Tản mạn chuyện biểu tình
21-6-2018
Cả đời mình chưa bao giờ tham gia biểu tình mà cũng chưa bao giờ rủ rê (xúi dục?) ai biểu tình. Ở Berlin, hội cờ vàng cờ đỏ của người Việt tổ chức biểu tình suốt. Biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam, biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc, biểu tình chống Formosa, biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển Đông, biểu tình chống gián điệp Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, biểu tình chống đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam… Chưa bao giờ mình xuống đường cùng đồng hương. Bị người quen hỏi tới, mình chỉ nhăn răng cười. Có nhiều lý do để mình không tham gia lắm, nào là bận đi chợ, nào là bận đánh tennis, nào là không biết tổ chức biểu tình chỗ mô, nào là không có ai kêu điện thoại rủ đi… Ai nghe mình viện lý do vắng mặt, cũng gật đầu thông cảm. Dân chủ tự do mà, ai thích thì tham gia, ai không thích thì thôi. Làm gì có chuyện chửi nhau là phản động hay lên án người khác là không yêu nước.
Biểu tình ở Berlin thì ôn hòa lắm. Chỉ cần báo cho chính quyền biết sẽ biểu tình chỗ nào, tụ tập khoảng bao nhiêu người thì sẽ được chính quyền hỗ trợ. Cảnh sát sẽ cho xe đến vây khu vực biểu tình lại. Người biểu tình đứng đó trương cờ quạt biểu ngữ la hét thoải mái, chẳng có đứa nào dám xông vô quấy rầy. La khan cổ rồi rủ nhau đi uống bia giải khát. Bạn đi biểu tình về hân hoan kể: „Người gốc Nam chung tay giăng biểu ngữ với người gốc Bắc, không phân biệt gì nữa”. Mình gật đầu khen, quá tốt. Người Việt ở nước ngoài toàn biểu tình ôn hòa như vậy. Chẳng biết cái bạo động trong nước từ đâu ra mà cứ đổ vấy sang nước ngoài.
Không chỉ riêng cộng đồng người Việt hay tổ chức biểu tình. Ở Berlin nói chung tháng nào cũng có biểu tình. Biểu tình của người Palestine, biểu tình của người Kurden, biểu tình của người đồng tình luyến ái, biểu tình của hội bảo vệ súc vật, biểu tình chống khủng bố, biểu tình chống Đảng AfD, biểu tình chống luật tị nạn của chính phủ… Chẳng thấy ai chửi người biểu tình là phản động. Chẳng thấy báo chí Đức hốt hoảng kêu gọi người biểu tình hãy sáng suốt, đừng để kẻ xấu xúi giục xuống đường. Người biểu tình ở Đức trên 18 tuổi cả, cái tuổi bầu ra chính phủ, cái tuổi hạ bệ đảng cầm quyền. Họ có phải là con nít đâu mà không ý thức mình đi đâu, đứng đâu, tay vác cái gì. Chỉ có tư duy „đứa trẻ bốn ngàn năm còn bú mớm“ mới dám giáo dục nhân dân, dạy bảo nhân dân.
Tháng trước, ngay chỗ mình làm việc (Adenauerplatz) có cuộc biểu tình chống kỳ thị Do Thái. Chuyện rất cũ. Cho dù nước Đức đã khóc hết nước mắt hối hận, đã xây bao nhiêu đài tưởng niệm người Do Thái, cho dù chính phủ đã truy trả hết tiền vốn tiền lời cho con cháu các nhà kinh doanh Do Thái bị giết trong trại tập trung, nhưng người Do Thái vẫn biểu tình. Vì họ thấy họ vẫn bị xem là người Do Thái! Và năm nào họ cũng chọn địa điểm biểu tình ngay trung tâm phố. Cả một đoạn đường chính mạch bị chặn lại cho một nhóm biểu tình trên dưới 100 người. Tình trạng kẹt xe kinh hoàng xảy ra, nhưng không thấy ai chửi rủa người biểu tình. Người ta chỉ bày tỏ sự tôn trọng tuyệt đối.
