Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Việt Nam là mục tiêu quân đội Trung Quốc chọn để khởi động cuộc chiến

Việt Nam là mục tiêu quân đội Trung Quốc chọn để khởi động cuộc chiến

Tác giả: Derek Grossman
Dịch giả: Châu Minh Dũng
14-5-2019
Đến một lúc nào đó, quân đội Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng mới của họ – và Việt Nam có thể là đối thủ thích hợp.
Giữa tháng 4, Trung Quốc thực hiện một loạt các chuyến bay quân sự qua Eo biển Ba Sĩ và Eo biển Miyako, hai khu vực lần lượt ở vùng cực nam và cực bắc Đài Loan. Như trường hợp tương tự xảy ra nhiều lần trong quá khứ, các hoạt động quân sự mới này rõ ràng là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh quyết tâm dùng vũ lực chống lại hòn đảo này, cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận của nó, nếu cần thiết. Nhưng vẫn còn một lý do khác, ít được thảo luận hơn cho các cuộc tập trận này. Các chuyến đi lặp đi lặp lại qua Eo biển Ba Sĩ và Eo biển Miyako mang đến cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cơ hội huấn luyện trên các chiến trường tiềm năng trong tương lai.
Thật vậy, thực hành giúp hoàn hảo hơn. Và điều này đặc biệt đúng đối với các hoạt động đằng sau của PLA. Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi PLA “chuyển mình hoàn toàn để trở thành một lực lượng ở tầm quốc tế” vào năm 2050. Rõ ràng ông Tập ám chỉ mục tiêu đưa quân đội nước này đạt đến tình trạng sánh ngang với quân lực Hoa Kỳ, “lực lượng ở tầm quốc tế” sẽ không khả thi nếu không có sự huấn luyện trên thực tế. Theo một phân tích gần đây của ông Dennis Blasko, một nhà quan sát PLA trong nhiều năm, PLA thường bị chỉ trích nặng nề trong nội bộ về khả năng chiến đấu, thậm chí đôi khi bị chỉ trích công khai. Những thiếu sót này đã thúc đẩy ông Tập ra lệnh cho PLA trong năm nay phải thực hiện các kịch bản huấn luyện chiến đấu thực tế ở cường độ cao.
Yếu tố lịch sử cũng có khả năng tác động đến quyết định của ông Tập. Cuộc chiến lớn gần đây nhất của Trung Quốc chính là cuộc chiến chống lại Việt Nam vào năm 1979 ở biên giới hai nước và kết quả là một thất bại đáng xấu hổ. Hơn nữa, cuộc chiến đó chủ yếu là một cuộc xung đột giữa các lực lượng trên mặt đất, không phải là cuộc chiến mà Bắc Kinh đang mong đợi sẽ phải đối mặt trong nhiều tình huống có thể xảy ra hiện nay, dù là chống lại Đài Loan hay một đối thủ khác trong khu vực ở Biển Hoa Đông hay Biển Đông, vì tất cả các kịch bản chiến tranh hầu như sẽ diễn ra trong môi trường của không quân và hải quân. Do đó, kinh nghiệm chiến tranh ở quy mô lớn gần đây nhất của Bắc Kinh hầu như không thể mang lại bất kỳ bài học nào để áp dụng cho các tình huống xung đột vũ trang trong tương lai – một lỗ hổng nghiêm trọng và đáng báo động trong cách nhìn nhận của PLA về cách thức thực hiện nhiệm vụ khi hỗ trợ các mục tiêu an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Ngay cả khi huấn luyện thực tế, PLA cũng chỉ có thể đạt đến một giới hạn nhất định. Đến một thời điểm nào đó, quân đội này sẽ cần phải kiểm tra khả năng mới của nó và kết quả của sự huấn luyện mà nó đã theo đuổi trong một thời gian dài. Nếu PLA có bất kỳ quyết định nào trong vấn đề này, điều hoàn toàn có thể xảy ra, thì rất có thể họ sẽ chọn đánh nhau với Việt Nam một lần nữa, như một bài tập khởi động cho các trận đánh lớn hơn, nhưng lần này là ở Biển Đông. Có ít nhất ba lý do lý giải tại sao Việt Nam có khả năng lọt vào tầm ngắm của PLA.
