Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Hà Nam: SƠN ĐÌNH ĐỎ CHOÉT, MẤT CỔ VẬT QUÝ

Hà Nam: SƠN ĐÌNH ĐỎ CHOÉT, MẤT CỔ VẬT QUÝ

Đình Văn Xá. Ảnh: Hiếu Trần 

Đình Văn Xá bị sơn đỏ choét, mất khay thờ tiền tỉ

Trinh Nguyễn
Theo GS Trần Lâm Biền, khay thờ thời Mạc ở đình Văn Xá (Hà Nam) có giá trị tiền tỉ nếu mang đấu giá đã bị mất. Chưa hết, đình cũng bị sơn đỏ choét như... thịt quay.

Mất “hiện vật đẹp nhất, quý nhất” 
GS Trần Lâm Biền đã rất hào hứng khi đưa đoàn cán bộ Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đến di tích quốc gia đình Văn Xá (H.Lý Nhân, Hà Nam) vào ngày 25.5, với mong muốn sẽ được ngắm chiếc khay thờ quý giá tại đây. Nhưng điều đó đã không thể thực hiện. “Tôi mới đi hôm qua (25.5) với Trường ĐH Mỹ thuật để giới thiệu cho anh em ở trường thấy một hiện vật cực đẹp như thế, nhưng cuối cùng không thấy đâu cả. Các cụ bảo vẫn để ở đây nhưng không thấy nữa, tức là mất, chứ không phải cất đi mà không ai biết. Ông từ ở đó không biết thì chả ai biết”, chuyên gia di sản văn hóa này nói. Ông Biền là người đã đưa hình ảnh của chiếc khay thờ này vào cuốn sách Đồ thờ trong di tích của người Việt của ông.

“Trong cuốn sách, vì sao tôi lại chọn khay đó mà không chọn khay khác ở di tích khác để đưa vào? Cái khay ấy về kỹ thuật rất cao, nghệ thuật rất cao, niên đại là sớm nhất trong số các khay gỗ tương đồng. Niên đại từ thời Mạc. Không có cái nào cao hơn cái đó về niên đại”, GS Biền nói và nhấn mạnh: “Nó hoàn toàn xứng đáng là bảo vật quốc gia. Cái đó đem bán đấu giá là tiền tỉ đấy. Cái bậy nhất là hiện vật đẹp nhất nước, quý nhất thì họ đánh mất rồi. Họ để mất cắp rồi mà mọi người cứ dửng dưng như không. Đó là cái đau”. 

.
Khay thờ quý thời Mạc của đình Văn Xá nay không còn 
Ảnh: Hoài Nam 

Ngay lập tức, lời kêu gọi tìm kiếm cũng được một số nhà nghiên cứu di sản đưa ra trên trang cá nhân và trong một số nhóm yêu di sản. “Về khay gỗ bị mất ở đình Văn Xá, khi đăng ảnh hiện vật thuộc hàng quý hiếm, anh em chúng tôi đều bảo nhau giấu địa chỉ, đề phòng mất cắp. Nhưng nay chúng tôi đăng ảnh chi tiết để giúp cho bên điều tra có căn cứ tìm manh mối, đồng thời để ai có ý định tiêu thụ đồ gian thì hãy coi chừng. Nó là hiện vật độc bản, duy nhất trong giai đoạn ấy còn tồn tại đến nay, không chỉ ở Hà Nam mà còn ở cả VN. Nó cũng thể hiện trình độ tạo tác siêu đẳng của các cụ nhà ta”, ông Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Di sản VN, chia sẻ trên các nhóm để tìm kiếm. 

Sơn đình “đỏ như miếng thịt lợn quay” 

Không chỉ mất đồ thờ quý, bản thân ngôi đình cũng bị sơn đỏ làm cho biến dạng. TS Trần Hậu Yên Thế, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, chia sẻ những hình ảnh bên trong đình bị sơn đỏ choét. “Đình làng đang đẹp là thế, bỗng một ngày đem sơn đỏ choe choét thế này. Đỏ như miếng thịt lợn quay, đau lắm thay”, ông Thế không giấu nổi sự thất vọng. 

.


Hoa văn điêu khắc của đình Văn Xá trước và sau khi bị sơn đỏ 
Ảnh: Hiếu Trần - thế trần 

Trong khi đó, đình Văn Xá vốn là một ngôi đình quý, được xếp hạng di tích quốc gia từ rất sớm. Những hình ảnh của đình cũng đã xuất hiện trong cuốn sách Kiến trúc đình làng qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích. Những ngôi đình được đưa vào sách đều có giá trị về kiến trúc. Trong cuốn sách này, đình Văn Xá được ghi nhận về những giá trị trang trí điêu khắc nổi bật. Theo đó, “hầu hết các cấu kiện gỗ, trừ các cột, đều có trang trí... Các trang trí được đục chạm rất kỹ bằng nhiều kỹ thuật: chạm kênh bong, chạm nổi và chạm lộng... Tập trung nhiều nhất là các đề tài linh thú, biểu tượng tự nhiên, hoa lá”. Giờ đây, với cách sơn đỏ này, không thể nhận diện được các trang trí đã được mô tả. Ngắm những hình ảnh trước và sau khi sơn của đình mà không khỏi cảm thấy xót xa!

Về việc sơn đỏ và mất cắp đồ thờ tại đình, GS Trần Lâm Biền nói: “Việc sơn thì đúng là sơn bằng sự thiếu hiểu biết. Cái mất thì một đi không trở lại là một sự đau xót”. Trong khi đó, ngày 26.5, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Nam, cho biết: “Chúng tôi cũng chưa rõ sự việc. Chúng tôi sẽ xem lại vào đầu tuần”. 

1 nhận xét :

  1. Cần phải tập huấn , trang bị kiến thức về văn hóa , về lịch sử cho cán bộ từ cấp xã , phường trở lên . Với lại , hình như ở ta có chuyện coi nhẹ công tác văn hóa vì coi là không phải chuyện cơm áo thiết thực ! ! !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.