Không khí cần cho lá phổi, thông tin cần cho bộ não (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 67)
Tương Lai
Thiếu không khí để thở hoặc không khí bị ô nhiễm, người ta có thể nhận ra ngay. Người thường khỏe mạnh, trung bình có thể nín thở từ 3-5 phút. Dĩ nhiên, có những trường hợp ngoại lệ. Tanya Streeter, người Anh ở quần đảo Cayman, đã phá kỷ lục thế giới về nín thở lặn tự do sâu 160 m trong 6 phút 16 giây. David Blaine, Chicago, Hoa Kỳ, được ghi danh kỷ lục Guiness với nín thở lâu nhất dưới nước tới 17 phút 4 giây! Tôi đọc được ở đâu đó rằng nguy cơ thường bắt đầu sau 1 phút bị hết oxy và càng lúc càng nặng dần: Từ 30-180 giây thiếu oxy sẽ mất ý thức; sau 1 phút, tế bào não bắt đầu chết; sau 3 ba phút, nơ-ron bị tổn thương nhiều hơn, và sẽ có di chứng; sau 5 phút, cái chết sắp xảy ra; sau 10 phút, hôn mê và sau 15 phút, không thể nào cứu sống. Những trường hợp ngoại lệ và phá kỷ lục nói trên chắc là do đã kỳ công tập luyện thường xuyên, đã tạo ra khả năng sử dụng oxy hiệu quả hơn, cho phép não có thể chịu thiếu oxy lâu hơn.
Ấy vậy mà có một thứ không ngoại lệ để phải xót xa mà nói ra: nếu có một kỷ lục về chịu khát thông tin thì e nước ta là một trong những nước đang phát triển phải đau đớn tiếp cận đến kỷ lục tủi hổ ấy!
Di sản nặng nề của tập quán được nhào nặn trong một xã hội tiểu nông đóng kín “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” với một nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc, nghèo nàn lạc hậu chỉ mong sao có được “cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết” vẫn còn ám ảnh dai dẳng. Nền kinh tế ấy không đòi hỏi phải giao lưu mở rộng với bên ngoài, kinh tế hàng hoá không phát triển, chợ họp theo phiên thì nói gì đến ngoại thương. Tầm mắt không vượt qua nổi luỹ tre làng đã nuôi dưỡng thói “an phận thủ thường”, “an phận thân vô nhục”, vì thế mà, để giữ nếp nhà thì phải “an phận tu nhân, an thân tu nết”! Kinh tế lạc hậu đã nuôi dưỡng cái tập quán an phận ấy, không sao mạnh dạn bứt ra khỏi luỹ tre làng, tìm kiếm cái mới, mà chỉ tìm bóng dáng mình trong hoài niệm “sống về mồ mả, ai sống vì cả bát cơm”. Thậm chí khi đã chuyển được sang kinh tế thị trường thì vẫn cứ phải gắn vào một cái đuôi xã hội chủ nghĩa để tránh “chệch hướng”. Là cái đuôi, nhưng cái đuôi ấy đang ngồi nhầm chỗ khi ngự trị trên đầu của những người cầm cân nảy mực cho việc xây dựng đất nước.
Còn nhớ, khi bàn về “Chủ nghĩa tư bản và nông thôn Đức” thế kỷ 19, Max Weber đã đưa ra một đúc kết “Hai nghìn năm quá khứ vẫn không huấn luyện cho người nông dân sản xuất ra để kiếm lợi nhuận” (Essays in Sociology. Roulled & Kegan Paul. London-1985, p.365).Việt Nam mới nặng nhọc chuyển sang kinh tế thị trường được ngót nghét ba mươi năm. Đấy là chưa nói vừa chuyển vừa ngoái lại đằng sau, “bước ra một bước giây giây lại dừng” vì cái tập quán nghìn đời kéo lại, cộng thêm sự tài trợ hào phóng của những đầu óc thủ cựu, dốt nát. Thật ra, chủ yếu là sợ mất “chủ nghĩa xã hội” đồng nghĩa với mất quyền lực, mất lợi ích đã quen được bao cấp, “lòng vả cũng như lòng sung” mà. Càng thấm thía với quy luật nghiệt ngã của sự phát triển Hegel đã chỉ ra: “Mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ đã suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”!
