Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Cầu lời nói thẳng

 

Cầu lời nói thẳng

Tạ Duy Anh

3-9-2021

Đọc lịch sử, thấy có điều này: Từ khi quốc gia độc lập với phương Bắc, triều đại phong kiến nào cũng không nhiều thì ít, đều có ban chiếu CẦU LỜI NÓI THẲNG.

Ngay như triều nhà Hồ, vốn vẫn bị chính sử coi là “ngụy”, là tiếm ngôi, nhưng khi lên làm vua, Hồ Hán Thương cũng không quên xuống chiếu cầu lời nói thẳng.

Kỉ lục về cầu lời nói thẳng, có lẽ thuộc về triều Hậu Lê. Chỉ riêng thời Lê Thái Tông, ở ngôi 9 năm, hầu như năm nào cũng xuống chiếu cầu mong các đại thần chỉ cho ông lầm lỗi ở đâu, kém cỏi chỗ nào để sửa mình.

Sang thời Lê Nhân Tông, lên ngôi lúc 2 tuổi, nhiếp chính là Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, người vẫn nằm trong nghi án giết hại công thần, thế mà cũng không dưới vài lần nhân danh vua xuống chiếu cầu xin được nghe lời nói thẳng, nói thật, để tu thân, trị quốc, đặng có thể an dân.

Tất cả đều bằng những lời lẽ thống thiết.

Nhưng vị vua cầu thị nhất, thèm nghe lời nói thẳng nhất có lẽ là Lê Thánh Tông. Hãy thử đọc lại một vài lời dụ của ông với các quan đại thần.

Dụ các quan tể thần và kinh diên:

“Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Phạm Du, khi bàn luận ở triều đình, hay lúc quyết định việc chính trị đều chỉ a dua lấy lòng, hoặc ngậm miệng không nói thì dù có lỗi nhỏ mà khép vào pháp luật cũng đáng; còn như bọn Nguyễn Mậu, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Trạc, Nguyễn Thiện biết lo vua, yêu nước, gặp việc nói hết, thì dù có lỗi lầm mà được khoan thứ cũng là phải. Mới rồi, Nguyễn Mậu nói việc không đúng mà không bị buộc tội, là trẫm báo đền cái đức hay nói (thẳng) của Nguyễn Mậu đó”.

Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sỹ Nguyễn Bá Ký có lần dâng sớ thẳng thừng chê Lê Thánh Tông khi làm văn không chú ý tới kinh, sử, Lê Thánh Tông có dụ rằng:

“Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh, sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ý ở ngoài mây khói (…) Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói thì trong bốn chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn bia biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy ngươi đã thực lòng can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý”.

Khi Nguyễn Bá Ký chết, Lê Thánh Tông sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng:

“Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi”.

Trong 38 năm ở ngôi vua, rất nhiều lần Lê Thánh Tông ban riêng bạc nén (có lúc lên tới 10 lạng) cho người dám nói thẳng với ông, hoặc can ngăn ông làm những việc không phải, luôn kèm theo lời dụ: “đừng quên nói thẳng với trẫm”.

Thứ mà Lê Thánh Tông ghét nhất là thói xu nịnh. Ngài từng mắng một quan đại thần quen xu nịnh là “con lang già giẫm yếm xéo đuôi, liếm trôn, hút mủ…”

Xem thế đủ thấy lời nói thẳng, cùng với đó là người dám nói thẳng quý hiếm và quan trọng biết nhường nào, đến việc an nguy, hưng thịnh của của xã tắc.

Xét kỹ: Triều đình nào mà nhung nhúc kẻ a dua, chỉ quen nhắc lại lời chủ, trong khi người chính trực dám nói thẳng thì hoặc bỏ về núi trí sĩ, hoặc bị coi là phá hoại, nặng hơn thì tống vào ngục thất, triều đại đó đã mục nát từ xương tủy rồi, chỉ còn chờ ngày cáo chung để nhận những lời nguyền rủa nữa thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.