‘Vành đai và Con đường’ nhìn từ Washington, Moskva và Bắc Kinh
Trần Quang biên dịch
***
Từ khi được công bố vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã trở thành dự án chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này thể hiện những tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong và ngoài nước và đã chính thức được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc tại Đại hội XIX của Đảng.
Cũng trong Đại hội này, Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố về “kỷ nguyên mới” và “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. BRI là biểu tượng của chính sách đối ngoại tự tin hơn của Trung Quốc, khác xa chiến lược khiêm tốn “giấu mình chờ thời” mà từ lâu đã là đặc trưng của sự can dự toàn cầu của Bắc Kinh.
BRI hiện bao trùm hơn 70 quốc gia khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Đại Dương. Những kế hoạch trong tương lai thậm chí còn tham vọng hơn, với dự định mở rộng sang Bắc Cực, không gian mạng và thậm chí là cả vũ trụ. Quy mô và tham vọng của sáng kiến đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, xuất hiện trong các tin chính trên toàn cầu. Các viện nghiên cứu, ấn phẩm, tổ chức tư vấn và công ty đầu tư tìm cách phân tích và tận dụng BRI đã xuất hiện với tốc độ đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, mặc dù BRI xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận về sự can dự toàn cầu của Trung Quốc, song nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách vẫn bất đồng về cách diễn giải. BRI là một chiến lược toàn cầu hay chỉ là một sáng kiến liên vùng? Liệu có giới hạn nào cho sự mở rộng của BRI hay không? Làm thế nào để các quốc gia và các công ty quốc tế có thể tham gia sự tăng trưởng và phát triển của sáng kiến này?
Sự chú ý tăng lên cũng dẫn tới việc BRI bị xem xét kỹ lưỡng hơn. Những câu hỏi mới về tính minh bạch và bền vững của sáng kiến đã xuất hiện khi các dự án BRI đã hoàn thiện. Các quốc gia ngày càng quan ngại rằng sức mạnh mềm của Trung Quốc được thúc đẩy thông qua BRI có thể sớm trở thành sức mạnh cứng. Tại Trung Quốc, một số người phàn nàn rằng nước này đã vươn ra quá xa và mở rộng sáng kiến quá nhanh, bỏ qua các vấn đề trong nước để ưu tiên các cơ hội kinh doanh và phát triển ở nước ngoài.
Tất cả những câu hỏi và những mối quan ngại này đều ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của sáng kiến. Bài viết này tập hợp quan điểm của các học giả thuộc 3 trung tâm nghiên cứu khác nhau nhằm xem xét một số vấn đề cấp bách nhất xung quanh BRI. Mục đích là làm sáng tỏ những quan điểm khác nhau và xác định các lĩnh vực đồng thuận và bất đồng về các vấn đề chính xung quanh BRI, được tóm tắt trong kết luận chung.
Paul Haenle thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua xem xét triển vọng từ phía Mỹ.
Dmitri Trenin và Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie Moskva đưa ra những diễn giải của Nga.
Feng Yujun và Ma Bin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á, Đại học Phúc Đán giải thích quan điểm của Trung Quốc về BRI.
Bài viết này là sản phẩm của nhiều cuộc thảo luận, tham vấn và hội thảo được tổ chức ở Bắc Kinh giữa các học giả đóng góp ý kiến. Như vậy, đây không chỉ là tuyên bố về quan điểm của mỗi quốc gia mà còn là sự phản ánh tiến trình hợp tác giữa 3 trung tâm và cũng là nỗ lực nhằm tập hợp nhiều quan điểm trên tinh thần xây dựng. Cách tiếp cận này cho phép bài viết xác định các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm và có khả năng hợp tác, cũng như làm sáng tỏ các lĩnh vực bất đồng đòi hỏi các bên phải nỗ lực hơn nữa.
QUAN ĐIỂM CỦA MỸ: CÔNG NHẬN NHỮNG ĐIỂM TÍCH CỰC, GIẢI QUYẾT NHỮNG THIẾU SÓT
BRI là dự án chính sách đối ngoại đặc trưng trong thời đại Tập Cận Bình. Nó là biểu tượng của chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc, khác xa chiến lược khiêm tốn “giấu mình chờ thời” mà từ lâu đã là đặc trưng của sự can dự toàn cầu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã lấy BRI làm bằng chứng cho thấy nước này đã đảm nhận trách nhiệm lớn bằng việc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa công cộng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy sự kết nối toàn cầu.
Thông điệp này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm tự thể hiện mình là một “bên liên quan có trách nhiệm”. Mặc dù hầu như không ai nghi ngờ việc Trung Quốc đã trở thành một bên tham gia trong hệ thống quốc tế, song nước này còn có thể làm nhiều hơn để thực sự có được một cách tiếp cận có trách nhiệm. Sự cách biệt này đặc biệt rõ ràng trong BRI.
Cần tuyên dương Bắc Kinh vì vai trò của họ trong việc khôi phục mối quan tâm đối với sự cần thiết phải có các khoản đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng và tính kết nối trên thế giới. BRI gây ấn tượng với tầm nhìn về quy mô và tầm với của nó.
Tuy nhiên, cách tiếp cận và các lợi ích của Trung Quốc trong việc theo đuổi BRI đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ phía Mỹ, các quốc gia phát triển khác ở phương Tây và thậm chí là các nước đang phát triển thuộc phạm vi của BRI vì thiếu tính minh bạch, tính bền vững kinh tế và chất lượng cao. Thêm vào các mối quan ngại này là những mối lo âu về việc đằng sau BRI có thể là những động cơ thúc đẩy mang tính chiến lược, có khả năng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị và các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu của cộng đồng quốc tế.
Trong khi Mỹ không nêu phản đối ý tưởng phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn như được thúc đẩy thông qua BRI, nhiều người ở Washington nhìn nhận sáng kiến này với thái độ hoài nghi do hệ quả của cả những thành công lẫn những thất bại của nó. Việc truyền tải thông điệp kém của Bắc Kinh càng làm phức tạp thêm vấn đề này. Có thể thấy rõ điều này nguy hiểm như thế nào. Nếu các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách ở Washington thống nhất rằng Mỹ cần phản đối sáng kiến này, thì nó sẽ chỉ trở thành một vấn đề nữa trong mối quan hệ song phương vốn ngày càng mang tính cạnh tranh và gây nhiều bất đồng.
Thách thức đối với Mỹ sẽ là giải quyết những thiếu sót rõ ràng của sáng kiến, đồng thời công nhận những tác động tích cực của nó và để ngỏ cơ hội hợp tác trong tương lai.
Những điểm tích cực
Nhiều nhà quan sát mô tả BRI chỉ là một mánh khóe địa chính trị của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới, hay là biểu hiện của chính sách “kinh tế trục lợi”, theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Tuy nhiên, thực tế là sáng kiến này không hoàn toàn xung đột với lợi ích của Mỹ, và trong một số trường hợp thậm chí còn có thể hỗ trợ cho những lợi ích đó.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy sự kết nối toàn cầu ở các nước đang phát triển vốn chẳng có gì sai. Quả thật, Mỹ có lợi khi ủng hộ cả hai mục tiêu này. Nếu muốn hình thành một phản ứng cố kết đối với BRI thì Washington phải thừa nhận những lĩnh vực mà ở đó sáng kiến này có thể phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Mỹ cũng phải thừa nhận rằng BRI nổi lên nhanh chóng như vậy không chỉ vì sáng kiến này là một ưu tiên đối với Tập Cận Bình, mà còn vì nhu cầu thực sự đối với những gì Trung Quốc mang lại là thật. Theo Ngân hàng phát triển châu Á, đến năm 2030, chỉ riêng châu Á đã cần tới 26.000 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tại các khu vực khác của BRI, như Mỹ Latinh và châu Phi, thiếu cơ sở hạ tầng tương xứng là một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng và phát triển. Khi xét tới quy mô của nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trên thế giới, BRI chỉ như muối bỏ bể; tuy vậy, quy mô của nó vẫn áp đảo những gì các nước khác đang làm nhằm giải quyết thách thức này.
Thông qua BRI, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với sự phát triển và can dự, với việc đã có nhiều quốc gia tham gia sáng kiến này. Chẳng hạn, Hội đồng học bổng chính phủ Trung Quốc đã mở ra các chương trình học bổng và trợ cấp mới dành cho các học giả trẻ đến từ các quốc gia thuộc BRI. Những chương trình này hỗ trợ sinh viên tham gia các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và ngôn ngữ tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Từ khi BRI được triển khai, số lượng sinh viên Pakistan ở Trung Quốc đã tăng từ 5.000 trong năm 2013 lên 22.000 vào năm 2018. Trong Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm nay, Bắc Kinh đã tăng mức đầu tư dành cho đào tạo nghề và xây dựng năng lực.
Hơn nữa, Trung Quốc đã tập trung chú ý vào các quốc gia và khu vực mới nổi, vốn thiếu đáng kể các khoản đầu tư của phương Tây. Các nhà quan sát phương Tây có xu hướng tập trung vào các dự án có giá trị cao ở các nước lớn; tuy nhiên, thành công lớn nhất của BRI được cho là các khoản đầu tư có quy mô nhỏ hơn nhưng có mục tiêu cụ thể ở các quốc gia đang phát triển. Vì các nước này thường thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, nên mỗi đồng nhân dân tệ được đầu tư ở đây có lợi ích cận biên lớn hơn so với ở các khu vực phát triển hơn. Một con đường mới ở Tajikistan hay một cây cầu ở Lào có thể không thu hút nhiều sự chú ý từ bên ngoài nhưng lại góp phần đáng kể cho việc hỗ trợ các nền kinh tế địa phương và thúc đẩy tính kết nối.