Chính vì vậy ngột ngạt vì thiếu thông tin hoặc thông tin bị nhiễm độc, thì không phải mọi người trong xã hội đều cảm nhận được ngay. Đây cũng là điểm tựa để thể chế toàn trị phản dân chủ khai thác triệt để nhằm duy trì hệ thống quyền lực từ trên xuống dưới. Cho nên không có gì khó hiểu khi mọi thể chế độc tài cùng với nuôi dưỡng sự nô dịch, nuôi dưỡng sự tàn nhẫn thì tệ hại hơn, thâm hiểm hơn là nuôi dưỡng sự ngu dốt. Để gì? Để biến quần chúng nhân dân thành một bầy cừu dễ lừa mị, dễ dẫn dắt, tuân phục quyền uy mà chúng tiếm đoạt được. Chúng lo sợ rằng, “càng hiểu biết, con người càng tự do”, đó là ngọn lửa chân lý được Voltaire thổi bùng lên, mở đầu cho “thời đại ánh sáng”. Càng hiểu vì sao mà Nazim Hikmet từng quyết liệt kêu gọi:
“Nếu tôi không cháy lên,
Nếu anh không cháy lên,
Nếu chúng ta không cháy lên,
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng”!
Để dìm xã hội vào trong bóng tối, thể chế toàn trị phản dân chủ phải tìm mọi cách ngăn chặn ánh sáng, cho dù biết bàn tay không che được bầu trời, song để bảo vệ cái ghế quyền lực đang gắn liền với lợi ích, chúng vẫn cựa quậy, giãy giụa đến cùng và ngày càng khốc liệt hơn, xuẩn ngốc hơn. Điều đó dẫn đến một thực trạng nghiệt ngã: Che giấu sự thật, lấy sự lừa bịp và dối trá làm cứu cánh để duy trì bộ máy cai trị không có được sự hậu thuẫn của dân, đặc biệt là của trí thức và tuổi trẻ. Càng đánh mất lòng tin của dân thì lại càng phải nói dối. Và càng nói dối thì lại càng làm ruỗng nát niềm tin của dân. Cái vòng luẩn quẩn đó đang đẩy tới sự ngột ngạt trong đời sống tinh thần của xã hội, băng hoại đạo lý, nguy hiểm hơn nữa là làm sụp đổ cái nền tảng của quá trình hình thành nhân cách mà hệ luỵ thê thảm của nó thì đang phơi bày trước mắt.
Thật ra, cái vòng luẩn quẩn này không chỉ có ở nước ta trong triều đại Nguyễn Phú Trọng. Tiến trình phát triển của văn minh trong lịch sử là tiến trình đẩy lùi dần bóng tối mà “thế kỷ ánh sáng” gắn liền với tên tuổi của Voltaire và những người đi đầu phong trào từng tin rằng, họ sẽ dẫn thế giới vào một thời đại mới của nhân tính, lý tính và tự do, từ một thời kỳ dài đầy nghi ngờ, phi lý, mê tín dị đoan, và độc tài mà họ gọi là thời kỳ đen tối (Dark Ages). Nói như Emmanuel Kant “Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra, là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình, đó là phương châm của Khai sáng”.
Phải chăng để cổ vũ cho “sự can đảm” ấy mà ở phương Đông, đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc đã bỏ nghề thầy thuốc để làm người cầm bút viết báo, viết văn. Trị bệnh cứu người đương nhiên rất cao quý, song chỉ có thể cứu được một người, trăm ngàn người và có thể nhiều hơn nữa, còn để cứu cả dân tộc Trung Hoa đang đắm chìm trong bóng tối của sự nhu nhược yếu hèn để phải nhục nhã cúi đầu lùi bước trước thế lực ngoại bang thì phải “Gào thét” bằng ngòi bút. Và nhà đại văn hào Trung Quốc đã làm như vậy để lay tỉnh quốc dân. Ông đã quyết liệt phê phán cái gọi là “quốc dân tính” với “phép thắng lợi tinh thần”, “không thua ai điều gì kể cả rệp, ăn mày, gái điếm”. Lỗ Tấn đau đớn thốt lên “hễ là thứ quôc dân hèn yếu, thì dù cho thân thể có mạnh mẽ đên đâu, vạm vỡ đến đâu cũng chỉ có thể làm tài liệu và khán giả cho cuộc thị chủng không có ý nghĩa gì hết… Thế thì cái điều cần kíp thứ nhất của chúng ta là ở sự biến đổi tinh thần của họ, mà muốn biến đổi được tinh thần, không gì bằng dùng ngòi bút”.
Nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Ông thầy thuốc Lỗ Tấn đã cầm bút. Lòng sôi lên yêu dấu, nhưng tay lạnh lùng, óc tỉnh táo. Lỗ Tấn giải phẫu. Nghệ thuật và phẫu thuật”. Ngòi bút lạnh lùng của ông không nương tay mổ xẻ những thói hư tật xấu của người Trung Hoa.
Trong “Nhật ký người điên”, như máu trào ra đầu ngòi bút, Lỗ Tấn qua lời nhân vật Nguỵ Liên Thù mà đau đớn, thẳng thắn viết ra: “Mình thấy rõ trong lời nói của họ có thuốc độc, trong giọng cười của họ có dao găm. Răng thì nhăn ra trắng hếu. Toàn bọn ăn thịt người!... Liền giở lịch ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ “nhân nghĩa đạo đức” viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, có ba chữ: “Ăn thịt người”.
