Bộ máy nhà nước và đòi hỏi từ cuộc sống
TS Đinh Đức Sinh
Hoàn thiện bộ máy nhà nước là đòi hỏi khách quan, cần được giải quyết sớm.
Về Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, bộ này đâu chỉ quản đa ngành nông nghiệp, còn công nghiệp thì không được đụng tới? Đây là điều không thích hợp từ một sự phân định khiến bộ này hầu như đứng ngoài cuộc trong kiến tạo sự liên kết giữa trồng trọt, chăn nuôi với công nghiệp chế biến (lương thực, thực phẩm...) và công nghiệp phụ trợ (phân bón, thức ăn gia súc...).
Không nên quên rằng, đã có thời từ năm 1987, Việt Nam có Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Còn về mảng “Phát triển Nông thôn” của bộ thì “cầu, đường, trường, trạm” hiện nay đều do các bộ khác đảm nhiệm.
Đây lại là sự không thích hợp lớn, bởi những công trình hạ tầng trên đây đều nhỏ về qui mô, nhưng vô cùng nhiều về số lượng, trải đều trên khắp các làng xã, chỉ Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn mới thấu hiểu hết về cung - cầu.
Nhiều cây cầu bị cuốn trôi trong mưa lũ năm ngoái, đến nay vẫn chưa được phục hồi. Lý do không phải vì đầu tư lớn, hoặc công trình có yêu cầu kỹ thuật cao mà vì phải chờ những bộ không phải là Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn vào cuộc.
Với bộ này, điều đương nhiên không được làm, điều được làm không phải là việc đương nhiên. Nghịch lý này đã và đang phát sinh nhiều nghịch cảnh trên hoạt động thực tiễn như doanh nghiệp trồng cỏ, nuôi bò, chế biến sữa chịu sự quản lý của hai bộ, một bộ về nông nghiệp, một bộ về công nghiệp.
Trong thời gian tới, bộ này cần được giao việc đúng với những thích hợp cũ và mới của mình.
Bộ Xây dựng quản lý đa ngành xây dựng, nhưng làm sao quản được xây dựng giao thông, xây dựng công nghiệp... Nếu thực hiện quản tất cả các đa ngành đó thì Bộ Xây dựng cần phải sáp nhập với nhiều bộ chứ không chỉ với Bộ Giao thông - Vận tải.
Trong khi chức năng quản lý đa ngành xây dựng ít có giá trị thực tiễn như vậy, xây dựng đô thị lại bị hạ thấp, chỉ được coi là một trong các đa ngành đó.
Trước Đổi Mới, đô thị hóa của Việt Nam chỉ đạt trên dưới 20%, những năm qua đã tăng lên mức 30%, rồi 40%, và sẽ lên tới 50%, 60%... Vậy tại sao không có Bộ Phát triển Đô thị mà lại có một bộ quản lý đa ngành xây dựng?
Đối với quốc gia, về không gian, đất đai, dân số đã được hoạch định thành hai cấu phần là nông thôn và đô thị. Nếu phát triển nông thôn đã có một bộ quản lý, thì phát triển đô thị sao không giao hẳn cho một bộ đủ mạnh chuyên trách, và không phải tìm đâu xa, đó chính là Bộ Xây dựng.
Còn các “đa ngành xây dựng” khác đều đã có nhiều bộ đang đảm trách, trong đó xây dựng giao thông do Bộ Giao thông - Vận tải quản, xây dựng công nghiệp do Bộ Công Thương quản...
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đối với hai đa ngành, đó là đa ngành công nghiệp và đa ngành thương mại. Đây là một bộ thuộc loại hiếm có trên thế giới.
Nước Mỹ không có Bộ Công nghiệp mà chỉ có Bộ Thương mại. Nước Pháp không có Bộ Công nghiệp, không có Bộ Thương mại mà chỉ có Bộ Kinh tế -Tài chính. Nước Nhật có Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp. Trung Quốc có riêng Bộ Thương mại, còn Công nghiệp và Truyền thông nhập lại thành một bộ.
