“Minh bạch nút bấm”
2-6-2018
“Báo chí sẽ không được dự các phiên Quốc hội thảo luận, bỏ phiếu miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài chính mới, bỏ phiếu miễn nhiệm tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng và bầu tổng Kiểm toán Nhà nước mới; phiên Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các phiên thảo luận về vấn đề này. (Trích Tuổi Trẻ)
Và việc này được nhận xét rất sắc bén bởi ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: “Thông tin này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn bởi vì theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, “Quốc hội họp công khai” (điều 67), “đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội” (điều 70). Quốc hội chỉ họp kín trong một số trường hợp, thường là để bàn những việc liên quan đến bí mật quốc gia. Đây cũng là thông lệ ở các nước dân chủ vì dân chúng có quyền biết những người được mình ủy quyền đã bàn và quyết định như thế nào về những vấn đề quốc kế dân sinh.”
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã không có “thông lệ ở các nước dân chủ vì dân chúng có quyền biết những người được mình ủy quyền đã bàn và quyết định như thế nào về những vấn đề quốc kế dân sinh.”? Báo chí là cầu nối giữa Quốc hội và người dân. “Cắt” bớt sự có mặt của báo chí ở nghị trường, “cách ly” ĐBQH khỏi báo chí là điều rất không nên. Báo chí cần lên tiếng về điều này.
Nhưng có một câu hỏi khác nhức nhối hơn: không biết các ĐBQH khác nghĩ gì về hệ thống nút bấm biểu quyết của Quốc hội?
Con số trên bảng điện tử thể hiện chỉ là con số! Nó không thể hiện được nỗi trăn trở hoặc lạnh lùng của từng ĐBQH khi biểu quyết. Chỉ là thể hiện cơ học bao nhiêu ĐBQH đồng ý/không đồng ý/bỏ phiếu trắng (hoặc vắng mặt) trước khi ban bố một đạo luật nào đó.
Cách đây gần 8 năm, vào tháng 10/2010, iĐB Dương Trung Quốc đã đề nghị công khai danh tính của đại biểu khi bỏ phiếu.l tại phiên họp bàn về Luật Tổ chức Quốc hội. Lý do là:= “hiện chúng ta mới quan tâm tới trách nhiệm của đại biểu trong nhiệm kỳ mà quên rằng có những quyết định quan trọng thì đại biểu còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân và lịch sử. Khi quyết định về mực nước thủy điện Sơn La, tôi đã đề nghị đại biểu ký tên vào văn bản để sau này lịch sử phán xét, nếu mang lại lợi ích cho nước và dân thì anh sẽ được tôn vinh…”.
Tôi là một cử tri và tôi thực sự cần biết những ĐBQH nào sẽ bấm nút thông qua dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu. À, nếu khó quá thì đề nghị Quốc hội công khai danh sách ĐBQH nào không thông qua 2 luật này. Lịch sử cần sự sòng phẳng và tích “Thôi Trữ thích quân” (Thôi Trữ giết vua) là thứ nhắc nhở rằng bất kỳ lãnh đạo hay nhóm cầm quyền nào về sự thật.
“Công khai nút bấm” cũng là cách hạn chế… day dứt. Hai ĐBQH Võ Thị Dung, Trần Hoàng Ngân từng phát biểu trên báo chí rằng họ cảm thấy có lỗi và xấu hổ, mang nặng nỗi buồn và trách nhiệm vì từng bấm nút thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội và sau đó người lao động phản ứng rất mạnh với điều 60 của luật này.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói: “Quốc hội là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai!?” Nhưng liệu mọi cử tri ở Việt Nam muốn chọn người đại biểu của dân được không khi danh sách ứng cử ĐBQH tuyệt đại đa số là Đảng viên, cán bộ Nhà nước được giới thiệu. Hãy nhớ cách nhà báo Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi Hiệp thương lần 3 chốt danh sách ĐBQH ra sao…
Tòa nhà Quốc hội xây từ thuế dân, chi phí duy trì các tổ chức liên quan Quốc hội cũng từ thuế dân, mọi chi phí bầu cử và vận hành Quốc hội cũng từ thuế dân nốt. Vậy thì cần “minh bạch nút bấm” để dân biết ai chống lại nhân dân. À, nếu thấy khó quá thì đề nghị Quốc hội công khai danh sách ĐBQH nào vì dân cũng được.
Mà nếu vẫn thấy khó nữa thì công khai dùm dân các ĐBQH ngủ gật cũng được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.