Đành phải từ bỏ cái ống nghe tim mạch của người thầy thuốc mà cầm lấy cây bút để miêu tả mạch đập của xã hội, trong đó con người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm thì không chỉ có một Lỗ Tấn. Theo chỗ tôi biết thì hình như còn nhiều người khác nữa, mà nhà văn lớn người Nga Anton Pavlovich Chekhov là một tượng đài sừng sững. Chekhov viết văn khi vẫn làm nghề thầy thuốc cho đến khi không đủ thời gian cho cả hai công việc đều liên quan mật thiết đến con người, mới chuyên chú vào nghề cầm bút. Để rồi như M. Gorki miêu tả: “Bằng một giọng nói trung thực và sang sảng, buồn buồn mà mỉm cười, với một nỗi sầu hoài tuyệt vọng trong tâm khảm và trên sắc mặt, giọng đầy quở trách dịu dàng mà thâm thuý, người ấy bảo cả bọn họ: Các vị sống bậy quá đi thôi”! (Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật. NXB Hội Nhà Văn, tr.260).
Bậy, vì họ “bị cái mù xám của phàm tục tẩm vào óc và máu của con người giống như thuốc độc hoặc sự ngạt thở, và do đó con người bỗng hoá ra một tấm biển chiêu hàng han rỉ: hình như cái biển hàng quảng cáo đó cũng quảng cáo cho một cái gì, nhưng là cái gì đây? Khó mà đoán ra được…”. Chekhov đã “dùng ngòi bút tinh nhuệ của mình để phát giác ra sự mốc meo của sự phàm tục, ngay cả những nơi mới trông tưởng như mọi sự đều tổ chức đâu ra đấy, đầy đủ tiện nghi và lại còn choáng lộn nữa kia…” (sách đã dẫn, tr.259). Vì vậy, dưới ngòi bút của ông, nói như Nguyễn Tuân “trong cái cười Chekhov thấy lẫn vào ít nhiều mặn chát của nước mắt, những giọt nước mắt của xấu hổ… Xấu hổ cho cái chất người khi nó xuống quá đến như thế” (sách đã dẫn, tr.278).
Và rồi, càng ngẫm nghĩ, càng hiểu ra được một kiến giải tuyệt vời “thiên nhiên chỉ tạo ra những động vật ngu xuẩn, xã hội mới tạo ra con người ngu xuẩn”! Luận đề chí lý ấy của Honoré de Balzac, tác giả của “Tấn trò đời” (La Comédie humaine) đã giúp mổ xẻ cái tấn trò đời đang diễn ra trước mắt ta, xung quanh ta, khuynh loát mọi lĩnh vực của đời sống mà ta đang phải sống.
Trong tính cập nhật của thực trạng ta đang sống đây, tôi muốn hiểu khái niệm “xã hội” trong luận đề của nhà văn hiện thực lớn người Pháp theo một nghĩa hẹp hơn, là môi trường sống bị nhào nặn theo một mô hình mà thế lực thống trị cần để duy trì quyền lực gắn liền với lợi ích của một “giai cấp mới” đang thao túng mọi mặt của đời sống con người. Chúng cần duy trì sự ngu dốt để dễ dàng tuân phục cây gậy chỉ huy mà bài “Ông Tổng không tiền ông tổng tễnh” của “Mênh mông thế sự” số 65 đã nói đến: “một xã hội của bầy cừu đương nhiên phải dung dưỡng một nhà nước của loài sói, và ngược lại, chính nhà nước sói cần phải có xã hội cừu mới tồn tại nổi”.
Cái “tấn trò đời” với những cừu và sói ta đang nhức nhối chứng kiến, phải chăng là một hiện thực sống động đã nảy nòi ra những nhân vật kẹch cỡm và tởm lợm với vô vàn những diện mạo đang quay cuồng trong những vở diễn bi hài triền miên. Riêng vở bi hài vừa hạ màn để chuẩn bị cho những vở diễn mới đang cận kề cũng đủ nói lên nhiều điều về “môi trường sống” của chúng ta. Một môi trường nhiễu loạn trong những cuộc chiến quyền lực, thanh toán đối thủ, tranh quyền đoạt vị nối tiếp không dứt. Triền miên những cuộc đốt lò để củi khô củi tươi được chọn lựa ném vào cho những toan tính trước mắt, nhằm hướng tới một mục tiêu lâu hơn một nhiệm kỳ. Những toan tính ấy chẳng mấy gắn bó với tấm áo khoác ngoài lòe loẹt của chống tham nhũng mà dân mong đợi.Tại sao phải toan tính như thế? Phải chăng là để dễ khuyến mại cho người nhẹ dạ cả tin vốn quá phẫn nộ về cái tệ quan tham! Cái tệ ấy không mới, có chăng chỉ “hiện đại hóa” nó lên điều mà Nguyễn Công Trứ từng giận quá đã văng ra
“Đù mẹ nhân tình đã biết rồi,
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường, nước chảy xuôi”
Vì vậy cái trò tung hứng đang diễn ra với những lời rao giảng đạo đức được những lời có cánh của những bồi bút tụng ca ngập tràn trên trang báo chính thống mà quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng chừng ấy mặt người phơi ra chẳng có mấy kết quả.