Điều này không chỉ bảo đảm rằng hoạt động đầu tư sẽ đạt được kết quả lớn hơn, mà còn khuếch đại ảnh hưởng của Trung Quốc. Khi Trung Quốc là quốc gia duy nhất thể hiện sự quan tâm tích cực, các quốc gia thuộc phạm vi của BRI tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận bất kỳ điều khoản nào do Bắc Kinh đưa ra. Theo lời cựu Bộ trưởng Thương mại Pakistan Khurram Dastgir Khan: “Trung Quốc là lựa chọn duy nhất”.
Những điểm tiêu cực
Washington cũng có những quan ngại chính đáng về BRI. Các dự án BRI quá thường xuyên có xu hướng vướng vào tham nhũng, đồng thời thiếu nghiêm trọng tính bền vững kinh tế, tính minh bạch pháp lý và sự quản trị tốt. Cùng với nhau, những thiếu sót này dẫn tới các dự án đe dọa chủ quyền, các chuẩn mực và thông lệ dưới chuẩn trong xuất khẩu, và gây quan ngại về những tác động địa chiến lược của sáng kiến này. Những tình cảm này đã được nêu ra trong một số bài phát biểu của các thành viên cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nếu Trung Quốc không có hành động gì nhằm giải quyết những vấn đề này, thì các nước bên thứ ba như Mỹ không khỏi nhìn nhận BRI với thái độ hoài nghi, thay vì coi đó là một cơ hội cộng tác.
Nợ và tính bền vững
Một yếu tố chính trong vấn đề này là cuộc tranh luận xung quanh những tuyên bố cho rằng Trung Quốc áp dụng ngoại giao bẫy nợ thông qua BRI, khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị.
Trung tâm Phát triển toàn cầu chọn ra 8 quốc gia được coi là “đặc biệt có nguy cơ vỡ nợ” do tham gia BRI của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan và Malaysia có vai trò trung tâm đối với các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã có được quyền vận hành cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka trong 99 năm sau khi chi phí cho dự án này vượt ra ngoài tầm kiểm soát, buộc Colombo từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy một gói cứu trợ từ phía Trung Quốc. Ở Pakistan, một cuộc khủng hoảng tài chính đã làm gia tăng thái độ phản đối các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một nhánh lớn của BRI. Lập luận về bẫy nợ càng trở nên đáng tin cậy sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ các dự án BRI với tổng trị giá 23 tỷ USD và cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ trở thành con mồi của “chủ nghĩa thực dân phiên bản mới”.
Ngay cả đối với những người không có xu hướng coi BRI là “con ngựa thành Troy” che giấu ảnh hưởng của Trung Quốc hay là hiện thân của chủ nghĩa đế quốc theo phong cách thế kỷ 19, sự thiếu hụt tính bền vững này vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây quan ngại liên quan tới các dự án BRI.
Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia vốn không thể đảm đương gánh nặng về nợ của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ngay từ đầu không nên chấp thuận những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng có trách nhiệm tiến hành trước những nghiên cứu về rủi ro và tính khả thi trong kinh doanh để bảo đảm rằng các quốc gia nhận đầu tư sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ và có năng lực hoàn trả nợ. Khi xét tới môi trường kinh doanh và chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi những dự án này được triển khai, người ta thường phóng đại những khó khăn trong việc tiến hành các phân tích kỹ lưỡng cần thiết. Không thể bảo đảm tuyệt đối thành công của bất kỳ dự án nào, ngay cả với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tuy nhiên, việc số lượng các quốc gia thông báo rằng họ đang phải chật vật với các khoản nợ liên quan tới các dự án BRI ngày càng tăng cho thấy các công ty Trung Quốc cần củng cố tiến trình thực hiện dự án của họ. Một phần công việc cải thiện điều này xoay quanh việc gia tăng tính minh bạch của dự án.
Tính minh bạch và sự tham gia của nước ngoài
Sự thiếu minh bạch xoay quanh sáng kiến này là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ phản đối việc thực hiện BRI. Sự mập mờ khiến các công ty nước ngoài khó tham gia các dự án liên quan đến BRI cho đến khi những dự án này khởi công, và cũng có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Những quan ngại này không phải là đặc trưng của riêng BRI mà còn được phản ánh trong các tranh chấp thương mại và kinh tế rộng hơn đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc về sự công bằng và có đi có lại cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục khuyến khích đầu tư bên ngoài nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nguồn vốn cần thiết cho việc hoàn thiện tầm nhìn của nước này, nhưng giữa các bên muốn tham gia và những cơ hội thực sự lại tồn tại một khoảng cách. Tiêu chuẩn thấp, khó khăn khi cạnh tranh trong quá trình mua sắm, đấu thầu và rủi ro của các khoản đầu tư là những trở ngại hơn nữa đối với việc tham gia. Sự hội tụ của những vấn đề phức tạp làm tăng vẻ đáng tin của những nhận thức hiện có rằng BRI là một sáng kiến được “sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất cho Trung Quốc”, theo cách mô tả của Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tham nhũng
Thiếu sự minh bạch làm gia tăng những quan ngại rằng các dự án BRI có thể khuyến khích sự quản trị yếu kém và trở thành những thỏi nam châm thu hút tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia thuộc phạm vi của BRI vốn đã nằm trong danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới. Bản chất không rõ ràng của các dự án BRI khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham ô và quản lý sai nguyên tắc. Trong điều kiện như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước BRI có thể cho rằng những dự án được Trung Quốc hậu thuẫn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại sự phát triển trong khi vẫn bòn rút ngân sách thông qua các khoản “lại quả” và các giao dịch tài chính mờ ám.
Quả thật, đã có một vài ví dụ đáng chú ý về tình trạng tham nhũng liên quan đến BRI.
Kyrgyzstan, việc một nhà máy điện do Trung Quốc xây dựng không hoạt động được đã dẫn tới việc bắt giữ 2 cựu thủ tướng bị buộc tội nhận tiền “lại quả” từ các công ty Trung Quốc phụ trách xây dựng.
Tại Malaysia, vụ bê bối 1MDB đang diễn ra đã khiến 2 dự án đường ống lớn liên quan đến BRI bị hủy bỏ, sau khi xuất hiện thông tin rằng một công ty có liên hệ với cựu Thủ tướng Najib Razak đã bòn rút khoản tài trợ do Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp.
Địa chính trị và sự quản trị toàn cầu
Chừng nào sự mập mờ vẫn còn là lẽ thường trong các dự án BRI, thì chừng đó Mỹ và các quốc gia khác cùng tư tưởng vẫn sẽ khó lòng nhìn nhận sáng kiến này theo hướng tích cực. Không chỉ thúc đẩy tham nhũng và làm trầm trọng thêm những khó khăn về nợ của các nước đang phát triển, sự thiếu minh bạch cũng làm gia tăng mối nghi ngờ rằng BRI vận hành như một “con ngựa thành Troy” che giấu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc đều đặn nhắc lại rằng họ “không có tính toán gì về địa chính trị” đối với BRI. Tuy nhiên, quy mô của sáng kiến đồng nghĩa với việc nó nhất thiết phải có những tác động về địa chính trị. Khi điều này kết hợp với sự thiếu minh bạch, những tuyên bố của Trung Quốc về “hợp tác cùng thắng” hay “cộng đồng chung vận mệnh” có vẻ không chân thật, hay thậm chí là vỏ bọc nhằm che giấu những ý định thực sự của sáng kiến.
Điều này đặc biệt đúng khi BRI được coi là gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn tới việc thúc đẩy những giá trị mâu thuẫn với trật tự toàn cầu hiện tại. Những trường hợp gần đây, trong đó Hy Lạp và Hungary từ chối chỉ trích Bắc Kinh vì những hành vi vi phạm nhân quyền hay những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ Biển Đông minh họa cho những quan ngại như vậy. Và trong khi các cuộc thảo luận về việc Bắc Kinh xuất khẩu “mô hình Trung Quốc” có xu hướng cường điệu hóa ý định của Trung Quốc thúc đẩy BRI như một phương tiện nhằm lật đổ trật tự quốc tế, thì những ví dụ như vậy, cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Âu thông qua sáng kiến 16+1 (một diễn đàn do Trung Quốc khởi xướng mà qua đó, nước này can dự với các nước Trung và Đông Âu), khiến các nhà quan sát bên ngoài ngày càng hoài nghi.
Tương tự, thành phần Con đường tơ lụa kỹ thuật số của BRI đóng vai trò đường dẫn cho hoạt động xuất khẩu công nghệ giám sát và quyền riêng tư của Trung Quốc. Điều này bao gồm việc sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt ở Zimbabwe, các hệ thống tương tự như chấm điểm tín dụng xã hội ở Venezuela…
Một số dự án BRI nằm ở các vị trí chiến lược cho thấy đã có sự tính toán về địa chính trị. Ở eo biển Malacca, tuyến đường giao thương có lưu lượng cao, từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Malaysia và nước láng giềng Singapore, dự kiến có 3 cảng được xây dựng trong khuôn khổ BRI, đem lại khả năng tiếp cận trực tiếp tuyến đường này. Mặc dù tất cả các cảng đều được lên kế hoạch phục vụ mục đích thương mại chứ không phải quân sự, nhưng những tác động chiến lược của việc Trung Quốc tài trợ cho các cảng ở tất cả các địa điểm bị tranh chấp này đủ để khiến một số người lo ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực sẽ phát triển vượt ra ngoài các cảng thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, việc những nhà quan sát hoài nghi hơn ở Washington coi BRI là một chiến lược nhằm mục đích thay thế Mỹ trở thành cường quốc vượt trội trên thế giới và củng cố sự trỗi dậy của Trung Quốc là không hề đáng ngạc nhiên.
