Dân chủ tập trung
31-1-2021
Nhiều người thắc mắc không rõ thế nào là dân chủ tập trung. Thì đợt đại hội đảng vừa qua chính là ví dụ kinh điển nhất về dân chủ tập trung.
Dân chủ tập trung tức là dân chủ cho một nhóm người, đại khái là “con vật nào cũng bình đẳng, nhưng có một số con được bình đẳng hơn”. Nền dân chủ theo chuẩn mực phương Tây, kể cả dân chủ đại diện hay trực tiếp, là phải từ dưới lên. Tức là lãnh đạo đảng được bầu bởi các đảng viên sau quá trình tự vận động tranh cử công khai. Ứng viên của đảng sẽ được đảng đề cử cho dân bầu trực tiếp hay gián tiếp, tuỳ mỗi nước.
Còn với thể chế cộng sản thì nhóm chóp bu của mỗi cấp uỷ sẽ tự lựa chọn lãnh đạo cho khoá sau, trong đó tiếng nói của bí thư là cao hơn cả, danh sách được cấp trên lựa chọn này sẽ được đưa ra đại hội để các đại biểu bỏ phiếu.
Về lý thuyết thì cũng bỏ phiếu như Tây, nhưng thực tế thì rất hiếm khi lựa chọn của nhóm chóp bu bị đại hội phủ nhận. Sự lệch pha, nếu có, thường chỉ ở các vị trí không mấy quan trọng. Ví dụ như ông Nhạ, ông Vinh vừa rồi, Trung ương cho anh em đại biểu thoải mái bất tín nhiệm, dân chủ nhé! Hình như vừa rồi chỉ có mỗi hai đồng chí bị loại bởi lá phiếu tại Đại hội, trong số 200 Ủy viên Trung ương được bầu, chiếm tỷ lệ 1%!
180 đồng chí trung uỷ chính thức sẽ bầu ra các Ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban bí thư, quy trình y chang như vậy. Tức là BCT khoá hiện tại sẽ lên danh sách các ứng viên khoá sau để cho anh em trung uỷ mới bỏ phiếu.
Kết quả cũng như vậy, gần như khớp hoàn toàn với tin đồn, chắc cũng do các đồng chí chủ đồng tung tin ra ngoài thôi chứ bố thằng KOL nào tự nhiên đoán trúng được danh sách 19 người. Hình như kết quả thực tế chỉ lệch có một đồng chí so với tin đồn, không được vào BCT, là chuyên gia quay bài ngày xưa! Nên khoá này mới có 18 đồng chí. Một đồng chí lệch pha chiếm tỷ lệ khoảng 5%, thế là dân chủ lắm rồi.
Kết quả khớp có nghĩa là các trung uỷ có tính kỷ luật cao, hoàn toàn đồng thuận với lựa chọn của BCT khoá trước! Hay nói cách khác là các anh em mang tiếng đi Đại hội đảng cho nó oai, chứ lá phiếu hầu như không có ý nghĩa gì. Đấy là chưa kể việc kiểm phiếu cũng do lãnh đạo cấp uỷ kiểm soát.
Đợt bầu cử vừa qua gần như khớp hoàn toàn với sự sắp đặt của Bộ Chính trị khoá 12, không có đột biến gì đáng kể, cũng không ngoài dự đoán của mình. Bởi vì với lý do Covid, toàn bộ các đại biểu đã được sắp xếp chỗ ăn ở tập trung, kể cả đoàn HN. Điều đó sẽ khiến cho các đoàn hầu như không có cơ hội giao lưu, bàn tán, vận động hành lang, tìm cơ hội lật kèo bằng lá phiếu mà trên lý thuyết là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực ra trên lý thuyết là các đại biểu hoàn toàn được quyền tự do bỏ phiếu. Cũng giống đại cử tri bên Mỹ cũng được tự do bỏ phiếu chứ ít bang bắt buộc phải bỏ phiếu cho đảng thắng cử ở bang đó. Nhưng thực tế lật kèo là rất hiếm khi xảy ra. Ở Mỹ là do tiền lệ bất thành văn (có bang thành văn), còn ở VN mà bỏ phiếu lệch chỉ đạo là khá rủi ro, nếu bị phát hiện. Bởi có đại biểu nào dám chắc là lá phiếu của mình có bị cấp trên giám sát hay không? Do bộ phận kiểm phiếu không phải độc lập.
Khoá 11 đã có trường hợp đồng chí X đã lật được kèo khi TBT chấp nhận cho các trung uỷ bỏ phiếu về việc kỷ luật đồng chí X, trong khi BCT đã xác định là sẽ kỷ luật. Đối với đảng, đó là một sự suy thoái, nền dân chủ tập trung đã bị lung lay, có triệu chứng thành dân chủ đại trà kiểu tư bản giãy chết. TBT Nguyễn Phú Trọng đã phải rớt nước mắt khi nói về “một trường hợp” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là “đồng chí X”! Không ai dám nói thẳng tên.
Từ kinh nghiệm đó, Tổng Bí thư đã siết chặt dân chủ tập trung, để chuyện lật kèo không thể xảy ra tại Đại hội 12. Nhưng thực tế ĐH 12 cũng diễn ra vô cùng kịch tính đến phút cuối, vì người ta hy vọng vẫn có lật kèo khi các trung uỷ bỏ phiếu xem đồng chí X có nghỉ hay không.
Đại hội này chẳng thấy có tiếng nói trái chiều bóc phốt kiểu ‘Chân dung quyền lực’, nên trước đây mấy tháng mình đã dự là, sẽ chẳng có gì vui và hồi hộp như lần trước đâu. Đến hôm nay là quả thực như vậy, rất chán, mọi thứ đúng như tin đồn (thực ra là cố tình rò rỉ).
Kết quả bầu cử hôm nay và ngày mai trên lý thuyết mới chỉ để xác định các vị trí trong đảng. Còn các chức danh trong chính quyền (các bộ…) hay các cánh tay nối dài của đảng, thì vẫn phải thông qua các cuộc bầu cử khác, như bầu Quốc hội. Nhưng thực tế thì mâm bát cũng đã sẵn sàng rồi. Anh nào thủ tướng, bộ trưởng, thậm chỉ cả chủ tịch Quốc hội đã được xác định bởi hội nghị Trung ương 15 vừa rồi.
Bầu Quốc hội sẽ là một màn trình diễn khổng lồ nhất khi nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử hộ nhau để chọn lấy vị đại biểu mà mình chẳng biết là ai! Sau đó đại biểu Quốc bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội (là một dạng BCT của Quốc hội) rồi mới bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, phê duyệt các Bộ trưởng…
Nói tóm lại, 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư, mới được bầu sẽ là những người nắm quyền sinh sát, vận mệnh quốc gia, đường lối phát triển. Ở các tỉnh thì có các vị trong thường vụ tỉnh uỷ (cũng tương tự BCT cấp tỉnh) đứng đầu bởi bí thư, nắm quyền sinh sát ở tỉnh. Việc bầu bán ở các kỳ đại hội hay HĐND, Quốc hội chỉ là để cấp uỷ xem có cấp dưới nào có mầm mống suy thoái tư tưởng hay không.
Dân chủ là phải tập trung như vậy, dân chủ mà đại trà là dân chủ của bọn phản động. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có câu “…trúng cử với số phiếu rất tập trung” chứ không nói là “số phiếu rất cao”! Đỉnh cao nhất của dân chủ tập trung là bỏ phiếu bằng cách giơ thẻ đảng. Bố đồng chí nào dám cưỡng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.