Khi dẻo miệng tụng ca cuộc đốt lò đang được tiếp tục họ không biết được rằng
“Sự đời tráo trở giống bàn tay
Hãy xem gương trước to tày liếp,
Mà biết lòng người mỏng tựa mây.
Tiếng bấc tiếng chì nghe đã chán
Mấy điều cạnh khóe nói thêm gay
Ở ăn hãy tưởng về sau với
Giời hãy còn cao đất hãy dày”!
Cần nhớ rằng khi viết những câu thơ ấy, cụ Hy Văn, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, đã có một bề dày sự nghiệp kinh bang tế thế mà một đời người khó có được. Thế mà mở đầu “Bài ca ngất ngưởng” ông đã viết “Vũ trụ nội mạc phi phận sự, Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”! Liệu đây có phải là cái lồng mà ngài Nguyễn Phú Trọng đòi phải nhốt quyền lực vào đó, để cho riêng ngài, người từng ra chỉ dụ “lãnh đạo phải không là người giàu tham vọng quyền lực” được tự mình ngất ngưỡng trên hai cái ngai cao nhất, mà rồi đã hụt hơi suýt nguy!
Mà sao không hụt hơi cơ chứ, khi mà tuổi cao sức yếu lại phải đặt trên vai hai hai gánh quá nặng. Không chỉ quá nặng mà còn quá tải với quá nhiều kịch bản phải dự liệu để kịp đối phó với những đòn độc của đối thủ đang vây quanh chỉ chực soi vào những sơ hở để tung ra những chưởng khó ngờ có tính toán! Vừa những kịch bản mang tính tình huống, vừa những kịch bản mang tính lâu dài đều bị chi phối bởi cái quy luật “quyền lực gọi thêm quyền lực”, mà quyền lực tuyệt đốithì lại càng phải lao tâm khổ tứ để làm sao thao túng được những người đều khát quyền lực như mình. Thì chẳng phải “sức mạnh và thế lực của sự chuyên quyền nằm cả trong nỗi sợ hãi bị chống đối” mà Thomas Paine, nhà triết học Pháp thời kỳ Khai Sáng đã chỉ ra rất sâu sắc đấy thôi!
Vả chăng, “đằng sau những mưu đồ lớn luôn ẩn chứa những tội ác lớn” mà “chuyên quyền là tội ác dài lâu”, điều mà Victor Hugo đã phân tích cặn kẽ trong tác phẩm bất hủ “Những người khốn khổ”. Ấy vậy mà thói đời vẫn thường là, người toan tính những mưu đồ lớn, tham vọng lớn cho mình lại hay lên giọng rao giảng đạo đức! Xin được nhắc lại rằng, cách đây 7 năm, khi nghe những lời rao giảng đạo đức ấy, tôi đã viết trên “Mênh mông thế sự” bài “Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động” dẫn lời của Marx phê phán Feuerbach, rồi sau đó một năm, trong Thư Ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng ngày 28.2.2013 tôi đã nhắc lại điều đó. Bảy năm trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu chỉ thị, biết mấy phong trào, kể sao xiết những lễ phát động, đạo đức vẫn tiếp tục suy thoái, đạo lý xã hội vẫn lao dốc không phanh mà chính ngài Tổng Chủ đã cảnh báo và hô hào phải chấn chỉnh!
Song le, điều cần làm nhất thì ngài lại lờ đi không chịu vạch ra nguyên nhân cơ bản nhất của suy thoái đạo đức là từ cái thể chế lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Tại sao?
Có nhiều lý do, song cái dễ thấy nhất, nếu làm thế là ngài tự phủ định chính mình. Nếu nói thêm cho cập nhật hơn vì ngài “tổng chủ” đã không hiểu nổi rằng, “khi luật pháp trở nên bạo ngược thì đạo đức bị buông thả, và ngược lại” mà tác giả của “Tấn trò đời” đã sâu sắc phân tích. Khi nêu lên hai mệnh đề mang tính cảnh báo vừa nêu, nhà văn hiện thực vĩ đại của Pháp thế kỷ 19 đã giúp chúng ta hiểu thấu đáo cái “tấn trò đời” đang hàng ngày hàng giờ phơi ra trước mắt chúng ta hôm nay, cách thời đại của Balzac ba thế kỷ!