Những tác động
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không được để những thất bại rõ ràng của BRI che lấp những thành công của nó. Bất chấp những quan ngại nhiều vô số, việc phản đối BRI theo phản xạ sẽ gây phản tác dụng.
Thứ nhất, một phản ứng như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng không cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc và củng cố những nhận thức của Trung Quốc cho rằng Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc, một quan điểm vốn đã rất thịnh hành ở Bắc Kinh. Thứ hai, nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những quan ngại hiện tại về BRI. Nếu Trung Quốc vẫn là lựa chọn duy nhất ở các quốc gia thuộc phạm vi của BRI, thì nhiều khả năng họ sẽ chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh mà không thắc mắc. Thứ ba, nó sẽ hạn chế khả năng của Mỹ trong việc thúc đẩy BRI theo hướng tích cực bằng cách loại Mỹ khỏi các cuộc thảo luận xoay quanh sáng kiến này. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ phản đối những sáng kiến của họ theo phản xạ, thì nước này ít có khả năng nghiêm túc nhìn nhận những mối quan ngại chính đáng của Mỹ về sáng kiến này.
Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có thể rút ra những bài học từ Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một ngân hàng phát triển đa phương do Trung Quốc khởi xướng và ban đầu bị Mỹ phản đối. Khi Bắc Kinh lần đầu tiên đưa ra đề xuất về thể chế này, quan niệm của Trung Quốc dường như không muốn áp dụng những thông lệ tốt nhất và các tiêu chuẩn cao của quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ tỏ ra hoài nghi về tổ chức này ở dạng ban đầu của nó, và do đó đã tìm cách can ngăn các đồng minh và đối tác của mình tham gia AIIB. Rốt cuộc, Mỹ đã không thuyết phục được các đối tác của mình đứng ngoài nhóm này, điều bộc lộ những giới hạn của sức ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc, hạn chế khả năng của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng hơn nữa đối với ngân hàng này và khiến Washington bị cô lập. Tuy nhiên, thái độ phản đối ban đầu của Mỹ có thể đã có một số tác động tích cực, khi mà theo những thông tin thu thập được, ngân hàng này đã chứng tỏ là một thể chế chuyên nghiệp. Việc Trung Quốc sẵn sàng làm việc với một nhóm gồm nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển (vào thời điểm AIIB chính thức ra mắt, đã có 57 quốc gia tham gia, trong đó có Đức, Anh và Pháp) nhằm đưa những thông lệ tốt nhất của quốc tế vào AIIB cũng đã giúp bảo đảm cho sự biến đổi của ngân hàng này thành một thể chế tiêu chuẩn cao như hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Kim Lập Quần, thể chế này đã xây dựng danh tiếng là một ngân hàng phát triển đa phương có năng lực với những mục đích hợp pháp nhằm cải thiện sự phát triển xã hội và kinh tế trên khắp châu Á.
Đối với Bắc Kinh, bài học rất rõ ràng. Họ cần tìm cách rút kinh nghiệm từ những thành công của AIIB, trong đó có việc bổ nhiệm một nhà lãnh đạo minh bạch và dễ tiếp cận nhằm giúp các nhà phê bình hiểu rõ những thất bại của BRI và thúc đẩy những thành công của nó. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần hiểu rõ rằng nếu họ muốn giải quyết các mối quan ngại về BRI, thì việc công khai phản đối sẽ chỉ hạn chế khả năng của Washington trong việc can dự với Trung Quốc trên tinh thần xây dựng trong các vấn đề liên quan đến BRI và sự quản trị toàn cầu.
Kết luận
Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Tập Cận Bình công bố BRI. Trong nhiều trường hợp, BRI đã đem lại cho các quốc gia đang phát triển những kết quả tích cực, và Trung Quốc cần được khen ngợi vì đã làm sáng tỏ nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng và tính kết nối trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, các dự án BRI thường xuyên không thể hiện được cam kết đối với tính minh bạch, sự công bằng, tính bền vững và sự quản trị tốt. Không có những đặc điểm này, trong môi trường căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách ở Washington có nhiều khả năng nhìn nhận BRI với con mắt hoài nghi, thậm chí thù địch. Quả thật, những quan điểm như vậy vốn đã phổ biến ở Mỹ.
Bất kỳ cách tiếp cận cố kết nào về chính sách đối với BRI cũng phải đáp ứng những mối quan ngại này mà không để cho chúng che lấp những lĩnh vực rõ ràng phù hợp với các lợi ích của Mỹ. Thách thức đối với Mỹ sẽ là phát triển một chiến lược chủ động đối với BRI, công nhận các tác động tích cực, giảm thiểu các khía cạnh tiêu cực và đồng thời thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm của Washington về BRI sẽ không chỉ phụ thuộc vào môi trường chính trị ở Mỹ, mà còn phụ thuộc vào những hành động của Trung Quốc nhằm học hỏi và thích nghi, từ những thiếu sót của sáng kiến này. Mỹ và các quốc gia có cùng tư tưởng sẽ tiếp tục có cái nhìn tiêu cực về BRI nếu Bắc Kinh không làm cho dự án này minh bạch, công bằng và bền vững hơn. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cho thấy những nỗ lực chân thành nhằm học hỏi và thích ứng, đồng thời thực thi những tiêu chuẩn thúc đẩy tính minh bạch, sự công bằng và tính bền vững, thì nước này có thể tạo ra những tác động tích cực hơn và đưa Trung Quốc hướng tới một mô hình phát triển có trách nhiệm hơn.
LẬP TRƯỜNG TIẾN TRIỂN CỦA NGA VỀ BRI
Nga tự nhận thấy họ không tham gia cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí số một toàn cầu. Hai nước đã đạt được quan hệ hợp tác cấp cao, được xây dựng dựa trên một loạt lợi ích chung, thế giới quan tương hợp và sự đồng cảm lẫn nhau. Thái độ thân thiện này cho phép Moskva và Bắc Kinh giữ cho mối quan hệ luôn yên ổn và xử lý thành công những sự bất cân xứng ngày càng gia tăng về sức mạnh và những lợi ích cạnh tranh lẫn nhau. Cách tiếp cận này giải thích cách thức Điện Kremlin đối phó với BRI: Moskva đã tìm cách sử dụng sáng kiến của Trung Quốc để thu hút đầu tư vào Nga và thúc đẩy tiềm năng quá cảnh của nước này trong mạng lưới logistics xuyên lục địa Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nhất trí với Bắc Kinh nhằm phòng ngừa những yếu tố của BRI có khả năng gây tổn hại tới các lợi ích quốc gia của Nga.
Quan điểm chung của Moskva về BRI
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, mặc dù điều này không đúng theo chiều ngược lại. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Cũng trong năm này, Nga đã tăng gấp 3 lần tỷ lệ dự trữ đồng nhân dân tệ lên gần 15% – gấp 10 lần mức trung bình của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Trong bối cảnh đối đầu với Mỹ, Nga đã tiến tới trông cậy Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, nước này không muốn rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Mục tiêu chính của Moskva là gây dựng mối quan hệ hữu ích với nước láng giềng của mình, đồng thời không trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Đây cũng là cách Moskva nhìn nhận BRI của Bắc Kinh.
Theo đánh giá của Nga, BRI là một tập hợp thuận tiện các hoạt động kinh tế khác nhau của Trung Quốc ở nước ngoài, đóng vai trò thành tố chính trong di sản chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nó cũng là một cái nhãn hữu ích đối với các quan chức Trung Quốc khi báo cáo với Bắc Kinh về những thành tựu của chính họ, trong nỗ lực nịnh bợ lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, BRI về cơ bản được thúc đẩy bởi các nhân tố kinh tế và chính trị trong nước nhưng cũng là công cụ để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại dài hạn của Trung Quốc.
Người Nga đánh giá cao việc BRI đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, vì nó tượng trưng cho việc Bắc Kinh khởi động một tiến trình quyết đoán hơn ở nước ngoài. Mục tiêu hiện tại của Trung Quốc dường như là đạt được vị thế một cường quốc toàn cầu thực sự. Sức mạnh kinh tế và tài chính, cũng như sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Bắc Kinh là những công cụ chính nhằm đạt được mục tiêu này. BRI là biểu tượng của mục tiêu đó. Đối với người Nga, việc Trung Quốc chuyển từ sự tự kiềm chế sang hành động quyết đoán hơn chỉ là lẽ tự nhiên đối với một quốc gia có sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự như Trung Quốc hiện tại. Do đó, BRI cho thấy Trung Quốc đã đặt chân lên con đường giành lấy ảnh hưởng về địa chính trị, chứ không chỉ về địa kinh tế.
Tiến triển trong tư duy của Nga về BRI
Cách tiếp cận này, hiện được chia sẻ rộng rãi trong giới quan chức và cộng đồng chuyên gia Nga, không xuất hiện ngay lập tức. Năm 2013, khi Tập Cận Bình tiết lộ thông tin về BRI ở Astana, Kazakhstan, Điện Kremlin đã nhìn nhận sáng kiến này với thái độ không chắc chắn và hoài nghi cao độ. Khi mối quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi vào năm 2014 đến mức phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, Moskva bắt đầu tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh và biến mối quan hệ với Trung Quốc thành một lựa chọn thay thế cho mối quan hệ của nước này với châu Âu về vốn, công nghệ và cơ hội thị trường. Điều này đòi hỏi phải đánh giá lại trên quy mô lớn những rủi ro khi hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong thương mại năng lượng, mua bán vũ khí và các lĩnh vực khác, trong đó có BRI. Phải đến mùa Xuân năm 2015, Điện Kremlin mới đưa ra một cách tiếp cận mới, tự tin hơn đối với BRI, được hình thành bởi việc hiểu hơn sáng kiến này của Trung Quốc và những sự thay đổi mang tính kiến tạo trong quan hệ của Nga với phương Tây.