Bộ Công Thương của Việt Nam không chỉ hiếm có trên thế giới, mà còn đặc biệt ở chức năng quản lý các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong đa ngành công nghiệp và đa ngành thương mại.
Từ vài thập kỷ qua, hệ thống doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam luôn đóng góp trên 30% GDP, trong đó phần lớn từ các doanh nghiệp thuộc hai đa ngành của Bộ Công Thương.
Sự sáp nhập này đã đẩy Bộ Công Thương vào một mê cung quản lý, trong đó chức năng của bộ này va chạm với hầu như mọi bộ khác.
Dễ thấy nhất, với Bộ Nông nghiệp - PTNT về quản lý công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm; Bộ Xây dựng về quản lý xây dựng công nghiệp; Bộ Giao thông - Vận tải về quản lý sản xuất thiết bị vận tải; nhiều bộ về quản lý thương mại; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về quản vốn của doanh nghiệp thuộc ngành công thương.
Thực hiện một mê cung quản lý như vậy, thành tựu của Bộ Công Thương kể mãi cũng không hết, nhưng tạo khuyết tật cho nền kinh tế cũng sửa mãi vẫn chưa xong, điển hình là sự không thành công của một loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã từng trực thuộc bộ.
Bộ Giao thông - Vận tải ngoài việc thực hiện quản lý đa ngành giao thông -vận tải (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải, đường thủy nội địa), hiện nay đang quản lý trên 80 doanh nghiệp nhà nước trong đó có 8 tổng công ty, trên 20 đơn vị sự nghiệp (gồm 2 viện nghiên cứu, 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng, vài ba bệnh viện, 9 ban quản lý dự án).
Rõ ràng bộ này không chỉ là bộ quản lý đa ngành giao thông - vận tải mà còn quản lý trên 100 đơn vị sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
Đây là một bộ điển hình của Việt Nam, bởi bộ này không chỉ thực hiện quản lý đa ngành mà còn thực hiện công việc quản lý của đa bộ trong chính phủ. Không thể phủ định những thành tựu mà bộ này đã tạo ra được cho nền kinh tế những năm qua, nhưng vì phải dàn trải lực lượng để thực hiện công việc đã đa ngành lại còn đa bộ nữa, nên nhiều việc đích thực là của giao thông, vận tải lại bị bỏ lại phía sau.
Đó là sự tắc nghẽn giao thông ở cấp độ “toàn tập”, ở cả tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc và trong nôị đô của nhiều thành phố. Đó là đường sắt phải cam chịu với những nền tảng có được từ thế kỷ trước. Đường hàng hải có năng lực vận chuyển quá thấp đối với một quốc gia có chủ quyền Biển Đông và bờ biển hơn 3 nghìn km như Việt Nam. Nền kinh tế nhiều thành phần trong giao thông, vận tải đang cần nhận được sự kiến tạo phát triển không chỉ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước mà còn ở khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.
Thiếu sự kiến tạo này của Bộ Giao thông - Vận tải, nhiều việc lớn của toàn ngành sẽ không thể thực hiện được, trước mắt là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Để phù hợp với nền kinh tế đã, đang và sẽ Đổi Mới với tốc độ và qui mô ngày càng lớn theo đường lối, chủ trương, chính sách tại nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, việc hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước là một đòi hỏi khách quan, cần được giải quyết.
Việc này không nhằm sáp nhập Bộ một lần nữa, mà nhằm phân định đúng vai, đúng việc giữa các bộ trong những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm chung của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Mở đầu cho sự hoàn thiện này, ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đề nghị đổi tên Bộ Xây dựng thành “Bộ Xây dựng Phát triển Đô thị và Nhà ở”.
Đây là tin vui về bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương được bắt đầu tiếp tục cải cách lên một thang bậc mới.
Đ.Đ.S.
Nguồn: Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.