Lực đẩy hay sức hút?
30-10-2019
Việc người Việt Nam chết trên đường bỏ nước ra đi có lẽ sẽ còn tiếp tục, dù đất nước đã hòa bình hơn 44 năm. Nếu ai đó gọi Việt Nam là một dân tộc tỵ nạn thì không chỉ vì khái niệm “Thuyền Nhân” (Boat peoples) xuất phát từ thảm cảnh người Việt chết trên Biển Đông, mà vì chúng ta khác hẳn các dân tộc khác ở chỗ: Họ chạy trốn chiến tranh, còn mình trốn hòa bình. Dù là dưới các mỹ từ “Hợp tác lao động”, “Thẻ xanh”, Visa EB3, EB5 hay từ miệt thị “Gái bán hoa”, thì tất cả đều là bỏ quê hương đi kiếm ăn.
Nhờ có Internet mà công luận mới biết về cái chết trong xe lạnh của 39 người ở Anh, về tai nạn của cháu bé ở trường Gate Way hay cái chết của một vị thứ trưởng từ tầng 8. Tôi không dám nhắc đến tên ai, chỉ mong họ được thanh thản ở bên kia thế giới.
40 mươi năm trước, không ai được thông tin về hơn nửa triệu đồng bào chết đuối, chết khát, chết vì bị cướp biển giết, bị hãm hiếp trên biển Đông. Không báo nào dám đưa tin. Nhiều đồng bào của chúng ta đã phải ăn thịt người chết trên những con thuyền gỗ tơi tả để cầm hơi sống sót. Nhiều người đã phát điên khi được cứu sống.
Nhờ có mạng xã hội mà hôm nay báo chí Việt Nam không cần phải bịt tin về những cái chết nữa. Họ chỉ cần chờ vài ngày để áp xuất của mạng xã hội phá tung cái van của các nhà quản lý. Sau hai, ba ngày im lặng, báo nhà nước sẽ tìm cách vượt các tin ngoài luồng bằng cách đua nhau giật các title, đưa mọi chi tiết về các vụ án để tăng lượng views.
Mở van là cách duy nhất để nhà nước chứng tỏ sự cởi mở của mình trước những cái chết của người dân? Quốc tang, điện chia buồn, một ngọn nến của nguyên thủ quốc gia chưa bao giờ dành cho dân thường, dù là hàng trăm người thiệt mạng do thiên tai, thảm họa.
Nhưng cũng nhờ mạng xã hội mà tâm can người Việt được phơi bày rõ hơn. Trong khi những người dưng ở Châu Âu bày tỏ sự thương xót với những nạn nhân quá cố thì người Việt đang lên án nhau về thái độ đối với các nạn nhân, thậm chí phê phán gia đình nạn nhân. Hạt giống thù hận gieo rắc trong xã hội đã kết thành trái độc. Nhiều đồng bào quên mất rằng: Đau khổ không phân biệt người Bắc, Trung hay Nam, không phân biệt màu da bò mà ta gán cho nhau. Chỉ lòng người bị nhiễm hận thù mới phân biệt xác chết theo màu đỏ, đen hay vàng.
Nhà tôi ở Đức đã có lúc bị bạn bè coi là “Trại tỵ nạn”, vì luôn có người ghé qua nhờ vả về giấy tờ, về các thủ tục để tạm trú trên con đường đi kiếm ăn tha phương. Tiếp xúc với họ, tôi cũng hiểu nhiều mánh lới khiến tôi sợ hãi: Từ chuyện cưới giả, chú lấy cháu, anh cưới em, đến các loại giấy tờ giả, chứng cứ giả. Dù không ủng hộ cách làm, tôi luôn tìm cách hiểu lý do ra đi của họ.
Tôi thì đã ngấm đòn từ suốt 28 năm qua: Bỏ quê hương ra đi luôn là một quyết định đau đớn của mỗi con người. Trước khi đi Đức lập nghiệp năm 1991, tôi đã từng sống ở cả hai nước Đức. Tôi không bị ai lừa bịp về một tương lai rực rỡ xứ người. Tôi chỉ muốn thoát khỏi cảnh tù túng và những cái mặt nạ mà tôi phải đeo hàng ngày.
Tại Hội nghị Geneve 1979 về người tỵ nạn Đông Dương, chính phủ Việt Nam đã lên án các thế lực phản động quốc tế tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo người Việt Nam ra đi. Trong số hơn hai triệu người ra đi ngày đó, tôi tin là có những người chỉ vì lý do kinh tế, chứ không chỉ là những người Việt thua trận bị đàn áp, bạc đãi hay người gốc Hoa bị xua đuổi.
Vào những năm tháng của bức màn thép đó, không một mẩu tin của Phương tây lọt vào Việt nam. Nếu có lọt vào thì không một kẻ ham chơi ngông cuồng nào chỉ vì các buổi disco, mấy bộ quần áo đẹp hay chiếc xe ô-tô mà dám leo lên chiếc thuyền gỗ để vượt biển. Cái sức ép kinh tế ngày đó chắc phải kinh khủng.
30 năm sau, vẫn có người tin rằng nguyên nhân chính của “Tỵ nạn hòa bình” là do bọn lừa bịp, buôn người. Vậy tại sao người Thái, người Mã Lai, người Philippines, những hàng xóm cùng đẳng cấp như chúng ta lại không bị lừa, để rồi dồn toàn bộ của cải, liều chết ra đi?
Nguyên nhân chính phải thừa nhận là: Gần 45 năm hòa bình đã không giúp Việt Nam trở thành một xã hội ấm no. Ấm no không thể hiên qua GDP, mà qua các chỉ số xã hội lành mạnh. Do vậy dù GDP đầu người đã tăng hơn 10 lần so với 1975, Việt nam vẫn chỉ là nước xếp thứ 115 về chỉ số phát triển con người HDI [1], đứng sau cả Palestina đang bị Do-Thái chiếm đóng. Cu Ba nghèo xơ xác còn đứng trên Việt Nam gần 40 bậc.
Xếp hạng HDI cho thấy Việt Nam là một xã hội không công bằng.
Thảm họa môi trường liên tục xảy ra đã cướp đi không gian sống của hàng triệu người Việt.
Nếu nhìn vào bản đồ Tự do báo chí 2019, Việt nam màu đen kịt.[2]
Nghèo đói, môi trường bị tàn phá, cơ hội làm ăn mờ mịt, bất công, tham nhũng, thiếu tự do, không minh bạch… Đó là những lực đẩy khổng lồ, đẩy người Việt, giàu cũng như ngèo bỏ nước ra đi. Chứ không phải sức hút của những lời lừa bịp.
Hãy tỉnh táo và lương thiện.
—–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.