Cách tiếp cận mới đã được củng cố trong tuyên bố được ký kết giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin vào ngày 8/5/2015. Putin nhận thức được tầm quan trọng của sự chấp nhận quốc tế dành cho BRI đối với vị thế chính trị trong nước của Tập Cận Bình và hiểu được ý nghĩa to lớn mà Bắc Kinh gán cho những lời ủng hộ từ phía các nhà lãnh đạo các nước lớn khác đối với sáng kiến chính sách của họ. Về điểm này, Nga và Putin chiếm vị trí độc tôn. Moskva hiểu rằng mặc dù sự bất cân xứng về sức mạnh giữa Nga và Trung Quốc ngày càng tăng, song họ vẫn nắm giữ những lá bài quan trọng.
Cơ hội và rủi ro
Nga coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là sự suy giảm tương đối của sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Xu hướng này phù hợp với những gì Moskva coi là cách thức phân phối quyền lực toàn cầu đúng đắn, tức là một cấu trúc đa cực. Theo truyền thống, Nga phản đối sự bá quyền toàn cầu của bất kỳ nước nào, và nhận thấy các lợi ích của mình được đáp ứng tốt hơn trong một hệ thống ít tập trung hơn, do đó đây là một diễn biến đáng hoan nghênh. Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu là một tài sản chính sách đối ngoại lớn được Điện Kremlin trân trọng.
Tuy nhiên, Nga cũng hầu như không dung thứ cho sự bá quyền khu vực. BRI có thể chứng kiến Trung Quốc trở nên vượt trội quá mức trên lục địa Á-Âu, nơi nước này chung sống với Nga và nhiều nước khác. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng, và những mối nghi ngờ của EU về một số thông lệ và mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, khu vực châu Á-Âu đã nổi lên, cùng với châu Phi, là trọng tâm chính của những nỗ lực của Bắc Kinh. Mục tiêu chính của Moskva trong quan hệ với Trung Quốc là lợi dụng BRI và các dự án khác có nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm giúp phát triển nền kinh tế Nga, mà đồng thời không mời gọi Bắc Kinh áp đặt sức ảnh hưởng không thích đáng đối với các chính sách của Moskva. Cho đến nay, Nga kết luận rằng BRI đem lại cho họ một số cơ hội, và rằng họ có thể xử lý được những rủi ro có liên quan.
Trước hết, Moskva cho rằng Nga có vị trí địa lý rất phù hợp để liên kết hai đầu tàu kinh tế của khu vực châu Á-Âu là EU và Đông Á. Khía cạnh kết nối của BRI, vốn tìm cách cải thiện liên kết giao thông đường bộ giữa EU và Trung Quốc, đương nhiên phù hợp với mong muốn của Moskva là khơi mở tiềm năng quá cảnh của họ ở khu vực châu Á-Âu. Trong tất cả các con đường bộ giữa miền Tây Trung Quốc và châu Âu, đường xuyên qua Nga là ngắn nhất. Ngoài ra, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga chỉ cho phép hàng hóa đi qua 2 trạm hải quan trên đường từ Tân Cương đến cửa ngõ vào EU ở Ba Lan, Phần Lan hay các nước Baltic. Nhờ có những ưu đãi chính sách do Trung Quốc đưa ra, tuyến đường này đang phát triển bùng nổ, với việc tỷ lệ gia tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển mỗi năm luôn ở mức 2 con số từ năm 2015 đến nay. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu và ngược lại qua Nga đã tăng 23% lên mức 323.000 TEU (đơn vị đo hàng hóa theo côngtenơ).
Cho đến nay, hoạt động thương mại này đang sử dụng các tuyến đường sắt và đường cao tốc có sẵn. Moskva và Bắc Kinh đang thảo luận về những dự án nâng cấp và mở rộng các liên kết giao thông hiện có, bao gồm kết nối đường sắt cao tốc giữa Moskva và Kazan với khả năng mở rộng tới châu Âu và Trung Quốc, một tuyến đường cao tốc từ biên giới Kazakhstan-Nga đến châu Âu và một số dự án nhỏ hơn nhằm giải quyết các “nút cổ chai” hiện tại. Đối với Nga, việc nâng cấp tuyến đường sắt xuyên Siberia cũng là một ưu tiên chính, nhưng Trung Quốc lại ít quan tâm tới việc này. Đồng thời, Moskva nhận ra rằng tuyến đường xuyên Á-Âu từ Trung Quốc đến châu Âu qua Kazakhstan và Nga không phải là thách thức đối với Đường sắt xuyên Siberia vì hai tuyến đường này nhắm vào hai nền tảng hàng hóa khác nhau ở các khu vực khác nhau của châu Á.
Bắc Kinh cũng quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường biển phía Bắc đi qua Bắc Cực dọc theo bờ biển Siberia. Đối với Moskva, việc mở ra tuyến đường này vừa là cơ hội kinh tế lớn vừa là thách thức an ninh, và nước này có khả năng sẽ tiến hành một cách thận trọng. Cho đến nay, Moskva đã chấp nhận Bắc Kinh là đối tác chính trong việc phát triển Bắc Cực. Điều này phần nhiều là do bắt buộc hơn là do lựa chọn. Nhiều hoạt động kinh tế mà Nga muốn theo đuổi trong khu vực phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Một ví dụ về hợp tác Trung-Nga có liên quan trực tiếp đến BRI là sự tham gia của Trung Quốc trong Yamal LNG, dự án khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên ở Nga phía trên Vòng Bắc Cực. Vào năm 2015, Quỹ Con đường tơ lụa (SRF), một công cụ đặc biệt do Bắc Kinh tạo ra nhằm tài trợ cho các dự án BRI, đã có được 9,9% cổ phần trong Yamal LNG. Bắc Kinh sau đó đã giúp dự án này có được khoản vay 12 tỷ USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng phát triển Trung Quốc. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, sở hữu 20% cổ phần của Yamal LNG, nâng tổng số cổ phần của Bắc Kinh trong dự án chiến lược này lên 29,9%. Điều đáng kể là Yamal LNG đang phải chịu trừng phạt của Mỹ, vì một trong những cổ đông người Nga của dự án này, Gennady Timchenko, đã được đưa vào danh sách công dân được chỉ định đặc biệt (SDN) của Bộ Tài chính Mỹ, và pháp nhân Novatek được đưa vào danh sách nhận diện trừng phạt theo ngành. Nếu không có các khoản vay của Trung Quốc và các khoản vốn được tài trợ thông qua BRI, Nga sẽ khó có khả năng hoàn thành dự án này, một dự án được Putin coi là một trong những ưu tiên chiến lược.
Một ví dụ khác về việc Nga sử dụng các tổ chức tài chính Trung Quốc liên quan đến BRI nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây và thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm là quyết định của SRF mua 10% cổ phần của Sibur, công ty hóa dầu lớn nhất của Nga, vào năm 2016. Hành động này dựa trên việc trước đó, gã khổng lồ hóa dầu của Trung Quốc Sinopec đã mua lại 10% cổ phần của Sibur. Trong trường hợp của Sibur, 2 trong số các cổ đông của công ty là Gennady Timchenko và Kirill Shamalov đều nằm trong danh sách SDN, và cả hai đều thân cận với Putin.
Ngoài các thỏa thuận nổi bật được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga và Trung Quốc ủng hộ, nhiều dự án đầu tư nhỏ hơn ở Nga, vốn thiếu sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị, lại phải vật lộn để thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Điều này gây ra sự thất vọng ở mức độ nào đó trong giới doanh nghiệp tư nhân ở Nga về những cơ hội mà BRI đem lại. Tuy nhiên, Chính phủ Nga hoàn toàn nhận thức được rằng tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc vào Nga còn thấp là do những vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế Nga và do đó là sự thiếu tin tưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Nga coi BRI là một khuôn khổ tốt để giải quyết chí ít là vấn đề thứ hai.
Sự hài hòa giữa BRI và Liên minh kinh tế Á-Âu
Ngoài những dự án dành riêng cho Nga, Moskva chủ yếu tập trung vào các hoạt động BRI liên quan tới các nước láng giềng – vốn từng là một phần của đế quốc Nga và Liên Xô. Một vài quốc gia trong số này thuộc EEU, sáng kiến hội nhập của riêng Nga, bao hàm cả Kazakhstan và Kyrgyzstan ở Trung Á, Armenia ở Nam Caucasus và Belarus ở Đông Âu.
Thay vì tham gia BRI, Moskva đã đề xuất làm hài hòa sáng kiến này với EEU. Ý tưởng là tránh xung đột lợi ích với Bắc Kinh ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Về cơ bản, khi Trung Quốc mở rộng về mặt kinh tế ở Trung Á, họ sẽ không thách thức vị thế ưu việt của Nga trong lĩnh vực quân sự-an ninh. Mặc dù Trung Quốc đang thăm dò ý kiến trong lĩnh vực an ninh và đã gây dựng được sức ảnh hưởng chính trị ở chừng mực nào đó trong khu vực, công thức này cho đến nay nhìn chung đã phát huy tác dụng. Các nước Trung Á, từng mong muốn trở nên hoàn toàn độc lập với Nga, đã trở nên cảnh giác với những tham vọng của Trung Quốc và tìm cách tạo thế cân bằng giữa hai nước láng giềng lớn của họ.