“Jean Paul Sartre hỏi: Cuộc đời, cái ấy, nó là cái gì? Và Honoré de Balzac trả lời: “Là con số cộng những ngày, những tháng, những năm: Thứ hai, thứ ba, thứ tư... Tháng tư, tháng năm, tháng sáu... 1924, 1925, 1920... cái ấy, gọi là sống. Như một nhà luyện đan, Balzac biến những "hiện đại" hàng ngày, chán ngắt, vụn vặt, nhàm chán, thành một kho vàng, - kho vàng Tấn trò đời, thơ ca và kỳ ảo” (Đỗ Đức Hiểu). Ước gì chúng ta có một ngòi bút hiện thực kỳ ảo như Balzac để miêu tả cái “tấn trò đời” đang phủ vây quanh ta. Khó quá, vì với Balzac thì “tiểu thuyết” là "tiểu thuyết tuyệt đối", tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái "lực" của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời - không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh” như giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã phân tích cặn kẽ.
Bỗng bồi hồi nhớ lại người bạn vong niên mà tôi rất mực quý mến và kính trọng được thỉnh thoảng hầu chuyện ông, vì một thời gian dài ông cặm cụi ngồi viết trên một cái bàn gỗ ọp ẹp trong gian nhà cũng ọp ẹp như vậy cách gian phòng chín mét vuông tôi ở chỉ mấy bước chân.
Càng khó hơn nữa vì, theo Đỗ Đức Hiểu, “tiểu thuyết thường là sự tiếp diễn những ngẫu nhiên; nó đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác ...”. Vậy thì, “cái chung nhất, mẫu số chung, là cái gì? Có phải là sự xuất hiện cái tôi trăm sắc ngàn hương, cái "đa ngã"? Cái thế giới này cũng nhốn nháo, xáo động, sụp đổ, trỗi dậy, đắm chìm, im lặng, dìu dặt, bụi đời, sâu thẳm, ma quái, đau khổ..., ở những ngõ hẻm, quán cà phê, ngã ba đường, hòn đảo xa..., chẳng khác gì "thế giới nhân gian" của Balzac, có điều nó nằm ở "bên trong" con người hiện đại, - đó là cái tôi, cái tôi xã hội, cái tôi tâm linh, cái tôi độc thoại, cái tôi đối thoại, cái tôi cô đơn, cái tôi lạc loài, cái tôi niệm Phật, cái tôi chủ thể...” (Đỗ Đức Hiểu”). Làm cách nào để thấy được cái “nằm ở "bên trong" con người hiện đại – đó là cái tôi” mà ngòi bút viết tiểu thuyết cần có? Mà đâu phải chỉ ngòi bút viết tiểu thuyết. Trong cái thực trạng nhiễu nhương này, tôi muốn viết thêm rằng một nhà báo đích thực cũng rất cần và phải có “cái tôi xã hội” đó.
Vả chăng, “Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do, báo chí chỉ có thể là xấu”, đó là sự khẳng định tuyệt đối đúng của Albert Camus. Lời khẳng định ấy rọi chiếu vào sự tối tăm ngột ngạt của một xã hội đang chịu sự thao túng của thể chế toàn trị phản dân chủ như một đám mây đen kịt đang vần vũ trên bầu trời báo hiệu một cơn giông. Xã hội đang khao khát một cơn mưa để xua bớt đi những oi bức, ngột ngạt của một môi trường sống bị bao phủ bởi toàn những chuyện “nói vậy mà không phải vậy”. Để rồi, “người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối” (Nguyễn Khải).
Và rồi, cuộc sống phải tự mở đường đi cho mình. Những tiếng nói phản biện ngày càng phát triển tỷ lệ thuận với sự đe nẹt, đàn áp của nhà cầm quyền. Và rồi những tiếng nói của “Xã hội Dân sự” như nấm mọc sau cơn mưa không gì có thể vùi giập nổi. Không thể vùi giập, vì tiếng nói ấy đáp ứng đòi hỏi phải thực hiện và mở rộng dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Người ta cần nghe những tiếng nói trung thực và tỉnh táo giữa sự xô bồ, náo loạn trong buổi u u minh minh vào lúc tranh tối tranh sáng này, nhằm “góp phần nuôi dưỡng khát vọng và nỗ lực vượt lên chính mình giữa một xã hội nhiễu loạn đầy rẫy sự phi lý” mà Camus từng can đảm mổ xẻ và chiến đấu để vượt qua. Tiếng nói phản biện đang cần như một cơ thể sống đang chết ngạt cần không khí, còn xã hội thì ngột ngạt vì thiếu thông tin! Vậy mà, thông tin được hay không được lưu thông tự do trong xã hội là chỉ báo rõ nhất của một xã hội dân chủ khi mà người ta luôn cao đàm khoát luận đang xây dựng xã hội dân chủ công bằng và văn minh!
