Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Nguyễn Xuân Diện: THĂM ĐỀN THIÊNG Ở CỬA SÓT

Nguyễn Xuân Diện: THĂM ĐỀN THIÊNG Ở CỬA SÓT

Thăm đền thiêng cửa Sót

Nguyễn Xuân Diện
06-12-2008

Lời dẫn:
Mỗi lần chư vị chiếu cố ghé thăm Nguyễn Xuân Diện-Blog, chư vị đều gặp bức hoành phi ở trên cùng,chạm cảnh vũ công, nhạc công đang tấu nhạc. Chắc là có vị sẽ hỏi rằng bức ấy là bức ở đâu, cảnh ấy là ai làm ra. Hôm nay, nhân ngày Chủ nhật, xin hầu chuyện chư vị về chuyến đi thăm đền thiêng Cửa Sót ở Hà Tĩnh mùa đông năm 2008. Bài này được viết vào lúc nửa đêm hôm mùng 6 tháng 12, sau khi đi thăm đền Sót về. 
Nhờ sự trợ duyên của bạn hữu, tôi vừa có dịp thăm thú, du khảo non nước đền đài danh thắng Hà Tĩnh. Xe chạy từ Hà Nội lúc 15h ngày thứ Sáu. Đi suốt đêm, vừa đi vừa nghỉ đến Hà Tĩnh. Dọc đường thấy lại những cảnh xưa của những chuyến giang hồ cũ, mà tưởng như vẫn chưa xa lắm. Này là núi Non Nước (Núi Chim Trả Tắm, Núi Tắm Chim) ở Ninh Bình, này là đền Sòng Bỉm Sơn. Mỗi nơi đi qua lại nhớ đến các ngài Chuyết Chuyết, Thiền Phong hóm hỉnh duyên dáng mà không kém cay xè khi công kích nhau, rồi lại thêm nhớ ngài Bái Mai Tử tận tình ân cần đãi đằng trong chuyến đi Như Thanh hồi tháng 5 Tây mới rồi. 

Chuyến giang hồ này là để chiêm bái chùa Hương Tích, Đền Lê Khôi và Đình Tam Lang…Dọc đường thấy gì ghi nấy, câu chữ vụng về, cũng cứ đem trình cả ra đây, cúi mong các bậc thức giả chớ chê cười kẻ vụng về quê kệch…

Chiều nay đến Đền Lê Khôi, là một chốn danh thắng linh thiêng mà tôi mới chỉ biết qua sử sách. 

Tôi biết Lê Khôi là một tướng tài của Lê Thái tổ có công bình Ngô. Ông Lê Khôi vốn xuất thân trong một gia đình dòng dõi, phong lưu, phú quý tại làng Lam Sơn - Huyện Thụy Nguyên - Thanh Hóa (Nay thuộc Huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa). Thân phụ của ông là Lê Trừ, anh thứ hai của đức Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi). Ngay từ nhỏ, ông vốn là người thông minh, nhân hậu, có dũng khí. Lớn lên, khi Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa ở Lam Sơn vào mùa Xuân năm 1418, thì Lê Khôi là người đầu tiên đứng dưới cờ khỏi nghĩa. Ông là người có công giúp Lê Thái Tổ kháng chiến chống giặc Minh, giúp Lê Nhân Tông trấn thủ Nghệ An, được nhân dân thương yêu , quý trọng.

Để ổn định biên giới phía Nam của nước Đại Việt, dưới thời Vua Lê Nhân Tông năm 1443, Lê Khôi được cửa thống lĩnh đại quân đánh giặc. Sau khi thắng trận trở về, chẳng may ông bị ốm và mất chân núi Nam Giới, mộ táng tại đỉnh Long Ngâm. Năm 1487, Vua Lê Thánh Tông truy tặng ông là “Chiêu Trưng Đại Vương”. 

Lại biết đền thờ Ngài là một nơi linh thiêng, mà năm xưa, cụ Phan Lê Phiên người làng Đông Ngạc khi đi đánh dẹp phương Nam cũng ghé vào chiêm bái, cảm được sự linh ứng mà xin chân hương về thờ ở đình Đông Ngạc. Đình Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm, ven Thăng Long là nơi thờ phụng ba vị thần. Nhân thần là Lê Khôi; Thiên thần là Độc Cước, chính là hai vị thần mà Phan Lê Phiên đi dẹp phương Nam rước chân hương về thờ. Thổ thần của làng Đông Ngạc là thần Thổ địa.

