Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Không để xảy ra tình trạng “nước tới chân mới nhảy” ở biển Đông

Không để xảy ra tình trạng “nước tới chân mới nhảy” ở biển Đông

30-10-2019
Trở lại vấn đề Biển Đông, VN không thể cứ “chờ nước đến chân mới nhảy”. Lãnh đạo VN thường khoe khoang tài năng với câu nói “giữ nước từ xa”. Nhưng thực tế “nói vậy chớ không phải vậy”.
Thời nay đâu phải giữ nước như thời trước 1975 bằng cây AK47 với cục “lương khô” sản xuất từ TQ, hay với những chiếc T54, giàn hỏa tiễn SAM… sản xuất từ Liên Xô và do chuyên gia LX hướng dẫn kỹ thuật…
Thời nay việc “giữ nước” bao trùm trên nhiều phương diện.
Ta mới nghe nói tới thuật từ “chủ quyền không gian mạng”. Tức lãnh vực “không gian mạng” cũng (có thể trở thành) một “đối tượng”, tương tự như “lãnh thổ”, mà một quốc gia có thể “chiếm hữu”, “tuyên bố chủ quyền”, “quản lý”, “khai thác kinh tế lẫn quân sự”… Xâm phạm đến “chủ quyền không gian mạng” của một quốc gia từ nay có thể sẽ qui vào tội “xâm phạm chủ quyền” của quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra là cán bộ nhà nước VN có hiểu thế nào là “chủ quyền” để có thể “bảo vệ hữu hiệu” chủ quyền?
Theo tôi là không (mấy) người hiểu.
Vụ bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện trên phim ảnh quốc tế, trên hệ thống GPS xe cộ, trên các quả địa cầu nhựa có nguồn gốc TQ v.v… Những thứ này tràn lan khắp các nước trên thế giới, ngay cả VN.
Hôm qua đọc bài báo thấy đại khái phía hải quan VN lúng túng không biết phải “xử trí” ra sao. Những chiếc xe (nhập tạm) vào VN để chờ tái xuất lại có hình “bản đồ lưỡi bò” trong hệ thống GPS. Hôm trước thì có vụ phim Abominable “lọt” vòng kiểm duyệt của VN, được trình chiếu ở các rạp xi nê.
Theo tôi, thái độ của VN trong các vụ này rõ ràng là “thấy ghẻ mọc đâu bôi thuốc đó” mà không tìm hiểu đâu là “nguồn” để chữa tận gốc. Vụ chiếc xe hay bộ phim thì quá dễ. Phạm luật VN thì phải xử theo luật của VN.
Bà con nhớ lại vụ thanh niên gốc VN có tên Nguyễn Thanh Vân, quốc tịch Úc, đi buôn bạch phiến bị hải quan Singapore bắt trong lúc “quá cảnh” qua xứ này. Anh thanh niên này bị tòa án Singapore kết án “tử hình”. Vụ này chính phủ Úc can thiệp, dân chúng vận động ghê gớm lắm. Rốt cục Singaporer vẫn xử tử anh Vân.
Vụ chiếc xe nhập vào VN, phạm luật VN, chiếc xe này có thể bị tịch thu và chủ phải đóng phạt nặng. Vụ cuốn phim cũng vậy.
VN lâu nay không dám kiện TQ vì sợ. Theo tôi, VN có thể nhân vụ này kiện các chủ hãng xe, chủ hãng phim, hay tất cả những nhà sách có bán bản đồ “lưỡi bò”. Bản đồ “hình lưỡi bò” không chỉ đơn thuần “phạm luật” VN mà còn phạm luật quốc tế.
Nhiều người VN (hiểu lầm) rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) 12-7-2016 chỉ có hiệu lực giữa TQ với Phi. Tôi đã nói nhiều lần là không đúng. Phiên tòa được mở ra nhằm mục đích “giải thích và cách áp dụng Luật Biển (UNCLOS)”.
Khi quốc tế nhìn nhận rằng Luật Biển 1982 (UNCLOS) là một bộ “hiến pháp của đại dương”. Vì vậy mỗi phiên tòa được mở theo nội dung của UNCLOS, nếu nhằm mục đích “giải thích luật và hướng dẫn cách áp dụng luật”, thì nội dung phán quyết “cũng là luật”.
VN nhân vụ này “đập” thật mạnh lên công ty sản xuất phim và chủ hãng xe, bằng cách kiện họ ra Trọng tài quốc tế. VN có thể đi bước tiếp theo là kiện các xí nghiệp làm bản đồ TQ vì phổ biến bản đồ “lưỡi bò” vì trái luật quốc tế (nếu VN sợ không dám kiện TQ).
Nếu giữ nước “xa” hơn chút nữa, nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới, VN đề nghị các nước trong khối từ nay ký nhận hiến chương (statut) của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan pháp lý trực thuộc LHQ, là có quan có thẩm quyền phân xử những tranh chấp cho mọi thành viên của khối. Tiền lệ là Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ có ký chung hiệp định Bogota, theo đó các nước nhìn nhận Tòa Công lý Quốc tế là cơ quan có thẩm quyền phân xử mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Mục đích việc này là nhằm bảo vệ khối ASEAN trước sự xâm lấn hung hăng của TQ, khi họ có các yêu sách áp chế các nước trong Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong khối ESEAN chỉ có VN, Lào (và Brunei?) là các quốc gia chưa sử dụng phương tiện pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp. Các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Singapore, Mã Lai, Indonesia đều đã ký nhận hiến chương ICJ. Miến Điện, Philippines… đã sử dụng bộ Luật quốc tế về biển (UNCLOS) để giải quyết những tranh chấp, hay để hạn chế những yêu sách lớn lao của TQ.
Vì vậy, khó khăn của việc này là đến từ nội bộ của VN chứ không phải do khối ASEAN. Giữ nước từ xa cũng tựu ở chỗ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.