Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Nói thêm về cái gạc nai trên nón ở Huế

Nói thêm về cái gạc nai trên nón ở Huế

2-5-2019
Báo chí hôm nay đã cung cấp thông tin người bày ra trò gắn gạc nai chữ Hue trên nón của các cô gái áo dài tím đi trên cầu Trường Tiền là nhà thiết kế Minh Hạnh.
Mệ Minh Hạnh này thì đã tai tiếng từ lâu, cũng chính là người nhiều lần làm xấu chiếc áo dài Việt bằng những biến tấu không giống ai cho đến đồng phục áo dài của các tiếp viên Vietnamairlines xấu chưa từng có. Bà ấy còn biện hộ rằng chữ Hue nhìn giống vương miện gắn trên nón. Tư duy như thế thì bó tay. Thế cho nên không bàn đến mệ này nữa.
Cái tui thắc mắc mãi là dân số Việt Nam gần trăm triệu người, đã có nhiều thế hệ trải qua những trường mỹ thuật, trường thiết kế, trường đạo diễn, trường sân khấu, trường múa trong và ngoài nước, nhiều tên tuổi đã được thế giới công nhận.
Thế nhưng, khi có các lễ hội từ Nam chí Bắc người ta thấy quanh đi quẩn lại cũng mấy người chuyên làm nghề tổng đạo diễn, thiết kế chương trình như đạo diễn Phạm Thị Thành, Minh Hạnh, Lê Quý Dương, Mai Quốc Việt…và một số người nữa không nhớ tên. Trong đó chỉ có Lê Quý Dương có bằng đạo diễn ở Úc và Mai Quốc Việt ở Nga là có chuyên môn về lễ hội, còn Phạm thị Thành là đạo diễn kịch nói và Minh Hạnh chỉ là người thiết kế thời trang.
Đạo diễn lễ hội hoàn toàn khác với đạo diễn sân khấu hay điện ảnh, càng không dính líu gì đến thiết kế thời trang. Thế mà cái bà Minh Hạnh ấy luôn có mặt trong các lễ hội với tư cách tổng đạo diễn, nhất là các kỳ Fesstival ở Huế và nay ở trong lễ hội này.
Bà Thành thì thường xuất hiện với tư cách tổng đạo diễn các chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn cho các tỉnh và ở đâu cũng thấy diễn viên mặc quân phục cầm cờ vừa chạy vừa nhảy tưng tưng trên sân khấu, ở chỗ nào cũng thế mà lễ nào cũng chỉ từng ấy.
Tại sao ban tổ chức của các tỉnh, các thành phố không mạnh dạn sử dụng những người có bài bản, được học tập chính quy, có kiến thức, có chuyên môn để mang lại không khí mới cho các lễ hội và tránh được những kiểu thiết kế xấu xí, quê kệch như những chiếc nón mọc sừng này.
Làm gì cũng thế, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, phải có kiến thức và chuyên môn được rèn luyện chính quy thì mới mang lại hiệu quả được. Sử dụng một người chuyên phá nát chiếc áo dài truyền thống làm tổng đạo diễn cho một lễ hội thì chuyện thất bại, bị chê bai là chuyện tất yếu phải xảy ra bởi suy cho cùng Minh Hạnh cũng chỉ là cô thợ may áo dài. Mà lại là người thợ may tay nghề kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.