Đền Lê Khôi thuộc địa phận xã Thạch Đỉnh huyện Thạch Hà, nhưng lại do dân 3 xã Thạch Kim, Mai Phụ và Thạch Bằng huyện Lộc Hà thờ cúng. Ấy cũng chính vì sự cắc cớ như vậy mà khi cấp bằng Di tích Lịch sử văn hoá đền thờ và lăng mộ Lê Khôi (Chiêu Trưng Đại Vương) thì các ngài ở Bộ VHTT phải viết vào tờ bằng rằng Di tích thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh mà không ghi rõ thuộc xã nào.

Đền Lê Khôi cách thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) chừng non hai chục cây số, nhưng dọc đường khi cách đền 8.6 km là một con đường rợp bóng phi lao dọc theo bờ biển, non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình. Một bên là biển Đông ầm ầm sóng vỗ, một bên là núi Nam Giới (Giới hạn phía Nam của Đại Việt xưa chăng?) xanh thẫm uy nghiêm một dáng hình thanh thản, còn bên trên là vi vút tiếng gió thổi trên ngọn phi lao như khúc nhạc ngàn năm. Đúng ra, theo hành trình thì muốn vào đền Lê Khôi, thường phải đi đò khoảng vài cây số, nhưng hôm nay có sóng dữ, nên ngài Lê Phong người địa phương phải đích thân đưa chúng tôi đi đến đền bằng đường bộ. 

Đền nằm sát bên bờ biển Cửa Sót, một vị trí rất hiểm địa. Nơi ấy có đồn biên phòng Cửa Sót nép mình bên đền.  

Đền Lê Khôi dựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển, dường như là lấy Bằng Sơn (núi Chim Bằng) làm tiền án từ phía biển xa xa. Quanh năm sóng vỗ, bọt tung trắng xoá như khúc ca hùng tráng của đội quân của vị tướng cầm quân năm xưa. 

Thọ Văn và Xuân Diện trước cửa đền thiêng 

Từ chân sóng biển dẫn vào cổng đền là một đôi voi đá tuy mới được tạo tác nhưng nét khắc rất thuần thục, vừa uy vệ, vừa hiền hoà chầu ngay bên đền, qua miểu Chúa Sơn là những bậc đá đưa chân du khách lên đền chính. Những hàng cột trụ uy nghi như lồng vào mây trắng. Câu đối từng đôi nét còn sắc với bút pháp thanh nhã đầy đặn ca ngợi uy linh và công nghiệp của Lê Khôi. Qua tam quan là những nhà bia xinh xắn. Một bên là tấm bia khắc bài thơ của Lê Thánh Tông ca ngợi uy đức của Lê Khôi. Thơ rằng:

C1.jpg

Dẹp yên tám cõi mới buông tay ,

Rỡ rỡ Thai tinh một đóa mây .

Tể tướng bếp tàn ,mai lạnh vạc ,

Tướng quân Dinh vắng liễu chau mày .

Phong lưu phú quý ba đời thấy ,

Sự nghiệp huân danh bốn bể đầy .

Thương ít, tiếc nhiều bao xiết kể ,

Miếu đường hầu dễ cột nào thay!

Bên kia là tấm bia khắc lời Nguyễn Như Đổ viết về Ngài, được rút ra từ sử sách, tuy tấm bia mới được khắc lại vào năm 1984, nhưng dáng vẻ của rùa của bia cứ như từ xa xưa lắm! Đủ thấy người thời nay, nếu cứ thành tâm, cầu toàn thì cũng học được theo cổ nhân vậy!

Đền có quy mô không lớn, nhưng vào đến bên trong những người có tấm lòng với văn hóa cổ truyền tưởng như đã được thoả tâm nguyện cầu tìm vốn cổ. Dường như mỗi bức đầu dư, mỗi một quá giang, ván gió của nội thất đền là mỗi một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo mà những người thợ xưa đã dốc hết tâm nguyện và tài khéo để dâng lên thần. Trong đền không có nhiều ánh sáng. Vẻ u linh hình như càng vì thế mà thêm trầm mặc.