Chỉ cần nêu lên một con số là hiểu ra ngay điều ấy: Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, Việt Nam hiện đứng thứ 176 trong danh sách 180 nước được xếp hạng! Thực trạng ấy cho thấy, những trang phản biện đưa những thông tin đang bị bưng bít hoặc được đẽo gọt sao cho vừa lòng với một nhóm quyền lực đang khuynh loát mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là đang kiểm soát chặt chẽ đời sống tinh thần của con người, trước hết là một bộ phận trong tầng lớp trí thức và lớp trẻ có lương tri không chịu ngoan ngoãn cúi đầu tuân phục bạo quyền và sự lừa bịp, là một đòi hỏi mãnh liệt của đời sống con người trong xã hội. Và vì vậy, một bộ phận trong nhóm quyền lực chóp bu quyết phải dập tắt.
Sự kiện kỷ luật nhà trí thức Chu Hảo vừa rồi nói lên khá rõ sự hoảng hốt bất an của bộ máy cai trị khi họ cảm nhận được cái chân móng của hệ thống quyền lực thống trị bị lung lay. Chẳng lạ khi ngài “Tổng Chủ” phải dằn mặt trí thức trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 24.11.2018: “ nếu cậy mình thế này thế nọ, là công thần rồi phê phán hết cả, thì chế độ này sẽ ra sao? Chính trị suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”.
Cái khái niệm “suy thoái chính trị” được ban ra vừa mơ hồ vừa hàm hồ, nhưng có lẽ cái cốt lõi của nó phải chăng là “phê phán hết cả”, điều mà ngài “Tổng Chủ” sợ nhất.
Nhưng thưa với ngài tiến sĩ xây dựng đảng kiên định chủ nghĩa Mác Lê, điều ngài sợ nhất đó chính là điều Marx đòi hỏi. Theo Marx, người trí thức là người biết và dám “phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu. Không xót thương theo nghĩa là sự phê phán đó sẽ không lùi bước trước những kết luận của chính nó. Và theo nghĩa là nó cũng không sợ đụng chạm với bất cứ thứ quyền lực hiện tồn nào”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì câu ấy Marx viết trong lá thư gửi Arnold Ruge, một nhà cách mạng Đức, cùng trong ban biên tập của một tờ báo có trụ sở ở Paris dự định cùng xuất bản cuốn “Biên niên sử Đức-Pháp”.
“Không sợ đụng chạm với bất cứ thứ quyền lực hiện tồn nào”, đó là điều mà mọi kẻ độc tài muốn duy trì quyền lực mà chúng cưỡng chiếm được đều khao khát bóp chết ngay từ trong trứng! Tôi thì có thể nhớ nhầm, nhưng ông Trọng thì quyết không nhớ tuy có thể ông có đọc và hiểu được câu này (điều này thì tôi vẫn lấy làm ngờ, nhưng cứ cho là thế đi) vì ông rất kiên trì chủ nghĩa Mác Lê. Ông chỉ cần đến dăm câu ba điều của Marx để dùng nó làm bùa hộ mệnh để ông giữ cái ghế quyền lực đang rệu rã, chứ những ý tưởng sâu sắc và giàu chất trí tuệ và tính nhân văn của Marx như câu vừa dẫn, thì ông phải tránh xa như cú sợ ánh sáng. Ông chỉchọn những tư tưởng sai lầm của Marx, đặc biệt là những sai lầm đó đã được làm đậm nét thêm qua lăng kính độc tài của Staline rồi khi chuyển sang phương Đông với Mao từng duy trì quan điểm “trí thức là cục phân” và “chính quyền đẻ ra từ họng súng” thì mới thích hợp với cái mô hình toàn trị phản dân chủ đang ngự trị ở nước ta hôm nay. Mà xem ra cái vốn tri thức của chuyên ngành xây dựng đảng được học qua phiên dịch cũng chỉ có thể hiểu dăm câu ba điều ấy đủ dùng để rao giảng cho đám thần dân mà đảng của ông độc quyền cai trị. Không thể nào khác, như đã phân tích, “chính nhà nước sói cần phải có xã hội cừu mới tồn tại nỗi”. Đấy là chưa nói đến cái mặc cảm cá nhân của người biết quá rõ quá trình đào tạo, cái bệ phóng cho con đường tiến thân, leo lên cái ghế cao ngất ngưỡng khiến không thể không xa lánh trí thức, dè chừng trí thức.
Vả chăng, quyền lực đẻ ra sở hữu, có quyền sẽ có tiền, một khi quyền lực gắn liền với lợi ích thì quyền lực gọi thêm quyền lực.Mà “quyền lực tuyệt đối thì cũng dẫn đến sự tham nhũng tuyệt đối” như Lord Acton đã chỉ ra (Absolute power corrupts absolutely”). Có lẽ cũng nên lưu ý, từ “corrupts” trong tiếng Anh có thể dịch là “tha hóa” (như Phạm Nguyên Trường trong bản dịch “Quyền lực làm con người tha hóa” của Powell, nhưng cũng có thể dịch là “tham nhũng” như Nguyễn Quang Dy trong bài “Kiểm soát quyền lực hay tranh giành quyền lực”). Khát quyền lực là động lực mãnh liệt của những người trong bộ máy cầm quyền đang muốn ngoi lên. Cơn khát ấy là triền miên không sao dứt được, dù cho có phải giải khát bằng thuốc độc trong quá trình sản sinh ra một giai cấp mới.