Moskva đang tìm cách thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các mạng lưới logistics đi qua lãnh thổ EEU. Lĩnh vực hợp tác này giữa Trung Quốc và EEU đang phát triển nhanh chóng, được chứng minh bởi sự gia tăng khối lượng hàng hóa. Một trục khác trong những nỗ lực của Nga là việc điều phối các dự án đầu tư được “gắn mác” BRI mà các quốc gia EEU đề xuất với các nhà đầu tư Trung Quốc. Cho đến nay, hoạt động này kém thành công hơn, phần lớn là do sự cạnh tranh trong nội bộ các nước thành viên EEU và một số vấn đề liên lạc giữa các chính phủ trung ương và Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC), cơ quan quản lý siêu quốc gia của EEU.
Một phần của nghị trình BRI mà Nga và các đối tác của họ trong EEU đang tạm hoãn là lĩnh vực thương mại tự do với Trung Quốc. Quan điểm bảo hộ trong EEU là mạnh, và Moskva có chung những quan ngại với các thủ đô EEU khác rằng một thỏa thuận thương mại sâu sắc và toàn diện với Trung Quốc có thể đe dọa hoạt động chế tạo ở địa phương. Bắc Kinh tỏ thái độ nước đôi đối với những quan ngại này và không thúc đẩy một thỏa thuận chung với EEU, cũng không tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các nước thành viên EEU, động thái sẽ gây tổn hại liên minh này từ bên trong và làm suy yếu sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga ở Trung Á. Tháng 5/2018, Chính phủ Trung Quốc và EEC đã ký kết một thỏa thuận hợp tác đóng vai trò lộ trình cho các cuộc đàm phán trong tương lai về việc tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Phản ứng rộng hơn của Nga với BRI: Đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ kinh tế với châu Á
Nga theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở các nơi khác thuộc khu vực châu Á-Âu, từ Pakistan đến Ba Lan, để hiểu được quy mô tham vọng của Bắc Kinh và cách thức hoạt động của nước này với tư cách một bên tham gia toàn cầu. Moskva sẽ còn tiếp tục đối đầu với Washington và xa lánh EU trong nhiều năm. Trong giai đoạn đó, Trung Quốc sẽ là đối tác kinh tế và chiến lược chính của Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin không muốn chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính chủ nghĩa tích cực của Bắc Kinh thúc đẩy Điện Kremlin theo đuổi chính sách kinh tế đối ngoại đa dạng hơn ở châu Á. Moskva hiện đang tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng với Tokyo về một hiệp ước hòa bình và thỏa thuận lãnh thổ kèm theo đó, mà nếu đạt được thì sẽ biến mối quan hệ Nga-Nhật từ quan hệ láng giềng xa xôi thành láng giềng gần gũi. Nga tìm cách mở rộng quan hệ kinh tế với Ấn Độ, đối tác địa chính trị lâu đời của nước này, và làm ăn kinh doanh nhiều hơn với Hàn Quốc. Quan hệ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang được tiếp thêm năng lượng. Vào thời điểm hiện tại, những mối quan hệ này hầu hết vẫn còn là ý định và hy vọng, nhưng chúng cho thấy Nga muốn trở thành một bên tham gia kinh tế tích cực.
Tương tự như cách tiếp cận thực dụng đối với các khoản tiền do Trung Quốc cung cấp thông qua BRI, Nga đang kết hợp can dự với phòng vệ trong lĩnh vực biểu tượng và ý tưởng. Như đã lưu ý, Điện Kremlin đã làm rõ ngay từ đầu rằng Nga sẽ can dự với Trung Quốc về BRI, thay vì tham gia sáng kiến với tư cách một trong nhiều đối tác của nước này. Để tăng cường hơn nữa sự bình đẳng mang tính biểu tượng này với Bắc Kinh, Moskva đã đưa ra ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Á-Âu (EEP) bao gồm EEU, Trung Quốc và thậm chí cả các nước ASEAN. Khái niệm này đã được Putin quảng bá trên nhiều diễn đàn quốc tế, trong đó có hội nghị thượng đỉnh BRI tại Bắc Kinh vào tháng 5/2017. Đối với Moskva, sự can dự BRI-EEU có thể là bước đệm cho EEP, một khái niệm thậm chí còn lớn hơn và tham vọng hơn mà Moskva đang tìm cách thúc đẩy. Giới lãnh đạo Nga cố tình tỏ ra mơ hồ về ý nghĩa thực sự của EEP. Mục đích chính dường như là nhằm giúp Nga duy trì sự bình đẳng mang tính biểu tượng với Trung Quốc khi nói tới việc thúc đẩy mô hình hội nhập kinh tế cho vùng đất Á-Âu.
Kết luận
Tóm lại, thái độ của Nga đối với BRI nhìn chung là tích cực. Sáng kiến này được coi là một cơ hội ẩn chứa những rủi ro có thể xử lý được. Nga ít bận tâm hơn tới các vấn đề quản trị toàn cầu khi được áp dụng cho BRI, so với tác động thực sự của sáng kiến này đối với chính Nga và khu vực hậu Xôviết lân cận nước này. Ở đó, Moskva tập trung tìm ra một mô hình can dự mang lại lợi ích kinh tế cho Nga, đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích an ninh của Nga. Moskva cũng nhận ra rằng BRI là một dự án chính trị hướng tới việc nâng cao tầm vóc của Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ sẵn sàng chấp nhận điều này, với nhận thức rằng mối quan hệ Putin-Tập Cận Bình là yếu tố then chốt trong quan hệ đối tác Nga-Trung. Đồng thời, Điện Kremlin can dự vào chủ nghĩa biểu tượng nhằm gửi đi thông điệp – tới cả những người bạn của họ ở Trung Nam Hải – rằng Nga quyết tâm đóng vai trò đối tác bình đẳng.
BRI: TẦM NHÌN CỦA TRUNG QUỐC VỀ TÍNH KẾT NỐI TOÀN CẦU
Từ khi được đề xuất đến nay, BRI đã phải đối mặt với những quan ngại lớn từ phía cộng đồng quốc tế. Một mặt, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế có những kỳ vọng lớn về BRI, và hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký kết ít nhất 170 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Mặt khác, nhiều người cũng tỏ ý hoài nghi và chỉ trích các chi tiết, mục tiêu, sức ảnh hưởng và triển vọng của sáng kiến này, điều mà Trung Quốc đã không lường trước được.
Dự án kéo dài 5 năm này đã có tác động to lớn đối với các quốc gia và khu vực thuộc phạm vi của BRI, nhưng nó vẫn đang phát triển và thay đổi. BRI liên tục được điều chỉnh dựa trên những kinh nghiệm và bài học trong quá khứ nhằm thúc đẩy một hệ thống quản trị toàn cầu mang tính bao trùm và cân bằng.
Cách thức Trung Quốc xác định vị trí của BRI
BRI là nền tảng chung cho chính sách mở cửa và hợp tác kinh tế của Trung Quốc. Việc Trung Quốc xác định vị trí của BRI chủ yếu bao gồm những phương diện sau đây:
BRI là một tầm nhìn kinh tế lớn thúc đẩy sự phát triển của các khu vực kém phát triển của Trung Quốc và mở rộng chính sách mở cửa của nước này tới khu vực châu Á-Âu và châu Âu
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ vào năm 2013 rằng nước này cần “đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng và các khu vực lân cận, cũng như nỗ lực nhằm xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển, nhằm hình thành mô hình mở cửa toàn diện mới”. BRI là một phần quan trọng trong công cuộc cải cách của Trung Quốc và là một phương tiện mà qua đó nước này đẩy nhanh sự phát triển của mình. Những vùng duyên hải đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong hơn 30 năm qua, và giờ đây khu vực phía Tây sẽ tăng cường sự hợp tác về thương mại, kinh tế, kỹ thuật và tài chính với Trung Á, Nam Á, Trung Đông và thậm chí là châu Âu, nhằm tiếp tục công cuộc mở cửa của Trung Quốc và đạt được sự phát triển cân bằng thông qua việc điều phối giữa các khu vực khác nhau. Cụ thể, các tỉnh phía Tây Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ BRI, khi dự án này gia tăng kết nối với các nước láng giềng.
BRI không chỉ là một dự án dài hạn mà còn là một bản tóm tắt sâu sắc sự hợp tác kinh tế của Trung Quốc với cả các nước châu Âu lẫn châu Á khác trong 20 năm qua. Sau hơn 20 năm chung tay nỗ lực, Trung Quốc đã trở thành đối tác chính của Nga và các nước Trung Á, với sự hợp tác trong nhiều dự án mới về cơ sở hạ tầng và năng lượng trong thời gian gần đây. Những thành tựu của 20 năm qua đã cho phép các quốc gia này hội nhập chặt chẽ hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Những thành tựu này không chỉ trở thành nền tảng vững chắc cho BRI mà còn là minh chứng rõ ràng rằng BRI phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực châu Á-Âu trong việc tìm kiếm sự phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác kinh tế.