Nội thất đền Lê Khôi 

Chúng tôi cùng dâng lễ trước điện, thành tâm thành kính. Bấy giờ mới xin âm dương một quẻ thì được ngay. Bấy giờ cùng đi vào đền chụp ảnh, chiêm bái trong cung cấm. Cả một kho báu cổ mỹ thuật hiện ra, khiến cả hội bất ngờ sững sờ, nào chữ Hán viết đại triện những đôi câu đối, nào rồng mây, phượng múa, bức nào cũng dụng công lắm lắm. Ngài Thọ Văn mới chỉ cho tôi một đôi chân cột có khắc hai phỗng Chàm trông rất ngộ nghĩnh.

Nhưng mà tôi thắc mắc lắm! Sao không thấy bức chạm cảnh múa hát ca trù mà tôi đã từng giới thiệu trong sách Lịch sử và Nghệ thuật ca trù. Bức chạm quý báu ấy là một minh chứng rất hùng hồn về nghệ thuật ca trù của thế kỷ 18, của múa ca trù, của sự có mặt ca trù tại miền trung từ hàng mấy trăm nay. Trước đây các ngài Du Chi ở Viện Mỹ thuật đã từng chiêm ngưỡng, đã làm bản rập; rồi đến các ngài Hải Phong, Đức Bình cũng ở Viện ấy đã đến tận nơi, lại vẫn làm bản rập. Và năm trước, ngài Đặng Hoành Loan cũng đã cùng một đoàn tuỳ tòng chẳng quản non nước xa xôi vào tận nơi mà chụp ảnh ghi hình để đưa vào Hồ sơ Hát ca trù trình với UNESCO. Vậy mà nay bức chạm ấy ở đâu? Tôi bèn hỏi cụ thủ từ, cụ cũng không biết. Lạ quá! Cụ mà cũng không biết thì chúng cháu làm sao mà biết. Bấy giờ mới mượn cụ cái đèn rọi.

 
Bức chạm trên xà ngang đền Lê Khôi 

May quá, đây rồi! Cảm xúc vui tươi tràn ngập lòng tôi. Thế là lại đua nhau chụp hình, như sợ rằng nó sẽ biến mất ngay trước mặt vậy.  

Chiêm bái thưởng ngoạn thoả lòng, bèn ra trước tấm biển gỗ đề bài thơ của Lê Thánh Tông ngự đề mà ngâm lên sảng khoái. Cụ thủ từ khen tôi là người biết chữ Nôm. 


Cụ thủ từ đền Lê Khôi và Nguyễn Xuân Diện 

Rồi lại cùng quay ra xem bài thơ chữ Hán khắc trên đá trong nhà bia. Nét khắc trên bia ghi rõ việc khắc bài thơ vào năm Duy Tân. Tôi bèn xin phép cụ để làm bản rập. Cụ lại quay vào đền xin âm duơng. Lại được ngay tức thì. Hình như Ngài cũng chiếu cố cảm tất thông, cầu tất ứng vậy!

Đây là lần đầu tiên chiêm bái đền Lê Khôi, mà lòng tôi đã chủ tâm từ trước. Thoả nguyện chiêm bái đền thiêng, thoả nguyện tìm dấu xưa nghệ thuật ca trù, cũng thỏa nguyện tìm gặp những nét hoa văn của tiền nhân trên từng thớ gỗ, nét chạm. Lại thoả nguyện đứng giữa núi xanh biển biếc giao hoà, tai nghe thanh âm khúc hát thiên nhiên ngàn thưở, tiếp ứng khí lành của Đức Thánh chung đúc tú khí non sông, “khí thế lừng lẫy về trước, anh linh còn mãi về sau”. 
TP Hà Tĩnh 23h45 ngày 6.12.2008.


