện tại.
"Chúng ta phải thích nghi để cùng tồn tại một cách an toàn với căn bệnh này. Các chiến lược sẽ thay đổi theo hướng mà việc kiểm soát dịch bệnh phải đi cùng với sự phục hồi kinh tế ... Hoạt động kinh doanh sẽ được tiếp tục để mọi người có thể khôi phục cuộc sống bình thường và giảm bớt khó khăn nhất có thể ", tờ Bangkok Post dẫn lời ông Apisamai Srirangson, trợ lý Phát ngôn viên Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA).
Chính quyền Bangkok cũng hé lộ kế hoạch cấp "thẻ xanh" hoặc "thẻ vàng" cho người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ "rủi ro cao". Thẻ xanh là những người được tiêm chủng đầy đủ, thẻ vàng là người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid nội trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, chính quyền không nêu chi tiết về cách thức mà người dân có thể nhận những thẻ này, hoặc làm sao để các cơ sở kinh doanh xác nhận khách hàng nào họ được phép đón nhận.
Hôm 27/8, Người phát ngôn Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA), Pongsakorn Kwanmuang, cho biết có tổng cộng 6.717.824 người sống ở Bangkok đã được tiêm mũi đầu tiên, chiếm 87% dân số.
Cũng như Việt Nam, Thái Lan khá chậm trễ trong việc tiêm ngừa vaccine chống Covid. Với dân số gần 70 triệu, tính tới 30/8, khoảng 34,8% dân số Thái Lan đã được tiêm một mũi và khoảng 11,1% dân số tiêm đủ hai liều vaccine.
Người dân lái xe hơi và xe máy hôm 29/8 để biểu tình đòi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phải từ chức vì xử lý yếu kém đại dịch
Dù đang phong tỏa nhưng ở thủ đô Bangkok trong hơn một tháng qua liên tục nổ ra biểu tình chống chính phủ vào cuối tuần. Một số người biểu tình bằng xe hơi, tụ tập hàng ngàn xe hơi và xe máy để yêu cầu Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha phải từ chức vì thất bại trong việc kiềm chế dịch bệnh, nền kinh tế suy sụp và chính sách tiêm chủng chậm trễ.
Các cuộc biểu tình rơi vào bạo lực với việc cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để trấn áp người biểu tình. Theo ghi nhận của Reuters, nhiều người bị thương và phải đưa đi cấp cứu sau cuộc đụng độ hôm 15/8, gần dinh Thủ tướng.
Nguồn: bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.