BRI là một đề xuất nhằm tăng cường sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước tham gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và sự hợp tác khu vực thay đổi đáng kể
Tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn tiếp diễn, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới còn chậm và sự phát triển ở các nước trên thế giới là không đồng đều. Cấu trúc và các quy tắc đầu tư và thương mại quốc tế đang thay đổi sâu sắc, và những vấn đề mà tất cả các nước đang phát triển phải đối mặt vẫn còn nghiêm trọng. Mặc dù Mỹ đã chịu thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính và mất đi một phần sức mạnh kinh tế, nhưng họ đã tìm cách dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp mới của thế giới. Trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ đã tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong nỗ lực nhằm định hình lại hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Khi Trump nhậm chức, Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán TPP và TTIP, buộc các quốc gia khác đi con đường của riêng họ trong bối cảnh những tuyên bố của Trump về “nước Mỹ trước tiên”.
Trong bối cảnh này, BRI đã nhắm tới mục tiêu thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ, phân bổ nguồn lực hiệu quả và hội nhập sâu rộng các thị trường; khuyến khích các nước thuộc phạm vi của BRI phối hợp chính sách kinh tế và thực hiện hợp tác khu vực sâu rộng hơn với những tiêu chuẩn cao hơn; và cùng tạo ra một cấu trúc hợp tác kinh tế khu vực cởi mở, toàn diện và cân bằng, có lợi cho tất cả. Là một sáng kiến hợp tác kinh tế xuyên quốc gia toàn diện, BRI bao gồm châu Á, vùng Caucasus, Nga và châu Âu. Các quốc gia hợp tác trong các lĩnh vực đa dạng như giao thông vận tải, năng lượng, thương mại, tài chính, công nghiệp và giáo dục, cùng nhiều lĩnh vực khác. Phạm vi rộng lớn này cho thấy việc xây dựng BRI linh hoạt cao độ ra sao dựa trên sự phối hợp chiến lược và thông tin liên lạc về chính sách giữa Trung Quốc và các quốc gia có liên quan mà không có những dàn xếp thể chế bắt buộc, vốn tạo ra những hạn chế không cần thiết. Mục đích cơ bản của BRI là tạo điều kiện cho mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa các quốc gia có liên quan và sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các quốc gia thành viên, cũng như có thêm không gian để phát triển.
BRI là sự mở rộng tự nhiên của sự tham gia và hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu
Tham gia và hội nhập vào hệ thống toàn cầu là mục tiêu chính của Trung Quốc trong một thời gian dài. Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa và cải cách, sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu đã tăng tốc, sự liên kết của nước này với các nước khác được mở rộng và vai trò của nước này trong hệ thống quốc tế đã trở nên nổi bật hơn. Do đó, Trung Quốc đã hội nhập sâu hơn vào hệ thống toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi Trung Quốc phải sắp xếp lại các chính sách đối nội và đối ngoại, điều chỉnh và thay đổi các chính sách hợp tác tương đối phân tán và phối hợp tốt hơn mối quan hệ của mình với tất cả các phần trong hệ thống toàn cầu để chứng tỏ rằng nước này có thể gánh vác trách nhiệm của một nước lớn và thúc đẩy sự phát triển chung trong thời bình. BRI là câu trả lời mới nhất của Trung Quốc cho những thách thức này. Sáng kiến này bắt đầu bằng việc cải thiện hợp tác kinh tế với các nước tham gia và đã giúp Trung Quốc duy trì động lực trong khi hội nhập vào hệ thống toàn cầu.
BRI là một nỗ lực quan trọng của Trung Quốc để tham gia và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều thay đổi chính trị và kinh tế quan trọng đã diễn ra trên trường quốc tế. Những mối đe dọa và thách thức mới đã xuất hiện. Trong khi đó, các quy tắc và dàn xếp quốc tế không thể phản ánh đầy đủ thực tế của trật tự quốc tế. Khi xét tới các nhu cầu cơ bản của đại đa số thành viên của cộng đồng quốc tế, hệ thống quản trị toàn cầu cần được cải thiện hơn nữa. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ sinh kế của người dân, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác chung và ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố là những mục tiêu thiết yếu.
Đã có một số chương trình và sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề trên, như Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga khởi xướng, Sáng kiến Con đường tơ lụa mới do Mỹ bảo trợ, Chiến lược Trung Á mới của EU, Chiến lược kết nối EU-châu Á, Hội đồng các nước dân tộc Turk, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á. Tuy nhiên, khó có thể thực sự giải quyết các thách thức và vấn đề khu vực khác nhau bằng cách dựa vào một hay thậm chí một vài giải pháp hiện có. BRI không phải là đối thủ cạnh tranh hay sự thay thế cho các chương trình hợp tác khu vực hiện có. Sáng kiến này dựa trên thực tế rằng sự phát triển và ổn định của các quốc gia và khu vực này rất quan trọng đối với Trung Quốc. Do đó, chừng nào BRI còn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và duy trì ổn định khu vực, thì chừng đó sáng kiến này sẽ tìm ra điểm chung và mở rộng hợp tác với họ và đạt được sự hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Trên thực tế, là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc có kinh nghiệm có một không hai trong quá trình tham gia và hội nhập vào hệ thống quản trị toàn cầu, và đã tiến hành một loạt nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu cả về khái niệm lẫn thực tiễn. Chẳng hạn, những ý tưởng và chính sách mang lại sự hài hòa, an ninh và thịnh vượng cho các nước láng giềng mà Trung Quốc đề xuất và theo đuổi đã bù đắp phần nào cho sự chênh lệch về phát triển và ổn định mà hệ thống quản trị toàn cầu đã gây ra ở các khu vực khác nhau, và các chính sách này đã đạt được các kết quả khả quan trong vài thập kỷ qua. BRI đơn thuần chỉ là sự lặp lại mới nhất của những khái niệm và chính sách như vậy.
Những thách thức và phản ứng
BRI không thể được thực hiện trong một sớm một chiều, và có rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Về vấn đề này, nhiều người trên thế giới cho rằng Trung Quốc quá lạc quan về BRI. Tuy nhiên, Trung Quốc có một quan điểm tương đối thẳng thắn về BRI. Nước này có quan điểm khá thực dụng trong khi cộng đồng quốc tế hoài nghi và chỉ trích BRI. Khi Trung Quốc giải thích cho các nước khác về BRI, nước này cũng đã tích cực điều chỉnh và cải thiện các thông lệ liên quan đến BRI của mình.
Những hoài nghi và chỉ trích
Những hoài nghi và chỉ trích mà BRI thường xuyên phải đối mặt bao gồm: BRI là chiến lược địa chính trị đối ngoại của Trung Quốc trong khi nước này phá vỡ trật tự quốc tế hiện tại; BRI là nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một phạm vi ảnh hưởng – các nước tham gia sẽ mắc bẫy đầu tư của Trung Quốc và buộc phải cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô cho Bắc Kinh trước khi trở thành bãi rác cho các sản phẩm của Trung Quốc; Trung Quốc sẽ chuyển năng suất công nghiệp dư thừa của mình ra nước ngoài; Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình phát triển kinh tế thông qua BRI, dẫn đến sự phát triển quá mức, ô nhiễm môi trường, bẫy nợ…
Phổ biến nhất là quan điểm cho rằng BRI là một chiến lược địa chính trị mới của Trung Quốc. Quan điểm này nói chung nhìn nhận rằng Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội khi Nga, Mỹ và châu Âu để lại một khoảng trống địa chính trị ở Trung Á. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng BRI không chỉ là cách thức đảm bảo an ninh năng lượng mà còn giúp Trung Quốc cải thiện hợp tác với các nước láng giềng phương Tây và đối trọng với sự xoay trục của Mỹ sang châu Á.
Trên thực tế, tình thế tiến thoái lưỡng nan giả này, dựa trên giả thuyết rằng Trung Quốc và Mỹ mắc kẹt trong trò chơi được mất ngang nhau, có những mâu thuẫn cố hữu. Thứ nhất, Nga, Mỹ và châu Âu có lợi ích đáng kể ở Trung Á và vẫn đang theo đuổi chiến lược của riêng họ, vì vậy không có khoảng trống nào cả. Thứ hai, mặc dù chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã gây ra những thách thức mới đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không thể từ bỏ các lợi ích chiến lược của mình ở Đông Á. Thứ ba, TPP, TTIP và thỏa thuận thương mại 2018 giữa Mỹ, Canada và Mexico hoàn toàn khác với BRI. Trung Quốc đương nhiên sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng để đối phó với các tác động kinh tế của các thỏa thuận đó vì nước này có nhiều mối quan hệ kinh tế với các nước liên quan, nhưng BRI không có mối quan hệ thực chất nào với các thỏa thuận đó. Do đó, việc Trung Quốc tham gia cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu không phải là nhằm điều chỉnh hay phá vỡ trật tự quốc tế hiện tại, như một số phân tích đã hình dung.
Những thành tựu của chính sách mở cửa và cải cách 40 năm của Trung Quốc dựa trên sự hội nhập của nước này vào hệ thống quốc tế hiện tại. Trung Quốc hy vọng hệ thống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn, hợp lý hơn và ít hỗn loạn hơn, nhưng nước này không có ý định loại bỏ nó và bắt đầu lại từ đầu. Việc bỏ qua điểm này và nhấn mạnh quá mức vào cách giải thích mang tính tiêu cực về những thay đổi do BRI mang lại, và đưa ra các chính sách nhằm chống lại BRI, hoặc hình thành một liên minh quốc tế nhằm phá vỡ hoặc kiềm chế BRI, sẽ phản ánh những sự bất công và thiếu hoàn chỉnh của trật tự quốc tế và hệ thống quản trị toàn cầu hiện tại.