Chỉ trừ một thằng Đức nhà ở tầng 5 (ngay phía trên tòa nhà Sparkasse, ai ở Berlin thì biết). Nó đi làm ca đêm về nghe mấy cái loa biểu tình la inh ỏi quá, không ngủ được, tức mình nó liệng luôn chai bia qua cửa sổ. Không ngờ chai bia oan nghiệt đó rơi ngay một bà đi đường, làm bên má của bà bị thương (may mà không bể đầu). Cảnh sát đang bảo vệ đoàn biểu tình lập tức phong tỏa khu nhà, kêu thêm 4 xe cảnh sát đặc nhiệm đến. Người theo ngõ cầu thang lên, người leo mái nhà chuyền sang, như Spider – man. Hai mươi CS xông lên tận tầng 5 bắt sống thằng tội phạm.
Lúc đó là giờ mình nghỉ trưa, đi ra phố mua bánh mì. Lần đầu tiên mình thấy biểu tình ở Berlin mà ầm ĩ, có lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, xe cứu thương, bác sĩ chạy rần rần. Sau đó là cảnh người ta dìu bà già băng bó ra xe cứu thương. Thật tình mình rất khiếp hãi. Mình tưởng có bạo động gì ghê gớm lắm, suýt nữa mình nhịn đói vì không dám chen chân qua đội cảnh sát đến tiệm bánh mì. May mà có một em cảnh sát thấy mình đứng xớ rớ gần đó, em vẫy tay ra hiệu an toàn để mình yên tâm đi qua.
Từ năm 1992 – 2016 mình sống ở quận Tiergarten, ngay tâm điểm của những cuộc biểu tình. Kẹt xe, tắc đường là những yếu tố thuộc về cuộc sống thường nhật của các gia đình sống ở quận trung tâm thành phố.
Một lần, mình bị kẹt xe vì cuộc biểu tình rất nhỏ của những người Á Châu có khuôn mặt và vóc dáng khắc khổ. Có khoảng hai mươi người, lặng lẽ kéo nhau đi, không la lối, không kêu gào. Chỉ im lặng giữa đoàn cảnh sát bảo vệ. Khi nhìn tấm hình họ cầm trên tay, mình mới nhận ra: Đức Dalai Lama. Đó là những người Tây Tạng lưu vong. Mình lật đật xuống xe, chạy tới bắt tay người đàn ông già nua ôm khư khư tấm hình Đức Dalai Lama trước ngực. Ông ta nắm chặt tay mình và chảy nước mắt. Giọt nước mắt của những con người khốn khổ bị ngoại bang cướp đất, bị đàn áp dã man mà vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách đấu tranh bất bạo động. Mình cũng khóc. Người đi đường vây lại chụp hình mình và ông già, nhiều người cũng đưa tay chùi nước mắt. Anh cảnh sát trẻ người Đức đứng bên cạnh ông già Tây Tạng lặng lẽ quay mặt đi giấu cặp mắt đỏ hoe. Ở một thời điểm xuống đường, sự cảm thông giữa người biểu tình và người chứng kiến là bất tuyệt. Khi đó mình và nhiều người cùng nghĩ, biểu tình là một hành động bày tỏ chính kiến cao cả và thấm đẫm tình người.
Vậy ở Đức có biểu tình bạo động không?
Có!
Năm nào cũng có một vụ biểu tình bạo động rất lớn trên toàn quốc, nhằm vào ngày 1 tháng 5. Ở thủ đô Berlin, trung tâm cuộc biểu tình nằm ngay quận Kreuzberg. Bạo động dữ dội. Đốt xe, đốt nhà, phá quán hàng, đập cửa kính, đánh nhau đổ máu với cảnh sát… Ý nghĩa cuộc biểu tình là chống lại chủ nghĩa tư bản và bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng trên thực tế chỉ là tụ tập khiêu khích đánh nhau với cảnh sát.
Ai đứng sau cuộc biểu tình đầy bạo lực này? Xin thưa: thành phần cực tả Linksextremisten. Bọn cực tả này chính là hậu duệ Đảng Cộng Sản Đức, Kommunistische Partei Deutschlands.
Vậy dân chúng xứ tư bản nói gì về chuyện biểu tình bạo động hàng năm của người cộng sản? Chẳng nói gì! Đứa nào thích biểu tình thì cứ biểu tình. Người cộng sản cũng có tiếng nói và có mọi quyền lợi của một con người.
