Dân tộc dân chủ: Lời nguyền cho Aung San Suu Kyi, bài học cho Việt Nam
Bùi Công Trực
4-2-2021
Myanmar không chỉ là một câu chuyện trên báo, mà là một tấm gương để Việt Nam soi chiếu mình.
Aung San Suu Kyi từng là người hùng của rất nhiều người, trong đó có tôi. Một người phụ nữ quyết đoán, có niềm tin mạnh mẽ vào dân chủ và nền cộng hòa, đấu tranh và hy sinh trong hơn một thập niên, bà là một hình tượng hoàn hảo của dân quyền và nữ quyền. Tuy nhiên, kể từ khi chính đảng của bà – National League for Democracy – chiến thắng trong cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên của Myanmar vào năm 2015, các thảo luận bắt đầu thay đổi.
Myanmar đã mở cửa đất nước và từng bước thực hành cải cách kinh tế tốt hơn, song nó cũng đối mặt với những cáo buộc diệt chủng và tội ác chống lại loài người, đặc biệt với các chiến dịch quân sự đẩy người Rohingya ra khỏi đất nước này từ năm 2016 đến hết năm 2017.
Không chỉ im lặng về những tội ác của quân đội Myanmar, bà Suu Kyi thậm chí còn khá thụ động trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí khi các tờ báo trong nước lên tiếng phản biện quan điểm của nhà nước lẫn quân đội.
Aung San Suu Kyi bị coi là nỗi thất vọng của những người yêu dân chủ ở Myanmar khi im lặng trước vấn đề diệt chủng người Rohingya. Ảnh: The Independent.
Bài viết này không nhằm bao biện cho thanh danh của Aung San Suu Kyi, vốn đã bị vấy bẩn trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tác giả mong muốn phân tích những khó khăn nền tảng mà bản thân con đường và tư duy chính trị dân chủ mang đến cho bà.
Lời nguyền địa chính trị: Trở ngại của Myanmar không chỉ là chính quyền quân quản
Những người ủng hộ quá trình dân chủ hóa tại Myanmar thường cho rằng chính quyền quân quản là nhân tố duy nhất đẩy lùi quá trình này. Đó là một nhận định hoàn toàn sai.
Myanmar từng là thuộc địa của Anh. Cách thực dân Anh quản lý Ấn Độ nhiều thập niên trước đó đã dẫn đến các xung đột đẫm máu giữa hai cộng đồng Hindu giáo và Hồi giáo, ngày nay thuộc Ấn Độ và Pakistan. Theo một cách thức tương tự, người Anh cũng khá tùy tiện trong việc hình thành và duy trì các đường biên giới và đơn vị hành chính tại Burma (tên gọi trước đây của Myanmar).
Kể từ khi được Vương quốc Anh trao trả độc lập vào năm 1948, Myanmar chưa bao giờ chấm dứt tình trạng nội chiến. Trong khung biên giới gọi là Myanmar, chúng ta có hơn chục nhóm sắc tộc lớn nhỏ khác nhau với các tham vọng chính trị khác nhau.
Một nhóm tín đồ Phật giáo phản đối người Rohingya tại Myanmar. Ảnh: ISSSP.
Theo nghiên cứu Ethnicity And Insurgency In Myanmar của giáo sư người Ấn Sourabh Jyoti Sharma, một trong những chuyên gia hàng đầu về an ninh chính trị Nam Á và Đông Nam Á, có đến… 17 tổ chức quân sự tuyên bố rằng mình đại diện cho quyền lợi của các nhóm sắc tộc thiểu số, bên cạnh đa số người gốc Bamar theo Phật giáo chiếm khoảng trên dưới 70% tổng dân số quốc gia. Hầu hết thống kê khoa học xã hội khác cũng đồng thuận với con số này.
Độc giả không đọc nhầm, trong biên giới của một quốc gia có chủ quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận, có đến 17 tổ chức quân sự đang hoạt động công khai.
Trong đó, chúng ta có thể kể đến United Wa State Army (UWSA), nhánh quân sự của tộc người Wa (có nguồn gốc là phong trào bạo lực cộng sản), sinh sống chủ yếu tại Đông Bắc Myanmar, gần biên giới với Trung Quốc và Thái Lan.
Sắc dân này cũng sinh sống tại tỉnh Vân Nam thuộc Trung Quốc.