Lý do đầu tiên, như đã đề cập, PLA phải chuẩn bị cho tình huống chiến tranh ở chiến trường của không quân và hải quân. Nói cách khác, kịch bản chiến đấu với Ấn Độ ở biên giới đất liền, ở độ cao của dãy núi Himalaya, không tốt chút nào cho PLA. Một cuộc chiến khác trên Bán đảo Triều Tiên có thể mang đến một số cơ hội, nhưng diễn biến vẫn sẽ tương đối hạn chế và phụ thuộc vào tình huống cụ thể của bán đảo này. Thay vào đó, các yêu sách chủ quyền chồng chéo của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam ở Biển Đông và mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước này, mang lại một kịch bản trong đó cho phép PLA sẵn sàng triển khai các hoạt động chiếm giữ và phòng thủ đảo, cùng với các hoạt động chung trên biển chống lại một đối thủ trong khu vực.
Để chắc chắn, năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một cuộc giao tranh ngắn ngủi tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) dẫn đến việc Bắc Kinh chiếm quyền sở hữu thực thể này từ tay Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến đó khác xa với kịch bản chiến tranh, trong đó thử thách khả năng PLA trong việc tiến hành và duy trì các các hoạt động tác chiến. Gần đây, vào tháng 5/2014, Trung Quốc và Việt Nam xảy ra mâu thuẫn xung quanh giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 ở vùng biển tranh chấp. Mặc dù cuộc xung đột chỉ diễn ra trong các lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá, chứ không đi xa hơn, nhưng Hải quân PLA cũng đã cho một lượng khí tài hạn chế, hoạt động trên mặt biển đóng ở gần đó, trong trường hợp căng thẳng leo thang. Còn tình huống chiến tranh trong tương lai có thể sẽ rất khác.
Lý do thứ hai, PLA gần như chắc chắn sẽ lựa chọn một cuộc chiến, trong đó Hoa Kỳ không có khả năng can thiệp. Vì PLA vẫn chưa thật sự trở thành “lực lượng tầm cỡ quốc tế”, nên sẽ hợp lý khi cho rằng hiện tại lực lượng này chưa chuẩn bị để xử lý một kịch bản như vậy (tất nhiên nó vẫn sẽ chiến đấu nếu tình huống bắt buộc). Điều đó có nghĩa tình huống chiến tranh với các nước thuộc liên minh quân sự của Hoa Kỳ – như Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan – có rủi ro cao dẫn đến một cuộc đụng độ ở quy mô lớn [quá khả năng xử lý của PLA hiện tại]. Trong số các nước này, Bắc Kinh hiện đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Philippines, hoàn toàn có thể phát triển thành xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trường hợp Nhật Bản, năm 2014, Washington đã làm rõ rằng việc bảo vệ quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang trong vòng tranh chấp ở Biển Hoa Đông, cũng thuộc về trách nhiệm của liên minh an ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản.
Và tương tự, tháng 3/2019, Hoa Kỳ lặp lại rằng, một cuộc tấn công vào các lực lượng vũ trang hoặc tàu bè trên biển của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương. Mặc dù cam kết của Hoa Kỳ dường như không nhất thiết bao gồm tình huống Trung Quốc xâm lược các hòn đảo tranh chấp, như đảo Pagasa/Thị Tứ, nhưng tuyên bố trên chứng tỏ Washington nhắm vào mục tiêu bảo vệ Manila trong khu vực.
Đáng chú ý, Washington không duy trì liên minh an ninh chính thức nào với Đài Loan, cho thấy rủi ro ngày càng tăng đối với hòn đảo này. Điều này đúng ở mức độ nào đó vì chính sách của Hoa Kỳ luôn mơ hồ về chiến lược. Tuy nhiên, Đạo luật Quan hệ Đài Loan buộc Washington phải bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của quân đội Trung Quốc, ngay cả khi thiếu một liên minh quân sự chính thức.
