Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Đối thoại Shangri-La 2018: Việt Nam có dám phản ứng Trung Quốc?

Đối thoại Shangri-La 2018: Việt Nam có dám phản ứng Trung Quốc?

Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Ngô Xuân Lịch sẽ nói gì? Hay cũng phát biểu vô thưởng vô phạt và hèn nhát như người tiền nhiệm là Phùng Quang Thanh vào năm 2014?
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore từ ngày 31/5 đến 3/6 năm 2018.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ có ‘bài phát biểu quan trọng’ và các cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước Shangri-La lần thứ 17, diễn ra trong bối cảnh chính thể độc đảng ở Việt Nam bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc siết bức không mấy kém thua vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014.
Tại Đối thoại Shangri-La vào tháng Sáu năm 2014, nghĩa là ngay trong thời điểm vụ Hải Dương 981, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vẫn ‘nói như vẹt’ tại diễn đàn rằng việc đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế là giải pháp cuối cùng và vẫn ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Giữa năm 2014, chính giàn khoan này đã gây ra một cú sốc ghê gớm đối với chính thể Hà Nội và khiến người dân Việt sôi máu căm phẫn. Hình ảnh ngự trị của nó suốt gần ba tháng trên Biển Đông đã làm bùng nổ một cuộc biểu tình lên tới hàng chục ngàn người ở Sài Gòn – vừa chống Trung Quốc vừa phản ứng với tư thế gập lưng sát đất của chính quyền Việt Nam. Nhưng trong lúc đó, Quốc hội đầy rẫy ‘nghị gật’ của Việt Nam lại không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông.
Tướng Lịch sẽ nói gì và làm gì để gột rửa, dù chỉ là gột sơ vết dơ trên mặt, cái nỗi nhục của Việt Nam từ sau vụ tàu Bình Minh 2 bị tàu hải cảnh Trung Quốc cắt cáp vào cuối năm 2011. Nhất là khi một chính thể được coi là chính danh nhưng lại bị dư luận lên án về hành động “người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đánh giặc miệng” và cái cách đóng kịch để xoa dịu lòng dân, thậm chí còn cho rằng chính thể Hà Nội “đi đêm” với Trung Quốc. Nếu Philippines và Indonesia mà còn dám tống giam tàu và người Trung Quốc, cơ chế “ngủ ngày” của hải quân Việt Nam là không thể chấp nhận được.
Ngô Xuân Lịch sẽ nói gì? Hay cũng phát biểu vô thưởng vô phạt và hèn nhát như người tiền nhiệm là Phùng Quang Thanh vào năm 2014? Ảnh: Zing.vn
Vào ngày hôm nay, Phùng Quang Thanh đã chính thức từ giã vũ đài chính trị. Thay thế ông ta là Ngô Xuân Lịch – một nhân vật chưa rõ quan điểm và hành động nhưng cũng chưa bị xem là kẻ quá nhu nhược và đớn hèn về “chuyện trong nhà” như tướng Thanh.
Nhưng cái khung cảnh ‘đồng chí tốt’ mà tướng Lịch phải đối mặt cũng rất dễ khiến cho những kẻ yếu bản lĩnh trở nên trụy tim.
Tháng Năm năm 2018, 14 du khách Trung Quốc – được chuẩn bị như một hành vi tập thể, có tổ chức – đã đồng loạt cởi áo ngoài để lộ hẳn áo thun nổi bật hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh – một vị trí nằm trọn trong tầm ngắm của giàn tên lửa của Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, nhiều tàu cá Việt Nam vẫn bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 (theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật “áo lưỡi bò” mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách “Ba không” của Việt Nam hầu như tê liệt.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” lại xuất hiện ở Việt Nam gần như trùng với một sự kiện được xem là “nhục quốc thể”: vào tháng Tư năm 2018, công ty khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – liên doanh với Vietsopetro của Việt Nam – đã lần thứ hai trong vòng 9 tháng phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính phía Đông Nam Việt Nam. Nguồn cơn của vụ rút lui này, dù không hề được giới tuyên giáo và báo đảng Việt Nam thông tin, nhưng ai cũng biết đó là do sức ép và đe dọa của Trung Quốc.
Với bản đồ mới nhất được Bắc Kinh tự vẽ, “đường lưỡi bò” liếm qua đến 67 lô dầu khí, tức gần như toàn bộ các vùng biển có trữ lượng dầu khí mà Việt Nam đã hợp tác với Tây Ban Nha để khai thác, và đang định hợp tác với những công ty dầu khí của Mỹ và Nga để khai thác, khiến chính thể Việt Nam mất ăn ngay trên vùng biển nhà.
Với chiến thuật áo “lưỡi bò,” hẳn là Bắc Kinh đã tính toán lấn từng bước và tự tạo hình ảnh “đường lưỡi bò” ngay trên lãnh thổ Việt Nam, ngay trước mũi các cơ quan bị xem là “cực kỳ vô trách nhiệm” của Việt Nam, và lâu dần sẽ khiến hình ảnh này trở nên bình thường hóa trong nhận thức và tâm lý của người dân, và khi đó sẽ là thành công của chủ trương “Hán hóa Việt Nam.”
Trong mối quan hệ với Hải Quân Hoa Kỳ, có một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Vậy Ngô Xuân Lịch sẽ nói gì tại Đối thoại Shangri-La 2018?
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.