Sắc tộc Wa hiện có hơn 800.000 người. Họ có 40.000 quân được Trung Quốc hậu thuẫn, đồng thời trực tiếp sản xuất và buôn bán ma túy. Wa là sắc tộc được công nhận tại Myanmar, nhưng cũng là lực lượng đòi tự trị có thế lực nhất tại nước này.
Binh lính thuộc UWSA diễu hành tại Panghsang, bang Shan. Ảnh: Myanmar Times.
Kachin Independence Army (KIA) là lực lượng quân sự độc lập có thế lực lớn thứ hai tại Myanmar. Họ đang kiểm soát hoàn toàn (effective control) tỉnh Kachin, ngoại trừ một số thành phố lớn và hệ thống đường sắt. KIA có khoảng 10.000 quân thường trực và 10.000 quân dự bị. Đây cũng là một nhóm quân sự có móc nối lợi ích với Trung Quốc.
Hay cũng có thể kể đến Karen National Union (KNU), nhóm quân sự nổi dậy lâu đời nhất thuộc Burma, thành lập vào năm 1949. Nhóm này tự nhận mình là một tổ chức dân chủ, đấu tranh vì quyền lợi của người dân Karen nói chung và các nhóm thiểu số thuộc Thiên Chúa giáo, với lực lượng quân sự khoảng 14.000 quân.
Và đó mới chỉ là ba nhóm quân sự của các sắc dân được công nhận mà thôi.
Hầu hết những nhóm nói trên, dù không đòi ly khai, đều đưa ra yêu sách tự trị tuyệt đối, từ chối các yêu cầu giải giới quân đội riêng cũng như không muốn tham gia vào các cải cách dân chủ của chính quyền trung ương.
Nhìn nhận thực tế này, chúng ta sẽ thấy, dù Aung San Suu Kyi có thể là tượng đài dân chủ của sắc dân Barma chiếm đa số tại Myanmar, nhưng bà chỉ là một kẻ “ngoại tộc” trong mắt của những sắc dân khác tại quốc gia này.
Ảnh của bà Suu Kyi cùng ba lãnh đạo quân sự trên đường phố ở Hpa-an, Myanmar. Ảnh: AFP/ Getty Images.
Ngay cả khi bà Aung San Suu Kyi dàn xếp ổn thỏa và xây dựng thành công một chính thể cộng hòa dân sự mới tại Myanmar, câu hỏi đặt ra là chính quyền này có bất kỳ giá trị nào đối với các sắc dân thiểu số và các phe phái quân sự vốn vẫn tồn tại và chi phối địa chính trị Myanmar hay không?
Điều này có thể có ảnh hưởng quan trọng đến con đường xây dựng dân chủ mà Aung San Suu Kyi lựa chọn.
Lời nguyền dân tộc dân chủ
Dân tộc dân chủ (democratic nationalism) là tư tưởng nền tảng cho hầu hết mô hình đấu tranh đòi độc lập chính trị và dân chủ trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay.
Hiểu đơn giản, động lực chính của quá trình dân chủ hóa tại các quốc gia này, dù theo con đường hòa bình hay bạo lực, là một cộng đồng dân cư có cùng một số đặc điểm về nhân khẩu (như sắc tộc, tiếng nói, tôn giáo…), cùng lịch sử phát triển và vận động văn hóa, cùng với đó là một kỳ vọng về tương lai chính trị như nhau. Những đặc trưng đó chính là cách hiểu về dân tộc.
Như vậy, dân tộc dân chủ hướng đến việc xây dựng một nền cộng hòa đại chúng, lấy quần chúng làm trung tâm. Nhưng nhóm quần chúng đó lại phải là một tập thể sắc dân thống nhất mà không có những khác biệt đáng kể.
Hãy nhớ rằng, trong hầu hết các phong trào cách mạng, phong trào dân chủ từ xưa đến nay, sắc tộc và văn hóa dân tộc luôn là nền tảng hậu thuẫn trọng yếu. Ta có thể thấy điều đó từ Cách mạng Hoa Kỳ, Cách mạng Pháp cho đến các cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa. Nó cũng xuất hiện trong cuộc cách mạng ly khai của các nền cộng hòa thuộc Liên Xô, vốn chỉ vừa kết thúc vào đầu những năm 2000.