Giải thích và phản ứng
Chính phủ Trung Quốc tin rằng những hoài nghi và chỉ trích này thường là do những sự hiểu lầm và xuyên tạc. Một số chính phủ và học giả hiểu sai về BRI vì không được cung cấp đầy đủ thông tin. Một số xuyên tạc tiêu cực xuất phát từ định kiến đối với Bắc Kinh và giúp kiềm chế Trung Quốc, và khi kết hợp với những giải thích sai lầm về các mục tiêu của Trung Quốc, chúng tạo nên suy nghĩ rằng Trung Quốc đang đe dọa, từ đó lan truyền hình ảnh tiêu cực về BRI. Ngoài ra, khoảng cách giữa cái được đề xuất và cách thức thực hiện đề xuất đó sẽ gây thêm sự hiểu lầm. Tất nhiên, một số dự án BRI không hoàn hảo, nhiều kế hoạch và cơ chế làm việc của dự án cần được củng cố. Ví dụ, Đường sắt Trung Quốc-châu Âu đã cải thiện sự kết nối giữa các tỉnh của Trung Quốc và các nước EU, nhưng dịch vụ này rất đắt đỏ và cần phải được tổ chức tốt hơn. Các học giả Trung Quốc đã đưa ra nhiều chỉ trích và đề xuất nhằm chỉnh sửa những chính sách và hoạt động đó. Tuy nhiên, nếu các học giả cố ý phóng đại các khía cạnh tiêu cực của BRI, thì việc này rõ ràng sẽ làm suy yếu dư luận quốc tế, vốn cần thiết để thúc đẩy các cuộc thảo luận và nghiên cứu sâu sắc về BRI.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm làm tăng tính minh bạch của BRI, và đảm bảo tính cởi mở và có đi có lại của dự án nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên tham gia. Một mặt, Trung Quốc khuyến khích các quan chức, các nhà bình luận truyền thông và các học giả giải thích chính sách của nước này thông qua việc diễn giải, nghiên cứu và truyền đạt thông tin, từ đó đảm bảo các cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu một cách toàn diện về BRI. Mặt khác, Trung Quốc đang nỗ lực khuyến khích các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nước ngoài cho thấy sự cởi mở, chia sẻ, phát triển và các đặc trưng khác của BRI để nêu gương tốt và củng cố nền tảng của BRI bằng cách tối ưu hóa mô hình chính sách, thiết lập các tiêu chuẩn cao, và nâng cao chất lượng dự án. Trung Quốc cũng hợp tác với các tổ chức xuyên quốc gia để đạt được lợi ích chung. Ví dụ, AIIB hợp tác với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu trong việc sàng lọc, thực hiện và giám sát các dự án. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc hợp tác với các công ty từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, các nước thành viên EU và nhiều nước khác để thực hiện một số dự án BRI.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mục đích thuyết phục từng nước rằng nước này sẽ không buộc họ phải chấp nhận các dự án BRI trái với ý muốn của họ. BRI không phải là một kế hoạch địa kinh tế do Trung Quốc chi phối. Trung Quốc cũng không mong muốn thành lập các tổ chức khu vực để chống lại EU, EEU hoặc các tổ chức khác. Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể tôn trọng các mối quan ngại và lo lắng của cộng đồng quốc tế, có thể cải thiện BRI bằng cách liên tục học hỏi và sửa chữa lỗi lầm, và có thể nỗ lực phát triển với chất lượng cao nhất. Do đó, thông tin không chính xác và suy nghĩ thiên vị là những trở ngại đối với việc hiểu được mục đích thực sự của BRI.
Vai trò của nhiều bên tham gia
Các bên tham gia khác nhau phải thực hiện các chức năng của riêng họ khi thực hiện các dự án BRI. Điều đó có nghĩa là cần phải hợp lý hóa mối quan hệ cơ bản giữa chính phủ và doanh nghiệp, giữa chính trị và kinh tế. Cụ thể, chính phủ là bên hoạch định chính sách, còn các doanh nghiệp và xã hội là bên tham gia chủ yếu vào việc xây dựng và thực hiện BRI. Mô hình BRI do chính phủ hướng dẫn và doanh nghiệp dẫn đầu đã được định hình trong 5 năm qua. Sẽ là sai lầm khi đánh đồng các công ty Trung Quốc với các công cụ chính sách của Chính phủ Trung Quốc khi xem xét và phân tích BRI. Khó mà đưa ra một kết luận phù hợp với thực tế trong khi phớt lờ các lợi ích bất đồng giữa Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình này.
Trên thực tế, các doanh nghiệp là trụ cột chính thúc đẩy sự phát triển của BRI; mục tiêu và hành động của họ có khi phù hợp cũng có khi trái ngược với các chính sách của chính phủ. Do đó, một mặt, Chính phủ Trung Quốc tích cực hợp tác với các chính phủ khác để cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách phối hợp chính sách và những dàn xếp thương mại và đầu tư mới trong khuôn khổ BRI, và cũng mang lại sự hỗ trợ liên quan cho các công ty Trung Quốc. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo rằng BRI có thể đạt được tiến bộ. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc cũng coi trọng việc điều chỉnh và chỉ đạo hành vi của các công ty thông qua các quy tắc và luật pháp quốc tế, ngăn chặn các nhà tài trợ vì theo đuổi lợi nhuận quá mức mà gây hại cho BRI, và tránh trường hợp các doanh nghiệp và các nhà tài trợ chiếm lĩnh thị trường.
Những người có thể hưởng lợi từ môi trường này không chỉ bao gồm các công ty nhà nước Trung Quốc mà cả các công ty tư nhân. Đây là chủ đề có thể rất dễ gây hiểu lầm. Một số nhà quan sát phàn nàn rằng các công ty nhà nước đã giành được phần lớn hỗ trợ và vốn tài trợ khi thực hiện các dự án BRI, còn các công ty tư nhân đã bị gạt ra ngoài lề. Trên thực tế, Trung Quốc rất coi trọng vai trò của các công ty tư nhân. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ để các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò là lực lượng mới thúc đẩy sự phát triển của BRI. Trong dài hạn, Trung Quốc hy vọng tăng cường các doanh nghiệp tư nhân thông qua BRI và từ đó tối ưu hóa cấu trúc kinh tế quốc gia của mình. Tuy nhiên, các dự án BRI do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện thường có quy mô lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và vốn. Điều đó khiến các dự án BRI của các công ty tư nhân nhỏ mới không thể thu hút sự chú ý. Nhưng trong số hơn 20.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia BRI, các doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số. Năm 2017, thương mại giữa các doanh nghiệp tư nhân và các nước tham gia BRI chiếm 43% tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước đó. Trên thực tế, các công ty nhà nước và tư nhân thường hợp tác để thực hiện nhiều dự án BRI quy mô lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng. Đúng là các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã giành được những hợp đồng lớn đó, nhưng họ hợp tác với khu vực tư nhân, thường thuê các công ty tư nhân làm nhà thầu phụ cho các dự án BRI.
Tái cân bằng cấu trúc
Tối ưu hóa là một phần then chốt trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được tiến triển về BRI trong 2 năm qua. Ban đầu, Trung Quốc và các nước liên quan ưu tiên thị trường quốc tế, vì vậy các doanh nghiệp và tổ chức xã hội Trung Quốc được khuyến khích thâm nhập thị trường ở các nước khác. Do đó, các học giả và công chúng cũng đã chú ý nhiều hơn đến nỗ lực của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Không có bất cứ nghi ngờ gì về việc thị trường quốc tế rất quan trọng đối với sự tiến triển của BRI, nhưng điều đó không thể biện minh cho việc phớt lờ thực tế là Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng kinh tế quốc tế và phân phối giá trị với tư cách là một trong những thị trường lớn trên thế giới. Do đó, Trung Quốc đã tìm cách cân bằng giữa việc mở cửa thị trường nội địa và việc tham gia thị trường quốc tế. Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, đưa người mua Trung Quốc đến với các công ty nước ngoài muốn bán hàng hóa, là một trong những biểu tượng của chính sách tái cân bằng đó.
Trên thực tế, BRI là một kế hoạch chiến lược dựa trên chính sách mở cửa thị trường nội địa của Trung Quốc. Một trong những mục tiêu chính của BRI là tăng cường kết nối kinh tế và xã hội giữa các vùng duyên hải và nội địa của Trung Quốc, và giải quyết một trở ngại đối với sự phát triển dài hạn mà Trung Quốc phải đối mặt: bản chất hai mặt của khu vực phía Đông và phía Tây, khu vực thành thị và nông thôn. Với những thách thức bên ngoài ngày càng tăng và cổ tức ngày càng giảm do gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc xây dựng lại mối quan hệ giữa các khu vực này đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 Trung Quốc càng cần phải giải quyết vấn đề này, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phản ứng đối với nó.
Kết luận
Mặc dù có nhiều hiểu lầm về BRI, nhưng ý tưởng ban đầu đằng sau việc Trung Quốc thực hiện sáng kiến này vẫn không thay đổi. Trung Quốc hy vọng BRI sẽ mang lại sự phát triển, thịnh vượng, hòa bình và an ninh, và nước này hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các đối tác để tạo ra một tương lai tươi sáng cho thế giới. Do đó, Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một mô hình mới để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cho các công ty nước ngoài và theo đuổi mục tiêu cùng với các bên tham gia khác phát triển BRI đạt chất lượng cao như mong muốn. Trong tương lai, việc làm tốt công tác xây dựng dự án, phát triển thị trường, đảm bảo an ninh tài chính, thông tin liên lạc, các hoạt động tiêu chuẩn hóa và phòng ngừa rủi ro sẽ là những điểm then chốt của chính sách BRI của Trung Quốc. Trong tiến trình này, việc trao cho các công ty vai trò dẫn đầu, thúc đẩy các quy tắc dựa trên thị trường và tối ưu hóa sự cân bằng giữa các thị trường nội địa và quốc tế sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc hiện thực hóa tiềm năng BRI.