14 nhận xét :

  1. Năng đi đền đi TS Diện ơi.
    Trả lời
  2. bác diện ơi! vẫn biết rằng các đ/c nga không đời nào bỏ rơi, nhưng qua http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Quan-cang-Cam-Ranh-qua-nhung-hinh-anh-cua-cuu-chien-binh-Nga/57618.gd được biết http://camranh.ru/ mà lòng lâng lâng vui sướng như bay bổng giữa trời xanh.
    chúc mừng bác diện!
    Trả lời
  3. Lối văn bác Diện dùng trong bài này (thỉnh thoảng vẫn thấy bác dùng), tôi nhớ mang máng xưa thầy giáo gọi là lối văn "biền ngẫu". Không biết tôi có nhớ đúng tên gọi của nó không bác Diện ạ?

    Lâu lắm rồi mới thấy có người dùng lại bút pháp này. Thú vi quá! Tôi như được sống lại tuổi thiếu niên xưa mê mẩn học văn học sử Việt Nam.

    Chỉ xin lấy đoạn cuối cùng trong bài làm ví dụ:

    - Cái điệp khúc "thỏa nguyện..., thỏa nguyện..., cũng thỏa nguyện..., lại thỏa nguyện..." đọc thấy sướng ơi là sướng. Tôi tự hỏi sướng vì đâu? Có phải vì cái hồn Á Đông nó sống dậy trong mình? Sự lặp lại, lặp lại, lặp lại này phải chăng thể hiện cái triết lý sống sâu xa của người Đông Á: yêu kính và hòa mình vào nhịp điệu của Đất Trời, của Chữ Thời:

    "Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp
    "Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
    "Ngày rực rỡ, đêm êm đềm kế tiếp
    "Đón chào tôi chung cười khóc bao lần..." (Bùi Giáng)

    - "Kỹ thuật" thứ hai là các vế đối nhau trong cùng một câu, hay nâng lên nữa thành câu đối câu, đoạn đối đoạn. Đơn cử cặp đối này: “khí thế lừng lẫy về trước, anh linh còn mãi về sau”.

    Đọc cũng sướng luôn! Nói đao to búa lớn tí thì đây là cách thể hiện cái triết lý Âm-Dương. Hễ có âm thì phải có dương, luôn luôn phải đi cặp đôi. Đó là lối sống đề cao sự quân bình, hài hòa, lung linh, uyển chuyển. Không cứng nhắc, không độc đoán, không cực đoan! 

    Hi hi, chưa nói đến nội dung của bài. Chỉ mới "hình thức" thôi mà đọc đã thấy sướng rồi!

    Mà bác Diện ơi: địa danh "Hà Tĩnh" ở đây bác ghi dấu ngã. Trước đây tôi đọc thấy có sách nhất quyết là "Hà Tỉnh" (dấu hỏi) mới đúng. Hơi hoang mang chỗ này. Thực ra tên chính thức của nó là hỏi hay ngã bác nhỉ?
    Trả lời
  4. Đại vương Lê Khôi,là một vị khai quốc công thần của triều Lê,ông là võ tướng toàn tài có nhiều công lao trong sự nghiệp Bình Ngô của Lê Lợi.Ông đã từng dự hôi thề Lũng Nhai lịch sử vào năm 1416.Ông làm quan qua ba triều,và được sắc phong danh hiệu cao quý của triều đình là"Thượng đẳng phúc thần"
    Ngoài việc quân binh,ông cũng là người hết lòng chăm dân,ông luôn cho quân lính xuống giúp và khuyên dân nên lấy nghề nông làm chính.
    Đời vua Thái Tông,ông bị bọn xu nịnh dèm pha nên bị cách chức.Nhưng sau nhờ vào sự sáng suốt của vua Lê Nhân Tông nên ông được phục chức và được cử đến trị nhậm ở Nghệ An.
    Khi ông qua đời,nhà vua cho bãi triều ba ngày và truy phong ông chức"Nhập nội đô đốc"
    Đối lập với những kẻ có chút công trạng thì sinh ra tự mãn,tha hoá,rồi thành kẻ"Xú danh nan tẩy"(Hịch tướng sĩ)Đại vương Lê Khôi là bậc"Sanh vi danh tướng,tử vi thần"trong lòng người dân.
    Trả lời
  5. Doc suong that!Cam on TS nhieu lam !
    Trả lời
  6. Đối với những người không am hiểu nhiều về văn hóa và sử Việt như VN đây thì đọc qua bài này........như đàn khảy tai trâu :-) No comment.