Một bức họa nổi tiếng về cuộc Cách mạng Pháp 1789. Văn hóa dân tộc cũng là động lực của cuộc cách mạng này. Ảnh: mysticpolitics.com
Thành quả của những phong trào nói trên thường được các nhà khoa học chính trị gọi là những nền dân chủ đơn sắc tộc (ethnic democracy), nơi mà danh tính, văn hóa, thực hành kinh tế và chính trị của một sắc tộc duy nhất trở thành danh tính, văn hóa, thực hành kinh tế và chính trị của toàn bộ quốc gia. Theo đó, một sắc dân chiếm đa số nắm toàn quyền kiểm soát nhà nước và toàn bộ các mặt chính trị – kinh tế – tư tưởng.
Hãy khoan vội phán xét con đường của bà Suu Kyi.
Cho đến hiện nay, người viết cho rằng chỉ có Hoa Kỳ, Pháp và Vương quốc Anh, ba kẻ “đại thực dân” xưa cũ với dân số di dân đa dạng mới có thể được xem xét danh hiệu “dân chủ đa sắc tộc” (multicultural democracy).
Còn lại tất cả các quốc gia khác, dù có nền dân chủ mạnh hay yếu, đều phải dựa vào “mạch máu” dân tộc.
Kể cả các nước Bắc Âu, Đan Mạch hay Thụy Sĩ… nền dân chủ của họ đạt đến mức độ thượng thừa chủ yếu dựa vào sự đồng nhất văn hóa và sắc tộc cực cao.
Ví dụ, Na Uy có đến 83,2% là người da trắng Norwegian, 8,3% da trắng gốc Âu và chỉ khoảng 8,3% bé nhỏ còn lại là các chủng tộc khác.
Na Uy có sự đồng nhất văn hóa và sắc tộc rất cao. Đó được xem là cơ sở cho sự ổn định của nền dân chủ của nước này. Đồ họa: Britannica.
Tỷ lệ đồng nhất sắc tộc này cao hơn hẳn nếu so với Hoa Kỳ. Tại Mỹ, người da trắng dù vẫn được xem là đông đảo nhất, nhưng tập hợp tất cả sắc dân da trắng (bao gồm cả gốc Anh, Ireland, Pháp, Đức, Ý… ) chỉ chiếm vỏn vẹn 60%. Phần còn lại, gần 20% là người Hispanic và gần 15% là người da đen.
Theo khá nhiều triết gia chính trị tên tuổi, kể cả John Stuart Mill, mức độ đồng nhất dân tộc là một chỉ số cực kỳ quan trọng để xác định khả năng thành công của các thể chế dân chủ tại một quốc gia. Hiển nhiên, những nhận định này đúng hay sai có lẽ cần nhiều hơn là một bài viết để phân trần. Song có một sự thật là chính trị Na Uy luôn ổn định hơn chính trị Hoa Kỳ. Vai trò của dân tộc trong nền tảng chính trị quốc gia là không thể phủ nhận.
***
Sự tồn tại của quốc gia có tên gọi Việt Nam không nằm ngoài quy luật của các phong trào dân tộc. Dù trang bị cho mình đầy đủ các quy định pháp luật cấp tiến nhất, không ai có thể phủ nhận rằng Việt Nam là một quốc gia do người Kinh vận hành, vì người Kinh trước tiên, quảng bá văn hóa Kinh và tuân thủ theo mô hình kinh tế mà người Kinh lựa chọn.
Vẻ thống nhất đoàn kết dân tộc mà Việt Nam trưng bày ra ngày nay là thành quả của hàng thập niên kìm nén, khống chế các phong trào của các dân tộc khác, như người Thượng, người Mèo, hay người Khmer. Những phong trào ấy đến nay vẫn còn âm ỉ.
Myanmar không phải chỉ là một câu chuyện trên báo. Myanmar là một tấm gương, một bài học để các dân tộc Việt Nam phải ngồi lại xem xét, cân nhắc để có thể hướng tới xây dựng thành công một nền dân chủ non trẻ, đa sắc tộc.
Nếu một mai, những kìm nén của Đảng Cộng sản bị tháo gỡ, và các yêu sách dân tộc trỗi dậy khắp dải đất hình chữ S, một chính quyền dân chủ thật sự cần phải làm gì? Đó là một câu hỏi vô cùng khó trả lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.