Giai cấp mới ấy, như Milovan Dijlas, tác giả của cuốn sách cùng tên, đã rành rọt chỉ ra: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển… khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước… đối với những người cầm đầu giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”! Vấn đề này tôi đã có dịp nói đến trong cuốn sách “Cảm nhận và Suy tư”, trang144.
Khi ông Trọng phủ dụ “không lấy người chạy chức chạy quyền. Chạy là phải loại ngay. Cần gì phải chạy? Mình thế nào, dân biết cả, hữu xạ tự nhiên hương”, ông ta đã cố lờ đi quy luật nghiệt ngã của “quyền lực gọi thêm quyền lực” sẽ “càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ mình” những kẻ cùng hội cùng thuyền với chúng! Cũng theo quy luật đó, để duy trì vai trò quyền uy của mình, một quyền uy đã bị suy sụp, mất lòng tin của dân, không tìm được sự hậu thuẫn của dân, thì phải dùng bạo lực để trấn áp và dối trá để lừa mị dân. Những lời buột miệng nói ra, chứ không phải là những bài viết sẵn được đám cận thần và thư ký chăm chút đẽo gọt, thường nói đúng hơn ý nghĩ thật, tâm trạng thật, dã tâm thật, mà dân gian gọi nôm na là “tim đen” ấy, đã lột tả đúng cái “bản lai diện mục” mà công chúng đã tỏ tường. Điều này thì từ thời cổ đại, cụ Khổng đã nghiêm khắc dạy học trò “ngu nhi hảo tự dụng, tiện như hảo tự chuyên, như thử giả tại cấp kỳ thân giả dã” (kẻ ngu thích tự ý làm gì thì làm, kẻ thấp kém lại thích chuyên quyền, như thế là tự chuốc hoạ vào thân)!
Tuy biết chắc rằng đám mây đen đang phủ kín kia sẽ không thể che nổi tia sáng mặt trời, nhưng còn gắng gượng chút nào hay chút ấy, phải bằng mọi cách: trấn áp bằng bạo lực, bằng lừa mị, bằng dối trá, những thủ đoạn quen thuộc của mọi thể chế độc tài! Điều này chẳng có gì ngạc nhiên, khỏi phải dẫn giải nhiều, chỉ cần đưa ra cái gọi là "Thuyết nói dối lớn" của Hitler, một dẫn chứng điển hình, cũng là bài học đau đớn cho dân tộc Đức và cho cả nhân loại. Với Hitler, lời nói dối như thế nào không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao để người ta sẽ tin vào điều đó. Bằng cách kiên trì thực hiện theo phương châm "Mọi lời nói dối dù lớn hay nhỏ, sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho tới khi mọi người tin điều đó”. Thậm chí Goebbels còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố rằng “một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý”! Chẳng những thế viên Bộ trưởng tuyên truyền, cánh tay phải của Hitler còn tin chắc rằng “Những lời dối trá cực kỳ hoang đường thường vẫn mang đến hiệu quả cao, ngay cả sau khi nó bị phanh phui”. Vì rằng, lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp đi giày! Mà mọi thể chế độc tài có thể làm được điều đó là vì, như Voltaire đã từng chua chát và xót xa cảnh báo: “rất khó để giải phóng những kẻ dốt nát ra khỏi thứ xiềng xích mà họ tôn thờ”. Để bẻ gãy những xiềng xích đó thì phải chống lại sự dốt nát bằng tạo ra những tiền đề thúc đẩy “sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra: sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập, không cần sự chỉ đạo của người khác” mà thời đại Khai Sáng đã mở ra. Trong hiện tình đất nước ta hiện nay, thì thực hiện được sự “Khai Sáng” đó đương nhiên là rất khó.
Cái khó lớn nhất không gì khác là sự bưng bít thông tin, đưa thông tin một chiều và bị bóp méo, bị bẻ queo theo toan tính của những mưu toan chính trị của thế lực đang thao túng bộ máy cầm quyền. Họ luôn phải che dấu sự thật nên không thể công khai minh bạch trong mọi quyết sách có liên hệ trực tiếp đến quốc kế dân sinh, đến cuộc sống và thân phận con người trong xã hội. Tuy nhiên, xã hội vốn có nội lực tự thân và nội lực đó thúc đẩy sự vận động vượt qua mọi rào cản của bạo lực và lừa mỵ, bởi lẽ “người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc”, ý tưởng sáng láng ấy của Abraham Lincoln đang hiện diện sống động trong xã hội ta hôm nay.