Vậy có bắt bớ hay không?
Có!
Bắt bớ trong khuôn khổ luật pháp. Biểu tình ôn hòa thì tuyệt đối không có lý do gì để bắt. Nhưng bạo động phá hoại có chủ đích sẽ bị bắt giữ theo luật pháp. Kẻ bị bắt giữ phải được đối xử theo đúng luật: “Phải được giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiếp theo hoặc, nếu luật giam giữ đã bị bãi bỏ, thì phải được trả tự do. Cơ quan có thẩm quyền phải thẩm vấn người bị giam giữ ngay lập tức, nhưng không quá 24 giờ sau khi tiếp nhận. Ngoài thời gian này, việc giam giữ cho mục đích sử phạt hành chính là không hợp lệ.” “Các thương tích về thể xác của người bị bắt chỉ được xem là hợp lý, khi chúng liên quan đến hành động cưỡng chế và chỉ được phép giới hạn ở mức độ tối thiểu.” Nghĩa là, người biểu tình mang tính chất phá hoại chỉ bị bắt giam trong vòng 24 giờ và khi họ đã bị khống chế rồi thì không được phép đánh đập họ nữa.
Người dân sống ở khu vực biểu tình nói gì? Chẳng nói gì nhiều, ngoài chuyện ca cẩm vặt vãnh: bọn biểu tình đái bậy khai um cả phố, mấy đứa con gái không mang biểu ngữ mà toàn tuột quần la ầm ĩ.
Còn xe cộ, hàng quán bị phá hủy? Có đóng bảo hiểm cả. Bảo hiểm thường phải trả cao hơn giá trị thực sự của tài sản bị hủy hoại. Người nào không thích chờ tiền bảo hiểm, trước ngày biểu tình chịu khó mang xe đi đậu chỗ khác.
Người nào không thích ồn ào thì dọn đi ở chỗ khác.
Người nào không thích kẹt xe, chịu khó chạy vòng đường khác.
Nếu 1 tháng 5 cộng sản thôi biểu tình, người dân sẽ thấy lạ.
Biểu tình là một phần đời sống người dân Đức, và là quyền lợi của mọi người.
Mình tào lao chuyện xứ Đức để thấy chuyện xứ mình kỳ dị. Mới nghe chữ biểu tình mà mấy mẹ la hoảng lên như nghe tin chồng dẫn gái đ. về nhà. Mới nghe cộng đồng mạng kêu gọi lòng yêu nước mà chính quyền đưa hàng loạt dư luận viên ra bôi nhọ vu khống đầu độc.
Mới thấy người dân cầm biểu ngữ xuống đường mà hàng đoàn, hàng lũ cảnh sát, quân đội trang bị vũ khí tận răng tràn tới bủa vây, bắt bớ, đánh đập.
Mình nói thật với bạn. Nếu bạn không thích, mình cũng nghĩ: bạn đừng tham gia biểu tình. Ở Việt Nam biểu tình nguy hiểm lắm. Nhưng nếu bạn muốn tham gia, mình cũng không ủng hộ mà cũng không phản đối. Mình chỉ lo âu hỏi bạn: „Có nghĩ kỹ chưa?“
Mình lên facebook chỉ muốn nhìn thấy bạn áo quần là lượt phấn son mượt mà, không muốn thấy video cảnh bạn bị cảnh sát cơ động đánh sức đầu sức trán, lôi xềnh xệch trên đường như lôi súc vật. Mình về VN cũng chỉ muốn đi ăn phở với bạn, không muốn vô nhà thương thăm bạn bị gãy xương sườn, tụ máu não.
Tuổi tụi mình trên 50, dưới 60 cả. Cái tuổi bắt đầu làm bà ngoại bà nội rồi, xuống đường bị cảnh sát xô vài cái là nằm liệt giường. Thời của tụi mình qua rồi, bạn à. Tuổi trẻ của tụi mình đã mất trong im lặng. Mình sống cho hết cái phần đời câm lặng của mình thôi.
Chỉ có điều, nếu con cháu nó làm khác đi, mình cũng đừng chửi nó. Nó khinh mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.