NHỮNG KẾT LUẬN CHUNG
BRI đặt ra những thách thức và cơ hội đáng chú ý đối với Trung Quốc, Nga và Mỹ, dẫn đến những bất đồng về các mục tiêu của sáng kiến và làm tăng khả năng xảy ra hiểu lầm. Đối với Trung Quốc, BRI đại diện cho tham vọng của Tập Cận Bình củng cố Trung Quốc với tư cách một cường quốc toàn cầu, gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và hướng các dòng chảy kinh tế toàn cầu về phía Bắc Kinh. Hệ thống quốc tế hiện tại không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển ngày càng tăng của nhiều nước trong cộng đồng quốc tế. Trung Quốc thúc đẩy BRI như một cách để cải thiện các hệ thống quản trị toàn cầu và đẩy nhanh tốc độ phát triển quốc tế. Ở Trung Quốc, BRI được nhìn nhận là một dự án từ thiện nhằm thúc đẩy sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các nước khác và mang lại nhiều cơ hội hơn cho quan hệ đối tác quốc tế.
Theo quan điểm của Nga, BRI chủ yếu là một cơ hội kinh tế có những tác động lâu dài đối với lợi ích chiến lược của Nga. Moskva coi BRI là biểu tượng của sức mạnh kinh tế và tài chính của Trung Quốc và mong muốn của nước này khẳng định vị thế là một cường quốc toàn cầu thông qua việc can dự nhiều hơn ở nước ngoài. Nga đang tập trung vào việc lợi dụng tiềm năng kinh tế của BRI, đồng thời hạn chế khả năng của Trung Quốc can thiệp vào an ninh và chủ quyền quốc gia của chính họ. Xét tới mối quan hệ cá nhân bền vững giữa Putin và Tập Cận Bình, Moskva tự tin có thể cân bằng các mục tiêu đan xen này.
Ở Mỹ, BRI phải đối mặt với sự chỉ trích đáng kể vì thiếu tính minh bạch và bền vững kinh tế. Việc Washington đánh giá lại sự can dự với Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về BRI. Washington không tán thành việc cần thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhưng xem xét sáng kiến này trong bối cảnh Trung Quốc với địa vị là một cường quốc mới nổi và là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Nước này vẫn đang chật vật tìm cách tham gia các cơ hội do sáng kiến mang lại trong khi duy trì các tiêu chuẩn của riêng mình và hạn chế sự suy giảm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.
Liệu BRI những tính toán địa chính trị có thúc đẩy BRI hay không vẫn là vấn đề trung tâm của cuộc tranh luận. Ở Trung Quốc, có một thông điệp rõ ràng rằng các mục tiêu đã tuyên bố của sáng kiến này – giải quyết nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển – không mâu thuẫn với lập trường của chính phủ rằng sáng kiến này không có bất kỳ động cơ địa chính trị nào lớn hơn.
Nga và Mỹ thông qua các diễn giải của mình về dự án này thừa nhận rằng phát triển kinh tế là nguyên lý trung tâm của BRI, nhưng ở các mức độ khác nhau, họ cũng lo lắng về ý nghĩa địa chiến lược của sáng kiến. Moskva phần lớn không bày tỏ quan ngại về địa chính trị do có mối liên kết chính trị chặt chẽ với Bắc Kinh và những lợi ích tiềm năng của BRI. Tuy nhiên, nước này vẫn quan ngại về những hậu quả của một Trung Quốc mạnh mẽ thống trị khu vực Á-Âu và đã tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình ở châu Á.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhấn mạnh các mối liên kết không thể tránh khỏi giữa các mục tiêu kinh tế và tác động địa chính trị của BRI. Washington thấy rõ sáng kiến này có các động lực chiến lược cơ bản và tiềm năng thay đổi cục diện địa chính trị và các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu. Các dự án BRI dẫn đến việc Trung Quốc chiếm giữ cơ sở hạ tầng chiến lược ở nước ngoài làm gia tăng những chỉ trích như vậy.
Cả Nga và Mỹ sẽ vui mừng khi thấy một BRI toàn diện và minh bạch hơn bao gồm sự tham gia nhiều hơn của các công ty không phải của Trung Quốc. Nga đang tận dụng các cơ hội đầu tư có sẵn và tích cực tìm cách hợp tác với Trung Quốc về BRI. Các công ty Mỹ tìm kiếm cơ hội tham gia các dự án BRI nhưng đã nêu bật một số trở ngại, bao gồm thiếu thông tin có sẵn và quy trình đấu thầu [không] công bằng cản trở sự cạnh tranh công bằng.
Những mối quan ngại này trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh rằng BRI là toàn diện và cởi mở. Trung Quốc khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia đồng thời đẩy lùi quan điểm cho rằng họ đang ở thế bất lợi. Thay vào đó, Trung Quốc cho rằng việc thiếu sự tham gia của các công ty nước ngoài là do các công ty này không có khả năng cạnh tranh với các công ty trong nước. Trung Quốc sẽ phải giải quyết những quan ngại này một cách hiệu quả để các công ty nước ngoài tham gia nhiều hơn và làm giảm bớt những quan ngại của Mỹ và Nga về tác động địa chính trị của BRI.
Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có thể học hỏi từ những thành công của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á nhằm thúc đẩy một BRI toàn diện và minh bạch hơn. Đối với Bắc Kinh, điều này bao gồm việc chỉ định một ban lãnh đạo có thể tiếp cận và minh bạch chủ động tham gia và ứng phó với các mối quan ngại của quốc tế về BRI, thừa nhận cả những thất bại và thành công của họ. Washington nên hiểu rằng việc thẳng thừng lên án sáng kiến này chỉ hạn chế khả năng Trung Quốc ghi nhận những mối quan ngại chính đáng của Mỹ.
Vẫn còn một số cơ hội và thách thức đối với BRI trong tương lai. Nga nhận thức được sự bất cân xứng về kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc nhưng quyết tâm duy trì quan hệ với Trung Quốc với tư cách là đối tác bình đẳng. Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ BRI, tập trung vào việc tích hợp các ưu tiên phát triển và chính sách đối ngoại của riêng mình vào các dự án BRI. Chìa khóa để đạt được điều này là việc Nga vẫn giữ vững địa vị là cường quốc quân sự vượt trội ở Trung Á. Moskva cũng sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các bên tham gia khu vực hùng mạnh khác để cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ việc tăng cường tính minh bạch và bền vững kinh tế trong các dự án BRI. Nước này hy vọng Bắc Kinh sẽ chủ động đáp lại những chỉ trích của họ, mà phần nhiều trong số đó có sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế. Nhận thức của Washington về BRI có thể chịu ảnh hưởng nặng nề của tính cạnh tranh ngày càng tăng của mối quan hệ này. Tuy nhiên, nếu những chỉ trích của Mỹ về sáng kiến này không được hậu thuẫn bằng các lựa chọn chính sách hợp lý, thì các nước đang phát triển có thể sẽ tiếp tục chuyển hướng sang Trung Quốc vì họ cần phải phát triển. Ưu tiên đối với Washington là tạo ra các chính sách bảo vệ các lợi ích và giá trị của Mỹ đồng thời khuyến khích Trung Quốc chấp nhận chúng. Mặt khác, Washington có nguy cơ tạo ra một môi trường được mất ngang nhau, trong đó các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, một kết quả sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giữa hai nước này.
Trung Quốc đã nói rõ rằng BRI đã được nhiều nước chấp nhận. Sáng kiến này đã giúp mang lại cơ sở hạ tầng và đầu tư cần thiết cho nhiều nước đang phát triển. Nếu thành công, BRI có thể giúp Trung Quốc xác lập vị thế của mình là cường quốc kinh tế vượt trội của thế giới. Tuy nhiên, khi sáng kiến này được mở rộng, người ta càng xem xét kỹ lưỡng hơn sự can dự quốc tế ngày càng nhiều của Trung Quốc. Hơn nữa, sự thành công của sáng kiến này không được đảm bảo. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận thấy có một số khó khăn và thách thức mà BRI phải đối mặt trong tương lai, bao gồm những quan điểm cho rằng nó chứa đựng những tham vọng chiến lược lớn hơn người ta tưởng, những quan ngại về tính bền vững về kinh tế và tính minh bạch của các dự án, và sự nhầm lẫn về cách dự án này bổ sung cho trật tự quốc tế hiện tại hoặc làm thay đổi nó. Tuy nhiên, kể từ khi BRI chính thức ra mắt, Bắc Kinh đã tích lũy được một loạt dự án đã hoàn thành và đang thực hiện, cả thành công lẫn thất bại, từ đó học được những bài học quý giá và điều chỉnh các thông lệ của mình khi cần thiết. Đối mặt với một nền kinh tế trong nước đang giảm tốc, Bắc Kinh sẽ phải giảm thiểu các khoản đầu tư mạo hiểm và tổng hợp các bài học từ những sai lầm trong quá khứ. Ở nước ngoài, Trung Quốc cần chứng minh rằng họ đang tích cực cải thiện BRI theo phản hồi của quốc tế. Đây sẽ là chìa khóa để đảm bảo BRI thúc đẩy thay vì cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
P.H. – D.T. – A.G. – F.Y. – M.B.***
Paul Haenle, Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa. Dmitri Trenin và Alexander Gabuev, Trung tâm Carnegie Moskva. Feng Yujun và Ma Bin, Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á, Đại học Phúc Đán Trung Quốc.
Bài viết được đăng trên Carnegie-Thanh Hoa.
Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.