Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Chiến lược giúp Việt Nam đi nhanh trong cuộc đua kỹ thuật số

 

Chiến lược giúp Việt Nam đi nhanh trong cuộc đua kỹ thuật số

Nhật Minh

TheLEADER - Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số của người lao động, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân và đẩy mạnh tiếp cận thông tin để có thể tiến tới những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng, chuyên gia World Bank nhấn mạnh.

Ba hành động giúp Việt Nam đi nhanh trong cuộc đua kỹ thuật số

Chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới với yêu cầu nhiều kỹ năng mới. Ảnh: Beeketing.

Khởi đầu tích cực

Trong năm vừa qua, giá trị thị trường của một số công ty công nghệ trong nước tăng mạnh trên sàn giao dịch chứng khoán như Tập đoàn FPT, hay Digiworld – nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường và Viễn Liên – doanh nghiệp thiết bị viễn thông.

Trong báo cáo mới nhất, World Bank nhấn mạnh rằng khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, rõ ràng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có lợi thế về công nghệ số, và Việt Nam là một trong nhữn quốc gia đã thể hiện rõ mong muốn được tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Tuy nhiên, ông Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, lưu ý rằng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ không được quyết định bởi động lực đổi mới, sáng tạo mà là năng lực của quốc gia trong việc tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển.

Để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới.

Vị chuyên gia đánh giá cho đến nay, Việt Nam đã làm việc này rất tốt, khi  được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động.

Cùng với đó, người dân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư.

Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel. Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước – mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980, và gần đây là Trung Quốc.

Giải pháp thông minh để đi nhanh hơn

Ông Jacques Morriset nhận định Việt Nam sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số như mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng XIII thông qua vào tháng 2/2021.

Chiến lược giúp Việt Nam đi nhanh trong cuộc đua kỹ thuật số

Ông Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank

Theo đó, Chính phủ cần tập trung giải quyết ba thất bại của thị trường bằng những giải pháp thông minh.

“Thất bại của thị trường hạn chế khả năng đạt được kết quả tối ưu mà lẽ ra có thể đạt được với những nguồn lực sẵn có. Khi đó, xã hội có nhiệm vụ khắc phục sự thất bại này, đồng nghĩa với việc Việt Nam cần đảm bảo sự phát triển của lực lượng lao động có kỹ năng kỹ thuật số, sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước năng động và tích cực, cùng với khả năng tiếp cận thông tin tốt và an toàn”, vị chuyên gia lưu ý.

Thứ nhất, đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số. Đây là giải pháp trọng tâm vì có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa, ông Jacques Morriset cho biết.

Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối, từ đó khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng người lao động có thể không có thông tin, hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư vào con đường học vấn dài hơn.

Ở các quốc gia thành công, chính phủ đã giải quyết thất bại này của thị trường bằng cách loại bỏ các trở ngại pháp lý đối với dịch chuyển lao động; cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để họ biết khi ra quyết định.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học những kỹ năng mới.

Thứ hai, phải đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn.

Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, chính phủ cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh khi một số thị trường gần như bị thống trị một cách tự nhiên bởi những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật số do nắm giữ bí quyết, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô.

Đã có thể thấy sự tập trung như vậy trong thị trường băng thông rộng cố định và tăng mạnh trong truyền thông xã hội (với sự thống trị của Facebook), và các phân ngành kỹ thuật số khác, như thương mại điện tử, fintech, tài chính kỹ thuật số và quản lý dữ liệu.

Ông Jacques Morriset lưu ý Việt Nam cần có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập, và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng.

Đồng thời, ở khía cạnh khác, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ và có tài năng đang gặp khó khăn về tài chính bằng việc cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ.

Thứ ba, Việt Nam cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin.

Theo định nghĩa, đây là một hàng hóa công vì lợi ích của việc chia sẻ thông tin thường cao hơn chi phí thu thập thông tin đó. Chính phủ có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến dữ liệu mở, trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng.

Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước. Tất cả những hoạt động này cũng nên tính đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu và người dùng dữ liệu.

Vị chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nhấn mạnh điều quan trọng là Việt Nam cần hết sức cẩn trọng để không tạo ra những thất bại mới, cũng như can thiệp có mục tiêu tốt nhưng sai lầm, dẫn tới hậu quả là làm trầm trọng hơn thay vì giải quyết những biến dạng của thị trường.

“Về nguyên tắc, các giải pháp của Chính phủ cần được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch tối đa nhằm tránh bị các thành phần nhà nước hoặc tư nhân lợi dụng”, ông Jacques Morriset đề xuất.

N.M.

Nguồn: The Leader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.