    Không biết đến khi nào thì những đền mang tính chất lịch sử như vầy ở nước ta được giới thiệu đến cho toàn dân trong nước cũng như khách du lịch ngoại quốc.
    Trả lời
  7. "...Mà bác Diện ơi: địa danh "Hà Tĩnh" ở đây bác ghi dấu ngã. Trước đây tôi đọc thấy có sách nhất quyết là "Hà Tỉnh" (dấu hỏi) mới đúng. Hơi hoang mang chỗ này. Thực ra tên chính thức của nó là hỏi hay ngã bác nhỉ? "
    _____________________

    Ở đây, không phải Hà Tĩnh,cũng chẳng phải Hà Tỉnh, mà là "Hà Tịnh " ( dấu nặng) đấy ạ./.
    Trả lời
  8. Hi hi, bác gì ấy ơi, "Hà Tịnh" là do cái giọng nặng đặc biệt của người địa phương mới nghe ra vậy chứ? Chắc là bác đùa cho vui rồi. Nhà em gốc Quảng Trị, mà giờ nếu em giở cái giọng quê em ra nói thì thế bác cũng nghe ra là Quảng... "Tị", hi hi.

    Biết bác Diện bận bịu (vợ con đùm đề) nên cũng ngại hỏi, chứ đọc tới đọc lui mà nhiều chỗ tò mò lắm, ví dụ "Chiêu Trưng" nghĩa là gì? Vị Thiên thần có tên là Độc Cước, là ai vậy? Đầu dư, quá giang, ván gió là những bộ phận nào của nội thất?...

    Chùa và Đền thì nghe bác Diện tả rồi. Mong hôm nào đó được đọc bài bác viết về "Đình".
    Trả lời
  9. Hà Tĩnh dấu ngã là chính xác. Nhưng giọng địa phương xứ Nghệ thì dấu ngã đọc thành dấu nặng. Hà Tĩnh thành Hà Tịnh.
    Trả lời
  10. bác diện trông vẻ xấu xí nhưng hiểu biết lắm nhỉ?
    Trả lời
  11. Đọc bài này tôi nghĩ Ngài Lê Khôi quả thật là may mắn. Nơi thờ phụng ngài còn giữ được nét đẹp thuần khiết. Nghĩ đến những đền, chùa, đình ngày nay mà... lo. Nếu cứ trùng tu với chả đại tu theo kiểu hoành tá tràng cho giống với nước lạ thì chả biết khi thờ phụng các Ngài thì các Ngài bảo sao nhỉ????
    Trả lời
  12. Sẽ linh ứng ngay thôi mà. Ở quê tôi cũng có chuyện để ké mộ những nơi thờ phụng mong con cháu sẽ hiển đạt nhưng sau vỡ mộng phải di dời gấp. Muốn con cháu hiển đạt thành danh là cả một quá trình nhiều thế hệ bền bỉ gây dựng chứ đâu phải chỉ có xảo thuật
    Trả lời
  13. Tin khẩn
    Bác Diện ơi, tôi mới đọc bên bauxite bài của chị Hà-vợ anh Cù Huy Hà Vũ, nói là anh Vũ đang bị giam chung cùng buồng với một tên có tiền án, tiền sự tôi thấy nguy hiểm quá, chúng không đánh anh ấy chết nhưng chúng có thể đánh anh ấy đau, gây tàn tật, khủng bố tinh thần...
    Với sức lan tỏa của blog củc bác, mong bác hãy nên tiếng để mọi người gây áp lực bảo vệ cho anh Vũ,
    Than ôi công lý, lòng trắc ẩn của đồng loại đang ở đâu
    Trả lời
  14. các anh chị ơi,e đang làm cái đề tài tiểu luận về đề lê khôi hà tĩnh mình ,hic,về vấn đề công tác tổ chức quản lý mà chưa biết xuống đó đi hỏi ai nựa.anh chị giúp e với huhuhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.