Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Miến Điện là một tình huống cực đoan hóa của nền móng Chủ Nghĩa Xã Hội

 

Miến Điện là một tình huống cực đoan hóa của nền móng Chủ Nghĩa Xã Hội

Lê Quang

16-2-2021

Diễn biến chính trị phức tạp tại Miến Điện là một tình huống rất nên tham khảo cho người dân Đông Nam Á nói chung.

Có thể không quá lời mà nói rằng chính trị Đông Nam Á là đề tài rất thu hút đối với các nhà nghiên cứu lịch sử. Trên thực tế nó là sự pha trộn giữa sự trỗi dậy của chủ nghĩa Cộng Sản Tây Phương với chủ nghĩa dân tộc bén rễ sâu sắc tại các nước này.

Sự nhào nặn giữa học thuyết Mác với chủ nghĩa dân tộc đã tạo ra sự biến tướng rất đặc thù mà các các nước Đông Âu cũ trước đây hoàn toàn không có do thiếu vắng các tác động lịch sử. Có thể nói rằng chủ nghĩa dân tộc ở Đông Nam Á là sự chồng chéo hoặc thay thế của các chế độ chính trị thuộc địa với nền văn hóa bản địa – vốn dĩ đã được hun đúc qua nhiều thế kỉ bởi di sản tôn giáo, văn học văn hóa quan liêu phong kiến của nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc. Nó dẫn tới một thực tế rằng chủ nghĩa Cộng sản hoặc Chủ nghĩa Xã hội nơi đây trở thành một loại công cụ thức thời để người dân tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa dân tộc theo một cảm thức riêng biệt.

Điều này theo một cách hiểu nào đó trở nên khá gần gũi với sự trỗi dậy của các Đảng công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức (Được biết tới là Đảng Quốc Xã – lãnh đạo chế độ Phát Xít ở phương Tây). Nó làm cho phần lớn các quốc gia ở Đông Nam Á rơi vào tình trạng khủng hoảng về ý thức hệ kéo dài suốt một thế kỉ và dẫn tới việc họ theo đuổi các trào lưu tư tưởng của người phương Tây khi mà phần lớn trong số họ còn chưa thực sự hiểu điều đó có nghĩa là gì.

Miến Điện là một tình huống cực đoan hóa của nền móng Chủ Nghĩa Xã hội nơi mà quyền lực quân sự và kinh tế hoàn toàn nằm trong tay quân đội. Sự nổi lên của Đảng Cương lĩnh Chủ nghĩa Xã hội Miến Điện, về mặt ý nghĩa nó rất “Chủ nghĩa Xã hội” khi nó khuyến khích người dân đánh đổi sự tự do về tư tưởng để đổi lấy sự yên ổn về cấu trúc chính trị – điều mà trên thực tế là nó đã không thể đảm bảo được như đã hứa hẹn. Cuối cùng nó đi vào vết xe đổ giống nhiều nước Đông Âu, Miến Điện trở thành quốc gia có nội chiến kéo dài nhất trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Một dấu ấn để đời của Đảng Cương Lĩnh XHCN Miến Điện là khi sư đoàn bộ binh 22, 33, 44 chống bạo loạn đã nã đạn trực tiếp vào đoàn người biểu tình tại sự kiện gây chấn động truyền thông thế giới – được gọi là cuộc biểu tình 8888 (diễn ra vào ngày 8-8-1988). Một năm sau, điều tương tự diễn ra tại Thiên An Môn ngày 4-6-1989 khi các sư đoàn thiết giáp được điều động từ các tỉnh biên giới vào đàn áp phong trào dân chủ tại thủ đô Bắc Kinh dẫn tới cái chết của hàng triệu người. Điều gây bất ngờ là sự kiện 8888 diễn ra trước cả Thiên An Môn – với thực tế mà ngày nay ta đều phải nhìn nhận rằng các nước Đông Nam Á chỉ có khả năng lặp lại những gì TQ đã từng làm (Như đại diệt chủng của Đảng Cộng Sản khơ me Đỏ Campuchia hay cải cách công thương nghiệp của ĐCS Việt Nam – đều có hơi hướng phỏng theo “Đại nhảy vọt” của TQ).

Không khó để hình dung rằng, những gì mà nhà nước quân phiệt Miến Điện đang làm sẽ được hiểu là các hoạt động của nhà Độc tài. Liên Hợp Quốc thậm chí có thể gán cho nó các dấu hiệu cấu thành diệt chủng hoặc “tội ác chống lại nhân loại”. Không có gì bất ngờ cả. Thế nhưng nó cũng phần nào cho thấy sự biến tướng của chủ nghĩa Mác tại các nước gặp khủng hoảng ý thức hệ xã hội là rất khủng khiếp.

Nó cho thấy rằng học thuyết Mác gần như không thể làm việc được tại các quốc gia mà người dân ở đó còn chưa hiểu nổi ý thức hệ của chính mình. Khi ấy, các nhà cầm quyền quân sự có xu hướng lợi dụng nó để làm mất cân bằng cơ cấu kiểm soát và giám sát quyền lực. Nó đúng như những gì mà Hitler đã từng nói với Otto Braun trong một kì đại hội Đảng công nhân Xã hội chủ nghĩa Đức. Khi ấy ông ta chất vấn Otto Braun rằng “Đồng chí có thể trao quyền lực vào tay công nhân hay không khi tất cả những gì họ quan tâm chỉ là bánh mì và những gánh tạp kĩ và tôi cho rằng không ai trong số họ tự ý thức được hệ tư tưởng của mình”. Điều oái oăm là Hitler đã xây dựng nên chế độ của ông ấy dựa trên chính điều mà ông từng phản bác, cùng với gia vị là chủ nghĩa dân tộc.

Chính vì thế, chủ nghĩa Mác ở Miến sẽ khác với chủ nghĩa Mác ở VN hay Lào hay vùng Baltic… mặc dù vậy nó nên được xếp vào anh chị em họ với chủ nghĩa Mác của Trung Quốc hay nói thẳng ra thì chủ nghĩa Mác của Đông Nam Á cần được nhìn nhận rằng nó đã là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc và cuối cùng chúng ta sẽ thấy lý thuyết của Mác dần bị mơ hồ hóa trở thành một dạng học thuyết linh hoạt, mềm dẻo và gian giảo theo lối Trung Hoa như những gì mà họ đã tiến hành đồng hóa gần như mọi học thuyết xã hội từ mọi nơi thành cái thứ của riêng họ.

Là một người dành thời gian đọc về Mác, cá nhân tôi thất vọng trước hiện thực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.