Không giống như các đồng minh an ninh của Hoa Kỳ và trường hợp đặc biệt của Đài Loan, Việt Nam không thể mong đợi nhận được bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào từ Washington. Chẳng hạn, trong sự kiện giàn khoan dầu Trung Quốc hồi tháng 5/2014, Hoa Kỳ chỉ đưa ra tuyên bố đổ lỗi cho Trung Quốc và kêu gọi cả hai bên hãy duy trì hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Dù vậy, quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam vẫn đạt được một số bước tiến lớn trong những năm gần đây, qua sự kiện một tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng hồi tháng 3/2018 – lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Dù chính sách quốc phòng “ba không” của Hà Nội đã cấm việc tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào, khiến Hà Nội khó có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc thông qua một tuyên bố chính thức với Washington. (Trường hợp bạn thắc mắc về hai chữ “không” kia, thì một chữ “không” là không cho phép quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam, chữ “không” còn lại là không hợp tác với quốc gia này để chống lại quốc gia khác). Do đó, Bắc Kinh có thể tin tưởng ở mức tương đối rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ ít có khả năng xảy ra trong kịch bản chiến tranh với Việt Nam hơn, so với các nước đồng minh khác đã được đề cập hoặc Đài Loan.
Và cuối cùng, lý do thứ ba, PLA sẽ lựa chọn một cuộc chiến, trong đó họ có cửa thắng. Mặc dù có lẽ đó là chuyện hiển nhiên, nhưng điều đặc biệt quan trọng là sự nhục nhã mà PLA cảm thấy sau tổn thất của họ trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979. May mắn cho PLA, lần này họ sẽ có lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông.
Như tôi đã phân tích trước đây, quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong những năm gần đây đã tập trung vào việc phòng thủ đất nước và, nếu cần thiết, tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ chớp nhoáng vào một số khí tài của PLA để khiến Bắc Kinh mất tinh thần. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn quyết định tiến hành chiến tranh sau khi vượt qua được đòn tấn công “dằn mặt” này, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc do thiếu hụt về năng lực, đào tạo và nhân lực quân sự. Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng của học thuyết quân sự, chuyện Việt Nam chưa bao giờ chiến đấu [ở quy mô chiến lược] trên mặt trận không quân và hải quân (mặc dù chúng ta phải thừa nhận là PLA cũng vậy), đặt ra những nghi ngờ nghiêm trọng về việc Hà Nội thậm chí có thể tiến hành các hoạt động hiệp đồng tác chiến ngay từ đầu hay không. Thật vậy, Việt Nam có thể tập trung hơn vào nhiệm vụ chống lại các nhóm dân quân trên biển và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong vùng xám vì đây là kịch bản rất dễ xảy ra trong tương lai. Bất chấp Việt Nam là một nước cỡ trung bình nên vẫn có thể dễ dàng bị đánh bại [trong hải chiến] trước quân đội PLA của họ Tập, vốn đã được củng cố [trong các năm gần đây].
Quả thật, các lập luận được đưa ra trong bài viết này có tính chất kích thích, nhưng được hỗ trợ bởi các thông tin thực tế và lập luận hợp lý. PLA và Bắc Kinh, về vấn đề đó, có lẽ không muốn chủ động gây chiến. Chiến tranh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng tiến trình phát triển kinh tế của Trung Quốc và có thể làm tổn hại thêm uy tín và mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh với Hoa Kỳ. Nhưng nếu một tình huống căng thẳng trong khu vực phát triển thành xung đột vũ lực, thì Việt Nam sẽ là mục tiêu PLA lựa chọn để  khởi động cuộc chiến vì nó sẽ mang lại kinh nghiệm chiến đấu rất cần thiết cho quân đội Trung Quốc trên chiến trường không quân và hải quân, mà không gặp rủi ro từ sự can thiệp của Mỹ và trong tình huống có cửa thắng. Không có nước nào ngoài Việt Nam hiện diện trước mặt PLA mà có các điều kiện có thể kiểm soát và thuận lợi như vậy. Do đó, sự chú ý hướng vào mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam ở Biển Đông trong tương lai sẽ ngày càng lớn hơn.
Tác giảDerek Grossman là một nhà phân tích quốc phòng lâu năm tại RAND Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái (chuyên nghiên cứu và phân tích các vấn đề chính sách và ra quyết định trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của Mỹ). Trước đây ông là người cung cấp thông tin hằng ngày cho Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.