Khi mà một đất nước có dân số xấp xỉ 95 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, trong đó tỷ lệ sử dụng Internet là hơn 60% thì sẽ có nhiều điều mà thể chế toàn trị phản dân chủ không thể lường hết được. Từ việc đứng thứ 16 thế giới về số lượng người sử dụng Internet với thời gian gần 7 tiếng/ngày cho thấy sự phá sản của kế sách bưng bít thông tin, chỉ đưa thông tin một chiều, đẽo gọt, bóp méo thông tin nhằm phục vụ cho những toan tính mờ ám là điều nhất định sẽ đến. Xin được nói thêm một câu với những người kiên định lập trường Mác Lê thường sính trích dẫn từ các giáo trình của các trường Đảng về một khẳng định của Marx: “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó… Một khi cuộc sống đã vượt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối” (C. Mác và Ph. Angghen Toàn tập. NXBCTQG, tập XXIII, 1993, tr. 34).
Hãy nghĩ về một “giai đoạn khác”, giai đoạn “bắt đầu bị những quy luật khác chi phối”. Hiện tượng mạng lưới thông tin trên các trang mạng không phải của “nhà nước” mà là của những cá nhân, những nhóm, những cộng đồng được gọi chung là “Xã hội Dân sự” đang hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ như nấm mọc sau cơn mưa là một biểu hiện của việc “bước sang giai đoạn khác” rồi đấy. Đó cũng là lý do mà xã hội nhìn nhận và đánh giá cao mục tiêu: “Khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người" của trang web “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh với tên gọi là “Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ” ra đời ngày 9.9.2007 bên cạnh đó là các trang “Việt sử ký” hay “Chép sử Việt”. Chế độ toàn trị phản dân chủ làm sao chịu để yên cho những người “can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình” mà “không cần sự chỉ đạo của người khác”! Phải dập tắt ngay những tiếng nói phản biện, phải dằn mặt một trang tin có dấu ấn “khai dân trí” rất rõ ràng đã công khai tuyên ngôn! Bắt bỏ tù Ba Sam Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, bà Nguyễn thị Minh Thúy, người trực tiếp quản lý trang “anhbasam” từ năm 2012 là chuyện đương nhiên. Những phiên toà với bản án bỏ túi nhằm dằn mặt những ai dám hướng tới phương châm của thời đại Khai Sáng “Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình” để vượt qua “thời kỳ đen tối (Dark Ages)” của thế kỷ 21. Vậy mà, đất nước này, dân tộc này đã từng có Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 mở đầu với những câu bất hủ trong Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of rights) và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp!
Bình thản và tự tin, Anh Ba Sàm bước ra khỏi nhà tù. Thậm chí anh còn cám ơn nhà tù. Anh giải thích: “Tôi cám ơn vì chính họ đã giúp tôi hiểu những hiện tượng sai phạm về pháp luật, vô nguyên tắc và tệ hại trong quá trình tố tụng, tạm giam cũng như giai đọan thi hành án”. Và anh “muốn tất cả những chuyện này phải đi vào lịch sử, và nếu thuận lợi thì nó phải sớm được đưa ra công luận để giúp cho những người đấu tranh dân chủ”! Ba Sàm là minh chứng sống động và đầy thuyết phục điều mang tính chân lý mà ông cha ta xưa thường dẫn ra theo lời Khổng Tử: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, trước hết phải làm điều mình nói sau đó mới nói ra.
Tuy nhiên, chớ nghĩ rằng mọi người đều có thể hiểu được những điều tưởng như quá đơn giản đó. Nói thế nào để người nghe tự chiêm nghiệm, để rồi biến những chiêm nghiệm đó thành sự hiểu biết của chính mình. Đấy là cái mà chúng ta hướng tới. Tôi thấm thía điều này trong cái nghiệp cầm bút của mình. Càng thấm thía hơn khi nhớ đến lời tự bạch của Albert Camus “Những người hy sinh cho lý tưởng, bạn ơi, phải chọn giữa bị lãng quên, bị nhạo báng hoặc bị lợi dụng. Còn để được hiểu ư - không bao giờ”. Bỗng nhiên, tôi nghĩ đến hình tượng con chim báo bão của Gorki đang chao lượn “tựa hồ như một ánh chớp đen như mũi tên xuyên thẳng vào mây bão… Trong tiếng sấm gầm giận dữ, chim tinh ý đã từ lâu nghe ra những âm thanh mệt mỏi, chim biết chắc mây đen sẽ không che nổi ánh mặt trời, không bao giờ che nổi! ...Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên” (M. Gorki. “Bài ca chim báo bão”).
Xin kết thúc bài viết này bằng một mong mỏi khi không có hy vọng, bổn phận ta là phải sáng tạo ra nó.
Ngày 16.5.2019
T. L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.