‘Nỏ thần’ Trung Quốc quá nhỏ trước Mỹ, đi vào vết xe thời Mao thách thức Liên Xô
Anh Tú
Quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn mới
60 năm trước, chủ tịch Mao Trạch Đông mắc sai lầm khi thách thức Liên Xô và giờ, Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình đang mắc sai lầm khi thách thức Mỹ trong lúc ‘nỏ thần’ trong tay họ còn quá nhỏ?
New York Times vừa có bài viết: “Tập Cận Bình muốn thống trị toàn cầu. Ông ấy đã quá trớn” kèm theo hình minh họa là một bàn tay khổng lồ cầm nỏ bắn tên liên tục mà không trúng hồng tâm. Tờ báo không giải thích hình minh họa nhưng nhìn vào bàn tay khổng lồ thì có thể hiểu được đó là tham vọng của Trung Quốc trong khi vũ khí họ có trong tay lại là một chiếc nỏ quá nhỏ, không thể bắn trúng mục tiêu.
Ảnh: New York Times
Bài viết nhận định Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ dường như đã gần đi đến hồi kết. Tổng thống Trump, tay chơi dầy vốn với sức mạnh của Mỹ - dường như chiếm thế thượng phong. Còn sự phản kháng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như cũng khó gỡ gạc được gì trong canh bạc có thể khiến Bắc Kinh mất mặt.
Nhưng dù sao thì việc để Mỹ chơi sát ván trong cuộc chiến thương mại lần này cũng có sai lầm từ Bắc Kinh khi họ đánh giá thấp Mỹ và “ảo tưởng” quá nhiều về bản thân. Trong lịch sử, Trung Quốc cũng từng trả giá khi ảo tưởng lớn về bản thân. Đó là câu chuyện dưới thời Mao Trạch Đông.
Vào cuối những năm 1950, Mao bắt đầu thách thức vai trò của Liên Xô trong việc lãnh đạo phong trào quốc tế vô sản, đồng thời khao khát trở thành một thế lực hùng mạnh hy vọng lật đổ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Các nhà phân tích cho rằng, Mao tìm kiếm sự thống trị toàn cầu vì chịu quan điểm truyền thống từ các hoàng đế Trung Hoa trước kia vốn tự cho mình là thiên tử, cai trị thiên hạ. Nhưng Mao đã bộc lộ thái quá; Trung Quốc chưa đủ mạnh để làm điều đó khi ấy. Liên Xô bực tức bằng việc rút các chương trình viện trợ cho Trung Quốc, cũng như rút các cố vấn khoa học đẩy Trung Quốc vào giai đoạn khó khăn.
Mao Trạch Đông và Nixon
Nhưng sau bài học đó, Mao đã sửa sai bằng cách quay sang chơi với Mỹ. Các lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc cũng coi hợp tác với Mỹ là cách để giúp Trung Quốc phát triển. Mao đã tổ chức ngoại giao bóng bàn vào năm 1971 để phá băng quan hệ và Tổng thống Richard Nixon ủng hộ Mao trong việc chống Liên Xô.
Tiếp theo là Đặng Tiểu Bình đã sang ‘tán tỉnh’ Mỹ với chiếc mũ cao bồi và khiến Tổng thống Jimmy Carter đã chuyển sự công nhận từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979 (trước đó, Mỹ chỉ coi Đài Bắc là đại diện hợp pháp của Trung Quốc). Trong những năm 1980, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đã mời Milton Friedman và các nhà kinh tế Mỹ khác đến thăm và đưa ra lời khuyên cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhờ đó, vốn và công nghệ Mỹ bắt đầu chảy vào Trung Quốc.
Năm 1997, Giang Trạch Dân đã thực hiện chuyến thăm tám ngày tới Mỹ và đội một chiếc mũ ba góc - biểu tượng của thực dân thời xâm chiếm châu Mỹ. Tổng thống Bill Clinton sau đó đã cho Trung Quốc một món quá lớn: gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Có thể thấy các lãnh đạo Trung Quốc trước rất khéo léo trong việc lấy lòng Mỹ, thậm chí hơi nịnh Mỹ là đằng khác để đối lấy sự tin tưởng và ưu đãi.
Ngay cả thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc khai thác một cách khéo léo nhất sự cởi mở của Mỹ. Hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc thời kỳ này bắt đầu tạo ra thâm hụt thương mại song phương cho Hoa Kỳ. Học viện Khổng Tử, một mạng lưới các trường dạy tiếng Hoa kiêm phổ biến văn hóa, bắt đầu bén rễ trong các trường đại học và trung học Mỹ…
Nhưng đến thời ông Tập Cận Bình thì ông có thái độ cứng rắn hơn hẳn với Mỹ. Dưới thời ông, những lời hùng biện chống Mỹ đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông chính thức. Chính phủ Trung Quốc đã tỏ thái độ rõ ràng về việc muốn thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á. Bắc Kinh đã có những động thái mạnh mẽ đối với Đài Loan và ở Biển Đông.
Thậm chí, Trung Quốc đã gửi tàu chiến đến ngoài khơi vịnh Alaska. Trên lý thuyết thì đó là vùng biển quốc tế nhưng thực tế là vùng biển mà Mỹ luôn để trong tầm mắt. Hành động đó được coi một màn phô trương thanh thế, thách thức Mỹ theo kiểu anh đưa tàu chiến gần biển nhà tôi thì tôi đưa tàu chiến đến gần biển nhà anh.
Thời Tổng thống Barack Obama vốn khá “nuông chiều” Trung Quốc như những người tiền nhiệm nên quá mềm mỏng. Còn dưới thời Donald Trump thì khác. Trong năm 2017 và 2018, các học giả rồi các cựu quan chức thuộc dạng cốt cán từ các chính quyền Hoa Kỳ trước đó đã bắt đầu ủng hộ một sự thay đổi cơ bản trong quan điểm của Mỹ về Trung Quốc. Họ đã đưa ra khuyến nghị cảnh giác Trung Quốc và kiến nghị đó phù hợp với quan điểm của chính quyền Trump, những người coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và kình địch số một của Mỹ.
Trong lúc đó, thì ông Tập dường như không biết gì về sự thay đổi này. Trái lại, Trung Quốc tiếp tục thực thi các chính sách cứng rắn vì nghĩ rằng họ đã có thể cùng Mỹ chia đôi thế giới khi đà GDP vẽ viễn cảnh sắp vượt Mỹ đến nơi. Chính vì vậy, ông Tập đã không chuẩn bị khi ông Trump dàn quân, tung đòn nhắm vào Trung Quốc bằng một cuộc chiến thuế quan.
60 năm trước, Mao mắc sai lầm khi thách thức Liên Xô và giờ, Trung Quốc đang mắc sai lầm khi thách thức Mỹ trong lúc ‘nỏ thần’ trong tay họ còn quá nhỏ?
A.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.